Khảo sát chọn môn thi tốt nghiệp: Học sinh không "mặn mà" với môn Sinh học

14/12/2024 08:05
LÃ TIẾN
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Mặc dù là một trong những môn cốt lõi của khoa học cơ bản nhưng môn Sinh học lại không được học sinh lớp 12 chọn nhiều tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025.

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024 có 63% thí sinh chọn bài thi khoa học xã hội, cao nhất trong 6 năm trở lại đây. [1]

Số lượng thí sinh lựa chọn thi các môn thuộc khối khoa học xã hội liên tục tăng. Thực tế trên cũng gây lo lắng nguồn tuyển cho các trường đào tạo các ngành khoa học tự nhiên cũng ít đi. Điều này khiến nhiều chuyên gia lo ngại về sự mất cân bằng ngành nghề trong xã hội, về lâu dài không đáp ứng nhu cầu nhân lực của đất nước.

Tính tới thời điểm hiện tại, nhiều địa phương và các cơ sở giáo dục đã tổ chức khảo sát và thống kê lựa chọn các môn thi tốt nghiệp trung học phổ thông của học sinh. Đáng chú ý, theo số liệu thống kê năm nay của nhiều tỉnh thành, số lượng thí sinh chọn thi các môn khoa học xã hội cũng chiếm tỷ lệ cao.

Có trường không có học sinh nào chọn thi môn Sinh học

Ngày 12/12, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử giáo dục Việt Nam, ông Đỗ Duy Hưng - Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Dương cho hay: Cách đây khoảng hơn 2 tháng Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Dương đã thống kê nguyện vọng môn thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025 của học sinh.

Cụ thể, đối với học sinh các trường trung học phổ thông trên toàn tỉnh có tổng số 20.233 học sinh lớp 12. Ngoài 2 môn thi bắt buộc thì có 8.154 học sinh lựa chọn thi môn Tiếng Anh (chiếm 40,3%); 4.314 học sinh chọn thi môn Lịch sử (chiếm 21,3%); 7.672 học sinh chọn thi môn Địa lý (chiếm 37,9%); 8.559 học sinh chọn thi môn Vật lý (chiếm 42,3%); 5.448 học sinh chọn thi môn Hóa học (chiếm 26,9%); 694 học sinh lựa chọn thi môn Sinh học (chiếm 3,4%); 5.294 học sinh lựa chọn thi môn Giáo dục Kinh tế và Pháp luật (chiếm 26,2%); 20 học sinh lựa chọn thi môn Tin học (chiếm 0,09%); 268 học sinh chọn thi môn Công nghệ (chiếm 1,3%).

Đối với học sinh giáo dục thường xuyên có tất cả 4.879 học sinh. Trong đó có 16 em chọn thi môn Tiếng Anh (chiếm 0,32%); 4.132 học sinh chọn thi môn Lịch sử (chiếm 84,7%); 4.417 học sinh chọn thi môn Địa lý (chiếm 90,5%); 97 học sinh chọn thi môn Vật lý (chiếm 1,98%); 76 học sinh chọn thi môn Hóa học (chiếm 1,6%); 146 học sinh chọn thi môn Sinh học (chiếm 2,99%); 761 học sinh chọn thi môn Giáo dục Kinh tế và Pháp luật (chiếm 15,6%); 20 học sinh lựa chọn thi môn Tin học (chiếm 0,4%); 33 học sinh chọn thi môn Công nghệ (chiếm 0,7%).

thi-tn-thpt-1.jpeg
Ông Đỗ Duy Hưng - Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Dương. (Ảnh: CTV)

Tuy nhiên, theo Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Dương, nguyện vọng của học sinh đến thời điểm hiện tại chắc chắn đã có sự thay đổi vì thời điểm sở thống kê là trước khi Bộ giáo dục và Đào tạo công bố đề thi tham khảo kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025.

Sau khi Bộ công bố xong đề thi tham khảo có thể các em học sinh cũng có sự cân nhắc và điều chỉnh lại. Trong thời gian sắp tới Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Dương sẽ tiến hành thống kê lại nguyện vọng này của học sinh.

