Có thể nói, kì thi tuyển sinh lớp 10 hàng năm là kì thi nghiêm túc nhất của ngành giáo dục từ lớp 1 đến lớp 9.
Chính kì thi nghiêm túc này của ngành giáo dục, nên điểm chuẩn tuyển sinh lớp 10 phân hóa rõ rệt giữa địa phương này với địa phương khác, giữa trường trung học phổ thông này với trường trung học phổ thông khác.
Những trường trung học phổ thông có “thương hiệu” hay nơi trung tâm đô thị, có nhiều học sinh đăng ký thi tuyển thì điểm chuẩn cao; ngược lại, những trường trung học phổ thông vùng sâu, vùng xa, số học sinh lớp 9 đăng ký thi gần bằng chỉ tiêu tuyển sinh thì điểm chuẩn thấp, nên chỉ cần “hơn 1 điểm/môn là trúng tuyển lớp 10 công lập”.
Giáo viên trực tiếp dạy học nói gì về “hơn 1 điểm/môn trúng tuyển lớp 10 phổ thông công lập”?
Để biết thầy cô đang trực tiếp cầm phấn chia sẻ về vấn đề này, bạn đọc có thể tham khảo loạt bài cùng chủ đề đã được đăng tải trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam trong thời gian qua.
“Kết quả tuyển sinh lớp 10 là "sách trắng" công khai chất lượng thật giáo dục” của thầy giáo Sơn Quang Huyến; “Hơn 1 điểm/môn vẫn đỗ cấp 3 công lập, kì thi vào 10 tốn kém và hình thức, nên bỏ” của thầy giáo Lê Mai;
“Chỉ hơn 1 điểm/môn đỗ lớp 10 là chất lượng kém, không thể đổ cho đề thi”, “Chưa đầy 2 điểm/môn cũng đỗ lớp 10 trường công, chất lượng thật bộc lộ” của cô giáo Phan Tuyết.
“Lớp 6 vẫn có em đọc viết tiếng Việt không thông, đầu vào lớp 10 thấp có gì lạ” của cô giáo Đỗ Quyên; “Đừng nói hơn 1 điểm/môn đỗ lớp 10 "không phản ánh chất lượng giáo dục" của thầy giáo Bùi Nam.
Tựu trung lại, góc nhìn về vấn đề “hơn 1 điểm/môn trúng tuyển phổ thông công lập” của giáo viên trực tiếp giảng dạy, đó là phản ánh trung thực chất lượng thật giáo dục trung học cơ sở của các địa phương.
(Ảnh minh họa: Thùy Linh) |
Lãnh đạo, chuyên gia giáo dục nói gì về “hơn 1 điểm/môn trúng tuyển lớp 10 phổ thông công lập”?
Khi nhìn nhận một vấn đề hay sự vật, hiện tượng, mỗi góc nhìn sẽ có cảm nhận, đánh giá khác nhau.
Để biết lãnh đạo, chuyên gia giáo dục nói gì về hơn 1 điểm/môn trúng tuyển phổ thông công lập, bạn đọc có thể tham khảo các bài viết “Điểm chuẩn vào lớp 10 nhiều trường thấp không hẳn do chất lượng đầu vào”;
“Hiệu trưởng cấp 3 phân tích hiện tượng chưa đầy 2 điểm/môn đỗ lớp 10”, “Điểm chuẩn vào lớp 10 thấp không phải bức tranh toàn cảnh chất lượng giáo dục” của nhà báo Trung Dũng, đã được đăng tải trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam trong thời gian qua.
Ở góc nhìn này, vấn đề “hơn 1 điểm/môn trúng tuyển lớp 10 phổ thông công lập” lãnh đạo, chuyên gia giáo dục có cái nhìn ngược lại với giáo viên đang trực tiếp đứng lớp.
Hơn 1 điểm/môn trúng tuyển phổ thông công lập, không phản ánh chất lượng giáo dục của địa phương.
Tại sao cùng ở trong ngành giáo dục nhưng có hai góc nhìn khác biệt về cùng một vấn đề như thế?
Lãnh đạo, chuyên gia giáo dục, nhìn nhận vấn đề “hơn 1 điểm/môn trúng tuyển lớp 10 phổ thông công lập” qua “lăng kính” kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông.
