Tại tọa đàm về Chuẩn đầu ra và phát triển chương trình đào tạo, các báo cáo viên trao đổi về việc xây dựng khung trình độ quốc gia.
Chuẩn đầu ra chưa thống nhất, đồng bộ
Bộ GD&ĐT đã có công văn số 3333/BGDĐT-GDĐH ngày 2/7/2015 yêu cầu các trường báo cáo tình hình xây dựng và công bố chuẩn đầu ra giai đoạn 2010-2015 của Vụ giáo dục Đại học cho biết:
Năm 2010, theo công văn số 2196/BGDĐT-GDĐH ngày 22/4/2010, Bộ GD&ĐT chỉ đạo các cơ sở giáo dục Đại học xây dựng chuẩn đầu ra đối với các ngành đào tạo của mỗi cơ sở giáo dục.
Năm 2012: Theo khoản 1, điều 38, Luật giáo dục Đại học: “…sinh viên hoàn thành chương trình đào tạo Cao đẳng hoặc Đại học có đủ điều kiện thì được dự thi tốt nghiệp hoặc bảo vệ đồ án, khóa luận tốt nghiệp, nếu đạt yêu cầu hoặc tích lũy đủ số tín chỉ theo quy định và đáp ứng chuẩn đầu ra của cơ sở giáo dục Đại học thì được hiệu trưởng cơ sở giáo dục Đại học cấp bằng tốt nghiệp Cao đẳng hoặc Đại học”.
Hầu hết các trường đã xây dựng, công bố chuẩn đầu ra trên trang thông tin điện tử của trường.
Đến hết 15/8 đã có 182 trường báo cáo về Bộ tình hình đầu ra giai đoạn 2010-2015. Tỷ lệ công bố chuẩn đầu ra ở trình độ Cao đẳng là 93,15%; trình độ Đại học là 98,42%; trình độ Thạc sĩ là 53,09%; trình độ Tiến sỹ là 41,94%.
Xây dựng toàn bộ chương trình đào tạo theo hướng chuẩn đầu ra là không dễ! (Ảnh: giaoduc.net.vn) |
PGS.TS Đặng Quang Việt - Phó Vụ trưởng Vụ giáo dục Đại học nhận định:
Chuẩn đầu ra của một số chương trình đào tạo của một số trường đã bước đầu thể hiện được một số yêu cầu theo thông lệ của các nước trên thế giới.
Chuẩn đầu ra của một số chương trình đào tạo được xây dựng trên cơ sở điều tra, khảo sát yêu cầu nhân lực của thị trường lao động. Việc xây dựng chuẩn đầu ra bước đầu giúp các trường nâng cao nhận thức về trách nhiệm xã hội và thực hiện cam kết về chất lượng đối với người học.
Tuy nhiên, nhìn vào tình hình thực tế, vẫn còn một số tồn tại như:
- Chuẩn đầu ra còn quy định chung chung, định tính, thiếu minh chứng đo lường và đánh giá;
- Chưa thể hiện được yêu cầu về kiến thức, kỹ năng, năng lực tự chủ và tự chịu trách nhiệm của người học sau khi tốt nghiệp, chưa phù hợp với yêu cầu của thị trường lao động;
- Chuẩn đầu ra của một số cơ sở đào tạo chưa gắn với chương trình đào tạo, mục tiêu hay nội dung giảng dạy, phương pháp dạy học;
- Chưa thể hiện rõ sự khác biệt, logic về thang bậc kiến thức, kỹ năng và năng lực áp dụng của người học ở các trình độ khác nhau của cùng một ngành đào tạo;
- Thiếu sự thống nhất về chuẩn đầu ra của một ngành đào tạo, ở cùng trình độ giữa các cơ sở đào tạo khác nhau;
- Chưa thể hiện được cam kết và trách nhiệm xã hội và niềm tin của xã hội về chất lượng đào tạo….
Nguyên nhân chủ yếu của một số tồn tại trên, do chưa xây dựng và ban hành Tiêu chuẩn nghề nghiệp quốc gia và Khung trình độ quốc gia làm cơ sở xác định chuẩn đầu ra của các chương trình đào tạo.
Trong đó cũng có phần nhiều nguyên nhân từ phía sử dụng lao động và các cơ sở giáo dục Đại học. Nhận thức của đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên về vai trò, tầm quan trọng của chuẩn đầu ra chưa thống nhất, đồng bộ...
Chuẩn đầu ra là cơ sở để phát triển chương trình
Theo ông Phạm Quang Vinh - Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học quốc gia Hà Nội, sau khi thảo luận cùng một số trường, đã thống nhất ý kiến:
Việc xây dựng chương trình đào tạo theo chuẩn đầu ra là một việc làm cần thiết. Việc làm này có ý nghĩa rất quan trọng trong quá trình đổi mới của giáo dục Việt Nam đi theo xu hướng đổi mới, hội nhập quốc tế.