Trong khi đó, thầy Vũ Văn Điền - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Hải An (thành phố Hải Phòng) thông tin về số lượng học sinh đăng ký các môn thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025. Cụ thể, môn Tiếng Anh có 496 học sinh đăng ký; môn Vật lý có 259 học sinh đăng ký; môn Hóa học có 101 học sinh đăng ký; môn Lịch sử có 312 học sinh đăng ký; môn Địa lý có 50 học sinh đăng ký.

thi-thpt-2.jpg
Số lượng thí sinh đăng ký các môn thi tốt nghiệp của Trường Trung học phổ thông Hải An. (Số liệu NTCC)

Đáng chú ý, các môn Sinh học, Giáo dục Kinh tế và Pháp luật, Tin học, Công nghệ không có học sinh nào đăng ký tham gia thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Trong khi đó, Sinh học là một trong những môn quan trọng, phục vụ trực tiếp cho các ngành khoa học cơ bản nhưng lại không có thí sinh nào đăng ký dự thi.

Tại Trường Trung học phổ thông Đoàn Thượng (huyện Gia Lộc, Hải Dương), lãnh đạo nhà trường thông tin, ngoài 2 môn thi bắt buộc Toán và Ngữ Văn, học sinh chủ yếu lựa chọn trong các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tiếng Anh, Lịch sử, Địa lý. Trong đó, môn Sinh có ít học sinh đăng ký nhất chỉ với 15 học sinh.

Tại Trường Trung học phổ thông Ngô Quyền (quận Lê Chân, Hải Phòng), cô giáo Cao Tố Nga - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, nhà trường đã thống kê tỷ lệ học sinh lựa chọn các môn thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ khi các em học lớp 11 để có kế hoạch ôn tập sớm cho học sinh.

Cụ thể, có 412 học sinh lựa chọn thi môn Vật lý; 198 học sinh lựa chọn thi môn Hóa học; 54 học sinh lựa chọn thi môn Sinh học; 92 học sinh lựa chọn thi môn Lịch sử; 71 học sinh lựa chọn thi môn Địa lý; 521 học sinh lựa chọn thi môn Tiếng Anh; 3 học sinh lựa chọn thi môn Tin học; 117 học sinh lựa chọn thi môn Giáo dục kinh tế và pháp luật; không có học sinh nào lựa chọn thi môn Công nghệ.

Còn tại Trường Trung học phổ thông Thanh Miện (Hải Dương) tổng sĩ số học sinh lớp 12 của trường là 380 học sinh. Trong đó có 238 học sinh lựa chọn thi môn Vật lý; 206 học sinh lựa chọn thi môn Hóa học; 7 học sinh lựa chọn thi môn Sinh học; 66 học sinh lựa chọn thi môn Lịch sử; 71 học sinh lựa chọn thi môn Địa lý; 151 học sinh lựa chọn thi Ngoại ngữ; 15 học sinh lựa chọn thi môn Giáo dục kinh tế và pháp luật.

thi-thpt-3.jpg
Năm 2025 là năm đầu tiên thí sinh thi tốt nghiệp trung học phổ thông theo chương trình giáo dục phổ thông 2018. (Ảnh minh họa: Lã Tiến)

Tại Trường Trung học phổ thông Chuyên Nguyễn Trãi (Hải Dương) có tổng số 370 học sinh lớp 12. Ngoài 2 môn bắt buộc, nhà trường có 253 học sinh lựa chọn thi môn Tiếng Anh; 72 học sinh lựa chọn thi môn Lịch sử; 66 học sinh lựa chọn thi môn Địa lý; 161 học sinh lựa chọn thi môn Vật lý; 92 học sinh lựa chọn thi môn Hóa học; 37 học sinh lựa chọn thi môn Sinh học; 33 học sinh lựa chọn thi môn Giáo dục kinh tế và pháp luật; 11 học sinh lựa chọn thi môn Tin học; 2 học sinh lựa chọn thi môn Tiếng Nga; 8 học sinh lựa chọn thi môn Tiếng Pháp; 5 học sinh lựa chọn thi môn Tiếng Trung.

