Nhiều trường đại học tính toán đưa chứng chỉ VSTEP vào tiêu chí xét tuyển

28/12/2023 09:01
Kim Minh Châu
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Hiện nay, nhiều cơ sở giáo dục đại học ở Việt Nam đã và đang cân nhắc về việc đưa chứng chỉ VSTEP vào trong tiêu chí tuyển sinh.

Theo Dự thảo Thông tư Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông, áp dụng cho kỳ thi năm 2024 mà Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố, lần đầu tiên chứng chỉ ngoại ngữ tiếng Anh bậc 3 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam (VSTEP) – một chứng chỉ “nội” được đưa vào danh mục chứng chỉ miễn thi môn ngoại ngữ trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Trong khi những năm trước, danh mục các chứng chỉ này đều là những chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế.

Xu hướng sử dụng chứng chỉ VSTEP để xét tuyển đại học

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ Nguyễn Thị Huyền Trang – giảng viên tiếng Anh tại Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, cô hoàn toàn ủng hộ điểm mới này trong Dự thảo.

Theo cô Huyền Trang, từ năm 2015, Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam đã phê duyệt bài thi VSTEP (Vietnamese Standardised Test of English Proficiency) là bài thi chuẩn hóa nhằm đánh giá năng lực tiếng Anh theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dành cho Việt Nam (tương thích với trình độ A1, A2, B1, B2, C1, C2).

Thạc sĩ Nguyễn Thị Huyền Trang – giảng viên tiếng Anh tại Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: NVCC

Thạc sĩ Nguyễn Thị Huyền Trang – giảng viên tiếng Anh tại Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: NVCC

“Bài thi này gồm đầy đủ 4 phần thi, tương ứng với 4 kỹ năng tiếng Anh: nghe, nói, đọc, viết. Điều này cũng tương tự như những chứng chỉ quốc tế khác như IELTS, hay TOEFL,... Vậy nên, nếu học sinh trung học phổ thông tham dự bài thi VSTEP và đạt bậc 3 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam, điều này chứng tỏ các em hoàn toàn đạt năng lực giao tiếp tiếng Anh ở bậc B1 theo Khung tham chiếu Châu Âu và xứng đáng được miễn thi tốt nghiệp trung học phổ thông ở môn ngoại ngữ.

Bên cạnh đó, hiện nay, bài thi VSTEP được thực hiện hoàn toàn trên máy tính, nên có tính khách quan và mức độ đáng tin cậy cao. Chỉ sau 7 - 10 ngày, thí sinh sẽ được thông báo kết quả thi. Lệ phí thi chứng chỉ VSTEP hiện nay là 1.800.000 đồng, ít hơn rất nhiều so với lệ phí thi chứng chỉ IELTS/TOEFL (gần 5.000.000 đồng). Theo tôi, đây là những ưu điểm của chứng chỉ VSTEP cho với các chứng chỉ quốc tế khác.

Thay vì việc đổ xô đi học và thi chứng chỉ IELTS, phải bỏ nhiều thời gian học và tốn nhiều chi phí hơn, nếu cho phép sử dụng chứng chỉ VSTEP để miễn thi tốt nghiệp môn ngoại ngữ và xét tuyển vào đại học sẽ rất có lợi cho học sinh Việt Nam” – cô Trang chia sẻ.

Hiện nay, ở Việt Nam, nhiều trường đại học đang sử dụng các chứng chỉ quốc tế như IELTS, TOEIC, TOEFL… để xét tuyển. Vì vậy, việc Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận chứng chỉ ngoại ngữ tiếng Anh bậc 3 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam (VSTEP) thuộc danh mục chứng chỉ xét miễn thi ngoại ngữ cho học sinh đang nhận được sự đồng tình của nhiều người.

Chia sẻ thêm về vấn đề này, cô Nguyễn Thị Huyền Trang cho biết: “Từ năm 2022, Trường Đại học ngoại Ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội đã bắt đầu sử dụng kết quả bài thi VSTEP do nhà trường tổ chức để xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển đại học cho 13 chương trình đào tạo đại học chính quy. Đây cũng là trường đại học đầu tiên của cả nước sử dụng chứng chỉ tiếng Anh của Việt Nam để tuyển sinh. Chứng chỉ VSTEP được trường đưa vào tiêu chí xét tuyển tương đương với các loại chứng chỉ khác như: A-Level, SAT, IELTS, TOEFL iBT ”.

Không chỉ có Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội mà Đại học Bách khoa Hà Nội hiện cũng đã đưa chứng chỉ VSTEP vào mục tiêu chí tuyển sinh.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Phong Điền – Phó Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội. Ảnh: website nhà trường

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Phong Điền – Phó Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội. Ảnh: website nhà trường

Theo chia sẻ của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Phong Điền – Phó Giám đốc Đại học Bách Khoa Hà Nội: “Từ năm 2023, chứng chỉ ngoại ngữ tiếng Anh bậc 3 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam (VSTEP) đã bắt đầu “hiện hữu” trong tiêu chí xét tuyển của Đại học Bách khoa Hà Nội.

Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo chuẩn hóa kỳ thi VSTEP giúp chứng chỉ ngoại ngữ trong nước này ngày càng khẳng định được vị thế của mình. Bên cạnh đó, việc làm này của Bộ Giáo dục và Đào tạo còn có ý nghĩa xã hội, giúp tiết kiệm được nhiều thời gian và kinh phí, phù hợp với nhiều đối tượng người học.