Khi kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông tiệm cận con số 100%, thì không thể nói chất lượng giáo dục ở địa phương thấp được, trong đó có chất lượng trung học cơ sở, dù kết quả tuyển sinh lớp 10 như thế nào.
Góc nhìn của lãnh đạo, chuyên gia giáo dục không sai, vì kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông luôn được đánh giá nghiêm túc, thành công tốt đẹp.
Giáo viên trực tiếp giảng dạy có góc nhìn như vậy, vì kì thi tuyển sinh lớp 10 là kì thi nghiêm túc nhất từ lớp 1 đến lớp 9 mà giáo viên được chứng kiến.
Học sinh tham gia kì thi tuyển sinh lớp 10 đều được đánh giá học lực trung bình trở lên; ma trận đề thi tuyển sinh lớp 10 có 4 điểm cho mức độ nhận thức Biết, 3 điểm cho mức độ nhận thức Hiểu, 2 điểm cho mức độ nhận thức Vận dụng thấp, 1 điểm cho mức độ nhận thức Vận dụng cao.
Thế nhưng kết quả làm bài thi của thí sinh chỉ hơn 1 điểm, rõ ràng đây là kết quả thật của giáo dục, phản ánh trung thực chất lượng thật giáo dục trung học cơ sở của các địa phương chứ không như đánh giá của các trường trung học cơ sở.
Sự khác biệt trên chính là do “lăng kính” nhìn nhận vấn đề, nếu bỏ cơ cấu điểm học bạ ra khỏi điểm xét tuyển tốt nghiệp trung học phổ thông, người viết tin rằng góc nhìn của lãnh đạo và chuyên gia giáo dục sẽ không còn mấy khác biệt với giáo viên trực tiếp giảng dạy về vấn đề “hơn 1 điểm/môn trúng tuyển lớp 10 phổ thông công lập”.
Hơn 1 điểm/môn trúng tuyển lớp 10 công lập không phản ánh chất lượng giáo dục thì phản ánh cái gì?
Dư luận xã hội cũng cần câu trả lời chính xác tuyệt đối, của câu hỏi “Hơn 1 điểm/môn trúng tuyển lớp 10 công lập không phản ánh chất lượng giáo dục thì phản ánh cái gì?”.
Trường trung học phổ thông tuyển sinh lớp 10 bằng phương thức thi tuyển, sẽ lấy kết quả điểm thi của thí sinh từ trên xuống, cho đến khi đủ chỉ tiêu, điểm chuẩn là kết quả thi của thí sinh cuối cùng trúng tuyển.
Như vậy, câu trả lời chính xác tuyệt đối của câu hỏi “Hơn 1 điểm/môn trúng tuyển lớp 10 công lập không phản ánh chất lượng giáo dục thì phản ánh cái gì?”, là phản ánh kết quả thi của thí sinh cuối cùng trúng tuyển lớp 10.
Ví dụ, trường trung học phổ thông A chỉ tiêu tuyển sinh 200, có 199 thí sinh trung bình môn trên 5 điểm, thí sinh cao điểm nhất thứ 200 có trung bình môn đạt 1 điểm/môn, dù điểm thấp nhưng vẫn trúng tuyển, điểm chuẩn tuyển sinh lớp 10 trường A là kết quả của thí sinh thứ 200 này.
Để dư luận có cái nhìn khách quan, ngoài công bố điểm chuẩn, các cơ sở giáo dục cần công bố phổ điểm trúng tuyển đầu vào của trường mình.
Phổ điểm trúng tuyển đầu vào, phổ điểm thi tuyển sinh lớp 10, phản ánh chất lượng giáo dục trung học cơ sở của địa phương, dù cố tình “che đậy bằng hệ số”.
Còn hệ số trong điểm tuyển sinh lớp 10, còn cơ cấu điểm học bạ lớp 12 trong điểm xét tuyển tốt nghiệp trung học phổ thông, chúng ta chưa muốn thấy chất lượng thật của giáo dục, sẽ còn góc nhìn khác nhau dù ở cùng một vị trí.
“Thi, kiểm tra cứ làm nghiêm túc như kỳ tuyển sinh lớp 10 sẽ lộ chất lượng thật”, cũng là giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục, tiến tới thực hiện chỉ đạo “học thật, thi thật, nhân tài thật” của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.