Bức tranh thừa, thiếu giáo viên từ nay đến năm học 2024 - 2025

15/08/2023 06:31
Hà An
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Đến năm học 2024 - 2025, cấp tiểu học còn thiếu 6.621 giáo viên tin học và 5.780 giáo viên ngoại ngữ; cấp trung học cơ sở: môn Lịch sử và Địa lý thiếu 6.631 GV...

Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có báo cáo gửi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Theo đó, báo cáo nêu, quy mô, chất lượng đội ngũ nhà giáo cơ bản đáp ứng yêu cầu triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Tổng số giáo viên phổ thông cả nước tính đến cuối năm học 2021 - 2022 là 857.993 người (tăng 6.199 người so với đầu năm học 2018 - 2019), được bổ sung 14.835 biên chế giáo viên phổ thông trong năm học 2022 - 2023. Tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn đào tạo của cấp tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông lần lượt là 75,3%, 86,4% và 99,9%, vượt chỉ tiêu so với lộ trình quy định tại Nghị định số 71/2020/NĐ-CP của Chính phủ. Đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục đã được bồi dưỡng, tập huấn theo đúng kế hoạch.

Trong giai đoạn 2016-2022 đã có 30.127 giáo viên cốt cán và 3.815 cán bộ quản lý cơ sở giáo dục cốt cán hoàn thành chương trình bồi dưỡng thường xuyên; 319.158 giáo viên và 22.869 cán bộ quản lý cơ sở giáo dục hoàn thành chương trình bồi dưỡng đại trà.

Đoàn giám sát nhận thấy việc xây dựng, củng cố đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục là một trong những yếu tố then chốt bảo đảm cho sự thành công của việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới. Tuy nhiên, tình hình thực tiễn đội ngũ giáo viên hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu, ảnh hưởng tới việc triển khai Nghị quyết 88/2014/QH13 và Nghị quyết 51/2017/QH14 của Quốc hội, cụ thể:

Số lượng giáo viên chưa đáp ứng được định mức theo quy định. Tình trạng thừa, thiếu giáo viên diễn ra phổ biến tại nhiều địa phương, nhất là giáo viên dạy các môn tích hợp, môn học mới (tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật) nhưng chậm được khắc phục do nhiều nguyên nhân do việc bố trí biên chế, tuyển dụng, hợp đồng, điều chuyển giáo viên, xây dựng đề án vị trí việc làm,… còn khó khăn; quy mô dân số hằng năm tăng, tăng dân số cơ học ở các khu vực trung tâm, thành phố lớn, khu công nghiệp, việc di dân tự do của đồng bào miền núi phía Bắc vào vùng Tây Nguyên, thiếu nguồn tuyển dụng; chính sách chung về biên chế, lương so với mức sống tại Thành phố không phù hợp nên khó tuyển dụng giáo viên.

Cả nước còn thiếu 106.945 giáo viên, trong đó thiếu 62.877 giáo viên phổ thông trong đó, cấp mầm non thiếu 44.068 giáo viên, cấp tiểu học thiếu 32.943, cấp trung học cơ sở thiếu 18.097, cấp trung học phổ thông thiếu 11.837 giáo viên; thừa cục bộ 5.091 giáo viên

Trong đó cấp tiểu học thừa cục bộ 2.302 giáo viên, cấp trung học cơ sở thừa cục bộ 2.650 giáo viên, cấp trung học phổ thông thừa cục bộ 139 giáo viên.

Ảnh minh hoạ: Lã Tiến

Ảnh minh hoạ: Lã Tiến

Đến năm học 2024 - 2025, cấp tiểu học còn thiếu 6.621 giáo viên tin học và 5.780 giáo viên ngoại ngữ; cấp trung học cơ sở: môn Lịch sử và Địa lý thiếu 6.631 giáo viên, thừa 375 giáo viên; môn Khoa học tự nhiên thiếu 2.366 giáo viên, thừa 4.627 giáo viên; môn Nghệ thuật: thiếu 4.321 giáo viên, thừa 885 giáo viên.

Còn ở cấp trung học phổ thông, tổng số giáo viên môn Nghệ thuật hiện có trong biên chế của cấp trung học phổ thông là 46 giáo viên (trong đó Đồng bằng sông Hồng có 2 giáo viên; miền núi phía Bắc có 19 giáo viên; Bắc Trung Bộ có 12 giáo viên; Tây Nguyên có 4 giáo viên; Đông Nam Bộ có 4 giáo viên; Đồng bằng sông Cửu Long có 5 giáo viên; địa phương có nhiều giáo viên nhất là Bắc Giang có 7 giáo viên). 42 tỉnh chưa có biên chế giáo viên cho các môn học này. Chính phủ không xác định được cụ thể số giáo viên cần có cho môn Âm nhạc, môn Mỹ thuật.