Từ những điểm ưu việt như vậy, tôi hoàn toàn ủng hộ việc đưa chứng chỉ ngoại ngữ của Việt Nam vào xét miễn thi tốt nghiệp môn ngoại ngữ cho học sinh”.

Thông tin thêm về vấn đề này, thầy Điền cho biết, hiện nay Đại học Bách khoa Hà Nội cũng là đơn vị được Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp phép cho tổ chức thi chứng chỉ VSTEP. Vì vậy, trong những năm học tới, Đại học Bách khoa Hà Nội cũng sẽ ưu tiên xét tuyển các thí sinh tham dự kỳ thi VSTEP tại đơn vị này nhằm đảm bảo chất lượng thí sinh.

Hiện nay, một số cơ sở giáo dục và đào tạo đại học hàng đầu ở Việt Nam cũng đang cân nhắc về việc đưa chứng chỉ VSTEP vào trong tiêu chí tuyển sinh.

Chia sẻ thông tin của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, thầy Bùi Đức Triệu – Trưởng Phòng Quản lý Đào tạo cho biết: “Các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế như IELTS, TOEFL... đã có uy tín nhiều năm, giá trị toàn cầu nên hiện được người học và các trường đại học tin cậy sử dụng. Nhưng theo tôi, nếu đối sánh với các chứng chỉ tiếng Anh khác, khung năng lực Ngoại ngữ 6 bậc của Việt Nam cũng có giá trị tương đương.

Vì vậy, tôi ủng hộ việc Bộ Giáo dục và Đào tạo chính thức đưa chứng chỉ VSTEP này vào danh sách chứng chỉ được miễn thi ngoại ngữ trong xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông. Việc này sẽ có tác dụng nâng cao uy tín của loại hình chứng chỉ này.

Chắc chắn trong thời gian tới, các trường đại học, trong đó có cả Trường Đại học Kinh tế Quốc dân sẽ nghiên cứu để sử dụng cả chứng chỉ VSTEP này trong việc xét tuyển cùng với các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế phổ biến hiện nay”.

Sẽ không nhiều học sinh lựa chọn môn ngoại ngữ khác

Bên cạnh bổ sung về chứng chỉ ngoại ngữ, Điều 3 về “Bài thi” của Dự thảo sửa đổi, bổ sung Quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024 mà Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố cũng cụ thể hơn quy định: “Thí sinh được đăng ký dự thi môn Ngoại ngữ khác với môn Ngoại ngữ đang học tại trường phổ thông; thí sinh là học viên giáo dục thường xuyên được đăng ký dự thi bài thi Ngoại ngữ để lấy kết quả xét tuyển sinh đại học, cao đẳng”.

Theo đó, thí sinh có thể chọn một trong bảy môn Ngoại ngữ là: tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Pháp, tiếng Trung Quốc, tiếng Đức, tiếng Nhật Bản và tiếng Hàn Quốc.

Thầy Trần Minh Hiền, Phó hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Chuyên Quang Trung, Bình Phước. Ảnh: Câu lạc bộ Truyền thông Chuyên Quang Trung

Thầy Trần Minh Hiền, Phó hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Chuyên Quang Trung, Bình Phước. Ảnh: Câu lạc bộ Truyền thông Chuyên Quang Trung

Bày tỏ suy nghĩ của mình, thầy Trần Minh Hiền, Phó Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Chuyên Quang Trung (tỉnh Bình Phước) cho rằng quy định này cũng phần nào thúc đẩy được khả năng tự học ngoại ngữ của học sinh.

“Tuy nhiên, điều này rất khó trong thực tế. Vì thông thường, học sinh chỉ đạt được sự thành thạo ở một môn ngoại ngữ; còn ngoại ngữ thứ 2 có thể học, giao tiếp tốt, nhưng để đi thi thì chưa chắc là đạt được điểm số như mong muốn”.

Đồng quan điểm này, cô Nguyễn Thị Huyền Trang cho rằng, quy định này sẽ chỉ có ảnh hưởng tới thiểu số, đó là những em học sinh được học đồng thời hai ngoại ngữ từ khi còn nhỏ. Nhưng con số này ở Việt Nam là không nhiều.

“Hiện nay, chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở bậc trung học phổ thông, học sinh sẽ học 8 môn bắt buộc và 4 môn tự chọn. Thời gian tự học của các em học sinh chắc chắn sẽ bị phân tán đều ra nhiều môn khác nhau. Nếu như môn ngoại ngữ chính được giảng dạy trên trường là tiếng Anh, thì theo tôi, ít có trường hợp nào lựa chọn môn thi ngoại ngữ khác. Vì dù có muốn, nhưng học sinh cũng không có thời gian để phân bổ cho việc tự học thêm ngoại ngữ khác” – cô Trang nhận định.

Đánh giá thêm về việc học ngoại ngữ của học sinh hiện nay, cô Trang cho rằng dù trong chương trình học, ở mỗi bài học (unit), học sinh sẽ được học đủ nghe, nói, đọc, viết, ngữ pháp và ngữ âm. Tuy vậy, không phải trường trung học cơ sở, trung học phổ thông nào cũng cho học sinh thi đủ các kỹ năng đó, mà chủ yếu tập trung kiểm tra ngữ pháp và đọc hiểu. Điều này cũng thể hiện khó khăn trong việc tổ chức việc dạy và học về kỹ năng nói của môn ngoại ngữ, dẫn đến việc nhiều học sinh còn yếu trong giao tiếp tiếng Anh.

Kim Minh Châu