Những năm qua, kỳ thi đánh giá năng lực do một số cơ sở giáo dục đại học tổ chức ngày càng thu hút đông đảo thí sinh tham dự. Nhiều cơ sở giáo dục đại học cũng xét tuyển theo phương thức sử dụng kết quả bài thi đánh giá năng lực của các trường tổ chức kỳ thi này.
Mới đây, lãnh đạo một trường đại học cũng đề xuất tổ chức một kỳ thi tuyển sinh riêng cho khối ngành sức khỏe.
Nhiều chuyên gia đang đặt ra lo ngại về việc quản lý chất lượng khi thực tế đang xảy ra tình trạng “trăm hoa đua nở” kỳ thi đánh giá năng lực.
Tiến sĩ Lê Viết Khuyến cho rằng, nên vận dụng phương pháp đánh giá năng lực vào đề thi của Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông. (Ảnh: Nguyên Phương) |
Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến – Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học nêu quan điểm, việc tổ chức Kỳ thi riêng với khối ngành sức khỏe chỉ nên áp dụng với một số ngành đặc thù như Y đa khoa, Răng – Hàm – Mặt,… - những ngành mà số lượng thí sinh xét tuyển cao.
Tuy nhiên, các trường vẫn nên sơ tuyển qua kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, rồi tiến tới trung tuyển bằng kỳ thi riêng hoặc phỏng vấn thí sinh. Các trường có thể liên kết với nhau để có kỳ thi đánh giá năng lực chất lượng, hiệu quả.
Hiện nay, cũng có rất nhiều trường tổ chức kỳ thi năng khiếu và đánh giá năng lực để lựa chọn được thí sinh phù hợp. Tiến sĩ Lê Viết Khuyến cho rằng, nếu thực hiện được đúng mục đích giống tên gọi là “đánh giá năng lực” người học thì rất tốt.
Bên cạnh đó, cũng nên vận dụng phương pháp đánh giá năng lực vào đề thi của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông.
“Trước đây, chúng ta dạy học, ra đề thi theo phương pháp tiếp cận nội dung, đánh giá kiến thức học sinh qua kiểm tra ghi nhớ. Còn những năm qua, kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông cũng đã có những cải tiến về chất lượng theo hướng đánh giá năng lực, dù điều này chưa được thể hiện thực sự rõ ràng. Chính vì vậy, chúng ta cần vận dụng phương pháp đánh giá năng lực vào đề thi tốt nghiệp.
Hiện nay, các trường đại học được tự chủ trong tuyển sinh, đào tạo nhưng tổ chức các phương thức xét tuyển, tổ chức các kỳ thi cũng phải xem xét đến lợi ích của người học, làm sao để đánh giá chính xác năng lực người học và giảm phiền hà cho người học.
Còn nếu các trường đua nhau, tự “vẽ” ra quá nhiều kỳ thi riêng thì sẽ gây tốn kém, ảnh hưởng tới lợi ích của người học, nhiều học sinh vùng khó sẽ không có cơ hội được tiếp cận với những kỳ thi này.
Và để tổ chức kỳ thi này có hiệu quả, những người ra đề phải có cả đủ kiến thức lý luận và thực tiễn về đo lường đánh giá trong giáo dục, cần có những chuyên gia đo lường đánh giá trong việc xây dựng ngân hàng đề thi.
Bộ Giáo dục và Đào tạo phải quản lý chất lượng kỳ thi đánh giá năng lực của các trường cũng như chất lượng hoạt động tuyển sinh, không thể “buông lỏng” quản lý, đồng thời, khuyến khích, thu hút những chuyên gia giỏi về đo lường, đánh giá trong giáo dục tham gia cùng với Bộ để xây dựng ngân hàng đề thi tốt nghiệp theo hướng đánh giá năng lực.
Các trường muốn tổ chức kỳ thi riêng cũng phải có đề án, chứng minh được năng lực tổ chức kỳ thi của mình, có đảm bảo được công bằng, hiệu quả hay không. Và đây là vai trò, nhiệm vụ quản lý của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ phải quản lý được chất lượng kỳ thi đánh giá năng lực của các cơ sở giáo dục đại học.
Phải thống nhất chuẩn đánh giá năng lực
Chia sẻ với phóng viên, Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chuyên nghiệp (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết, cần có sự đánh giá giữa kết quả thi đánh giá năng lực với khả năng học tập của những sinh viên trúng tuyển đại học bằng phương thức này khi bước vào môi trường đại học. Như vậy mới có cơ sở để đánh giá chất lượng kỳ thi mà các trường tổ chức.
Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chuyên nghiệp (Bộ Giáo dục và Đào tạo). (Ảnh: NVCC) |
Để tổ chức thi có hiệu quả, các trường cần có cách tiếp cận để đảm bảo thống nhất chuẩn đánh giá năng lực. Các cơ sở giáo dục đại học cũng có thể liên kết với nhau để thực hiện tổ chức và nâng cao hiệu quả, chất lượng kỳ thi này.
Hiện nay, chúng ta đang tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực và sử dụng kết quả thi để xét tuyển đại học khá nhiều, trong khi việc tổ chức các môn thi tương ứng hoặc lựa chọn kết quả môn xét tuyển với ngành học nào cũng chưa có cơ sở khoa học, việc quy đổi điểm cũng chưa có một quy chuẩn rõ ràng và thiếu tính khoa học.
Vì thế, chúng ta cũng cần phải có sự đối sánh (tương đương) giữa điểm thi đánh giá năng lực và điểm học bạ, điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông và khả năng học đại học trên một tập hợp đủ lớn dữ liệu thống kê. Như vậy mới có thể đánh giá về độ tin cậy cũng như đo lường được chất lượng của kỳ thi này.
“Khi thực tế kỳ thi đánh giá năng lực vẫn còn tồn tại một số vấn đề bất cập, chưa ai có thể chứng minh được kỳ thi đánh giá năng lực của trường A tốt hơn hay dở hơn trường B, thì Bộ Giáo dục và Đào tạo nên sớm vào cuộc, có chỉ đạo, đánh giá về việc đảm bảo chất lượng của các kỳ thi, tránh kiểu "trăm hoa đua nở" và khi sự đã rồi thì xử lý sẽ rất khó khăn.
Tất nhiên, nếu làm tốt kỳ thi đánh giá năng lực thì sẽ là tín hiệu tích cực cho hoạt động tuyển sinh cũng như chất lượng đầu vào của giáo dục đại học, đặc biệt trong bối cảnh đổi mới giáo dục hiện nay. Nhưng kỳ thi đánh giá năng lực phải có đánh giá đảm bảo chất lượng và độ tin cậy mới phát huy được hiệu quả”, Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh nhận định.