Cần biên bản thỏa thuận giữa các bên phối hợp nếu liên kết tổ chức thi VSTEP

14/12/2024 06:25
Ngọc Huyền
0:00 / 0:00
0:00

GDVN-Cần có biên bản thỏa thuận giữa các bên để cùng phối hợp, nhằm đảm bảo tính minh bạch, công bằng trong việc chấm thi và cấp chứng chỉ của kỳ thi VSTEP.

Theo dự thảo thông tư thay thế Thông tư 23/2017/TT-BGDĐT về Quy chế thi đánh giá năng lực ngoại ngữ theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép đơn vị được tổ chức thi có thể liên kết với đơn vị khác, nếu đơn vị liên kết đáp ứng được các điều kiện theo quy định.

Tính đến tháng 11/2024, toàn quốc có 35 cơ sở giáo dục đại học được tổ chức thi đánh giá năng lực tiếng Anh theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam. [1]

Như vậy, nếu dự thảo được thông qua và áp dụng chính thức, sẽ giúp mở rộng quy mô tổ chức thi lên.

Liên kết tổ chức thi và cấp chứng chỉ giúp nhiều bên cùng có lợi

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Bá Tiến - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Vinh cho biết: “Hiện, cả nước chỉ có 35 đơn vị đủ điều kiện, được cấp phép tổ chức thi đánh giá năng lực tiếng Anh theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam. Việc cho phép liên kết tổ chức thi và cấp chứng chỉ ngoại ngữ sẽ đem đến những thuận lợi cho cả thí sinh và đơn vị tổ chức.

Cụ thể, thí sinh ở những địa phương chưa có đơn vị tổ chức thi và cấp chứng chỉ sẽ không cần đi đến tận điểm thi (của 35 đơn vị được tổ chức như hiện tại). Trong trường hợp đơn vị tổ chức thực hiện liên kết với một đơn vị khác tại địa phương, đáp ứng đủ tiêu chuẩn tổ chức, sẽ giúp thí sinh không phải di chuyển quá xa, tiết kiệm thời gian và chi phí”.

Trường Đại học Vinh là một trong những đơn vị đủ điều kiện và được phép tổ chức thi, cấp chứng chỉ ngoại ngữ theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc. Không chỉ thí sinh trong trường mà các thí sinh tự do (không phải sinh viên của trường) cũng có thể đăng ký thi. Dù được tham gia thi theo đúng nguyện vọng, nhưng không ít thí sinh vẫn phải di chuyển quãng đường xa đến địa điểm thi.

tran ba tien.jpeg
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Bá Tiến - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Vinh. Ảnh: NTCC.

“Đơn vị tổ chức sẽ cần liên kết với đơn vị khác trong trường hợp có nhiều thí sinh ở xa có nhu cầu thi chứng chỉ tiếng Anh. Đặc biệt là tại các tỉnh, thành phố chưa có cơ sở giáo dục đại học được phép tổ chức thi đánh giá năng lực ngoại ngữ theo quy định hiện hành.

Xu hướng tổ chức thi chứng chỉ ngoại ngữ tại quốc tế là dần mở rộng mạng lưới điểm thi về các địa phương, giúp đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng cao của người học ngoại ngữ. Việc cho phép liên kết tổ chức giúp chứng chỉ ngoại ngữ 6 bậc tại Việt Nam bắt kịp với xu hướng này”, vị Phó Hiệu trưởng nhấn mạnh.

Ngoài ra, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Bá Tiến cũng cho biết thêm, tới đây, khi dự thảo thông tư ban hành Quy chế về tổ chức thi và cấp chứng chỉ ngoại ngữ theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam được ban hành, đơn vị tổ chức thi cần đưa ra kế hoạch kiểm tra, đảm bảo chất lượng thi tại đơn vị liên kết.

Thầy Tiến khẳng định, trước khi ký hợp đồng liên kết, đơn vị tổ chức cần tiến hành kiểm tra cơ sở vật chất và các điều kiện liên quan khác trong thực tế, nếu đáp ứng nhu cầu, mới thực hiện liên kết tổ chức thi.

