Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố ban hành Quy chế xét công nhận tốt nghiệp trung học cơ sở để lấy ý kiến đến hết ngày 2/12/2023.
Tại dự thảo, đề cập điểm mới như số lần xét công nhận tốt nghiệp trong 1 năm, bỏ xếp loại của bằng tốt nghiệp.
Nếu dự thảo được thông qua sẽ thay thế Quyết định số 11/2006/QĐ-BGDĐT ban hành Quy chế xét công nhận tốt nghiệp trung học cơ sở và được thực hiện từ năm học 2024-2025.
Dự thảo này đang nhận được nhiều ý kiến từ phía cơ sở giáo dục, Phòng giáo dục và Đào tạo.
Bỏ xếp loại trên bằng tốt nghiệp THCS là hợp lý
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Nguyễn Xuân Phái – Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Phúc Lâm (Mỹ Đức, Hà Nội) nhìn nhận, tại cấp trung học cơ sở, học sinh vừa phải phấn đấu hoàn thành chương trình trung học cơ sở vừa phải rèn luyện hạnh kiểm để đảm bảo đủ điều kiện xét tốt nghiệp, tạo tiền đề học tập tại các trường trung học phổ thông, giáo dục nghề nghiệp giáo dục thường xuyên.
Thầy Nguyễn Xuân Phái cho biết: “Điều kiện để học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở là kết quả học tập và rèn luyện phải từ “đạt” trở lên. Bên cạnh đó, nhà trường không tạo áp lực cho học sinh phải tốt nghiệp xếp loại giỏi, khá nên việc bỏ xếp loại ở bằng tốt nghiệp trung học cơ sở là hợp lý.
Hiện nay, việc xét tốt nghiệp trung học cơ sở chỉ tổ chức 1 lần/năm, học sinh chưa xét tốt nghiệp ở năm nay sẽ phải đợi sang năm sau nhưng theo điểm mới của dự thảo, cơ sở giáo dục tổ chức tốt nghiệp trung học cơ sở không quá 2 lần/năm. Vì vậy, khi bước vào kì nghỉ hè, học sinh chưa đủ điều kiện tốt nghiệp có thể đăng ký trực tiếp với nhà trường để thực hiện quá trình rèn luyện hè hoặc xin ý kiến, xác nhận từ địa phương”.
Thầy Phái thông tin thêm: “Việc công nhận xét tốt nghiệp không quá 2 lần/năm tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh, giúp các em có cơ hội nhìn nhận lại những điểm chưa tốt để rút kinh nghiệm và tiếp tục phấn đấu trong những năm học tiếp”.
Đề cập đến vấn đề xét tốt nghiệp, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Phúc Lâm cho hay: “Hàng năm, trường thực hiện theo quy định xét tốt nghiệp của Bộ Giáo dục và Đào tạo, những trường hợp không đủ điều kiện xét tốt nghiệp sẽ được thông báo tới gia đình.
Tính tới hiện tại, trường chưa có trường hợp không đủ điều kiện xét tốt nghiệp trung học cơ sở. Trong quá trình học tập, đối với học sinh có khả năng tiếp thu chậm, nhà trường yêu cầu giáo viên quan tâm sát sao ngay tại lớp cũng như thời gian học thêm, giúp học sinh đảm bảo đủ điều kiện xét tốt nghiệp”.
Thầy Phùng Ngọc Oanh - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ba Vì (Hà Nội). Ảnh: website Phòng Giáo dục và Đào tạo |
Đồng quan điểm với thầy Nguyễn Xuân Phái, thầy Phùng Ngọc Oanh – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ba Vì (Hà Nội) chia sẻ rằng: “Qua tìm hiểu, tôi đồng ý với dự thảo về việc bỏ xếp loại giỏi, khá, trung bình của bằng tốt nghiệp. Trường hợp học sinh có hạnh kiểm chưa đạt cần đăng ký rèn luyện hè để được xét tốt nghiệp lại là cần thiết. Để việc rèn luyện trong hè đạt hiệu quả, cần có sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường.
Nếu dự thảo được thông qua, công tác xét tốt nghiệp của các trường trung học cơ sở thuộc Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ba Vì sẽ được triển khai, thực hiện theo đúng hướng dẫn và quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo”.