Các trường cần chủ động tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh từ lớp 10

Năm 2025 là cột mốc quan trọng khi kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông lần đầu tiên áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới. Các thí sinh cần thi 4 môn, trong đó hai môn bắt buộc là Toán, Ngữ Văn. Hai môn còn lại, học sinh chọn từ các môn được học ở lớp 12, gồm Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ.

Do đó, các trường trung học phổ thông cũng cần có sự thay đổi để có kế hoạch ôn tập cho học sinh. Đặc biệt cần có sự tư vấn hướng nghiệp cho học sinh từ sớm để các em có định hướng trước về tổ hợp môn phù hợp với năng lực, sở thích của bản thân.

Theo Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Hải An, nhà trường đã có sự định hướng và tư vấn cho học sinh từ năm lớp 10. Chính vì thế, sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố đề thi tham khảo hầu như học sinh của trường không có sự thay đổi về tổ hợp môn đã chọn ban đầu.

“Đây là khóa học sinh đầu tiên hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông 2018 và bước vào kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Ngay từ khi các em học lớp 10 đã được lựa chọn môn học theo sở thích và năng lực của bản thân. Thời điểm ấy nhà trường đã thành lập các tổ tư vấn để tư vấn cụ thể cho các em. Nhờ đó, học sinh và gia đình có sự cân nhắc kỹ lưỡng và có định hướng ôn tập ngay từ lớp 10.

Nếu không có sự định hướng như vậy từ đầu mà chờ tới năm lớp 12 mới bắt đầu phân chia tổ hợp môn sẽ rất khó để các em thích nghi. Vì ngoài 2 môn bắt buộc, học sinh được tự chọn 2 môn, sẽ có rất nhiều tổ hợp môn khác nhau. Nếu thời điểm này các em mới lựa chọn và chia lớp ôn tập sẽ rất khó cho việc ôn thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Bởi so với kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông các năm trước đây, năm nay có sự thay đổi rất nhiều. Ví dụ như trước đây nhà trường chỉ cần tập trung vào 9 môn cơ bản của các tổ hợp nhưng hiện tại học sinh có thể chọn các môn như: Tin học, Công nghệ, Giáo dục kinh tế và pháp luật.

Việc để học sinh lựa chọn tổ hợp môn từ lớp 10 và có kế hoạch ôn tập cụ thể vừa phù hợp với thực tiễn vừa cho học sinh được chọn theo nhu cầu sở thích của mình”, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Hải An nhận định.

thi-thpt-1.jpg
Một tiết học của học sinh Trường Trung học phổ thông Hải An. (Ảnh: NTCC)

Cùng bàn về vấn đề này, cô Cao Tố Nga - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Ngô Quyền (quận Lê Chân, Hải Phòng) cho biết: Với chương trình giáo dục phổ thông 2018, các bạn học sinh được chọn những môn mà mình yêu thích từ đầu cấp. Với sự lựa chọn này, các em sẽ có sự chủ động và định hướng học tập từ lớp 10.

Tuy nhiên, chắc chắn đến thời điểm hiện tại sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố đề thi tham khảo, các em sẽ có sự thay đổi, vì mỗi thời điểm các bạn sẽ có định hướng khác nhau. Nhà trường tôn trọng mọi quyết định của các em và không có sự ép buộc học sinh phải chọn tổ hợp này hay tổ hợp khác.

Nhà trường cũng đang chờ quy chế tuyển sinh chính thức của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trên cơ sở đó, nhà trường sẽ căn cứ vào việc các cơ sở giáo dục đại học có bỏ xét tuyển sớm hay hạn chế chỉ tiêu xét tuyển sớm như thế nào. Điều đó sẽ liên quan đến bài toán về tương lai của từng học sinh. Lúc đó việc lựa chọn các môn thi của học sinh mới thực sự chính xác.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://nhandan.vn/nhieu-thi-sinh-chon-bai-thi-khoa-hoc-xa-hoi-post816559.html#

LÃ TIẾN