Vì phương thức tuyển sinh quá lộn xộn dẫn tới điểm chuẩn cao ngất ngưởng

22/09/2021 09:08
Thùy Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Theo Tiến sĩ Lê Viết Khuyến, điểm tuyển sinh cao bất thường là hệ quả của việc quá đa dạng hóa về các tiêu chí tuyển sinh và phương thức tuyển sinh.

Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm học 2021 thủ khoa khối C của cả nước đạt 29,25 điểm (Văn 9,25, Sử 10, Địa 10).

Với mức điểm thủ khoa này đáng lẽ thí sinh sẽ đỗ được bất cứ chuyên ngành nào xét tuyển khối C00. Tuy nhiên, thực tế trong kỳ tuyển sinh đại học năm nay nhiều ngành lấy điểm chuẩn trên 29.5 điểm, thậm chí có ngành lấy điểm 30,5/30 điểm.

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về hiện tượng này, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng, thống kê cho thấy chỉ 5% tổng số thí sinh có điểm 3 môn đạt 27 điểm trở lên, tức là còn 95% phân bổ ở mức điểm từ 14-27 điểm. Như vậy phổ điểm rất đẹp, không có gì lo ngại.

Nhìn nhận việc điểm chuẩn năm nay cao hơn hẳn so với những năm trước khiến nhiều thí sinh hụt hẫng do dự báo sai, đơn cử, có ngành năm ngoái chỉ lấy 26 điểm thì năm nay lấy đến 29-30 điểm tuy nhiên theo Tiến sĩ Khuyến điều này là dễ hiểu.

Bởi lẽ, năm học vừa qua do dịch COVID diễn biến phức tạp, học sinh phải học qua truyền hình, học online nên Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tinh giản chương trình dạy học, đề thi cắt đi những câu quá khó.

Khi không còn những câu hỏi quá khó thì học sinh top trên đa số sẽ đạt điểm thi cao vọt lên vì các em làm được 95-100%, còn học sinh top giữa, top dưới thì dường như không có sự thay đổi gì so với các năm trước (vì đối tượng học sinh này vốn dĩ bỏ qua câu hỏi quá khó).

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến (ảnh: Xuân Trung)

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến (ảnh: Xuân Trung)

“Rõ ràng, ngân hàng đề thi làm theo chuẩn chương trình chung nhưng nội dung thi có tinh giản, đây là điều hoàn toàn cần thiết trong điều kiện thực tế.

Vì tinh giản nên dẫn tới tình trạng điểm cao tăng vọt, tức là tạo ra độ phân dải điểm cao ở năm nay nhiều hơn so với năm trước, phần còn lại có không thay đổi gì”, chuyên gia này phân tích.

Chưa kể, Tiến sĩ Khuyến cũng cho rằng, nguyên tắc xét tuyển là trò chơi sòng phẳng, căn cứ vào chỉ tiêu, nhà trường sẽ lấy điểm từ cao xuống thấp, rất minh bạch.

Do đó, thí sinh đạt 27 điểm trở lên trượt nguyện vọng 1, chứ còn nhiều cơ hội vào nguyện vọng khác và đến nay Bộ Giáo dục và Đào tạo đã trao đổi với một số trường đại học lớn, các trường cho biết sẽ sẵn sàng xét tuyển bổ sung những thí sinh có kết quả thi cao, căn cứ vào nguyện vọng và điểm đạt được theo điểm chuẩn của từng ngành học cụ thể.

Tức là các em hoàn toàn còn cơ hội học tập ở những ngôi trường danh tiếng.

Vậy đâu là lý do dẫn tới tình trạng “dở khóc dở cười” trong mùa tuyển sinh năm nay thì Tiến sĩ Lê Viết Khuyến cho rằng, hiện tượng này là minh chứng điển hình của sự rối loạn về phương thức tuyển sinh đại học hiện nay.

Trước đây, chỉ tiêu tuyển sinh dựa vào điểm của Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông nên tương đối ổn định.

Nhưng năm nay lại cực kỳ rối loạn về phương thức tuyển sinh. Các trường thực hiện đa dạng các tiêu chí tuyển sinh cho nên không có chuẩn.

Nào là xét tuyển học bạ với nhiều kiểu có trường dựa vào điểm trung bình 2 học kỳ của năm lớp 12, có trường dựa vào điểm trung bình của 3 học kỳ gần nhất, có trường lại dựa vào điểm trung bình của 5 học kỳ ở bậc trung học phổ thông;

Rồi có trường dựa vào điểm trung bình năm lớp 12 kết hợp với điểm trung bình tổ hợp 3 môn xét tuyển..; Chưa kể nhiều trường đưa ra tiêu chí phụ là bài đánh giá năng lực, kiểm tra tư duy, điểm IELTS….

"Ví dụ như chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế nhưng tiêu chí này để vào ngành học tiếng Anh hay ngoại ngữ nào đó là đúng. Các ngành khác cũng lấy tiêu chí này thì vô lý. Tôi cho rằng đó là tiêu chí không ổn", vị chuyên gia này nêu ý kiến.

