Cấm cán bộ hẹn gặp, tiếp dân tại nhà là đúng nhưng ai sẽ giám sát?

29/05/2023 06:34
Mạnh Đoàn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Ông Nguyễn Túc cho rằng, cấm cán bộ không gặp gỡ ngoài công sở là một bước để hoàn thiện cơ chế phòng chống tham nhũng, nhưng triệt để tiêu cực hoàn toàn là khó.

Tại Dự thảo nghị định ban hành Bộ quy tắc đạo đức công vụ của Bộ Nội vụ gửi Bộ Tư pháp thẩm định, có nội dung đề xuất cán bộ, công chức chỉ được tiếp công dân, doanh nghiệp tại trụ sở cơ quan, không được hẹn gặp ngoài giờ làm việc hoặc tại nhà riêng.

Nội dung đề xuất trên thu hút sự quan tâm của dư luận với nhiều ý kiến trái chiều. Có người đồng tình ủng hộ nhưng có người lại cho rằng phải có cách phân biệt giữa gặp công việc, với gặp chuyện riêng cá nhân; điều quan trọng vẫn là đạo đức cán bộ, chứ có quy định kiểu gì, cán bộ cũng có cách để "lách luật". Quan trọng là ai sẽ giám sát việc thực hiện các quy định này?

Liên quan đến nội dung trên, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có buổi trao đổi với ông Nguyễn Bá Thuyền (Đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII, nguyên Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội) và ông Nguyễn Túc - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Hình ảnh minh họa (Ảnh: Bộ Xây dựng)

Hình ảnh minh họa (Ảnh: Bộ Xây dựng)

Bình luận về nội dung trên, ông Nguyễn Bá Thuyền cho hay, quy định cán bộ không được gặp doanh nghiệp và người dân ngoài công sở, đã có từ lâu bởi các văn bản quy định của Đảng.

Hiện nay, Bộ Nội vụ đang đề xuất nội dung trên, nhưng điều quan trọng nhất là sự tự giác của các cán bộ. Bởi dù có luật nhưng cán bộ tiêu cực vẫn có cách lách luật như họ gọi điện, nhắn tin...

Ông Nguyễn Bá Thuyền cũng cho rằng, cần nâng cao mức lương cho cán bộ để họ ổn định cuộc sống, từ đó họ không dám, không cần tham nhũng, tiêu cực. Vì vậy, nếu chúng ta muốn làm kiên quyết phòng chống tham nhũng, tiêu cực, cần phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.

Ví dụ như áp dụng giải pháp kiểm soát thu nhập của toàn dân, bởi có những trường hợp cán bộ trao tài sản cho người thân đứng tên.

Thực tế hiện nay, chúng ta đang đưa chuyển đổi số trong các hoạt động dịch vụ công, việc này cũng đã hạn chế được tình trạng cán bộ gây phiền hà, tiêu cực tới người dân. Chúng ta cũng nên áp dụng công nghệ vào xử lý vi phạm như vi phạm trật tự giao thông, bằng cách xử phạt nguội sẽ hạn chế được việc cán bộ nhũng nhiễu người dân.

Ông Nguyễn Bá Thuyền cho rằng, cần phải cải thiện đời sống của cán bộ, công nhân viên chức, phải làm sao để họ tự thấy xấu hổ khi làm sai quy định của pháp luật.

Liên quan đến nội dung trên, có ý kiến đề xuất xây dựng bộ quy tắc ứng xử theo tiêu chuẩn liêm chính ở cả cơ quan công quyền và doanh nghiệp, tổ chức xã hội nghề nghiệp, ông Thuyền đồng tình với quan điểm này, ngoài ra cũng cần phải kèm theo chế độ chính sách cho cán bộ, công nhân viên chức.

"Đạo luật chỉ nằm trên giấy. Vấn đề là phải biết vận dụng nó vào thực tiễn mới là điều quan trọng nhất", ông Thuyền nói.

Là người từng đi nhiều quốc gia trên thế giới, ông Thuyền đặt câu hỏi, tại sao khi người dân Việt Nam sang nước ngoài, họ đều chấp hành pháp luật của nước bạn rất nghiêm chỉnh, bởi các nước làm rất nghiêm.

Ông Nguyễn Bá Thuyền (Đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII, nguyên Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội)

Ông Nguyễn Bá Thuyền (Đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII, nguyên Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội)

Tuy nhiên, khi ở Việt Nam không phải do ý thức người dân kém mà do còn cơ chế "xin - cho". Ở đâu đó vẫn có tình trạng "du di" trong áp dụng các quy định pháp luật. Đó là mầm mống cho tiêu cực của cán bộ.

Ông Thuyền cũng nhận định về đạo đức công sở được chúng ta thực hiện chưa nghiêm chỉnh, thực hiện chưa tốt.

"Thực tế có nhiều cán bộ không nhận quà lễ, tết, người ta sẽ đồn tai nhau và không đến, còn nếu cán bộ nào nhận quà thì họ sẽ kéo đến rất đông", Đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII, nguyên Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nói.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Túc - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đồng tình với nội dung đề xuất trên.

Theo ông, việc này nhằm ngăn chặn và hạn chế tiêu cực móc ngoặc giữa cán bộ với người dân, doanh nghiệp. Bên cạnh hình thức trên, cần có những biện pháp khác.

"Bộ Nội vụ đưa ra đề xuất như vậy là để tránh để cán bộ gặp gỡ ngoài công sở, làm những việc không chính đáng. Đây là một bước để hoàn thiện cơ chế không được, không thể và không muốn tham nhũng", ông Túc nói.

Ông Túc cho rằng, triệt để hoàn toàn tiêu cực là vấn đề khó, bởi nếu như bản thân cán bộ "có máu mê tiền, mê sắc" họ vẫn tìm mọi cách để đoạt được.

Ông Nguyễn Túc - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Ảnh: giaoduc.net.vn

Ông Nguyễn Túc - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Ảnh: giaoduc.net.vn

Thực tế hiện nay, tình trạng phân hóa giàu nghèo, lãng phí, tham ô... vẫn đang diễn biến phức tạp, gây bức xúc trong nhân dân. Chính vì thế, công cuộc phòng chống tiêu cực, tham nhũng thời gian qua được dư luận, người dân đồng tình. Đảng cũng đã ban hành các quy định, chỉ thị để phát huy vai trò giám sát của nhân dân trong công cuộc chống tham nhũng, chống tự diễn biến, tự suy thoái của cán bộ có chức, có quyền. Vì thế, Chính phủ cũng đã cụ thể hóa bằng các quy định.

"Tôi đồng ý với quy định trên nhưng cũng phải có những hình thức khác, để ngăn chặn tiêu cực có thể xảy ra", ông Túc chốt lại vấn đề.

Mạnh Đoàn