Sai phạm tại NXB GDVN bị phanh phui: Cảnh tỉnh cho cán bộ ngồi "ghế nóng"

21/02/2023 06:31
Phạm Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Ông Lê Như Tiến: “Việc lợi dụng chức vụ quyền hạn để làm giàu từ SGK, khiến người dân nghèo khó tiếp cận được với sách giáo khoa là không thể chấp nhận”.

Vừa qua, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra Quyết định Khởi tố vụ án "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ và Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo"; khởi tố bị can, bắt bị can để tạm giam, khám xét đối với các bị can có liên quan.

Theo đó, ông Nguyễn Đức Thái, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên bị cáo buộc đã lợi dụng chức vụ quyền hạn được giao trong việc mua sắm giấy in phục vụ in ấn sách giáo dục, cùng bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, nguyên Trưởng Ban Kế hoạch Marketing và ông Đinh Quốc Khánh, nguyên Phó Trưởng Ban Kế hoạch Marketing đã thông đồng với bà Tô Mỹ Ngọc, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Cổ phần Giấy Phùng Vĩnh Hưng, vi phạm quy định của pháp luật về bảo đảm công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu cung cấp giấy in, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng tài sản Nhà nước.

Xung quanh vụ việc này, trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Lê Như Tiến - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (nay là Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội); Đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII, cho rằng, vụ việc gây nhiều bất bình trong dư luận.

Ông Lê Như Tiến cho rằng, việc những cá nhân lợi dụng chức vụ, quyền hạn để làm giàu từ sách giáo khoa là không thể chấp nhận. Ảnh: Phạm Minh

Ông Lê Như Tiến cho rằng, việc những cá nhân lợi dụng chức vụ, quyền hạn để làm giàu từ sách giáo khoa là không thể chấp nhận. Ảnh: Phạm Minh

Từ đây cũng cần xem xét, ngoài những đối tượng bị khởi tố thì còn ai tiếp tay cho những cá nhân này?

Cơ quan điều tra đã vào cuộc, sẽ có quyết định, hướng xử lý cụ thể, điều này thêm một lần nữa khẳng định công cuộc phòng chống tham nhũng không có vùng cấm, không có ngoại lệ của Đảng và Nhà nước ta, tổ chức hay cá nhân nào dù ở lĩnh vực nào nếu vi phạm sẽ bị xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Những sai phạm của Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam diễn ra chủ yếu trong giai đoạn từ năm 2014 đến năm 2019, lẽ ra vụ việc này phải được xử lý sớm hơn, đáng tiếc là sau nhiều năm trôi qua, những sai phạm này mới bị phanh phui. Nhưng dẫu xử lý muộn còn hơn không, và chúng ta đã thấy sự vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt của cơ quan Thanh tra Chính phủ và cơ quan điều tra.

Thời gian tới, vụ việc này sẽ được các cơ quan bảo vệ pháp luật làm sáng tỏ.

Chúng ta khẳng định giáo dục là quốc sách hàng đầu, sách giáo khoa cũng góp phần làm nên chất lượng giáo dục đào tạo, chưa bàn đến chất lượng sách nhưng việc lợi dụng chức vụ, quyền hạn để làm giàu từ sách giáo khoa là điều không thể chấp nhận.

Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cũng đặt vấn đề việc việc quản lý các doanh nghiệp Nhà nước từ câu chuyện của Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam.

Các doanh nghiệp nhà nước, sử dụng ngân sách nhà nước cần phải có được sự quản lý chặt chẽ, cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, yêu cầu các doanh nghiệp phải giải trình rõ ràng về các hoạt động liên quan, từ giá cả đến thành phẩm các sản phẩm họ sản xuất.

“Chúng ta có các cơ quan kiểm tra của Đảng, cơ quan thanh tra của nhà nước, các cơ quan giám sát, mà lại để xảy ra sai phạm như vậy thì cần phải xem xét lại.

Đặc biệt vai trò của cơ quan chủ quản, hằng năm còn có cả kiểm toán mà để sai phạm kéo dài, chúng ta phải rút kinh nghiệm nghiêm túc vấn đề này”, ông Lê Như Tiến nhấn mạnh.

