Y dược, kỹ thuật mà coi IELTS làm căn cứ quan trọng khi xét tuyển thì không ổn

13/01/2022 06:40
Thanh Sơn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Trong xu thế tự chủ, việc các trường lựa chọn phương thức tuyển sinh “phi truyền thống” (như sử dụng kết quả chứng chỉ tiếng Anh) là điều bình thường.

Đến nay nhiều trường đại học đã công bố phương án tuyển sinh đại học chính quy năm 2022. Bên cạnh các phương thức xét tuyển như dựa vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, kết quả học tập (học bạ), kỳ thi đánh giá năng lực… nhiều trường đã mở rộng ưu tiên xét tuyển thậm chí là tuyển thẳng thí sinh có chứng chỉ đánh giá năng lực quốc tế như A-Level, SAT… hoặc có chứng chỉ tiếng Anh TOEFL, IELTS…

Việc mở rộng ưu tiên xét tuyển, tuyển thẳng thí sinh có các chứng chỉ tiếng Anh quốc tế như TOEFL, IELTS có thể sẽ thúc đẩy phong trào học tiếng Anh. Tuy nhiên theo nhiều chuyên gia thì điều này vô hình chung tạo ra sự bất bình đẳng đối với học sinh vùng nông thôn hay vùng sâu vùng xa.

Để lắng nghe quan điểm của chuyên gia về vấn đề này, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Phạm Hiệp - Giám đốc nghiên cứu, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển giáo dục Edlab Asia.

Ông đánh giá như thế nào khi mùa tuyển sinh năm 2022 mới bắt đầu mà đã rầm rộ cuộc đua IELTS, TOEFL… để ưu tiên xét tuyển?

Tiến sĩ Phạm Hiệp: Đây là xu hướng đã được dự báo trước vì từ một vài năm trở lại đây đã có một số trường sử dụng những điểm thi này như là căn cứ để ưu tiên xét tuyển hoặc thậm chí là 1 điều kiện quan trọng trong việc xét tuyển. Tuy vậy, dường như năm nay, xu hướng này trở nên mạnh mẽ hơn vì có vẻ nhiều trường dự kiến đặt tỷ lệ % chỉ tiêu tuyển sinh tương đối lớn cho hình thức xét tuyển này.

Có ý kiến cho rằng, chạy theo chứng chỉ IELTS hay một chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế nào khác cũng sẽ có thể bỏ lọt nhân tài bởi nó chỉ có thể đánh giá trình độ sử dụng ngôn ngữ của thí sinh, thậm chí có thể phát sinh tiêu cực? Ông có đồng tình với quan điểm này không?

Tiến sĩ Phạm Hiệp: Trong xu thế tự chủ, việc các trường lựa chọn phương thức tuyển sinh “phi truyền thống” (như sử dụng kết quả chứng chỉ tiếng Anh) là điều bình thường.

Tiến sĩ Phạm Hiệp (ảnh: Lê Hiệp)

Tiến sĩ Phạm Hiệp (ảnh: Lê Hiệp)

Mặc dù vậy, ở mặt khác, chúng ta cũng cần xét đến hai khía cạnh:

Một là, điểm tiếng Anh liệu có phải là chỉ báo chính xác phản ánh sự phù hợp của ứng viên đối với ngành dự tuyển hay không? Quan điểm của tôi, câu trả lời cho câu hỏi này là “Tùy”. Nếu đó là ngành thuộc lĩnh vực ngôn ngữ, khoa học xã hội, thì điểm thi tiếng Anh quốc tế có thể coi là 1 căn cứ quan trọng. Nhưng với 1 số ngành khác, như y dược, kỹ thuật mà chỉ sử dụng điểm thi tiếng Anh hoặc dùng điểm thi tiếng Anh như là một căn cứ quan trọng thì có lẽ là không ổn.

Và hai là, việc sử dụng điểm tiếng Anh từ các kỳ thi quốc tế liệu có tạo ra bất bình đẳng trong cơ hội tiếp cận cơ hội giáo dục đại học của các học sinh đến từ khu vực kém phát triển (không có điều kiện ôn luyện tiếng Anh) hoặc điều kiện kinh tế gia đình không có khả năng học thêm tiếng Anh hay không? Với câu hỏi này, tôi cho rằng nếu không có kiểm soát, thiết kế tốt, điều này rất có thể tạo ra bất bình đẳng.

Tôi nghĩ, các trường đại học khi lên phương án tuyển sinh của mình, cần tính đến 2 vấn đề kể trên và cần giải trình được với xã hội, với Bộ về phương án đảm bảo tính chính xác và mức độ bình đẳng trong phương án của mình.

Ví dụ, nếu nhà trường muốn sử dụng điểm tiếng Anh quốc tế, thì phương án đưa ra để đảm bảo công bằng cho đối tượng không có điều kiện ôn luyện kỳ thi này là như thế nào?

Ví dụ, liệu sẽ có một tỷ lệ % chỉ tiêu tuyển sinh nhất định dành cho đối tượng này mà đối tượng kia (những em có khả năng luyện thi tiếng Anh) sẽ không được tiếp cận hay không?

Trả lời được những vấn đề này thì bản thân các trường cũng minh chứng được cho xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo năng lực thực thi trách nhiệm giải trình của mình khi quyền tự chủ đã được trao.

Mặt khác, với Bộ Giáo dục và Đào tạo, tôi nghĩ cũng cần có suy nghĩ về việc có khung hành lang pháp lý phù hợp, vừa phát huy được sự tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học trong tuyển sinh, lại vừa điều hướng được sự phát triển chung của cả hệ thống giáo dục đại học.

Nếu các trường đại học thực sự quan tâm đến năng lực ngoại ngữ, năng lực tiếng Anh của học sinh thì Bộ Giáo dục và Đào tạo có nên đứng ra tổ chức các kỳ thi đánh giá năng lực tiếng Anh chung cho học sinh để có một thước đo ngoại ngữ bằng một kỳ thi chung mà không tốn kém như các chứng chỉ tiếng Anh quốc tế không ?

Tiến sĩ Phạm Hiệp: Thực tế, chúng ta đã có kỳ thi đó, đó là kỳ thi đạt chuẩn B1, B2 … mà nhiều trường đại học ngoại ngữ đang thực hiện. Vấn đề là các trường có muốn sử dụng các kỳ thi đó hay không mà thôi. Chứ không ai cấm việc sử dụng các kỳ thi đó cả.

Trân trọng cảm ơn Tiến sĩ Phạm Hiệp.

Theo nhiều chuyên gia đánh giá, việc ưu tiên xét tuyển và xét tuyển thẳng thí sinh có chứng chỉ IELTS, TOEFL hoặc đưa chứng chỉ ngoại ngữ thành yếu tố trong các phương thức xét tuyển kết hợp đã chứng minh chứng chỉ này là một lợi thế trong cuộc đua vào đại học.

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng:

"Ví dụ như chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế nhưng tiêu chí này để vào ngành học tiếng Anh hay ngoại ngữ nào đó là đúng. Các ngành khác cũng lấy tiêu chí này thì vô lý. Tôi cho rằng đó là tiêu chí không ổn".

Thanh Sơn