Nhìn về kỳ thi tốt nghiệp năm nay, môn tiếng Anh và nhiều tổ hợp có môn tiếng Anh điểm cao. Riêng phổ điểm môn tiếng Anh năm nay có 2 đỉnh. Lý giải vấn đề này, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến cho rằng, vì học sinh trên cả nước không được học theo chương trình chuẩn giống nhau. Dù chương trình của Bộ ban hành là một nhưng thực học lại khác nhau.

Cụ thể, học sinh ở các vùng thành thị đi học thêm tiếng Anh rất nhiều nên phông trình độ tiếng Anh cao hẳn lên, còn vùng nông thôn, miền núi không có điều kiện học như thế, nên đỉnh phổ điểm sẽ khác.

Vì thế nếu coi tiếng Anh là môn chủ lực và áp dụng tiêu chí thí sinh có IELTS 4.0 hay TOEFL ITP 450, TOEFL iBT 45 điểm... là được miễn thi hay quy đổi ra tương ứng 9-10 điểm thì với học sinh các vùng không có sự công bằng.

Chưa kể, ngay cả nhiều trường đại học danh giá thực hiện tuyển sinh nhiều phương thức, trong đó tiêu chí xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông chiếm tỉ lệ không cao, bị thu hẹp.

Thậm chí, có trường các phương thức xét tuyển khác chiếm đến 60 – 70%. Vì thế, cơ hội của học sinh có điểm cao trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2021 đã bị thu hẹp.

Việc các trường dựa theo các tiêu chí như điểm tổng kết học bạ, điểm IELTS… để tuyển sinh đại học mà thực ra đây là các tiêu chí phụ, không phải tiêu chí tiêu biểu để đánh giá thực học của học sinh.

Việc biến tiêu chí phụ thành tiêu chí chính thậm chí là tiêu chí duy nhất trong tuyển sinh đại học dẫn đến hệ lụy tình trạng điểm tuyển sinh đầu vào căn cứ vào điểm thi tốt nghiệp cao bất thường.

“Đề thi năm nay chỉ dễ hơn một ít so với các năm, chứ không có chuyện dễ để điểm thi thay đổi quá lớn.

Điểm tuyển sinh cao bất thường là hệ quả của việc quá đa dạng hóa về các tiêu chí tuyển sinh và phương thức tuyển sinh. Muốn khắc phục tình trạng này thì cần phải thay đổi cách thức tuyển sinh” – Tiến sĩ Lê Viết Khuyến nhấn mạnh.

Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông có cần không?

Theo Tiến sĩ Lê Viết Khuyến, nếu trước đây chúng ta có 2 kỳ thi quốc gia đó là “3 chung” và thi tốt nghiệp, rất tốn kém, khi chuyển sang còn một kỳ thi như hiện nay đã thấy rất nhiều điểm ưu việt hẳn.

Giờ đây nếu không còn kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông trên toàn quốc mà để mỗi địa phương làm một kiểu sẽ làm cho hệ thống đào tạo bị rối loạn, kết quả 12 năm học phổ thông coi như “vứt”.

“Chỉ khi nào kiểm định tốt các trường, độ đồng đều như nhau, hình thành một nền văn hóa chất lượng thì mới có thể “bỏ” kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông chứ hiện nay ở Việt Nam, bệnh thành tích rất dữ dội.

Khi chưa đạt được mức độ đó mà “bỏ” lúc này là đốt cháy giai đoạn, phản tác dụng”, Tiến sĩ Khuyến nói.

Về cách thức tuyển sinh thì Tiến sĩ Khuyến cho rằng cần có sự điều chỉnh. Hiện nay nếu từng trường tổ chức thi riêng thì sẽ tốn kém, cồng kềnh mà không phải cơ sở giáo dục nào cũng có thể tổ chức kỳ thi riêng được, do đó việc dựa vào kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông vẫn là phổ biến.

“Chỉ các ngành top dưới và top giữa sẽ rất thuận lợi khi sử dụng kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông vì điểm thi có độ phân hóa khá cao.

Nhưng ngành hot, ngành năng khiếu nếu dựa vào điểm thi tốt nghiệp sẽ dẫn tới 30, trên 30 điểm vẫn trượt nguyện vọng 1. Theo tôi, ngành hot, ngành năng khiếu nên coi điểm thi tốt nghiệp là là bước sơ tuyển, sàng lọc bước đầu để tạo điều kiện cho người học có cơ hội vào trường.

Sau sơ tuyển, các trường đại học có thể phải kiểm tra lại bằng hình thức tổ chức bài test hoặc phỏng vấn trực tiếp để đánh giá năng lực thật của người học, làm như vậy chắc chắn sẽ chọn được người học vừa có năng lực, vừa phù hợp với ngành đào tạo”, thầy Khuyến nói.

Thùy Linh