3 lần bị từ chối và kinh nghiệm để đạt học bổng thạc sĩ của chàng trai xứ Thanh

31/01/2024 06:36
Tường San
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Việc “khoác một chiếc áo quá rộng” trong các câu chuyện ở bài luận xin học bổng du học thạc sỹ từng khiến Lê Văn Kiên bị một số trường đại học từ chối.

Sau những nỗ lực không ngừng nghỉ của mình, tháng 12 vừa qua, Lê Văn Kiên (sinh năm 1993, Thanh Hóa) đã xuất sắc giành được học bổng du học toàn phần hệ thạc sỹ của chính phủ New Zealand.

Sinh ra trong một gia đình với bố làm giáo viên và mẹ làm dược sĩ, do đó, ngay từ khi còn nhỏ, Kiên đã luôn được bố mẹ đề cao việc học tập. Thế nhưng, để giúp các con có cơ hội được học tập ở môi trường tốt hơn, bố mẹ Kiên từng chấp nhận từ bỏ sự nghiệp và cuộc sống ổn định để chuyển đến sinh sống tại một vùng khác ở cùng tỉnh.

Do đó, sự hy sinh, quan tâm của bố mẹ luôn là động lực để chàng trai xứ Thanh phấn đấu trên con đường học tập, đồng thời cũng là tấm gương về sự kiên trì và quyết tâm để anh noi theo.

Từng bị từ chối 3 lần khi nộp hồ sơ xin học bổng toàn phần

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Kiên bày tỏ, học bổng mà anh nhận được là học bổng toàn phần Manaaki của chính phủ New Zealand. Với học bổng này, anh sẽ được miễn toàn bộ học phí, chi phí ăn ở, sinh hoạt cùng vé máy bay hai chiều, bảo hiểm, 2 khoản trợ cấp cố định khi bắt đầu và hoàn thành khóa học.

Bên cạnh đó, nói về lý do lựa chọn học bổng trên, Kiên cho hay, New Zealand là một quốc gia rất phát triển về giáo dục với hệ thống logistics tiên tiến. Đặc biệt, đất nước này còn rất chú trọng tới phát triển bền vững.

Chính vì vậy, anh đã lựa chọn học bổng chính phủ của New Zealand để theo đuổi việc học thạc sĩ chuyên ngành Quản lý chuỗi cung ứng ( supply chain management).

Lê Văn Kiên giành được học bổng du học toàn phần hệ thạc sỹ của chính phủ New Zealand về chuyên ngành Quản lý chuỗi cung ứng (Ảnh: NVCC).

Lê Văn Kiên giành được học bổng du học toàn phần hệ thạc sỹ của chính phủ New Zealand về chuyên ngành Quản lý chuỗi cung ứng (Ảnh: NVCC).

Kể lại hành trình “chạm” tới ước mơ du học của bản thân, chàng trai bày tỏ, xuất phát điểm của anh là một người mẫu trên sàn diễn. Năm 2013, anh từng lọt vào tốp 4 chung cuộc của cuộc thi Vietnam's Next Top Model. Tuy nhiên, từ năm 2020, anh quyết định tham gia trực tiếp vào công việc sản xuất quần áo tại một xưởng thời trang nhỏ.

Cũng từ đây, anh nhận ra rằng tính không bền vững trong những ngành thâm dụng lao động (labor intensive) như ngành công nghiệp thời trang xuất phát không chỉ từ sản xuất dư thừa mà còn từ thu nhập bấp bênh và điều kiện làm việc không ổn định của người lao động. Và sự đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu do ảnh hưởng của dịch COVID-19 càng làm cho thời gian sản xuất bị kéo dài và nhịp độ sản xuất không ổn định.

Do vậy, nhiều công nhân phải tăng ca với cường độ cao liên tục để hoàn thiện đơn hàng, gây ảnh hưởng lớn đến chất lượng công việc và cả sức khỏe của họ.

Bên cạnh đó, Kiên cũng có trải nghiệm cùng các doanh nghiệp may vừa và nhỏ khác. Qua những trải nghiệm này, anh nhận thấy rằng, hầu hết đơn hàng mà chúng ta nhận được đều là gia công (CMT) - phương thức sản xuất xuất khẩu có giá trị thặng dư thấp nhất trong chuỗi cung ứng thời trang.

