Xác định rõ từng vị trí việc làm, chúng ta có thể tinh giản thêm được biên chế

13/07/2023 09:17
Mạnh Đoàn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Yêu cầu khi triển khai sắp xếp đơn vị hành chính "phải thận trọng, chắc chắn, kỹ lưỡng, đồng thuận, hiệu quả, không cầu toàn, không nóng vội" là cần thiết.

Phát biểu kết luận hội nghị Bộ Nội vụ với các địa phương sơ kết 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho hay, Bộ Nội vụ sẽ tập trung tổng lực để quán triệt, triển khai sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2025 theo Kết luận 48 của Bộ Chính trị và Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Trong đó, yêu cầu đặt ra là phải thận trọng, chắc chắn, kỹ lưỡng, đồng thuận, hiệu quả, không cầu toàn, không nóng vội.

Những nhấn mạnh của Bộ trưởng Bộ Nội vụ về yêu cầu đặt ra trong việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã được các chuyên gia, đại biểu Quốc hội ủng hộ đồng tình.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Đại biểu Quốc hội Hồ Thị Minh (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị) cho hay, bà hoàn toàn đồng tình về chủ trương sắp xếp lại các đơn vị hành chính, các đơn vị sự nghiệp công lập. Đây là chủ trương đúng, thực hiện theo Nghị quyết 18, 19NQ/TW.

Thực tiễn thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn 2019-2021, chúng ta đã nhìn thấy những mặt ưu điểm và hạn chế.

Đại biểu nêu, về ưu điểm chúng ta đạt được đó là giai đoạn 2019 – 2021, cả nước đã sắp xếp 21 đơn vị hành chính cấp huyện, giảm 8 huyện; sắp xếp 1.056 đơn vị hành chính cấp xã, giảm 563 xã. Từ đó, tinh giản 361 cán bộ, công chức cấp huyện và 6.657 cán bộ, công chức cấp xã; giảm chi ngân sách Nhà nước hơn 2.008 tỷ đồng.

"Việc tinh giản biên chế đã được triển khai nhưng mức lương chưa có sự thay đổi. Đến nay, Đề án tăng lương theo vị trí việc làm vẫn chưa thực hiện được, điều này khiến nhiều Đại biểu Quốc hội trăn trở, đồng thời cán bộ - công chức - viên chức vẫn đang ngóng đợi", Đại biểu chia sẻ.

Đại biểu Quốc hội cũng cho rằng, giai đoạn 2019-2021, có nhiều địa phương thực hiện việc sáp nhập rất cơ học.

Ví như việc sáp nhập trường Tiểu học với Trung học cơ sở nhưng cơ sở vật chất, đội ngũ giảng dạy vẫn ở hai nơi. Điều này, khiến ban giám hiệu nhà trường phải chạy tới, chạy lui để giám sát, quản lý chất lượng chuyên môn tại hai trường.

Đại biểu Hồ Thị Minh. Ảnh: Quochoi.vn

Đại biểu Hồ Thị Minh. Ảnh: Quochoi.vn

Đại biểu chia sẻ, trong quá trình tiếp xúc cử tri tại xã Hải Thái (huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị), địa phương có 113 học sinh tốt nghiệp tiểu học, nhưng tuyển sinh đầu vào lớp 6 của trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông ở địa phương chỉ nhận 80 em. Nhiều cử tri là phụ huynh bức xúc hỏi chúng tôi: "Vậy 43 con em chúng tôi sẽ đi học ở mô?".

"Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị đã phải can thiệp, gọi điện phản ánh tới lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo, để giải quyết sự việc. Sau đó, Sở Giáo dục đã sửa văn bản để tuyển 113 em học sinh", Đại biểu Quốc hội Hồ Thị Minh nói.

Còn đối với việc sáp nhập 2 xã/phường thành một xã/phường tại tỉnh Quảng Trị, hiện nay vẫn còn bất cập là cơ sở vật chất, hạ tầng chưa được đầu tư đồng bộ, đội ngũ công chức viên chức làm việc tại hai địa điểm. Trong đó, một địa điểm là đảng, mặt trận, đoàn thể, địa điểm còn lại là chính quyền. Tiền chi định mức thường xuyên của một phường/xã không thay đổi, nhưng chi phí về internet, điện, nước... tại hai nơi là vấn đề.

Sự bất cập của một phường/xã tại hai địa điểm, cũng gây khó khăn cho người dân đi giao dịch, thực hiện các thủ tục hành chính. Đây là những vấn đề cần phải giải quyết để tăng hiệu quả của các đơn vị sau sáp nhập.

