Vĩnh Phúc ưu tiên dành quỹ đất xây trường ngoài công lập trong quỹ đất cho GD

21/07/2022 06:38
Hoài Ân
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nhằm đẩy mạnh phát triển mô hình giáo dục ngoài công lập, tỉnh Vĩnh Phúc đã xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù thu hút nguồn lực đầu tư.

Trong những năm qua, Nhà nước đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục, đặc biệt là phát triển các cơ sở giáo dục ngoài công lập, góp phần nhằm giảm gánh nặng cho ngân sách.

Theo đó, nhiều địa phương cũng đã xây dựng đề án phát triển giáo dục, nhấn mạnh việc mở rộng số cơ sở cũng như số lượng người học ở các cơ sở giáo dục ngoài công lập đối với từng cấp học.

Cụ thể, ­tại tỉnh Vĩnh Phúc, Quyết định số 449/QĐ-UBND phê duyệt đề án phát triển giáo dục tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 nêu rõ mục tiêu xây dựng quy mô mạng lưới, trường lớp, cơ sở vật chất giai đoạn 2021 - 2025 và giai đoạn 2025 - 2030, như sau:

Giai đoạn 2021 - 2025, rà soát, quy hoạch, phát triển mạng lưới trường, lớp đảm bảo tỉ lệ huy động tối thiểu 35% trẻ trong độ tuổi nhà trẻ, trên 98% trẻ mẫu giáo ra lớp; tỉ lệ huy động trẻ em trong các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập chiếm từ 30% trở lên (thành phố Vĩnh Yên, Phúc Yên huy động tối thiểu 40%; các huyện Vĩnh Tường, Yên Lạc, Tam Dương huy động tối thiểu 30%); đảm bảo tỉ lệ huy động theo tiêu chí phổ cập tiểu học, trung học cơ sở và phân luồng sau trung học cơ sở.

Giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Vĩnh Phúc đặt mục tiêu tỉ lệ huy động trẻ em trong các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập chiếm từ 30% trở lên. (Ảnh: Ngọc Ánh)

Giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Vĩnh Phúc đặt mục tiêu tỉ lệ huy động trẻ em trong các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập chiếm từ 30% trở lên. (Ảnh: Ngọc Ánh)

Tỉ lệ học sinh theo học tại cơ sở giáo dục phổ thông ngoài công lập đến năm 2025 đạt 3,5%, đến năm 2030 đạt 5,0%; thu hút đầu tư một trường phổ thông liên cấp chất lượng cao, từ một đến 2 khu hoạt động trải nghiệm hiện đại, từ 3 đến 5 trường trung học phổ thông ngoài công lập.

Giai đoạn 2025 - 2030, phát triển mạng lưới trường, lớp đảm bảo tỉ lệ huy động tối thiểu 40% trẻ trong độ tuổi nhà trẻ; tỉ lệ huy động trẻ trong các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập chiếm từ 35% trở lên (thành phố Vĩnh Yên, thành phố Phúc Yên, huyện Vĩnh Tường huy động tối thiểu 45%). Hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ mẫu giáo.

Tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư hệ thống trường ngoài công lập các cấp học (30% trường mầm non ngoài công lập, 10% cấp tiểu học và trung học cơ sở, 30% cấp trung học phổ thông).

Địa phương chịu trách nhiệm bàn giao quỹ đất với mặt bằng sạch cho các nhà đầu tư

Ngoài ra, tỉnh Vĩnh Phúc cũng xây dựng các chính sách mới nhằm phát triển giáo dục giai đoạn 2021 - 2025, định hướng 2030, trong đó có các chính sách phát triển mô hình giáo dục ngoài công lập đáp ứng với nhu cầu học tập và điều kiện của người dân, cụ thể:

Thứ nhất, thực hiện nghiêm túc các cơ chế, chính sách về xã hội hóa giáo dục, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng cơ sở giáo dục và đào tạo phục vụ nhu cầu học tập người dân;

Thực hiện có hiệu quả 37 cơ chế đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) để phát triển cơ sở vật chất cho giáo dục và đào tạo, chuyển đổi cơ sở giáo dục công lập thành ngoài công lập ở những nơi có khả năng xã hội hóa; khuyến khích đầu tư phát triển giáo dục chất lượng cao ở những nơi có điều kiện.

