Tại sao chỉ tiêu xếp loại học lực năm học mới cứ phải bằng, cao hơn năm trước?

13/09/2023 06:46
KIM OANH
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Chỉ tiêu giảng dạy, phong trào cho từng tổ chuyên môn cũng được Ban giám hiệu giao cụ thể trong ngày Hội nghị cán bộ, viên chức của nhà trường.

Năm học 2023-2024 đã bắt đầu và tất cả giáo viên, nhân viên sẽ thực hiện các nhiệm vụ năm học theo sự phân công của Ban giám hiệu nhà trường. Bên cạnh đó, những chỉ tiêu về giảng dạy, phong trào, hội thi cho từng tổ chuyên môn cũng được Ban giám hiệu giao cụ thể trong ngày Hội nghị cán bộ, viên chức của nhà trường.

Nếu chỉ tiêu phù hợp với đặc điểm, tình hình thực tế của đơn vị, không đưa đưa ra những con số cao chót vót sẽ giúp cho giáo viên, nhân viên của nhà trường cảm thấy thoải mái và họ không bị gánh nặng chỉ tiêu chi phối, không phải tìm mọi cách (nếu chất lượng học tập của học sinh không tốt) để thực hiện đúng chỉ tiêu đã được mặc định.

Một khi đặt ra chỉ tiêu phù hợp sẽ giúp cho giáo viên đánh giá thực chất chất lượng học tập của học sinh. Những hạn chế, yếu kém của học sinh sẽ được thầy cô lưu tâm và đưa ra những giải pháp phụ đạo thêm cho các em có được những kiến thức cơ bản.

Ngược lại, nếu đưa ra những tỉ lệ học sinh xếp loại học lực tốt (các lớp chương trình 2018 đánh giá theo Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT), giỏi (các lớp chương trình 2006 đánh giá theo Thông tư 26/2020/TT-BGDĐT) quá cao so với thực tế của nhà trường sẽ khiến cho một số giáo viên phải gian dối, phải đánh giá không đúng với chất lượng dạy và học.

Từ đó, một bộ phận học sinh cũng không cần phải cố gắng vì cứ học tàng tàng cũng đủ điểm lên lớp, thậm chí còn được khen thưởng.

Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa (Ảnh: Thùy Linh)

Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa (Ảnh: Thùy Linh)

Chỉ tiêu xếp loại học lực, hạnh kiểm năm học mới phải bằng hoặc cao hơn năm học trước

Việc Ban giám hiệu nhà trường đưa ra các chỉ tiêu cho từng tổ chuyên môn là cần thiết để mỗi tổ chuyên môn, giáo viên, nhân viên trong trường cố gắng hoàn thành nhiệm vụ của mình trong năm học và góp phần vào thành tích chung của nhà trường.

Tuy nhiên, phương châm của các trường học trước đây và hiện nay là luôn giao chỉ tiêu học sinh giỏi (tốt) năm học mới sẽ cao hơn năm học cũ; tỉ lệ học sinh yếu- kém (chưa đạt) thấp hơn năm học trước. Nếu kì kèo ý kiến thì phải bằng với năm học trước chứ không được thấp hơn.

Vì thế, cho dù là dạy chương trình 2006 hay chương trình 2018 thì tỉ lệ học sinh xếp loại học lực giỏi (tốt) cũng luôn được đẩy dần lên cao theo từng năm học. Xếp loại hạnh kiểm (rèn luyện) cho học sinh cũng vậy, tỉ lệ xếp loại tốt năm sau phải cao hơn hoặc ít nhất là bằng chứ không được thấp hơn năm học trước.

Bên cạnh đó, ngoài chuyện giảng dạy trên lớp, bây giờ ngành giáo dục địa phương cũng thường xuyên phát động rất nhiều các phong trào khác nhau, như: thi viết sáng kiến kinh nghiệm; thi làm đồ dùng dạy học; thi giáo viên chủ nhiệm giỏi, giáo viên dạy giỏi các cấp (theo chu kỳ); thi học sinh giỏi các cấp…

Ngoài ra, còn vô số các cuộc thi tìm hiểu về các chủ đề do ngành, các tổ chức đoàn thể địa phương phát động, rồi văn nghệ; thể thao; vẽ tranh các cấp…Tất nhiên, cấp nào tổ chức thì giáo viên, học sinh trong các nhà trường cũng đều tham gia.

Tất nhiên, phong trào nào cũng được nhà trường giao cụ thể cho tổ chuyên môn. Các tổ sẽ họp bàn để giao cụ thể cho từng giáo viên và đưa vào kế hoạch giáo dục của mình trong năm học. Cuối năm, nếu không đạt được sẽ ảnh hưởng đến việc xếp loại viên chức, xét danh hiệu thi đua cuối năm.

