Đề xuất có chương trình nghiên cứu cấp quốc gia về kỳ thi VSTEP

05/01/2024 06:18
Tường San
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Để VSTEP được đưa vào sử dụng rộng rãi trong việc xét tuyển đầu vào tại các trường đại học, nên có hệ thống giám sát việc xây dựng, quản lý ngân hàng đề thi,...

Theo dự thảo sửa đổi, bổ sung Quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024, dự kiến sẽ công nhận kết quả của chứng chỉ VSTEP (Vietnamese Standardized Test of English Proficiency) đối với việc miễn thi ngoại ngữ trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông bên cạnh các chứng chỉ quốc tế như IELTS, TOEFL, …

Hiện nay đã có một số cơ sở giáo dục đại học đang xét tuyển với chứng chỉ này nhưng vẫn còn khá ít. Do đó, thông tin từ nhiều trường đại học cho hay, nếu dự thảo trên được thông qua, chắc chắn có nhiều đơn vị sử dụng VSTEP để xét tuyển đầu vào hơn.

Tuy nhiên, vẫn còn một số ý kiến băn khoăn xung quanh kỳ thi VSTEP này so với các kỳ thi ngoại ngữ quốc tế khác nếu được sử dụng rộng rãi.

Trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Đà Nẵng) là một trong đơn vị được Bộ Giáo dục và Đào tạo ủy quyền cho tổ chức thi và cấp chứng chỉ tiếng Anh VSTEP.

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Bình – Trưởng phòng Đào tạo của nhà trường cho hay, quy trình tổ chức thi luôn được trường thực hiện đúng theo quy định hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Theo thầy Bình, mỗi tháng trường đều tổ chức kỳ thi VSTEP ít nhất 1 lần và ngân hàng đề thi cũng giống như tại tất cả các đơn vị khác là đều được cung cấp từ Trung tâm Khảo thí quốc gia và Đánh giá chất lượng giáo dục (Cục quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo).

Ảnh minh họa: Ngọc Mai.

Ảnh minh họa: Ngọc Mai.

Còn theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đức Trung – Hiệu trưởng Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, các trường chỉ là địa điểm tổ chức và ký quyết định cấp chứng chỉ cho thí sinh.

Quá trình tổ chức thi tại trường sẽ do cán bộ từ Cục quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo) và cán bộ từ cơ quan liên quan giám sát trực tiếp và mang đề thi được cấp từ Bộ Giáo dục và Đào tạo đến.

Hơn nữa, mỗi phòng thi đều có 6 - 8 camera cùng nhiều camera ở hành lang để có thể xem, giám sát trực tiếp tại điểm thi và tại Bộ Giáo dục và Đào tạo; thí sinh phải đặt tất cả đồ đạc mang theo ở một tầng khác và khi vào phòng thi cũng có các máy dò đồ,…

Do đó, thầy Trung đánh giá rằng, kỳ thi VSTEP thậm chí còn được tổ chức thi chặt chẽ hơn so với kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Thậm chí, có một số bạn còn nhận xét là đề thi của VSTEP rất khó và phải chuyển mục tiêu sang thi IELTS.

Không những vậy, theo thầy Trung, đối với mức lệ phí thi khá phù hợp cho hầu hết thí sinh ở các vùng miền so với các chứng chỉ quốc tế nên việc xét miễn thi tốt nghiệp môn ngoại ngữ bằng chứng chỉ này là rất phù hợp.

Đối với việc xét tuyển đầu vào đại học, những năm tuyển sinh gần đây nhà trường cũng sử dụng chứng chỉ VSTEP nhưng các thí sinh đăng ký vào trường rất ít chọn nộp chứng chỉ này.

Mặt khác, theo thầy Trung, chúng ta cần phải lưu tâm hơn đến kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Bởi, hiện nay tỷ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông đang quá cao, gần như tuyệt đối nên làm giảm giá trị của kỳ thi này.

Cần có chương trình nghiên cứu cấp quốc gia về kỳ thi VSTEP do nhà nước tài trợ kinh phí

Cùng bàn về vấn đề trên, Tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh - nguyên Giám đốc Trung tâm Khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) bày tỏ sự đồng tình và cho rằng việc công nhận chứng chỉ VSTEP để miễn thi tốt nghiệp môn ngoại ngữ bên cạnh các chứng chỉ quốc tế là hợp lý và xóa bỏ đi sự bất bình đẳng ngay trên “sân nhà”.

