Với đáp án môn Ngữ văn của Bộ Giáo dục, thí sinh dễ dàng lấy điểm

18/07/2022 06:54
Cao Nguyên
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Năm nay, đáp án môn Ngữ văn của Bộ Giáo dục và Đào tạo khá "thoáng" so với những năm trước, thí sinh dễ dàng lấy 6, 7 điểm.

Ngày 10/7/2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố đáp án và thang điểm môn Ngữ văn Kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2022.

Nhìn chung, đáp án môn Ngữ văn của Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra là tương đối hợp lí và khá thoáng ở cả phần Đọc hiểu và Làm văn, thí sinh không khó để có thể lấy 6, 7 điểm.

Đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022 môn Ngữ văn. (Ảnh: moet.gov.vn)Đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022 môn Ngữ văn. (Ảnh: moet.gov.vn)

Phần đọc hiểu dễ lấy trọn 3 điểm

Phần đọc hiểu, câu 1 (nhận biết), thí sinh trả lời đúng thể thơ tự do là được 0,75 điểm (năm 2021, câu này chỉ có 0,5 điểm). Câu 2 (thông hiểu), chỉ ra các tính từ “trong”, tinh khiết”, “khỏe”, “mơn mởn” được 0,75 điểm.

Câu 3 (vận dụng thấp), nêu được tác dụng của biện pháp tu từ so sánh, trong đó có từ khóa “làm nổi bật”, “giàu hình ảnh”, “biểu cảm” được 1,0 điểm (năm 2021, câu thông hiểu này chiếm 0,75 điểm). Theo đáp án, học sinh không cần chỉ ra biện pháp tu từ so sánh, chỉ cần nói được tác dụng là được trọn điểm.

Câu 4 (vận dụng thấp), nhận xét những suy ngẫm của tác giả về ý nghĩa sự hi sinh của tuổi trẻ một cách hợp lí được 0,5 điểm (năm 2021, câu này chiếm 1,0 điểm). Đa số học sinh có thể lấy từ 2,5 điểm đến 3 điểm của phần đọc hiểu.

Câu nghị luận xã hội có đáp án mở

Phần làm văn, câu nghị luận xã hội (2 điểm), thí sinh cần bảo đảm yêu cầu về hình thức đoạn văn (0,25 điểm); xác định đúng vấn đề cần nghị luận: nhận thức, thái độ, hành động thể hiện trách nhiệm của thế hệ trẻ trong việc tiếp bước các thế hệ đi trước (0,25 điểm); triển khai vấn đề nghị luận (1,0 điểm).

Gợi ý: Thế hệ trẻ cần nhận thức được sự tiếp bước của các thế hệ làm nên hành trình phát triển đất nước; có thái độ trân trọng, biết ơn những cống hiến, hi sinh của các thế hệ đi trước; có hành động cụ thể, phù hợp để kế thừa, phát huy thành quả của các thế hệ đi trước, thực hiện sứ mệnh của thế hệ mình trong sự nghiệp bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước.

Thí sinh cũng có thể trình bày theo quan điểm cá nhân, miễn sao phù hợp với vấn đề cần nghị luận, giám khảo sẽ trân trọng và cho điểm phù hợp với nội dung của đoạn văn 200 chữ. Cùng với đó, thí sinh cần bảo đảm chính tả, từ ngữ, ngữ pháp (0,25 điểm) và viết sáng tạo thì được cộng thêm 0,25 điểm.

Đáp án môn Ngữ văn của Bộ Giáo dục và Đào tạo. (Ảnh: moet.gov.vn)

Đáp án môn Ngữ văn của Bộ Giáo dục và Đào tạo. (Ảnh: moet.gov.vn)

Câu nghị luận văn học có tính phân hóa cao

Câu nghị luận văn học (5 điểm), đáp án khá "thoáng" so với giáo viên hướng dẫn học sinh trên lớp. Thí sinh cần bảo đảm cấu trúc bài văn nghị luận (có mở bài, thân bài, kết bài) được 0,25 điểm.

Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: nội dung và nghệ thuật đoạn trích cùng với lệnh phụ: liên hệ hình ảnh chiếc thuyền trong đoạn trích với hình ảnh chiếc thuyền đang chống chọi với sóng gió giữa phá được miêu tả trong truyện; rút ra thông điệp về mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc đời trong cuộc sống (0,5 điểm).