Bài học rút ra là phải công khai, minh bạch trong quá trình sản xuất của doanh nghiệp, như với nhà xuất bản, cần công khai minh bạch việc làm ra một cuốn sách, công khai giá sách là bao nhiêu, đồng tiền lấy từ ngân sách sử dụng đúng mục đích hay không?

Quản lý nhà nước cần chặt chẽ hơn, tăng cường thanh tra, kiểm tra

Chia sẻ với phóng viên, Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết, những sai phạm tại Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam đáng ra phải được phát hiện và xử lý sớm hơn, vì nhiều năm qua, dư luận đã phản ánh rất gay gắt về việc giá sách tăng cao, Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam độc quyền trong xuất bản sách giáo khoa bán cho học sinh trên toàn quốc.

Dù muộn nhưng việc xử lý này là hết sức cần thiết, cho thấy sự vào cuộc rất quyết liệt của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và trách nhiệm rất lớn của cơ quan Thanh tra Nhà nước.

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp. Ảnh:Quochoi.vn

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp. Ảnh:Quochoi.vn

Đưa những sai phạm ra ngoài ánh sáng là việc được người dân đồng tình ủng hộ, chúng ta càng phải làm nghiêm hơn, xử lý trách nhiệm mức cao nhất với những đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật.

“Qua đây cũng phải xem xét trách nhiệm của cơ quan chủ quản là Bộ Giáo dục và Đào tạo thời kỳ đó, truy cứu trách nhiệm của những cá nhân liên quan, tại sao để Nhà xuất bản tự tung tự tác như thế?

Nếu Thanh tra Chính phủ không vào cuộc thì liệu vụ việc này có được đưa ra ngoài ánh sáng. Thanh tra của Bộ Giáo dục và Đào tạo ở đâu, liệu những tiêu cực trong xuất bản sách giáo khoa có sự cấu kết của các bên liên quan hay không, điều này cần phải được làm rõ”, Đại biểu Phạm Văn Hoà nêu vấn đề.

Về vấn đề quản lý doanh nghiệp nhà nước, ông Phạm Văn Hoà cho rằng, trước tiên, cơ quan chủ quản phải chịu trách nhiệm quản lý nhà nước, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở thật sát sao hoạt động của doanh nghiệp.

"Phải xem xét hoạt động quản lý doanh nghiệp đó như thế nào, họ bán lỗ hay thông báo có lời thì cơ quan chủ quản phải xem xét thực tế có đúng như vậy không, tình hình hằng năm cụ thể ra sao?

Một doanh nghiệp báo lỗ mà vẫn hoạt động bình thường, còn cơ quan quản lý nhà nước thì vẫn không phát hiện được sự bất thường? Liệu có câu chuyện “lỗ thật lời giả”, rồi có cá nhân “đút túi” tư lợi riêng cho bản thân không? Vấn đề này trong quản lý nhà nước cần được làm rõ.

Đồng tiền của Nhân dân, tiền từ ngân sách Nhà nước cấp cho doanh nghiệp thì trách nhiệm của cơ quan nhà nước là phải biết và phải quản lý chặt chẽ nguồn tiền đó hoạt động như thế nào, phải thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, thanh tra để sớm phát hiện và xử lý sai phạm nếu có", ông Hoà cho hay.

Cũng theo Đại biểu Phạm Văn Hoà, trách nhiệm của người đứng đầu doanh nghiệp nhà nước đó là phải làm đầu tàu, gương mẫu, phải liêm khiết, thanh minh, chính trực, rõ ràng, cụ thể trong từng công việc thì các doanh nghiệp nhà nước mới hoạt động hiệu quả.

Nếu để xảy ra sai phạm, cần xem xét trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước và trách nhiệm của người đứng đầu doanh nghiệp, cần phải truy cứu trách nhiệm rõ ràng, đặc biệt là trách nhiệm của cơ quan thanh tra chuyên ngành khi để xảy ra tham nhũng, tiêu cực.

Vụ việc sai phạm tại Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cũng là lời cảnh tỉnh cho những cơ quan, đơn vị, những doanh nghiệp nhà nước, để sau này họ không dám làm những việc phi pháp, lợi dụng quyền hạn của mình để tư lợi cá nhân, kiếm chác trên đồng tiền mồ hôi nước mắt của Nhân dân.

Phạm Minh