Xu hướng này giúp cho các trường Đại học nâng cao được chất lượng của mình và hoàn thành sứ mệnh đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa-hiện đại hóa.
Tuy nhiên tất cả các trường cho rằng, dù rất cần thiết nhưng cũng có những khó khăn về thời gian, quyền lực, sức lực… nên việc xây dựng lại toàn bộ chương trình đào tạo theo hướng chuẩn đầu ra là việc làm không dễ. Phần lớn các trường đều cho rằng đã có xây dựng chương trình đào tạo, nhưng chưa được làm rõ.
Giáo dục Đại học cần hội nhập quốc tế nhưng phải đảm bảo nhu cầu xã hội(GDVN) - Đó là ý kiến của PGS.TS Trần Đình Sử, Hiệu trưởng trường Đại học Giao thông vận tải tại buổi họp báo sáng 30/10. |
Các trường đều công nhận chuẩn đầu ra đúng là liên quan đến việc học của sinh viên, nhưng còn liên quan tới cả toàn bộ hệ thống từ trên xuống dưới, từ cấp trung ương đến bộ môn, liên quan tới người dạy, người học, người tuyển dụng.
Là sự gần kết các chủ thể trong một, đòi hỏi phải có chính sách rất rõ ràng cũng như quyết tâm chính trị rất cao, biện pháp rất cụ thể cũng như sự đầu tư.
Tuy nhiên, các trường đều nhấn mạnh đến chương trình đã được sử dụng, nhấn mạnh việc phải thực hiện từ ý tưởng đến vận hành như thế nào…
Ông Vinh cho rằng, với các trường Đại học trong điều kiện hiện nay mới chỉ xây dựng trên kinh nghiệm bản thân chứ chưa có sự thống nhất, và các trường Đại học phải có sự tham gia vào. Hiện nay hướng dẫn của Bộ rất quan trọng nhưng cái quan trọng hơn là sự chủ động của các trường Đại học.
Các trường phải xác định được sứ mệnh của mình, mục tiêu của mình, đội ngũ của mình và khảo sát xem nhu cầu xã hội thế nào để có chuẩn đầu ra phù hợp.
Đồng tình với quan điểm này, ông Trần Đình Quang - Trường Đại học Vinh khẳng định: Chúng tôi tán thành quy trình xây dựng chuẩn đầu ra, là phải xuất phát từ yêu cầu về kỹ năng, thái độ của từng công việc, từng nghề, hồ sơ năng lực… Chuẩn đầu ra là cơ sở để phát triển chương trình. Sản phẩm đào tạo ra mới đáp ứng yêu cầu việc làm, xã hội.
Để có hiệu quả hơn, có tính khả thi hơn, làm cơ sở tốt hơn cho chương trình đào tạo, ông Quang thay mặt nhóm thảo luận đưa ra ý kiến đề nghị Bộ cần sớm ban hành khung năng lực quốc gia, đây là nền tảng để các trường bám vào làm cơ sở đào tạo.
Nếu chúng ta bám vào thị trường thì có hạn chế vì mang tính vùng miền phát triển không cao, giai đoạn cũng khác nhau. Có một khung quốc gia sẽ tiện lợi hơn nhiều.
Ông Quang đề nghị thêm, cần phải có khung chính sách để doanh nghiệp tham gia nhiều hơn vào quá trình đào tạo. Đặc biệt trong việc xây dựng chương trình đào tạo, tạo điều kiện cho sinh viên đến thực tập, kiến tập…
Trước những ý kiến của lãnh đạo các trường, PGS. TS Đặng Quang Việt cho biết: Về khung trình độ quốc gia, hiện nay chỉ còn Việt Nam, Myanmar và Lào chưa công bố. Còn các nước ASEAN họ công bố hết rồi.
Chúng ta sẽ phải khẩn trương thực hiện. Bộ GD&ĐT sẽ có văn bản chỉ đạo chung, còn việc xây dựng, Hiệu trưởng các trường sẽ chịu trách nhiệm.
Ngoài ra, ông Việt chia sẻ thêm: Trong năm, Hiệp hội các trường Đại học Sư phạm đã nhóm họp với nhau, giao cho trường Đại học Sư phạm Hà Nội xây dựng chuẩn chung, rồi xây dựng chuẩn riêng từng chương trình một cho các mã ngành.
Các khối trường khác tôi nghĩ cũng thế thôi, cần chuẩn bị làm. Nếu như cần sự hỗ trợ Bộ cũng sẽ bắt tay, để có thể xây dựng chuẩn chung từng mã ngành, khối ngành cho các trường có đào tạo ngành đó trên toàn quốc.