Bỏ xếp loại, “sợ” học sinh không có động lực
Tuy nhiên, một số ý kiến bày tỏ lo lắng nếu không thực hiện xếp loại sẽ không phân loại được học sinh, đồng thời sẽ không tạo được động lực cho học sinh trong quá trình tham gia học tập.
Nhà giáo ưu tú Nguyễn Thanh Hà – Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Phan Chu Trinh (Ba Đình, Hà Nội) nhận định: “Từ trước đến nay, việc đánh giá xếp loại đều được thể hiện cụ thể tại bằng tốt nghiệp. Việc bỏ xếp loại đánh giá trên bằng tốt nghiệp sẽ ảnh hưởng nhiều đến động lực học tập của học sinh, cần có sự phân định rõ ràng giữa xếp loại giỏi, khá, trung bình”.
Nhà giáo ưu tú Nguyễn Thanh Hà - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Phan Chu Trinh (Ba Đình, Hà Nội). Ảnh: website trường. |
Về phía phòng giáo dục và đào tạo, cô Nguyễn Thị Thu Hương – Phó Trưởng phòng Giáo dục và đào tạo quận Hà Đông (Hà Nội) nói: “Bằng tốt nghiệp không ghi xếp loại sẽ không đánh giá được năng lực của học sinh trong cả 4 năm học. Quá trình học sinh nỗ lực phấn đấu học tập để đạt xếp loại giỏi nên được thể hiện thông qua việc xếp loại giỏi trên bằng tốt nghiệp. Có thể nói, việc bỏ xếp loại bằng tốt nghiệp trung học cơ sở không chỉ ảnh hưởng tới học sinh mà còn là phụ huynh với những băn khoăn về học lực của các con”.
Cùng với đó, dự thảo cũng có điểm mới đáng quan tâm: “Người học chưa được công nhận hoàn thành chương trình trung học cơ sở trong năm học lớp 9 do kết quả rèn luyện cả năm học lớp 9 xếp loại chưa đạt (hoặc hạnh kiểm cả năm xếp loại yếu) được đăng ký rèn luyện trong kỳ nghỉ hè của năm học đó đối với cơ sở giáo dục đã theo học lớp 9 để được đánh giá và công nhận hoàn thành chương trình trung học cơ sở theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo”.
Về vấn đề này, cô Hà nhấn mạnh: “Thực tế, nhà trường đã và đang tạo mối liên hệ mật thiết với địa phương trong một số hoạt động của học sinh. Trong khi đó, mùa hè là thời điểm học sinh không đến trường, vậy ai sẽ là người giám sát việc rèn luyện trong hè của các em và cần có sự phân công rõ ràng về trách nhiệm của cơ quan đơn vị ban ngành tại địa phương như hội phụ nữ, đoàn thanh niên,…”
Cô Nguyễn Thị Thu Hương - Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hà Đông. Ảnh: website Phòng Giáo dục và Đào tạo. |
Còn cô Hương chia sẻ: “Những năm trước, học sinh đã hoàn thành chương trình lớp 9 nhưng chưa được xét tốt nghiệp sẽ không được học lại mà thường đợi đến năm học tới đăng ký lại với nhà trường để làm bài kiểm tra cuối học kỳ với những môn chưa đạt để xét tốt nghiệp. Nếu dự thảo được thông qua, kế hoạch rèn luyện hè của học sinh sẽ do các trường trung học cơ sở phụ trách triển khai.
Về phía phòng giáo dục và đào tạo, công tác xét tốt nghiệp trung học cơ sở được triển khai thuận lợi. Đơn vị thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ phê duyệt danh sách tốt nghiệp, hội đồng xét công nhận tốt nghiệp do nhà trường gửi lên và cấp bằng tốt nghiệp trung học cơ sở cho học sinh được công nhận tốt nghiệp.
Trong khi đó, thay đổi số lần xét công nghiệp tốt nghiệp khiến công tác chuẩn bị cũng như quá trình thực hiện xét công nhận tốt nghiệp cho học sinh mất nhiều thời gian và phải hoàn thiện nhiều thủ tục. Đơn cử như các trường sẽ phải thực hiện lặp lại việc thành lập hội đồng xét công nhận tốt nghiệp, đề xuất danh sách xét tốt nghiệp”.