Đại biểu cũng nêu thực tế, việc chi trả hỗ trợ cho đối tượng được tinh giản chưa thực sự xứng đáng, vì vậy có người vẫn muốn ở lại đơn vị để được bố trí công việc khác. Điều này, khiến đơn vị gặp khó khăn trong việc sắp xếp cán bộ.

"Tôi không rõ việc tổ chức sắp xếp các cán bộ dôi dư tại các địa phương khác ra sao, nhưng tại tỉnh Quảng Trị vẫn chưa thực hiện xong", Đại biểu Minh cho biết.

Đại biểu cho rằng, nhấn mạnh của Bộ trưởng Bộ Nội vụ về yêu cầu khi triển khai sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện/xã "phải thận trọng, chắc chắn, kỹ lưỡng, đồng thuận, hiệu quả, không cầu toàn, không nóng vội" là điều hết sức cần thiết.

Ông Bùi Văn Phương (Đại biểu Quốc hội khóa XIII, XIV). Ảnh: Quochoi.vn

Ông Bùi Văn Phương (Đại biểu Quốc hội khóa XIII, XIV). Ảnh: Quochoi.vn

Chia sẻ về vấn đề trên, ông Bùi Văn Phương (Đại biểu Quốc hội khóa XIII, XIV) đánh giá, việc tinh giản bộ máy biên chế theo tinh thần Nghị quyết của Trung ương là hoàn toàn đúng.

Trung ương cũng nêu rõ, tinh giản bộ máy biên chế nhưng phải đi liền với hiệu lực, hiệu quả của bộ máy. Đó là những yêu cầu rất quan trọng của quá trình tinh giản, nếu không thực hiện như vậy, chúng ta thực hiện theo cách cơ học sẽ chỉ đạt đủ chỉ tiêu.

"Thực tế, hiện nay có những địa phương không tinh giản được đơn vị nào nữa, họ đành nhập trường tiểu học và trung học cơ sở thành trường liên cấp, hoặc gộp cả trường trung học phổ thông. Trước kia, vào những năm 1980-1981 khi thực hiện cải cách giáo dục, chúng ta nhập cấp tiểu học và trung học cơ sở thành trường phổ thông cơ sở từ lớp 1 đến lớp 9. Sau đó khoảng vài năm thì lại quay trở lại như cũ", ông chia sẻ.

Theo ông Bùi Văn Phương, thực tế, nếu sáp nhập các trường thành trường liên cấp, chỉ có thể tinh giản được vị trí hiệu trưởng, kế toán. Còn đối với vị trí hiệu phó, vẫn cần có người phụ trách các hoạt động. Giữa chất lượng công tác dạy học với việc giảm đi 2 đến 3 biên chế, chúng ta cần đặt ra bài toán là lựa chọn nào có lợi hơn, trước khi quyết định việc sáp nhập như vậy.

"Tôi đồng ý với chủ trương tinh giản biên chế nhưng phải khoa học thực tiễn và phải đảm bảo hiệu lực, hiệu quả của bộ máy.

Chúng ta hoàn toàn có thể tinh giản thêm được biên chế. Ví như, chúng ta làm theo phương pháp xác định vị trí việc làm, từ đó rõ biên chế là bao nhiêu người. Hiểu đơn giản hơn, ở trong cơ quan, mỗi một công chức sẽ báo cáo cụ thể công việc làm trong tuần gồm những gì. Từ đó, đơn vị có thể xác định được cần bao nhiêu người để phục vụ công việc.

Tôi cho rằng, cách xác định vị trí việc làm là hoàn toàn chính xác. Nếu làm đúng như vậy, bộ máy của chúng ta còn tinh giản được nhiều hơn.

Ngược lại, không làm theo phương pháp trên, địa phương sẽ thực hiện theo hình thức để chạy thành tích. Điều này không những không có tác động tốt mà còn tác động ngược lại", ông Phương chia sẻ.

Trao đổi với phóng viên, ông Lê Quang Thưởng - nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương cho hay, việc tinh giản bộ máy biên chế là tốt nhưng không phải là không phân biệt cụ thể. Ví dụ, việc sáp nhập làng xã, có những nơi có truyền thống hàng nghìn năm, họ muốn tồn tại và sản sinh ra những sản phẩm độc đáo của địa phương đó. Nếu sáp nhập, sẽ làm mất sự truyền thống của họ.

"Việc sáp nhập phải đánh giá một cách khách quan, thực tế. Quan trọng nhất là tạo được sự đồng thuận của người dân. Quan trọng nhất trong công tác thực hiện là phải đánh giá hiệu quả việc tinh giản bộ máy và biên chế ra sao để có căn cứ chính xác", ông Thưởng nói.

Mạnh Đoàn