Không chỉ tạo thuận lợi cho thí sinh, việc liên kết tổ chức còn mở ra cơ hội cho nhiều cơ sở giáo dục đại học khác.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Quỳnh Yến - Giám đốc Trung tâm Khảo thí, Trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội) nhận định: “Việc cho phép các đơn vị được liên kết tổ chức thi và cấp chứng chỉ ngoại ngữ sẽ tạo cơ hội tốt cho các cơ sở giáo dục đại học mà hiện tại mới đảm bảo được một hoặc vài điều kiện theo quy định tại Tiêu chuẩn 2 (cơ sở vật chất), Tiêu chuẩn 3 (phần mềm tổ chức thi) và Tiêu chuẩn 4 (trang thông tin điện tử phục vụ công tác tổ chức thi) của Điều 4 dự thảo thông tư.

Cụ thể, những cơ sở giáo dục chưa đạt điều kiện tổ chức thi đánh giá năng lực ngoại ngữ riêng, giờ đây sẽ được các đơn vị tổ chức hỗ trợ rà soát, đánh giá cơ sở vật chất để đủ điều kiện trở thành đơn vị liên kết. Ngoài ra, các cơ sở giáo dục này sẽ được đồng tổ chức thi với các đơn vị có đủ năng lực chuyên môn, có thâm niên và nhiều kinh nghiệm khi tổ chức bài thi VSTEP”.

Theo đó, Tiến sĩ Nguyễn Thị Quỳnh Yến cho rằng, việc liên kết tổ chức thi sẽ mang lại nhiều thuận lợi cho cả đôi bên: Bên đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt đề án tổ chức thi sẽ gia tăng địa điểm tổ chức thi, tạo điều kiện cho thí sinh thêm cơ hội tham gia thi, mà không phải di chuyển quá xa, gây tốn kém chi phí cho đi lại, ăn ở. Bên đối tác (đơn vị liên kết) có thể học hỏi, thấu hiểu được các điều kiện đảm bảo thi đánh giá năng lực ngoại ngữ; tận dụng và tối ưu hóa được nguồn lực mình sẵn có như cơ sở vật chất, nhân lực.

“Theo tôi, với các cơ sở giáo dục còn thiếu và yếu về điều kiện theo tiêu chuẩn thì sẽ cần liên kết với các đơn vị khác để đồng tổ chức thi và cấp chứng chỉ.

Cụ thể, các đơn vị hạn chế về cơ sở vật chất như điều kiện phòng máy không đủ để đáp ứng hết số lượng thí sinh đăng ký dự thi; những đơn vị có đội ngũ chuyên môn còn “mỏng”, đặc biệt cán bộ ra đề thi hay cán bộ phân tích đề thi chưa xây dựng đủ số lượng theo yêu cầu,... sẽ cần liên kết tổ chức để gia tăng nguồn lực”, cô Yến phân tích.

Các tiêu chuẩn điều kiện liên kết giúp nâng cao chất lượng kỳ thi

Bên cạnh việc cho phép cơ sở giáo dục liên kết với đơn vị khác nhằm tổ chức thi, cấp chứng chỉ ngoại ngữ 6 bậc, dự thảo cũng đưa ra những điều kiện mà đơn vị liên kết phải đáp ứng.

Theo dự thảo, đơn vị liên kết phải đáp ứng tiêu chuẩn về cơ sở vật chất, phần mềm tổ chức thi và trang thông tin điện tử phục vụ công tác tổ chức. Đây là tiêu chuẩn chung mà cả đơn vị liên kết và đơn vị tổ chức đều phải tuân theo.

Ngoài ra, đơn vị liên kết chịu trách nhiệm bảo đảm đầy đủ các điều kiện theo tiêu chuẩn và chịu mọi trách nhiệm về quá trình tổ chức thi, chấm thi, cấp chứng chỉ. Việc tổ chức thi tại đơn vị liên kết phải bảo đảm đầy đủ các quy định như: việc tổ chức thi tại đơn vị được tổ chức thi; đơn vị tổ chức thi và đơn vị liên kết phải phân công rõ nghĩa vụ, quyền hạn của các bên liên quan trong quá trình liên kết.