Chỉ tiêu phân bổ giáo viên cho đa số địa phương thấp hơn so với nhu cầu thực tế. Tỷ lệ giáo viên/lớp các trường phổ thông công lập thấp hơn định mức gây khó khăn cho việc thực hiện dạy 2 buổi/ngày đối với cấp tiểu học.

Cơ cấu đội ngũ giáo viên chưa cân đối giữa các môn học trong cùng một cấp học, giữa các vùng miền; chưa đồng bộ giữa cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông, nhất là đối với một số môn học mới. Ở nhiều địa phương có tình trạng đủ số lượng biên chế được giao nhưng không bảo đảm tỷ lệ giáo viên/lớp theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Chất lượng giáo viên không đồng đều. Một bộ phận giáo viên và cán bộ quản lý chưa đáp ứng chuẩn nghề nghiệp. Tỷ lệ giáo viên tiểu học đạt chuẩn của một số khu vực còn thấp hơn nhiều so với bình quân chung của cả nước (75,3%): Khu vực Miền núi phía Bắc đạt 66,2%; khu vực Đồng bằng sông Hồng đạt 71,5%.

Việc tuyển dụng, thu hút đội ngũ giáo viên gặp nhiều khó khăn, nhất là giáo viên dạy môn tích hợp, môn học mới do chưa có nguồn giáo viên được đào tạo; một số môn Mỹ thuật, Âm nhạc thiếu nguồn tuyển giáo viên đạt chuẩn trình độ đào tạo. Chính sách đặt hàng đào tạo giáo viên theo Nghị định 116/2016/NĐ-CP khó thực hiện. Chưa có phương án dài hạn giải quyết đội ngũ giáo viên hiện có được đào tạo đơn môn. Chế độ, chính sách đãi ngộ chưa đủ sức hấp dẫn để thu hút giáo viên thành phố lớn và các vùng miền núi, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Năm học 2021-2022, cả nước có 16.265 giáo viên nghỉ việc, chuyển việc ra khỏi ngành giáo dục.

Công tác đào tạo giáo viên dạy các môn học tích hợp và môn học mới theo yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 triển khai chậm, tính dự báo và kế hoạch không cao, chưa bảo đảm được yêu cầu đồng bộ về chuẩn bị đội ngũ giáo viên. Chưa có đội ngũ giáo viên được đào tạo chính quy, bài bản để dạy các môn tích hợp ở cấp trung học cơ sở. Trong thời gian đầu, việc dạy học và đánh giá học sinh còn khó khăn, lúng túng.

Công tác đào tạo nâng chuẩn ở các địa phương chưa đồng đều. Công tác tập huấn, bồi dưỡng giáo viên chưa thực sự hiệu quả; ý thức và động lực, sự đầu tư thời gian công sức của một bộ phận giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục cho hoạt động tự bồi dưỡng chưa cao; cơ chế phối hợp giữa các cơ sở đào tạo giáo viên với các cơ quan quản lý giáo dục các cấp và các trường phổ thông còn lỏng lẻo nên chất lượng bồi dưỡng còn hạn chế. Các khóa học bồi dưỡng, tập huấn trực tuyến trong thời gian dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng đến chất lượng.

Thời gian tập huấn ngắn, chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu. Một số địa phương biên giới, hải đảo, nơi có rất ít trường, không đủ giáo viên cốt cán theo hướng dẫn để hỗ trợ đồng nghiệp. Việc tập huấn, bồi dưỡng giáo viên đại trà ở một số nơi gặp khó khăn do biến động của đội ngũ giáo viên cốt cán (luân chuyển, bổ nhiệm, ốm đau, nghỉ việc,…)

Một số địa phương gặp khó khăn, lúng túng trong việc bố trí nguồn kinh phí cho hoạt động tập huấn, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục. Các văn bản quy định về cơ chế tài chính cho bồi dưỡng thường xuyên còn một số bất cập, chưa thực sự phù hợp với thực tế triển khai, gây khó khăn, lúng túng cho các địa phương. Còn thiếu chế độ, định mức chi cho đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên cốt cán hỗ trợ tập huấn cho đội ngũ giáo viên đại trà bằng hình thức trực tuyến và trực tiếp.

Thiếu quy định về chế độ khen thưởng, động viên dành cho đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên cốt cán khi tham gia hỗ trợ bồi dưỡng thường xuyên đối với cán bộ, giáo viên đại trà; về trách nhiệm của cán bộ, giáo viên hoàn thành nghĩa vụ tự bồi dưỡng thường xuyên trực tuyến.

Hà An