Vì sao cử tri nghi ngờ kết quả xét tuyển đại học bằng học bạ?

14/02/2023 06:46
HƯƠNG MAI
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Phía sau những điểm số đẹp ấy là những niềm trăn trở, băn khoăn của xã hội, của nhiều thầy cô giáo vì chưa phản ánh đúng chất lượng học tập.

Những năm vừa qua, chúng ta thấy nhiều trường đại học và trường trung học phổ thông cũng xét tuyển vào lớp 10 bằng học bạ. Ưu điểm của việc xét tuyển bằng học bạ là giảm chi phí cho ngân sách địa phương, nhà trường, phụ huynh và cơ hội học tập của học sinh, sinh viên được mở rộng.

Thế nhưng, phía sau những điểm số đẹp của học bạ ấy là những niềm trăn trở, băn khoăn của xã hội, của nhiều thầy cô giáo vì điểm số hiện nay của nhiều trường học được cho là chưa phản ánh đúng chất lượng học tập.

Chưa bao giờ học bạ của học sinh phổ thông lại đẹp như những năm gần đây. Đa phần các em đều có điểm học lực từ loại khá trở lên nên điểm xét tuyển bằng học bạ nhiều ngành lên đến cận ngưỡng 30 điểm/ 3 môn. Thậm chí, có ngành lên đến 30.50 điểm/ 3 môn.

Điểm tuyển sinh 10 xét tuyển bằng học bạ cũng vậy. Nhiều trường số lượng tỉ lệ chọi ít nên thi thì điểm thấp lè tè, chỉ cần thí sinh không bị điểm liệt là có thể đậu lớp 10. Nhưng, khi xét tuyển bằng học bạ thì điểm chuẩn lại vượt trội so với các năm trước và những trường tốp đầu của địa phương tổ chức thi tuyển sinh 10.

Điểm học bạ đẹp hiện nay khá phổ biến ở nhiều địa phương (Ảnh: Hương Mai)

Điểm học bạ đẹp hiện nay khá phổ biến ở nhiều địa phương (Ảnh: Hương Mai)

Chưa bỏ phương án xét tuyển đại học bằng học bạ

Vừa qua, cử tri tỉnh Thanh Hóa có đề nghị Bộ nghiên cứu bỏ việc xét tuyển đại học qua học bạ bởi hiện nay đang nảy sinh nhiều tiêu cực trong việc “làm đẹp” học bạ và “chạy điểm” của các nhà trường.

Trong công văn trả lời, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, Luật Giáo dục đại học năm 2018 cho phép các trường đại học tuyển sinh bằng các hình thức thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp cả hai.

Quy chế tuyển sinh đại học do Bộ ban hành cũng chỉ quy định nguyên tắc để đảm bảo công khai, minh bạch và bình đẳng giữa các trường, còn trường đại học được tự chủ và chịu trách nhiệm về phương thức tuyển sinh. Vai trò của Bộ là chỉ đạo thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy chế này.

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, dù điểm học bạ có được sử dụng để xét tuyển đại học hay không, các trường phổ thông phải có trách nhiệm, biện pháp đảm bảo tin cậy, công bằng, đánh giá đúng kết quả của người học.

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm 2022, các trường dành khoảng 240.000 chỉ tiêu cho phương thức xét học bạ và xét tuyển kết hợp học bạ với các tiêu chí khác, chiếm 40% tổng chỉ tiêu xét tuyển đại học.

Tỷ lệ nhập học của phương thức xét học bạ là 36,2%, cao thứ hai trong 18 phương thức, chỉ sau xét kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông. (52,3%). [1]

Như vậy, trước mắt là trong kỳ thi tới đây, nhiều trường đại học vẫn tiếp tục duy trì phương thức xét tuyển đại học bằng học bạ trung học phổ thông như những năm qua. Bởi lẽ, các trường đại học xét tuyển đầu vào bằng học bạ phù hợp với hướng dẫn của các văn bản hiện hành.

Tại sao dư luận xã hội chưa thực sự yên tâm về xét tuyển học bạ?

Thực ra, việc “làm đẹp” học bạ không phải là một vấn đề mới mà nó đã có từ nhiều năm qua. Học bạ đẹp không chỉ đối với học sinh lớp 12 mà nó tồn tại ngay từ khi học sinh học lớp 1. Có điều, càng học sinh cuối cấp thì học bạ có thể càng đẹp hơn mà thôi.

Nguyên nhân học bạ của học sinh phổ thông “đẹp” thì có rất nhiều và có lẽ những nguyên nhân sau đây là chủ yếu:

Thứ nhất: các trường học vẫn luôn duy trì áp những con số chỉ tiêu chất lượng bộ môn ở đầu năm học cho các tổ chuyên môn và giáo viên trong trường. Phương châm chỉ đạo của các nhà trường luôn “chất lượng năm sau phải cao hơn hoặc bằng với năm học trước”.

