Vạn điều khổ khi giáo viên không đạt chỉ tiêu cấp trên giao

22/10/2023 07:41
Hoài Thanh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nên nghiên cứu thay đổi việc kiểm tra đánh giá theo hướng hạn chế tối đa học sinh ở lại lớp, tăng dạy thực hành, trải nghiệm, kỹ năng sống.

Chương trình chuyển từ đánh giá kiến thức sang năng lực, phẩm chất được coi là bước tiến mới trong giáo dục, học sinh dần hình thành phẩm chất, phát huy năng lực, không phân biệt học sinh này với học sinh khác,…

Tuy nhiên, một thực tế đang tồn tại hiện nay là tại nhiều nơi, giáo viên đang rất áp lực với việc thiếu nhiều giáo viên, đồ dùng dạy học, áp lực khi vừa dạy vừa bồi dưỡng chuyên môn…để thực hiện chương trình mới nhưng lại không được đánh giá đúng năng lực học sinh mà phải đánh giá theo “chỉ tiêu”.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Chỉ tiêu không những năm sau cao hơn năm trước của cá nhân mà phải cao hơn của toàn trường

Theo các báo cáo chất lượng bộ môn, học sinh giỏi cả nước đều tăng về số lượng theo chỉ tiêu “năm sau cao hơn năm trước”.

Chỉ tiêu “năm sau cao hơn năm trước” có thể hiểu ví dụ trong năm học 2021-2022, giáo viên Toán dạy đạt tỷ lệ học sinh giỏi là 40,3%, chất lượng bộ môn 90% thì năm học 2022-2023 phải đăng ký và đạt tỷ lệ học sinh giỏi 40,4%, chất lượng bộ môn 90,1% trở lên.

Tuy nhiên, năm học này tại địa phương người viết không áp dụng chỉ tiêu “năm sau cao hơn năm trước” cho cá nhân mà phải năm sau cao hơn năm trước cho tỷ lệ chung toàn trường, khiến giáo viên phải áp lực hơn.

Với giáo viên môn Toán trên, năm học 2022-2023 đạt tỷ lệ học sinh giỏi 40,4%, chất lượng bộ môn 90,1% trở lên thì được xét thi đua nhưng năm 2023-2024 không đăng ký với tỷ lệ trên mà phải dựa vào tỷ lệ chung của bộ môn Toán năm 2022-2023 của toàn trường và phải đạt cao hơn tỷ lệ chung toàn trường.

Ví dụ, năm 2022-2023 trường giáo viên đó có 5 giáo viên dạy Toán và đạt tỷ lệ chung là 50% học sinh giỏi, chất lượng bộ môn 93% thì giáo viên môn Toán trên không dựa vào tỷ lệ của mình mà phải cao hơn của cá nhân và cao hơn tỷ lệ chung toàn trường, năm 2023-2024, giáo viên đó phải đăng ký học sinh giỏi 50,1%, chất lượng bộ môn 93%.

Với chỉ tiêu “năm sau phải cao hơn năm trước” nên các trường tỷ lệ đều đã tiệm cận mức 100% như 100% học sinh lên lớp, 100% học sinh hoàn thành tiểu học, trung học cơ sở; chất lượng trung bình bộ môn 100%; học sinh giỏi trên 60-70%,….

Tại trường trung học cơ sở nơi người viết công tác, chất lượng năm học 2022-2023 đã đạt tỷ lệ mức rất cao dù nhiều học sinh vẫn chưa đảm bảo đủ năng lực do dạy theo “chỉ tiêu năm sau cao hơn năm trước” như lên lớp thẳng 99,7%, học sinh giỏi (tốt) 40%, khá 45%, trung bình (đạt) 14,6%, yếu (chưa đạt) chỉ 0,4% em (tức là trường 500 học sinh chỉ có 2 em xếp loại yếu).

Nếu áp dụng vừa chỉ tiêu năm sau cao hơn năm trước cho cá nhân mà còn áp dụng cao hơn toàn trường, đến một giai đoạn tất cả các bộ môn đều đạt tỷ lệ 100%, không cần biết giáo viên dạy ra sao, học sinh học ra sao, tỷ lệ phải đạt 100%, quyền đánh giá của giáo viên mờ nhạt.

Giáo viên đạt thấp hơn đăng ký, thấp hơn tỷ lệ toàn trường sẽ như thế nào?

Nhiều câu chuyện “cười ra nước mắt” khi phụ huynh xin cho con họ ở lại cũng không được vì giáo viên đã đăng ký chỉ tiêu 100%, nên không thể có học sinh ở lại lớp.

Giáo viên là người giảng dạy, ra đề kiểm tra, chấm điểm học sinh, tại sao lại không thể đánh giá điểm số thật của học sinh, tại sao lại phải chạy theo chỉ tiêu? Tại sao không dám mạnh dạn trung thực với kết quả của học sinh?

Chỉ người trong cuộc mới hiểu, giáo viên gần như không thể làm khác, không thể không đạt chỉ tiêu mà cấp trên giao vì nếu không đạt chỉ tiêu sẽ trở thành giáo viên cá biệt, bị cắt thi đua, không được xét nâng lương, khiển trách,…

Nếu không đạt chắc chắn năm học đó sẽ bị xếp không hoàn thành nhiệm vụ, nếu 2 năm bị xếp không hoàn thành nhiệm vụ liên tiếp có thể sẽ bị thôi việc, chấm dứt hợp đồng hoặc tinh giản biên chế.

Không những thế, những lãnh đạo sẽ họp phê bình, khiển trách là nguyên nhân để trường không đạt thi đua, khen thưởng, nhiều giáo viên khác trong trường cũng sẽ phê phán là “dạy dở” hay không yêu thương học sinh,…vạn điều khổ khi giáo viên không đạt chỉ tiêu cấp trên giao.

Giáo viên giỏi, nhiệt tình đầy trách nhiệm nếu không đạt chỉ tiêu sẽ không được xét thi đua, ngược lại giáo viên dạy “tàng tàng”, gian lận nhưng cuối năm nhờ “cấy, sạ” điểm đẹp, học sinh giỏi cao, chất lượng cao được tuyên dương, khen thưởng, làm mất đi môi trường sư phạm tốt đẹp, ý nghĩa, nhân văn.

Giáo viên giỏi, cố gắng, đánh giá trung thực thì bị cắt thi đua, bị khiển trách,…khiến họ bất mãn, hạnh phúc không thể sinh ra từ những điều dối trá.

Người viết rất đồng tình với việc hạn chế học sinh ở lại, dạy học sinh phát huy năng lực, học sinh không có năng lực môn học này nhưng vẫn có năng lực khác bao gồm cả năng lực chung, năng lực đặc thù, không so sánh học sinh này với học sinh khác,…

Nhưng hạn chế học sinh ở lại bằng việc giao chỉ tiêu cao ngất ngưởng khiến giáo viên chạy theo thành tích, giả dối là điều nên tránh.

Người viết cho rằng, nên nghiên cứu thay đổi việc kiểm tra đánh giá học sinh theo hướng hạn chế tối đa học sinh ở lại lớp, tăng dạy thực hành, trải nghiệm, kỹ năng sống,…tránh dạy học theo chỉ tiêu cao ngất ngưởng, gây áp lực lớn lên giáo viên.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Hoài Thanh