Vì sao nhiều trường tiểu học công lập đang phân công giáo viên dạy trái môn?

30/08/2023 06:36
Hương Mai
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Giáo viên môn chuyên được phân công dạy các môn: Đạo đức; Hoạt động trải nghiệm; Tự nhiên và Xã hội; Khoa học; Lịch sử và Địa lý khá phổ biến.

Mấy năm gần đây, việc giáo viên được phân công dạy trái môn diễn ra ở cấp tiểu học đối với những giáo viên môn chuyên. Việc dạy trái môn không chỉ gây khó khăn cho giáo viên đứng lớp mà sẽ ảnh hưởng đến học sinh.

Người thiệt thòi nhất là các em học sinh khi phải học với những thầy cô không được đào tạo và chưa được tập huấn môn học. Tuy nhiên, Ban giám hiệu trường học phải căn cứ vào kinh phí, nhân sự hiện có của đơn vị hiện có để phân công giảng dạy.

Ban giám hiệu một số nhà trường đang phải phân công những giáo viên chuyên dạy theo đúng định mức để nhằm hạn chế phát sinh tiền chi trả thêm giờ, thêm buổi cho giáo viên trong đơn vị cũng là điều dễ hiểu.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Khó khăn khi phân công giảng dạy chương trình mới

Theo hướng dẫn hiện hành, giáo viên tiểu học sẽ dạy 23 tiết/ tuần và những giáo viên được đào tạo chuyên ngành tiểu học lâu nay vẫn đang vừa làm công tác chủ nhiệm, đồng thời dạy các môn: Toán; Tiếng Việt; Đạo đức; Khoa học; Lịch sử và Địa lý; Tự nhiên và Xã hội; Hoạt động trải nghiệm.

Ngoài ra, cấp tiểu học sẽ có giáo viên các môn chuyên: Ngoại ngữ; Âm nhạc; Mĩ thuật; Thể dục; Tin học và Công nghệ.

Thông thường, giáo viên dạy các môn chuyên khi học ở trường sư phạm chỉ được đào tạo 1 chuyên ngành chính, khi ra trường họ cũng được tuyển dụng theo đúng vị trí việc làm và giảng dạy môn học mà bản thân đã được đào tạo.

Tuy nhiên, khi triển khai chương trình 2018, không ít trường tiểu học đã phân công giáo viên môn chuyên dạy thêm một số môn học khác. Bởi lẽ, khi dạy các lớp chương trình mới, cấp tiểu học sẽ dạy 2 buổi/ ngày nên phát sinh thêm số tiết cho giáo viên chủ nhiệm.

Nếu vẫn phân công giảng dạy như trước đây sẽ thừa tiết đối với những thầy cô chủ nhiệm lớp. Việc thừa tiết, tất nhiên cuối năm nhà trường phải trả chi trả tiền làm thêm giờ cho giáo viên. Trong khi, các trường công lập đều thực hiện kinh phí khoán hằng năm nên việc chi trả thêm giờ cho một bộ phận lớn nhà giáo trong đơn vị sẽ gặp khó khăn.

Bởi thực tế, 2 môn học có số tiết lớn nhất ở cấp tiểu học thì mỗi lớp cũng có số lượng khác nhau. Môn Tiếng Việt ở lớp 1 có 420 tiết; lớp 2 có 350 tiết; lớp 3, 4, 5 có 245 tiết/ năm. Môn Toán lớp 1 có 105 tiết; các lớp 2, 3, 4, 5 có 175 tiết/ năm.

Bên cạnh đó, môn Tự nhiên và Xã hội mỗi năm học có 70 tiết và chỉ có ở lớp 1, lớp 2, lớp 3. Môn Khoa học; Lịch sử và Địa lý đến lớp 4, lớp 5 mới có, mỗi môn có 70 tiết/ năm. Vậy nên, ngay cả giáo viên chủ nhiệm các lớp cũng có số tiết/ môn khác nhau đến đến tổng số tiết/ năm của giáo viên cũng khác nhau.

Ban giám hiệu nhà trường sẽ căn cứ vào số tiết chủ nhiệm (3 tiết/ tuần); số tiết Toán; Tiếng Việt của từng lớp và cộng thành tổng số tiết/ năm.

Nếu thiếu nhiều thì phân công dạy thêm môn Đạo đức; Hoạt động trải nghiệm; Tự nhiên và Xã hội; Khoa học; Lịch sử và Địa lý. Nếu như giáo viên chủ nhiệm đã đủ tiết theo định mức, nhà trường sẽ phân công cho giáo viên chuyên dạy các môn học này.

