Dự thảo Thông tư thay thế Thông tư 23/2017/TT-BGDĐT về Quy chế thi đánh giá năng lực ngoại ngữ theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam đang được Bộ Giáo dục và Đào tạo lấy ý kiến góp ý rộng rãi.
Trong đó, dự thảo Thông tư có nhiều điểm điều chỉnh theo hướng tăng cường các quy định về giải pháp để công tác tổ chức thi và cấp chứng chỉ ngoại ngữ đảm bảo an toàn, tin cậy ví dụ quy định các đơn vị cung cấp ảnh chụp của thí sinh trong quá trình làm bài thi trên hệ thống tra cứu và xác minh chứng chỉ; hay chuẩn hóa quy trình xây dựng ngân hàng câu hỏi đề thi với 9 bước được quy định rõ ràng...
Dự thảo Thông tư mới có nhiều điểm đột phá
Đánh giá cao những điểm mới tại dự thảo, Tiến sĩ Ngô Phương Anh - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Khảo thí Ngoại ngữ và Trao đổi văn hóa (CLC), Đại học Bách khoa Hà Nội nhận định đây là những “điểm đột phá, có thể góp phần đưa chứng chỉ ngoại ngữ 6 bậc của Việt Nam lên ngang tầm với các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế”.
Đối với việc áp dụng quy trình 9 bước xây dựng ngân hàng câu hỏi thi, theo Tiến sĩ Ngô Phương Anh, điều này thể hiện tính minh bạch và góp phần khẳng định chất lượng đề thi.
“Quy trình 9 bước giúp đảm bảo tính khách quan, chuẩn hóa quy trình. Khi quy trình được chuẩn hóa, ngân hàng câu hỏi thi đáp ứng yêu cầu về độ tin cậy, tính phân loại và đánh giá chính xác trình độ ngoại ngữ của người học. Ngoài ra, điều này cũng phù hợp với xu thế thế giới, các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế khác đều phải đảm bảo quy trình này. Việc áp dụng quy trình giúp chứng chỉ ngoại ngữ 6 bậc trong nước tăng độ uy tín”, Phó Giám đốc phụ trách CLC, Đại học Bách khoa Hà Nội phân tích.
Bên cạnh đó, Tiến sĩ Ngô Phương Anh đánh giá, việc cung cấp ảnh chụp thí sinh trong suốt quá trình làm bài thi giúp nâng cao tính minh bạch và giảm thiểu tính gian lận trong suốt quá trình thi, ngoài ra cũng phù hợp với xu hướng quản lý dữ liệu bằng công nghệ. Quy định mới này cũng góp phần tăng uy tín của chứng chỉ ngoại ngữ quốc gia.
Đồng quan điểm, Thạc sĩ Nguyễn Đình Tuấn - Phó trưởng Khoa Tiếng Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Tin học và Ngoại ngữ, Trường Đại học Kinh tế - Tài chính Thành phố Hồ Chí Minh cũng bày tỏ sự hoan nghênh với những điểm mới trong dự thảo Thông tư mới về quy chế thi đánh giá năng lực ngoại ngữ theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc so với quy chế hiện hành.
Theo Thạc sĩ Nguyễn Đình Tuấn, quy trình 9 bước xây dựng ngân hàng câu hỏi đề thi là một bước tiến quan trọng, giúp cụ thể hóa và chuẩn hóa các bước cần thiết trong việc phát triển nội dung thi. Điều này không chỉ đảm bảo tính đồng nhất và công bằng cho tất cả thí sinh mà còn nâng cao chất lượng đề thi thông qua việc kiểm tra và đánh giá thường xuyên.
Với yêu cầu cung cấp ảnh chụp của thí sinh trong quá trình thi, đây là một biện pháp rất cần thiết để xác minh danh tính, giảm thiểu tình trạng gian lận, đồng thời tạo ra một môi trường thi cử minh bạch hơn. Việc này sẽ củng cố niềm tin của xã hội đối với chứng chỉ được cấp và giúp các cơ sở giáo dục và tuyển dụng dễ dàng hơn trong việc xác thực thông tin của thí sinh.
“Tôi cũng cho rằng những cải tiến này sẽ góp phần nâng cao trách nhiệm của các đơn vị tổ chức thi, từ đó thúc đẩy họ không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ”, Phó Giám đốc Trung tâm Tin học và Ngoại ngữ, Trường Đại học Kinh tế - Tài chính Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá.
Nhiều bất cập khi chứng chỉ VSTEP chưa được công nhận rộng rãi
VSTEP được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành từ năm 2014. Bài thi gồm 4 kỹ năng Nghe, Nói, Đọc, Viết, nhằm đánh giá năng lực tiếng Anh từ bậc 3 đến bậc 5 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam.
Mặc dù so với mặt bằng chung, VSTEP có lợi thế đáng kể về chi phí ôn luyện và thi chứng chỉ, song đến nay chứng chỉ này vẫn chưa được dùng rộng rãi. Bên cạnh đó, một số ý kiến cũng nêu ra thực tế khi hiện nay các nước trên thế giới chưa công nhận chứng chỉ VSTEP của Việt Nam, vì vậy dù sở hữu chứng chỉ VSTEP nhưng khi người Việt ra nước ngoài học tập lại phải mất thời gian và công sức để thi các chứng chỉ khác.