Chia sẻ về điều này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Thị Hoàng Anh - Phó Giám đốc phụ trách Học viện Ngân hàng nhận định: “Việc liên kết tổ chức thi và cấp chứng chỉ ngoại ngữ sẽ giúp đơn vị tổ chức tăng cường uy tín, mở rộng phạm vi tiếp cận đến nhiều địa phương. Tuy nhiên, đơn vị tổ chức thi sẽ phải đưa ra kế hoạch kiểm tra, đảm bảo các tiêu chuẩn tại tất cả các điểm thi (bao gồm điểm thi tại đơn vị liên kết) theo đúng quy định trong thông tư của Bộ Giáo dục và Đào tạo”.

967962ec_PGS.TS. Pham Thi Hoang Anh.jpg
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Thị Hoàng Anh - Phó Giám đốc phụ trách Học viện Ngân hàng. Ảnh: NVCC.

Đánh giá về những tiêu chí khi liên kết tổ chức thi và cấp chứng chỉ ngoại ngữ, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Thị Hoàng Anh khẳng định, những điều kiện này góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng kỳ thi và tạo niềm tin cho cả thí sinh lẫn các tổ chức liên quan.

“Các điều kiện trên không chỉ giúp đảm bảo tính minh bạch, công bằng mà còn xây dựng môi trường thi an toàn và chuyên nghiệp cho thí sinh, tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị tổ chức. Các quy định khi được áp dụng thành tiêu chuẩn cụ thể sẽ giúp đơn giản hóa các thủ tục hành chính, đồng thời, hướng dẫn cụ thể để các đơn vị tổ chức thi có thể thực hiện hiệu quả.

Bên cạnh đó, hỗ trợ tối đa cho thí sinh dự thi, thí sinh có thể tiếp cận dễ dàng, từ khâu đăng ký đến ngày thi chính thức và tạo điều kiện để thí sinh tập trung tối đa vào bài thi”, cô Hoàng Anh cho biết.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Bá Tiến cũng nhận định: “Các điều kiện tiêu chuẩn tổ chức liên kết thi chứng chỉ ngoại ngữ như dự thảo đưa ra là hoàn toàn phù hợp. Bởi các điều kiện, tiêu chuẩn này tương đương yêu cầu về cơ sở vật chất của các tổ chức khảo thí quốc tế hiện nay.

Với những yêu cầu về cơ sở vật chất, cách thức quản lý và an ninh như dự thảo, tôi tin tưởng các trường sẽ đảm bảo tính minh bạch, công bằng trong việc chấm thi và cấp chứng chỉ tại đơn vị liên kết”.

Cần ký hợp đồng chi tiết nếu thực hiện liên kết tổ chức thi chứng chỉ ngoại ngữ

Tại khoản 2, Điều 6, dự thảo có nêu: ‘...Đơn vị tổ chức thi chịu mọi trách nhiệm về quá trình tổ chức thi, chấm thi, cấp chứng chỉ’.

Để đảm bảo quá trình tổ chức diễn ra thuận lợi, Tiến sĩ Nguyễn Thị Quỳnh Yến cho rằng: “Khi các cơ sở giáo dục đại học thực hiện liên kết tổ chức thi và cấp chứng chỉ ngoại ngữ, cần phải có biên bản thỏa thuận giữa các bên để cùng phối hợp, nhằm đảm bảo tính minh bạch, công bằng trong việc chấm thi và cấp chứng chỉ của kỳ thi.

Tại biên bản này, cần nói rõ chức năng, vai trò, nhiệm vụ của các bên trước, trong và sau thi. Trước mỗi kỳ thi, đơn vị chủ trì cần đi thị sát, kiểm tra thực tế tất cả các hạng mục công việc quy định”.