Khi xét và đề nghị thi đua thì chất lượng của tổ chuyên môn và nhà trường phải bằng hoặc cao hơn năm học trước mới được cấp trên xét và công nhận các danh hiệu. Thấp hơn, phòng, sở giáo dục có thể cắt tức thì.

Vì thế, giáo viên phải đẩy chất lượng bộ môn lên vì sự chỉ đạo của nhà trường khi áp chỉ tiêu và cũng vì danh hiệu thi đua của tập thể và cá nhân. Nếu làm đúng, làm thật vừa ảnh hưởng đến quyền lợi mà còn bị quở trách, liên lụy đến công việc, uy tín của mình.

Thứ hai: tình trạng dạy thêm hiện nay khá phổ biến đối với các môn học chính, các môn liên quan đến thi cử chuyển cấp. Vì thế, khi học sinh học thêm với mình, với nhà trường cả năm, tốn kém rất nhiều tiền thì việc “nương tay” trong chấm bài, kiểm tra thường xuyên là điều rất dễ xảy ra.

Học thêm mà không “cải thiện” được điểm số trong học tập thì phụ huynh và học sinh có còn thiết tha học thêm với cô thầy của mình nữa không?

Mặc dù, văn bản hiện hành cấm dạy thêm cho học sinh chính khóa của mình nhưng thực tế đa phần giáo viên đang dạy thêm cho học trò của mình vì thầy cô cũng có lợi mà học trò không bao giờ thua thiệt về điểm số.

Thứ ba: đối với những môn không học thêm, giáo viên lại càng nhẹ nhàng khi cho điểm vì nhiều giáo viên cho rằng mình dạy “môn phụ” thì căng làm gì cho học sinh, phụ huynh ghét. Có mất mát gì đâu mà phải phải nghiêm nên những môn không thi thường là những môn có điểm số “trên trời”.

Thứ tư: đa phần giáo viên dạy các lớp cuối cấp thường rất “thương” học trò vì cho rằng học trò cuối cấp thì nương tay một chút cho các em dễ dàng trong tuyển sinh, xét tuyển đại học để các em có cơ hội tiến xa hơn.

Chính vì thế, điểm số ngày càng được đẩy lên cao, cao mãi và học sinh bây giờ rất ít em đạt học lực ở mức trung bình. Đa phần học sinh có học lực từ khá trở lên nên các em rất thuận lợi trong xét học bạ vào các trường ở cấp học cao hơn.

Cũng chính vì thế mà bây giờ tìm kiếm học sinh trung bình, yếu, kém mới khó chứ học sinh giỏi và khá thì nhiều lắm.

Nhiều đến nỗi các trường học bây giờ chỉ có thể trao thưởng cuối năm cho học sinh đạt danh hiệu học sinh danh dự toàn trường, học sinh giỏi nhất khối, học sinh giỏi hạng I, II, III.

Chỉ những trường nhỏ mới có thể trao thưởng cho học sinh giỏi đại trà, còn trường lớn học sinh giỏi đại trà cũng phải phát thưởng tại lớp vì danh hiệu này…nhiều quá.

Riêng đối với danh hiệu học sinh tiên tiến bây giờ nói thật chẳng mấy ai ngó ngàng đến, đa phần các em chỉ được trao cái giấy khen mà không có phần thưởng, vì nếu phát thưởng đến danh hiệu này thì nhà trường lấy đâu ra kinh phí?

Ngày nay, kinh tế các gia đình ngày một đủ đầy hơn nên học sinh bây giờ được phụ huynh đầu tư nhiều hơn, học sinh chỉ chú tâm cho việc học. Vì thế, nhiều học sinh giỏi cũng là lẽ thường tình vì các em học ngày, học đêm, học thêm ở trường, học ở trung tâm, ở nhà thầy cô và học qua mạng Internet…

Và, chúng tôi không phủ nhận bây giờ có nhiều em học sinh học rất giỏi và giỏi toàn diện bởi các em có đủ đầy các điều kiện để học tập, tiếp thu.

Nhưng, đôi lúc bản thân chúng tôi cũng không tránh khỏi những băn khoăn tại sao nhiều tỉnh, điểm đầu vào lớp 10 thường thấp, nhiều trường chỉ 3-4 điểm/ môn là đã đậu rồi.

Thậm chí có rất nhiều trường chỉ 1-2 điểm là đủ điểm chuẩn vào lớp 10 nên nhiều nơi phải áp dụng hình thức nhân điểm Văn, Toán hệ số 2 để che giấu điểm đầu vào quá thấp.

Thế nhưng, sau kỳ thi tuyển sinh 10, các em “tiến bộ” rõ rệt để vươn lên học lực giỏi và khá. Phải chăng bậc trung học phổ thông, thầy cô có khả năng giúp học sinh mất gốc tiến bộ nhanh đến vậy sao?

Tài liệu tham khảo:

[1]https://vnexpress.net/bo-giao-duc-bac-kien-nghi-bo-xet-tuyen-dai-hoc-bang-hoc-ba-4568520.html

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

HƯƠNG MAI