Tiến sĩ Ngô Phương Anh đánh giá, thực tế này gây ra lãng phí về thời gian và chi phí cho việc tham gia thi các chứng chỉ quốc tế, trong khi trình độ của họ có thể được đo một cách chính xác bằng bài thi quốc gia. Đây là bất cập cho người học và người lao động khi muốn đi du học, đi lao động hay định cư ở nước ngoài. Ngoài ra, cũng do tâm lý ưu tiên của người dân với chứng chỉ quốc tế, nên chứng chỉ nội địa như VSTEP chỉ được coi như chỉ phù hợp trong nước.
Để tiến tới được công nhận trong khu vực và trên thế giới, Tiến sĩ Ngô Phương Anh cho rằng cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó một số điểm mới được đề xuất tại dự thảo Thông tư mới là một trong số các giải pháp.
Bên cạnh đó, cần có sự hợp tác với các tổ chức khảo thí quốc tế như ETS, Cambridge,… và có các chuyên gia quốc tế tham gia, kiểm định đánh giá chất lượng bài thi, quản lý quy trình và chất lượng đề theo chuẩn quốc tế, đối sánh với các bài thi quốc tế về độ khó, độ phân loại, cấu trúc bài thi, tiêu chí chấm điểm,...
Ở góc độ vĩ mô, Tiến sĩ Ngô Phương Anh đề xuất cần có chính sách sử dụng chứng chỉ quốc gia ở mọi cơ sở giáo dục, doanh nghiệp, các công ty lớn, quốc tế hoặc liên doanh. Các đơn vị này khuyến khích sử dụng chứng chỉ quốc gia VSTEP như là một yêu cầu tuyển dụng. Ngoài ra cần tăng cường truyền thông, quảng bá, tổ chức các buổi hội thảo sự kiện để người Việt Nam cũng như người nước ngoài biết đến chứng chỉ ngoại ngữ 6 bậc của Việt Nam nhiều hơn.
“Việc quốc tế hóa chứng chỉ quốc gia VSTEP sẽ giúp tăng vị thế của Việt Nam trong hệ thống giáo dục trên thế giới, đồng thời giảm gánh nặng về chi phí, khi người học đổ xô đi thi các chứng chỉ quốc tế. Vì vậy cần một chiến lược dài hạn từ cấp quản lý xuống đến các cơ sở đào tạo và tổ chức thi để VSTEP dần trở thành một chứng chỉ được công nhận quốc tế”, Phó Giám đốc phụ trách CLC, Đại học Bách khoa Hà Nội nhấn mạnh.
Thạc sĩ Nguyễn Đình Tuấn cũng cho rằng cần chú trọng xây dựng mối quan hệ hợp tác quốc tế, thông qua việc tạo ra cơ chế hợp tác với các tổ chức giáo dục nước ngoài để công nhận văn bằng, từ đó tạo niềm tin cho các bên liên quan. Ngoài ra, các chương trình tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của các đơn vị giáo dục, doanh nghiệp, nhân dân về giá trị của chứng chỉ ngoại ngữ Việt Nam cũng cần được triển khai mạnh mẽ.
“Nhưng quan trọng nhất chính là việc tăng cường chất lượng chứng chỉ VSTEP. Điều này bao gồm cải thiện quy trình tổ chức thi cũng như xây dựng ngân hàng câu hỏi thi, đồng thời nâng cao các tiêu chí đánh giá nhằm đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế”, Phó Giám đốc Trung tâm Tin học và Ngoại ngữ, Trường Đại học Kinh tế - Tài chính Thành phố Hồ Chí Minh nêu quan điểm.
Ở góc độ khác, thầy giáo trẻ Lê Thanh Tú Nhân - giáo viên chuyên luyện thi VSTEP tại Đà Nẵng cho rằng, trước tiên cần tập trung vào việc cải thiện và nâng cao chất lượng bài thi VSTEP.
Thầy Nhân phân tích, một chứng chỉ ngoại ngữ trước hết phải hoạt động hiệu quả và đúng với mục đích là đánh giá chính xác trình độ ngoại ngữ của người học. Chẳng hạn, một người thi được điểm 8 thì sẽ có trình độ cao hơn người thi được điểm 6, đây là điều chưa rõ ràng ở VSTEP.
“Tất nhiên, vẫn phải khẳng định rằng chứng chỉ VSTEP trong những năm qua đã có sự cải thiện rất lớn, từ quy trình tổ chức thi đến ngân hàng đề thi ngày càng chuyên nghiệp. Và dự thảo Thông tư mới cũng đã bổ sung thêm các giải pháp để giải quyết dần những bất cập hiện nay”, thầy Lê Thanh Tú Nhân nhận xét.
Về lâu dài, thầy Lê Thanh Tú Nhân cho rằng cần có 1 hội đồng riêng chuyên ra đề và chấm thi, với đội ngũ được đào tạo bài bản để đánh giá chính xác hơn năng lực của thí sinh thông qua bài thi VSTEP.