Bên cạnh đó, dự thảo cũng quy định, đơn vị tổ chức thi và đơn vị liên kết phải phân công rõ nghĩa vụ, quyền hạn của các bên liên quan trong quá trình liên kết tổ chức thi.

Về nội dung trên, Tiến sĩ Nguyễn Thị Quỳnh Yến cho biết, các bên liên quan cần ngồi lại với nhau để cùng xây dựng một quy trình chung, cụ thể như thế nào, nhằm quản lý, phối hợp nhịp nhàng trong quá trình tổ chức thi với mục đích tối thượng là kỳ thi đánh giá năng lực ngoại ngữ được diễn ra an toàn, hiệu quả, đúng quy chế.

IMG_4364-Copy.jpg
Tiến sĩ Nguyễn Thị Quỳnh Yến - Giám đốc Trung tâm Khảo thí, Trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội). Ảnh: website nhà trường.

Về phía Học viện Ngân hàng, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Thị Hoàng Anh cũng cho rằng: “Cần xây dựng một hệ thống quản lý chặt chẽ và quy trình phối hợp rõ ràng, cụ thể là: Ký kết hợp đồng hợp tác chi tiết; Sử dụng hệ thống quản lý thông tin chung; Thành lập ban điều phối chung; Đưa ra quy trình phối hợp tổ chức thi chi tiết”.

Mặt khác, nhằm giúp quá trình liên kết tổ chức thêm hiệu quả, Phó Giám đốc phụ trách Học viện Ngân hàng đề xuất, có thể ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động ra đề và tổ chức thi.

Cụ thể, cô Hoàng Anh đề cập, trước hết, ứng dụng công nghệ vào quản lý ngân hàng câu hỏi. Đơn vị tổ chức triển khai phần mềm quản lý ngân hàng câu hỏi với các tính năng: Theo dõi lịch sử sử dụng câu hỏi, đảm bảo không tái sử dụng trong thời gian quy định; Phân loại câu hỏi theo chủ đề, độ khó, kỹ năng để dễ dàng lựa chọn và kết hợp khi xây dựng đề thi; Tự động kiểm tra trùng lặp nội dung và tiêu chuẩn hóa định dạng câu hỏi.

Thứ hai, thử nghiệm câu hỏi dựa trên trí tuệ nhân tạo (AI) và phân tích dữ liệu. Đơn vị tổ chức sử dụng AI để phân tích dữ liệu thử nghiệm câu hỏi (như tỷ lệ trả lời đúng/sai, thời gian hoàn thành) và gợi ý cải thiện nội dung.

Thứ ba, áp dụng công nghệ thông tin vào quá trình liên kết tổ chức thi, đơn vị tổ chức thi sẽ tổ chức thi thử trực tuyến để thử nghiệm câu hỏi trên nhóm đối tượng thí sinh đa dạng, thu thập dữ liệu thực tế phục vụ phân tích và kiểm định trong khâu ra đề.

Trong khâu tổ chức, việc tích hợp hệ thống giám sát thi trực tuyến (Remote Proctoring) để tổ chức kỳ thi an toàn và minh bạch cũng nên được đưa vào thực tiễn. Ngoài ra, đơn vị tổ chức và đơn vị liên kết có thể sử dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt và trí tuệ nhân tạo để quản lý thí sinh, tránh gian lận.

Ngoài ra, công nghệ thông tin còn giúp tích hợp báo cáo và phân tích kết quả tự động, giúp quy trình tổ chức thi được rút gọn. Chẳng hạn, sau mỗi kỳ thi, hệ thống sẽ tự động tổng hợp và phân tích kết quả thi, cung cấp báo cáo chi tiết để đánh giá hiệu quả của câu hỏi và đề thi.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://vqa.moet.gov.vn/vi/thong-bao-quan-ly-khao-thi/thong-bao/cuc-quan-ly-chat-luong-cong-bo-danh-sach-cac-don-vi-to-chuc-thi-danh-gia-nang-luc-tieng-anh-theo-khung-nang-luc-ngoai-ngu-6-bac-dung-cho-viet-nam-40.html

Ngọc Huyền