Ngày 24/7, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức khai mạc hội thảo - tập huấn giảng viên sư phạm chủ chốt về chuyển giao và hướng dẫn tài liệu mô đun 4 bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán.
Đây là hoạt động trong khuôn khổ Chương trình ETEP, được tổ chức theo hình thức trực tuyến, phòng họp ảo, với sự tham gia của hơn 1.000 đại biểu tại 545 đầu cầu trên cả nước; trong đó có 700 thầy cô là giảng viên sư phạm chủ chốt của 7 trường Đại học sư phạm và Học viện Quản lý giáo dục tham gia ETEP.
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biết: Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã triển khai được 1 năm, bắt đầu với lớp 1. Chương trình được thiết kế theo hướng mở, chỉ quy định những nguyên tắc, định hướng chung về yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực của học sinh, nội dung giáo dục, phương pháp giáo dục và việc đánh giá kết quả giáo dục; không quy định quá chi tiết, để tạo điều kiện cho tác giả sách giáo khoa và giáo viên phát huy tính chủ động, sáng tạo trong thực hiện chương trình.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng 9 mô đun bồi dưỡng thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cho 2 đối tượng là giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông mỗi cấp học.
Các mô đun bồi dưỡng giúp giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông nắm được Chương trình tổng thể, Chương trình các môn học và hoạt động giáo dục; giúp giáo viên phát triển năng lực nghề nghiệp, đáp ứng yêu cầu chuẩn nghề nghiệp giáo viên; giúp hiệu trưởng phát triển năng lực nghề nghiệp, đáp ứng yêu cầu chuẩn hiệu trưởng, đáp ứng Chương trình giáo dục phổ thông mới.
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ phát biểu khai mạc hội thảo - tập huấn (ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo) |
Trong số 9 mô đun, mô đun 4 với bồi dưỡng giáo viên là “Xây dựng kế hoạch dạy học và giáo dục theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh tiểu học/trung học cơ sở/trung học phổ thông”; với bồi dưỡng cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông là “Quản trị cơ sở vật chất, thiết bị và công nghệ trong dạy học, giáo dục học sinh ở trường tiểu học/trung học cơ sở/trung học phổ thông”.
Thứ trưởng khẳng định: Triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới, việc xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng. Chương trình mới dành quyền chủ động cho các nhà trường để mỗi trường xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường, kế hoạch giáo dục tổ chuyên môn, kế hoạch giáo dục của giáo viên, bảo đảm yêu cầu thực hiện Chương trình, phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương và cơ sở giáo dục.
“Chương trình được thiết kế theo hướng mở nên chúng ta phải cụ thể hóa bằng phân phối chương trình; thiết kế kế hoạch dạy học theo điều kiện cụ thể của nhà trường; phân phối thời gian, khối lượng kiến thức để phù hợp với điều kiện giáo viên, cơ sở vật chất từng nhà trường. Các giảng viên sư phạm chủ chốt cần phân tích cho giáo viên thấy rõ điều này để triển khai thực hiện cho tốt”, Thứ trưởng nêu rõ.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của của việc chuẩn bị cơ sở vật chất, khai thác, phát huy hiệu quả cơ sở vật chất trong các nhà trường. Nhất là khi triển khai thực hiện chương trình mới, các nhà trường tăng cường thực hành, tăng cường trải nghiệm, Thứ trưởng lưu ý: Phải quản trị cơ sở vật chất thế nào để khai thác hiệu quả, tinh thần là sử dụng hiệu quả từng mét vuông đất và không để thiết bị nào về trường mà không ra lớp.
Trong 3 ngày triển khai 2 nội dung quan trọng nói trên đến các giảng viên sư phạm chủ chốt, Thứ trưởng đề nghị các giảng viên cần phát huy tính tích cực trong trao đổi, thảo luận; bồi dưỡng - tập huấn nghiêm túc, bảo đảm chất lượng. Từ đó, các giảng viên sư phạm chủ chốt triển khai tốt nhất nội dung này đến đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục phổ thông cốt cán.
Hội thảo - tập huấn diễn ra trong 3 ngày (từ 24 đến 26/7/2021). Sau phiên khai mạc, chương trình chia thành 3 nhóm thảo luận: Nhóm giáo viên tiểu học, nhóm giáo viên trung học và nhóm cán bộ quản lý.