Phân công giáo viên chuyên dạy trái chuyên môn sẽ khó có hiệu quả tốt

Theo hướng dẫn hiện hành, trường loại I ở khu vực trung du, đồng bằng, thành phố có từ 28 lớp trở lên; trường loại II có từ 18-27 lớp; trường loại III dưới 18 lớp. Trong khi đó, định mức giảng dạy của giáo viên tiểu học là 23 tiết/ tuần.

Môn Âm nhạc, Mĩ thuật mỗi tuần có 1 tiết l/ lớp; môn Thể dục có 2 tiết/ lớp; môn Tin học và Công nghệ từ lớp 3 đến lớp 5 mỗi tuần có 2 tiết; môn Ngoại ngữ 1 (tiếng Anh) từ lớp 3 đến lớp 5 mỗi tuần có 4 tiết.

Vì thế, cho dù trường loại nào thì giáo viên môn chuyên cũng thường thiếu tiết vì số tiết học/lớp các môn chuyên khác nhau, loại trường khác nhau.

Khi giáo viên dạy thiếu tiết dạy/ tuần theo định mức, thông thường Ban giám hiệu sẽ phân công dạy hoặc trực hành chính cho đủ tiết. Nhưng, trực hành chính đều có các nhân viên cho từng mảng hoạt động cụ thể.

Vậy nên, thường giáo viên chuyên sẽ dạy hết số tiết môn học của mình, còn thiếu bao nhiêu tiết sẽ được phân công dạy một vài môn trong các môn: Đạo đức; Hoạt động trải nghiệm; Tự nhiên và Xã hội; Khoa học; Lịch sử và Địa lý.

Thậm chí, có trường loại I với hơn 60 lớp nhưng có 4 giáo viên Mĩ thuật nên có giáo viên chỉ được phân công dạy 1 tiết Mĩ thuật, 22 tiết còn lại dạy môn Tự nhiên và Xã hội ở các khối lớp.

Vì thế, chuyện giáo viên Ngoại ngữ; Âm nhạc; Mĩ thuật; Thể dục; Tin học và Công nghệ đi dạy các môn: Đạo đức; Hoạt động trải nghiệm; Tự nhiên và Xã hội; Khoa học; Lịch sử và Địa lý không phải lạ ở các trường tiểu học hiện nay.

Trong khi, theo như cách tập huấn chương trình mới mấy năm vừa qua, khi dạy lớp nào, giáo viên sẽ được tập huấn 1 buổi (môn ít tiết) đến 1 ngày online với tác giả sách giáo khoa.

Thông thường, việc tập huấn các môn: Đạo đức; Hoạt động trải nghiệm; Tự nhiên và Xã hội; Khoa học; Lịch sử và Địa lý, giáo viên chủ nhiệm sẽ được nhà trường phân công tham dự.

Các giáo viên Ngoại ngữ; Âm nhạc; Mĩ thuật; Thể dục; Tin học và Công nghệ chỉ tập huấn môn chuyên của họ. Thế nhưng, khi phân công giảng dạy đầu năm, đã có nhiều giáo viên đang được nhà trường phân công dạy thêm 1 -2 môn học ngoài chuyên môn đào tạo, tập huấn.

Việc nhiều trường tiểu học phân công giáo viên chuyên dạy trái chuyên môn thực ra cũng là việc bất khả kháng của Ban giám hiệu nhà trường vì nếu không phân công như vậy sẽ dẫn đến tình trạng có giáo viên thừa tiết nhưng lại có giáo viên thiếu tiết.

Thiếu tiết, nhà trường không thể trừ lương được nhưng thừa tiết thì bắt buộc phải chi trả tiền thừa giờ vì không trả giáo viên họ không dạy nhưng số tiết vượt quá định mức. Trong khi, các trường được khoán kinh phí nên phải gói gọn trong số tiền được cấp trên giao.

Chính vì vậy, việc dạy trái môn của giáo viên chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến chất lượng môn học vì những giáo viên “tay ngang” như vậy rất khó để yêu cầu họ dạy tốt, nhất là các môn như Tự nhiên và Xã hội; Khoa học; Lịch sử và Địa lý- những môn học phải có kiến thức sâu mới có thể truyền đạt kiến thức đến được với học trò một cách hiệu quả nhất.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Hương Mai