Thứ hai, ưu tiên dành quỹ đất xây dựng các trường ngoài công lập trong quy hoạch sử dụng đất dành cho giáo dục của tỉnh. Quy hoạch mỗi huyện tối thiểu một trường trung học phổ thông ngoài công lập với diện tích tối thiểu 3 ha; một trường trung học cơ sở với diện tích tối thiểu 2,5 ha; một trường tiểu học với diện tích tối thiểu 2,5 ha; 2 trường mầm non với diện tích tối thiểu 2 ha.

Thứ ba, có chính sách kêu gọi xã hội hóa từ mặt bằng đã được xử lý theo Quyết định số 09/2007/QĐ-TTg ngày 19/01/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc sắp xếp lại nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước để tiếp tục sử dụng mặt bằng xây dựng trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông theo quy hoạch và quy chuẩn trường lớp của ngành giáo dục và đào tạo. Hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng ngoài hàng rào: tỉnh đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng đến chân hàng rào gồm đường giao thông đấu nối, cấp điện, cấp thoát nước.

Nhằm đẩy mạnh phát triển mô hình giáo dục ngoài công lập, tỉnh Vĩnh Phúc xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù thu hút nguồn lực đầu tư như:

Địa phương chịu trách nhiệm bàn giao quỹ đất với mặt bằng sạch cho các nhà đầu tư xây dựng trường học trên địa bàn tỉnh. Trong trường hợp nhà đầu tư tự tổ chức giải phóng mặt bằng thì tỉnh hỗ trợ chi phí giải phóng mặt bằng trong ranh giới thực hiện dự án theo quy hoạch được duyệt: hỗ trợ 100% chi phí giải phóng mặt bằng theo phương án được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Nhà đầu tư sẽ được hỗ trợ lãi suất vay thương mại theo hình thức hỗ trợ một lần sau khi dự án hoàn thành. Mức hỗ trợ được tính tối đa bằng phần chênh lệch lãi suất vay thương mại so với lãi suất tín dụng nhà nước ưu đãi đầu tư tính trên số dư nợ thực tế, nhưng tối đa 6%/năm/số dư nợ thực tế.

Thời gian hỗ trợ lãi suất tối đa không quá 5 năm, tính từ ngày bắt đầu vay vốn theo hợp đồng tín dụng với ngân hàng thương mại. Hạn mức vay vốn được hỗ trợ lãi suất tối đa không quá 50% tổng mức đầu tư của dự án. Mức hỗ trợ lãi suất được điều chỉnh phù hợp với điều kiện thực tế do Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định.

Khuyến khích thành lập trường ngoài công lập có liên kết đào tạo với nước ngoài

Cũng theo Quyết định số 449/QĐ-UBND, tỉnh Vĩnh Phúc sẽ phát triển loại hình trường ngoài công lập theo hướng cung ứng dịch vụ chất lượng cao đáp ứng nhu cầu người học và điều kiện của người dân, khuyến khích thành lập trường ngoài công lập có liên kết đào tạo với nước ngoài;

Khuyến khích các trường đảm bảo điều kiện giảng dạy các chương trình quốc tế. Chương trình dạy và học được cập nhật, tham khảo chặt chẽ giáo trình, chương trình của nước ngoài và các trường quốc tế;

Xây dựng cơ chế định hướng hoạt động đối với các trường chất lượng cao ngoài công lập theo hướng tăng tính tự chủ và tự chịu trách nhiệm xã hội;

Phát triển đội ngũ giáo viên chất lượng cao, đủ năng lực hội nhập quốc tế. Việc bố trí nhân sự sau tuyển dụng phải đúng năng lực, sở trường, trình độ đào tạo;

Chú trọng thực hiện chính sách đào tạo, bồi dưỡng phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý đáp ứng nhu cầu hội nhập, cạnh tranh trong thị trường giáo dục;

Tạo môi trường làm việc thuận lợi cho đội ngũ cán bộ, giáo viên trường chất lượng cao ngoài công lập để đảm bảo tính ổn định về số lượng và chất lượng;

Thực hiện hiệu quả chính sách xã hội hoá trong phát triển các trường chất lượng cao ngoài công lập. Huy động nguồn lực đầu tư thành lập các trường từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước có yếu tố nước ngoài;

Tập trung thu hút các trường liên cấp chất lượng quốc tế, khu hoạt động trải nghiệm hiện đại đáp ứng yêu cầu giáo dục kỹ năng và năng khiếu cho học sinh;

Dành quỹ đất, mời gọi các trường đại học tiên tiến trên thế giới và trong nước mở các cơ sở đào tạo tại Vĩnh Phúc.

