Nguồn tin của Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam xác nhận, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam 4 tháng đối với bị can Trương Quý Sửu - nguyên Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Gia Lai về hành vi “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.
Được biết, ông Sửu bị Cơ quan cảnh sát điều tra đọc lệnh bắt tại nhà riêng. Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Gia Lai đã được thông báo về việc này. (Ảnh: Báo Gia Lai) |
Theo đó, ông Trương Quý Sửu với trách nhiệm là Phó Trưởng phòng, Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính từ năm 2017 đến tháng 3/2021, đã tham mưu trực tiếp để xảy ra sai phạm tại 10/14 dự án phần mềm tại Sở Giáo dục và Đào tạo.
Trước đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Gia Lai đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 64/QĐ-CSKT ngày 15/11 để điều tra về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” với số tiền hơn 2,3 tỷ đồng xảy ra tại Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT).
Đây là vụ án được Thanh tra tỉnh phát hiện qua nội dung Kết luận thanh tra số 08/KL-TTr ngày 2/6/2022 về việc đầu tư các dự án, mua sắm các phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động tại Sở Giáo dục và Đào tạo giai đoạn 2015-2021.
Như Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã đưa tin, vào tháng 6/2022, Thanh tra tỉnh Gia Lai vừa có kết luận thanh tra việc đầu tư mua sắm các phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin tại Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh giai đoạn 2015-2021.
Theo đó, trong giai đoạn từ năm 2015-2021, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Gia Lai được Uỷ ban nhân dân tỉnh giao làm chủ đầu tư 13 dự án, phần mềm và gia hạn 2 phần mềm với tổng kinh phí là 33 tỷ đồng.
Thanh tra đã phát hiện có nhiều dự án mua sắm thiết bị, phần mềm có vi phạm, không công khai kết quả lựa chọn nhà thầu; chưa khảo sát kỹ nhu cầu sử dụng thực tế của các đơn vị. Nhiều văn bản có chữ ký nhưng không có dấu; nhiều phần mềm được Sở Giáo dục và Đào tạo trang bị cho các đơn vị trực thuộc nhưng không sử dụng, dẫn đến việc sử dụng ngân sách chưa hiệu quả, như phần mềm “Quản lý các khoản thu 2021”, “Phần mềm quản lý ngân hàng đề thi 2020”, “Phần mềm hỗ trợ soạn giảng E-Learning năm 2020”...
Theo kết luận thanh tra, tổng số tiền sai phạm trong việc mua sắm phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin áp dụng vào hoạt động quản lý tài chính và giáo dục tại Sở Giáo dục và Đào tạo là hơn 2,3 tỷ đồng.