Có thể thấy rằng, trên thực tế, với chi phí học tập, lệ phí thi tiết kiệm hơn, VSTEP đang nhận được sự quan tâm từ nhiều người học và thí sinh tham gia nhưng vẫn còn một số ý kiến băn khoăn về độ uy tín, tin cậy, công bằng của bài thi này.

Bà Phương Anh cho rằng, với “tuổi đời” ngắn, kinh nghiệm và năng lực về đánh giá ngôn ngữ (tiếng Anh) của Việt Nam tất nhiên chưa thể so sánh với những tổ chức quốc tế có hàng trăm năm kinh nghiệm.

Nhưng mọi việc đều phải có bước đầu tiên và Tiến sĩ Phương Anh ủng hộ việc đối xử với VSTEP bình đẳng với các kỳ thi ngoại ngữ quốc tế khác nhưng cần kèm theo những quy định về sự minh bạch thông tin và những yêu cầu nghiên cứu thường xuyên được công bố rộng rãi về kỳ thi “quốc nội” này.

Điều này vừa thể hiện quan điểm ủng hộ sự phát triển năng lực đánh giá ngoại ngữ trong nước, vừa bảo vệ hình ảnh của thương hiệu VSTEP trên thị trường trong nước và quốc tế.

Cũng theo bà Phương Anh, ở các nước tiên tiến với cơ chế thị trường và cạnh tranh mạnh mẽ trong lĩnh vực giáo dục trên thế giới, các tổ chức khảo thí tự quy định cách làm cho mình và quảng bá thông tin đến các bên liên quan sao cho có thể xây dựng niềm tin và uy tín tốt nhất đối với người sử dụng.

Theo đó, nhà nước không can thiệp về chuyên môn của từng tổ chức nhưng khi cần, sẽ thẩm định chất lượng của các kỳ thi để đi đến kết luận công nhận hoặc không công nhận kết quả của kỳ thi đó.

Còn ở Việt Nam, vai trò của nhà nước vẫn là chủ đạo trong giáo dục, đặc biệt là ở giáo dục phổ thông.

Do vậy, để VSTEP được đưa vào sử dụng rộng rãi trong việc xét tuyển đầu vào, đầu ra tại các trường đại học, cần đảm bảo tính công bằng và minh bạch, đặc biệt là nên có hệ thống giám sát việc xây dựng và quản lý ngân hàng đề thi cùng cách tổ chức thi cử để tạo sự công bằng giữa các đơn vị được ủy quyền tổ chức thi VSTEP.

Bên cạnh đó, cần đảm bảo việc số câu trong ngân hàng đề thi không bị hạn chế, nếu không sẽ rất dễ xảy ra tình trạng “điểm ảo” (điểm cao do luyện tập chứ không phải năng lực thật), làm giảm giá trị của kỳ thi và ảnh hưởng bất lợi cho những thí sinh không luyện thi.

Do đó, các đề thi của VSTEP phải có tính tương đương với nhau. Để làm được việc này, cần phải tổ chức viết và quản lý đề thi một cách tập trung hoặc nếu quản lý phân tán ở từng đơn vị, cần phải có quy định chặt chẽ và giám sát thường xuyên; ngân hàng đề thi luôn được bổ sung những câu mới cũng như bỏ đi những câu đã sử dụng nhiều lần.

Ngoài ra, Tiến sĩ Phương Anh cũng đề nghị cần có chương trình nghiên cứu cấp quốc gia về kỳ thi VSTEP do nhà nước tài trợ kinh phí. Việc xin tài trợ để nghiên cứu về việc điều chỉnh phù hợp cũng nên được công bố rộng rãi và cạnh tranh toàn quốc để khuyến khích những nhà nghiên cứu về khảo thí ngôn ngữ trong và ngoài nước.

Từ đó, góp phần củng cố chất lượng bài thi, hỗ trợ phát triển năng lực khảo thí ngoại ngữ quốc gia, đồng thời quảng bá tên tuổi của kỳ thi rộng rãi trên trường quốc tế.

Tường San