Chuyển đổi một số cơ sở giáo dục công lập dôi dư thành cơ sở ngoài công lập

Để nâng cao chất lượng giáo dục, tăng cường xã hội hóa giáo dục được xác định là một trong 3 giải pháp đột phá của ngành giáo dục Vĩnh Phúc trong giai đoạn 10 năm tới.

Theo đó, tỉnh tiếp tục hoàn thiện các chính sách để phát triển hệ thống trường ngoài công lập; chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng mô hình trường ngoài công lập đạt chuẩn quốc gia, tiếp cận chuẩn quốc tế, đáp ứng ứng nhu cầu học tập của nhân dân; đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, tăng cường công tác huy động các nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước cho phát triển giáo dục, đảm bảo công bằng giữa giáo dục công lập và ngoài công lập;

Đối với các khu vực trung tâm thành phố, nơi có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển, tích cực thu hút đầu tư các trường tư thục theo hướng chất lượng cao, đạt tiêu chí trường chuẩn quốc gia; thu hút các nhà đầu tư tiềm năng, các tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp lớn đầu tư xây dựng trường học ở các khu vực trung tâm thành phố theo tiêu chuẩn quốc tế, ứng dụng các phương pháp tiên tiến trên thế giới vào chăm sóc, giáo dục trẻ để thu hút đối tượng trẻ thuộc gia đình có điều kiện kinh tế cao;

Chuyển đổi một số cơ sở giáo dục công lập dôi dư (do sáp nhập, nhu cầu sử dụng không hết) thành các cơ sở giáo dục tư thục cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông theo hình thức xã hội hóa giáo dục. Kêu gọi các cá nhân/tổ chức đầu tư xây dựng một đến hai cơ sở trải nghiệm cho học sinh các cấp, một số trường liên cấp chất lượng quốc tế;

Từng bước nghiên cứu triển khai mô hình trường theo hình thức đối tác công - tư, trong đó có mô hình nhà nước đầu tư và cho thuê cơ sở vật chất; mô hình “Đầu tư công - Quản trị tư” nhà nước đầu tư hạ tầng cơ sở vật chất ban đầu, tư nhân tham gia quản trị đảm bảo các tiêu chuẩn đầu ra của sản phẩm giáo dục;

Tỉnh có chính sách hỗ trợ về đất đai và các nguồn lực khác cho việc phát triển các trường ngoài công lập theo tinh thần Nghị định số 69/2008/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ. Có cơ chế hỗ trợ cho học sinh giỏi, học sinh có hoàn cảnh khó khăn theo học ở các trường ngoài công lập nhằm tạo cơ hội bình đẳng trong tiếp cận và phát triển của học sinh; đảm bảo thực hiện công bằng trong giáo dục, công bằng trong việc thụ hưởng phúc lợi giáo dục của học sinh trường ngoài công lập với học sinh trường công lập;

Từng bước thực hiện giao tự chủ từng phần và hướng đến tự chủ toàn phần đối với các trường công lập ở các cấp học; tiếp tục đánh giá và triển khai phương án chuyển đổi mô hình trường mầm non công lập sang tư thục hoặc sang mô hình trường mầm non tự chủ một phần chi phí thường xuyên ở những nơi có điều kiện, khả năng xã hội hóa cao;

Xây dựng tiêu chí đánh giá chất lượng, hiệu quả đầu tư làm cơ sở quản lý các cơ sở giáo dục phổ thông ngoài công lập phù hợp với mục tiêu và nhu cầu xã hội; thực hiện cơ chế chính sách bình đẳng giữa cơ sở giáo dục công lập và ngoài công lập: đầu tư phát triển nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, chính sách thu hút người học, học bổng…đánh giá, công nhận;

Qua đó góp phần thay đổi nhận thức của xã hội đối với loại hình giáo dục này, đồng thời tạo động lực phát triển, phát huy sự sáng tạo, tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cơ sở giáo dục trước xã hội, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các cơ sở giáo dục công lập và ngoài công lập.

Tài liệu tham khảo:

https://vinhphuc.gov.vn/ct/cms/HeThongChinhTriTinh/uybannhandan/Lists/VanBanHuongDan/View_Detail.aspx?ItemID=745

Hoài Ân