Điều này khiến các doanh nghiệp may vừa và nhỏ bị cạnh tranh rất nhiều về giá và thường phải chấp nhận các đơn hàng đột biến, dẫn đến bị động trong việc tái đầu tư vào kỹ thuật hay nhân sự phát triển mẫu; khó có thể giành được các đơn hàng FOB hay ODM trên trường quốc tế.

OEM (Original Equipment Manufacturer) là phương thức sản xuất của ngành dệt may, bao gồm tất cả các công đoạn thu mua nguyên liệu và may cắt sản phẩm. Với phương thức sản xuất hàng dệt may này, các xưởng may sẽ chuẩn bị đầy đủ nguyên vật liệu, thực hiện quá trình gia công, lắp ráp sản phẩm, và hoàn thiện đơn hàng theo đúng yêu cầu của người đặt may.

Còn đối với đơn hàng FOB (Free On Board), người đặt hàng sẽ cung cấp mẫu mã cũng như những ý tưởng cho sản phẩm của mình. Ngoài ra, trong đơn hàng này sẽ chỉ rõ chất liệu và các loại phụ kiện cần thiết cho việc may sản phẩm. Sau đó công ty thực hiện đơn FOB sẽ chịu trách nhiệm tìm kiếm đúng nguyên liệu, mà bên khách hàng đã yêu cầu.

Trong quá trình làm việc thực tế, chàng trai Việt cũng luôn cố gắng áp dụng các kiến thức đã được học tại Trường Đại học Ngoại thương về vận tải, giao dịch cùng các kinh nghiệm cá nhân để kết nối các bên liên quan và xử lý các nút thắt cổ chai xuất hiện trong toàn chuỗi cung ứng.

Tuy nhiên, nhận thấy bản thân vẫn chưa thể xử lý triệt để các vấn đề và cần đi học chuyên sâu, nâng cao thêm nữa về quản lý chuỗi giá trị, sản xuất tinh gọn và logistics bền vững. Chính vì vậy, Kiên đã quyết tâm giành học bổng để theo học chương trình thạc sỹ chuyên ngành Quản lý chuỗi cung ứng.

Thế nhưng, để theo đuổi được học bổng du học toàn phần của chính phủ không phải điều dễ dàng mà là một con đường dài hơi và không bằng phẳng.

Kiên cho hay, các ứng viên cần phải có đầy đủ các kinh nghiệm như yêu cầu đặt ra cùng các giấy tờ, hồ sơ,chứng chỉ ngoại ngữ liên quan.

Bên cạnh đó, học bổng toàn phần là học bổng rất cạnh tranh nên không phải ai cũng có thể thành công ngay trong lần xin học bổng đầu tiên. Sau những sự từ chối, những ý kiến tiêu cực từ bên ngoài lại càng làm cho ứng viên dễ nhụt chí, hoang mang và lo sợ. Bản thân Kiên cũng đã từng bị từ chối nhiều lần trước khi đạt được kết quả như hiện tại.

Theo đó, sau khi dành hai năm để học lại tiếng Anh, cách đây một năm, anh bắt đầu viết hồ sơ xin học bổng du học hệ thạc sỹ với chuyên ngành quản lý chuỗi cung ứng mà bản thân mong muốn. Tuy nhiên, sau đó 3 tháng, Kiên đã không may mắn khi lần lượt nhận sự từ chối 3 học bổng của Thụy Điển và 1 học bổng ở Hà Lan bị vào danh sách chờ.

Anh thậm chí còn viết hàng chục email gửi đến các phòng ban của những trường đại học và đơn vị duyệt học bổng để xem xét trường hợp của mình, hy vọng có thêm được cơ hội. Tuy nhiên, đáp lại tất cả email đó đều là sự từ chối.

Vừa chán nản lại mất phương hướng, nỗi nghi ngờ về năng lực của bản thân bắt đầu bủa vây lấy tâm trí của chàng trai Việt. Không những vậy, nhiều ý kiến từ mọi người xung quanh lại nói rằng ngành học này sẽ rất khó xin học bổng và cơ hội cho những cá nhân chỉ làm việc ở một công ty tư nhân nhỏ bé như Kiên gần như là không có.

Thế nhưng, trong lúc khó khăn nhất, Kiên lại may mắn nhận được sự gợi ý của bạn bè đọc 2 cuốn sách là Magic of Believing (Sức mạnh niềm tin) và Mindset (Tâm lý học thành công).