Giới thiệu khái quát về tác giả Nguyễn Minh Châu, tác phẩm “Chiếc thuyền ngoài xa” và vấn đề cần nghị luận (0,5 điểm).

Phân tích đoạn trích (1,75 điểm), thí sinh cần làm rõ: khung cảnh buổi sớm mù sương bình dị, thơ mộng; hình ảnh chiếc thuyền ngoài xa nổi bật trong khung cảnh tĩnh lặng và huyền ảo; hài hòa giữa đường nét và màu sắc, giữa thiên nhiên và con người; đẹp đơn giản và toàn bích; hình ảnh chiếc thuyền ngoài xa là cái đẹp tuyệt đỉnh của ngoại cảnh trong cái nhìn của nhân vật Phùng.

Phùng hạnh phúc khi phát hiện về vẻ đẹp của chiếc thuyền, nhận ra ý nghĩa đạo đức của cái đẹp, nhạy cảm với cái đẹp, đam mê sáng tạo.

Thí sinh dễ dàng phân tích được khung cảnh buổi sớm mù sương, hình ảnh chiếc thuyền ngoài xa và sự hạnh phúc của nhân vật Phùng vì ngữ liệu đã có sẵn.

Chẳng hạn: “toàn bộ khung cảnh từ đường nét đến ánh sáng đều hài hòa và đẹp, một vẻ đẹp thực đơn giản và toàn bích”, “cái đẹp chính là đạo đức”, “khám phá thấy cái chân lý của sự toàn thiện, khám phá thấy cái khoảnh khắc trong gần tâm hồn”…

Bên cạnh đó, cần khái quát được nghệ thuật trong đoạn trích như: lựa chọn điểm nhìn, ngôi kể phù hợp; bút pháp tạo hình đặc sắc; ngôn ngữ linh hoạt, sáng tạo và giàu sắc thái biểu cảm, hình ảnh mang ý nghĩa ẩn dụ (0,5 điểm).

Đánh giá chung về nội dung và nghệ thuật: vẻ đẹp của chiếc thuyền trong buổi sớm mờ sương khơi nguồn cho sáng tạo nghệ thuật của Phùng; nghệ thuật trần thuật đặc sắc (0,25 điểm).

Đáp án nên gom phần khái quát nghệ thuật trong đoạn trích và đánh giá chung về nội dung và nghệ thuật thì sẽ gọn hơn. Phần này chỉ nên để 0,5 điểm (thay vì 0,75 điểm), còn 0,25 điểm chuyển lên phần phân tích nội dung đoạn trích là phù hợp, giám khảo dễ chấm và thí sinh được thêm 0,25 điểm.

Ngoài ra, thí sinh cần biết liên hệ hình ảnh chiếc thuyền trong đoạn trích với hình ảnh chiếc thuyền đang chống chọi với sóng gió giữa phá được miêu tả trong truyện để rút ra thông điệp về mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc đời trong cuộc sống (0,5 điểm).

Hình ảnh chiếc thuyền trong đoạn trích biểu tượng cho vẻ đẹp thơ mộng, lãng mạn, khác với hình chiếc thuyền đang chống chọi với sóng gió giữa phá trong truyện tượng trưng cho sự vất vả, gian nan của cuộc sống.

Cuộc sống là đối tượng khám phá của nghệ thuật; nghệ thuật hướng tới khám phá cuộc sống không chỉ ở cái đẹp thơ mộng, lãng mạn mà cả ở những lam lũ, nhọc nhằn.

Như vậy, thí sinh không cần phải thuộc dẫn chứng chiếc thuyền đang chống chọi với sóng gió giữa phá, chỉ cần biết so sánh là đạt yêu cầu.

Tuy vậy, để lấy mức từ 4 điểm (trên 5 điểm) trở lên thí sinh phải biết đưa lí luận văn học vào bài làm hoặc có cách viết sáng tạo. Câu nghị luận văn học mang tính phân hóa rất cao, giúp các trường đại học làm cơ sở lấy điểm xét tuyển.

Ngoài ra, thí sinh cần bảo đảm chính tả, từ ngữ, ngữ pháp (0,25 điểm) và viết sáng tạo thì được cộng thêm 0,5 điểm.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Cao Nguyên