Giáo viên cứ răm rắp thực hiện theo chỉ tiêu năm học bằng những con số khô khan đã được ấn định, giao từ trên xuống dưới, mọi ý kiến về cơ bản khó được cấp trên chấp thuận bởi thực tế Ban giám hiệu nhà trường cũng có những cái khó riêng. Họ cũng chịu áp lực về chỉ tiêu từ cấp trên, từ các đơn vị bạn.

Nếu chỉ tiêu về học lực của các tổ chuyên môn, nhà trường mà thấp hơn năm học trước cũng đồng nghĩa cuối năm sẽ bị cắt thi đua tập thể. Công sức của tập thể cả năm cũng đồng nghĩa không được ghi nhận- cho dù các phong trào khác có nhiều thành tích.

Mục tiêu cốt lõi là phát huy được phẩm chất, năng lực của học trò chứ không đơn thuần là tỉ lệ học sinh giỏi (tốt)

Mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông 2018 là phát triển phẩm chất, năng lực cho người học nhằm phát triển toàn diện con người Việt Nam có đạo đức, tri thức, văn hóa, sức khỏe, thẩm mỹ và nghề nghiệp; có phẩm chất, năng lực và ý thức công dân.

Chính vì thế, chỉ tiêu đầu năm học không chỉ đơn thuần là những những tỉ lệ về học lực giỏi (tốt) hay một số thành tích trong các phong trào, hội thi mà ngành phát động. Điều cốt lõi là hướng tới thầy và trò có một môi trường công tác, học tập hạnh phúc.

Từ đó, phát huy được khả năng cống hiến của giáo viên; khả năng học tập, hòa nhập của học trò trong mỗi nhà trường.

Tuy nhiên, điều ngược lại là các trường học phổ thông lâu nay lại quá chú trọng vào thành tích học tập qua tỉ lệ học sinh giỏi (tốt); tỉ lệ học sinh được khen thưởng hằng năm. Những bảng thành tích đẹp, những mĩ từ hay trong các buổi lễ khai giảng hay tổng kết năm học.

Từ đó, dẫn đến sự phục tùng mệnh lệnh một cách khiên cưỡng. Những trường học có điều kiện thì việc học sinh có thành tích học tập tốt là điều đương nhiên nhưng những trường còn khó khăn, điều kiện học sinh học tập không được thuận lợi nhưng vẫn đua điểm số với các trường điểm là điều không phù hợp.

Muốn có tỉ lệ học sinh giỏi (tốt) cao thông qua những con số không phải là điều khó đối với giáo viên vì những việc này nằm trong tầm tay của họ. Muốn tỉ lệ bao nhiêu sẽ có bấy nhiêu nhưng phía sau những con số ấy là những hệ lụy khôn lường.

Giáo viên không đánh giá đúng năng lực học tập của học trò dễ dẫn đến bệnh thành tích trong các nhà trường. Học sinh thấy mình được điểm cao một cách dễ dàng cũng dẫn đến việc thiếu đi động lực học tập ở trên lớp cũng như những lúc ở nhà.

Hơn nữa, năm học này và cả mấy năm học vừa qua, ngành giáo dục đang tập trung mọi nguồn lực để triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 với rất nhiều điểm mới, đó là: có nhiều môn học mới; phương pháp dạy học mới; cách đánh giá, kiểm tra theo hướng phát triển phẩm chất năng lực nên đòi hỏi sự thay đổi lớn trong các nhà trường.

Vì thế, điều cơ bản lúc này là giúp cho giáo viên có một môi trường công tác thuận lợi để họ đầu tư chuyên sâu về chuyên môn, phương pháp giảng dạy. Không quá sa đà vào những điểm số ảo, không phải đối phó với bệnh thành tích, không phù hợp với thực tế.

Ngày diễn ra Hội nghị cán bộ, viên chức của nhà trường vì thế cũng cần đơn giản và đưa ra những kế hoạch sát thực, giáo viên được thảo luận sâu, kĩ để có những giải pháp hay nhằm cụ thể hóa các chỉ tiêu phù hợp.

Một khi không bị giao những chỉ tiêu phi thực tế, chắc chắn giáo viên sẽ dành nhiều tâm huyết hơn cho học trò. Nếu được đánh giá đúng, cho dù học sinh bị xếp loại một số môn học ở mức yếu- kém (chưa đạt) thì giáo viên họ sẽ bồi dưỡng thêm trong hè nhằm củng cố lại những kiến thức cơ bản cho học trò.

Nếu làm được như vậy, cho dù một vài năm thành tích của nhà trường ảnh hưởng, tỉ lệ học sinh giỏi (tốt) có bị giảm sâu thì đó cũng là sự chuẩn bị cần thiết để bước tiếp những bước dài cho các năm học về sau.

Bằng không, cứ mặc định phương châm: tỉ lệ học sinh giỏi (tốt) của năm học mới phải bằng hoặc cao hơn năm trước thì chất lượng thực của các nhà trường vẫn luôn bị thách thức và bệnh thành tích vẫn lởn vởn vây quanh.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

KIM OANH