Nhờ vậy, anh nhận ra rằng, cũng giống nhiều người khác, bản thân mình sẽ có lúc vấp ngã, khó khăn, nhưng thất bại ở quá khứ không có nghĩa là trong tương lai mình cũng sẽ thất bại. Và tất cả mọi chuyện xảy ra đều là bài học để chúng ta hoàn thiện bản thân và chuẩn bị tốt hơn trên con đường theo đuổi giấc mơ của mình.

Sau đó, Kiên bắt đầu lấy lại tinh thần để chiến đấu tiếp tục trên con đường xin học bổng của mình và nhận ra có nhiều vấn đề trong hồ sơ mà bản thân cần phải điều chỉnh lại.

Không nên "khoác một chiếc áo quá rộng" trong bài luận xin học bổng

Khi nộp hồ sơ xin học bổng chính phủ của Thụy Điển và Hà Lan, do luôn lo sợ rằng câu chuyện mà mình gửi đến trường trong bài luận không đủ thuyết phục vì chỉ làm việc ở một xưởng may thời trang nhỏ bé, anh đã “khoác" cho mình "một chiếc áo quá rộng” nên đã bị từ chối.

Chính những lần từ chối đó đã giúp anh nhận ra thứ mình thiếu chính là sự “nguyên bản” của bản thân. Do đó, với học bổng Manaaki của chính phủ New Zealand, Kiên đã viết lại bài luận bằng chính những kinh nghiệm thực tế của mình tại xưởng may anh làm việc, kể cả từ những điều nhỏ bé nhất cho đến những kiến thức chuyên môn mà anh mong muốn được học để áp dụng tại xưởng.

Lê Văn Kiên và giáo viên của mình trong quá trình du học tại New Zealand (Ảnh: NVCC).

Lê Văn Kiên và giáo viên của mình trong quá trình du học tại New Zealand (Ảnh: NVCC).

Việc viết ra được câu chuyện của bản thân và thể hiện được màu sắc của bản thân là những điều quan trọng nhất để thuyết phục cả ban giám khảo. Bởi câu chuyện đó có thể không hoàn hảo hay vĩ mô, thể hiện sự kiên trì, quyết tâm và nỗ lực hết sức mình của mỗi ứng viên để xử lý từng khó khăn, dù là những vấn đề nhỏ nhất ra sao.

Không những vậy, mỗi ứng viên cũng cần đặt ra mục tiêu cụ thể và tìm mọi cách sắp xếp được thời gian học tập, rèn luyện để đạt được mục tiêu đó. Để chuẩn bị cho các vòng xét tuyển của mình, Kiên luôn cố gắng dành thời gian để trau dồi thêm ngoại ngữ.

Vào thời điểm xưởng may mà anh làm việc hay phải tăng ca, anh từng phải tranh thủ từng phút đi phụ cắt chỉ cho công nhân may để luyện nghe tiếng Anh.

Với những nỗ lực không ngừng nghỉ của mình, cuối cùng kết quả tốt đẹp đã đến với Kiên. Anh nhận được email thông báo đã vượt qua vòng duyệt hồ sơ đối với học bổng toàn phần của chính phủ New Zealand rồi lần lượt vượt qua vòng psychology test (bài Test Tâm lý) và vòng phỏng vấn.

“Cảm xúc của tôi đã thực sự vỡ òa vì chỉ 2 tuần sau khi qua các vòng kiểm tra, đánh giá, tôi nhận được email thông báo mình đã trở thành Preferred candidate (ứng viên ưu tiên) của học bổng toàn phần danh giá từ chính phủ New Zealand - Manaaki New Zealand Scholarship.

Vì vậy, tôi mong rằng, những ai đang theo đuổi học bổng du học toàn phần hệ thạc sỹ như mình cần giữ một ý chí vững vàng cùng tinh thần tích cực và lòng tin vào khả năng của bản thân để có sự chuẩn bị tốt nhất với từng công đoạn”, Kiên xúc động chia sẻ.

Trước mắt, Kiên mong muốn bản thân sẽ hoàn thành tốt chương trình thạc sĩ quản lý chuỗi cung ứng tại Đại học Công nghệ Auckland (New Zealand) và sau đó có thể học lên chương trình tiến sĩ hoặc quay trở lại Việt Nam để tiếp tục phát triển công việc của mình.

Kiên tin rằng, những kiến thức vững chắc, chuyên sâu về quản lý chuỗi cung ứng bền vững cùng các trải nghiệm thực tế về vấn đề circular economy (kinh tế tuần hoàn) tại New Zealand sẽ giúp cho anh ứng dụng vào thực tế của Việt Nam hiệu quả.

Tường San