Văn bản có dấu hiệu "lợi ích nhóm" giữa Bộ và NXBGDVN giai đoạn 2014-2018 ai ký?

18/02/2023 06:38
HƯƠNG MAI
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Văn bản số 2372 do Thứ trưởng lúc bấy giờ là ông Nguyễn Vinh Hiển ký, thời điểm này, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo là ông Phạm Vũ Luận.

Ngày 28/12/2022, Thanh tra Chính phủ có Thông báo Kết luận thanh tra số 2303/TB-TTCP Chuyên đề công tác quản lý nhà nước về giáo dục, đào tạo; thời kỳ từ ngày 01/01/2014 – 31/12/2018.

Đáng chú ý, Thanh tra Chính phủ kiến nghị chuyển 2 nội dung sang Bộ Công an xem xét, xử lý theo quy định.

Thứ nhất là nội dung hướng dẫn sử dụng sách bài tập, sách tham khảo có dấu hiệu "lợi ích nhóm" giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo là cơ quan quản lý nhà nước với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Nhà xuất bản Giáo Dục Việt Nam trong việc in ấn, phát hành sách bài tập.

Thứ hai là nội dung lựa chọn nhà thầu cung cấp giấy in để sản xuất sách giáo khoa theo phương thức chào hàng cạnh tranh của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Nhà xuất bản Giáo Dục Việt Nam có nhiều điểm bất thường, chưa bảo đảm công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế.

Đáng chú ý, liên quan đến nội dung thứ 2, ngày 13/2, Bộ Công an ra Quyết định Khởi tố vụ án Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ và Vi phạm quy định về đấu thầu tại Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.

Kết quả điều tra xác định: Ông Nguyễn Đức Thái, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên đã lợi dụng chức vụ quyền hạn được giao trong việc mua sắm giấy in phục vụ in ấn sách giáo dục, cùng bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, nguyên Trưởng Ban Kế hoạch Marketing và ông Đinh Quốc Khánh, nguyên Phó Trưởng Ban Kế hoạch Marketing đã thông đồng với bà Tô Mỹ Ngọc, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Cổ phần Giấy Phùng Vĩnh Hưng, vi phạm quy định của pháp luật về bảo đảm công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu cung cấp giấy in, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng tài sản Nhà nước.

Sau khi trúng thầu, ông Nguyễn Đức Thái, bà Nguyễn Thị Thanh Thủy được nhận lợi ích vật chất từ bà Tô Mỹ Ngọc.

Còn nội dung thứ nhất liên quan đến kiến nghị chuyển Bộ Công an xem xét làm rõ, dư luận cũng đặc biệt quan tâm.

Danh mục sách tham khảo lớp 4 chương trình 2006 của một trường gửi cho phụ huynh đăng ký cho thấy rõ, số tiền sách tham khảo cao gấp nhiều lần sách giáo khoa. Ảnh: Hương Mai
Danh mục sách tham khảo lớp 4 chương trình 2006 của một trường gửi cho phụ huynh đăng ký cho thấy rõ, số tiền sách tham khảo cao gấp nhiều lần sách giáo khoa. Ảnh: Hương Mai

Đối với nội dung thứ nhất, Thông báo Kết luận của Thanh tra Chính phủ đã kết luận cụ thể:

“Ban hành Văn bản số 2372/BGDĐT- GDTrH ngày 11/04/2013 về việc sử dụng sách, tài liệu tham khảo trong trường phổ thông, có nội dung hướng dẫn: Sách bài tập do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam tổ chức biên soạn dựa theo sách giáo khoa, được Bộ Giáo dục và Đào tạo thẩm định, cho phép xuất bản, in và phát hành.

Thực tế, việc tổ chức biên soạn, biên tập, xuất bản, in ấn và tổng phát hành các loại sách bài tập, sách tham khảo thuộc chức năng, là nhiệm vụ của nhà xuất bản là đơn vị thống lĩnh thị trường, độc quyền tổ chức biên soạn, biên tập, xuất bản, in và phát hành sách bài tập.

Việc nêu sách bài tập được Bộ Giáo dục và Đào tạo thẩm định, cho phép xuất bản, in và phát hành tại Văn bản số 2372/BGDĐT- GDTrH là không đúng chức năng, nhiệm vụ của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Từ đó, dẫn đến những nhầm lẫn cho học sinh, phụ huynh học sinh cả xã hội, khiến họ hiểu rằng sách bài tập được nhà xuất bản xuất bản cũng là tài liệu bắt buộc phải mua kèm với sách giáo khoa.

Mặc dù Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 21/2014/TT-BGDĐT ngày 7/7/2014 quy định về quản lý và sử dụng xuất bản phẩm tham khảo trong các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên nhưng chưa kịp thời ban hành văn bản về việc dừng sử dụng Văn bản số 2372/BGD ĐT-GDTrH nêu trên.

Do đó, gây nhầm lẫn cho học sinh, phụ huynh và xã hội, hiểu rằng sách bài tập được Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam xuất bản cũng là tài liệu bắt buộc phải mua kèm theo sách giáo khoa, dẫn đến thực tiễn hầu hết gia đình học sinh khi mua sách giáo khoa đều mua sách bài tập kèm theo do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam phát hành".

Văn bản số 2372/BGDĐT- GDTrH do ai ký và nội dung hướng dẫn ra sao?

Lần theo Thông báo Kết luận thanh tra số 2303/TB-TTCP, chúng tôi tìm lại Văn bản số 2372/BGDĐT-GDTrH của Bộ Giáo dục và Đào tạo được ban hành vào ngày 11/4/2013.

Văn bản này do Thứ trưởng lúc bấy giờ là ông Nguyễn Vinh Hiển ký, thời điểm này, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo là ông Phạm Vũ Luận.

Điều đáng chú ý là Văn bản số 2372/BGDĐT- GDTrH đã hướng dẫn sử dụng sách giáo khoa, sách giáo viên, sách bài tập, tài liệu giáo dục địa phương và sách tham khảo khác khá chi tiết.

Trong đó, sách bài tập hướng dẫn như sau:

“Sách bài tập do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam tổ chức biên soạn dựa theo sách giáo khoa, được Bộ Giáo dục và Đào tạo thẩm định, cho phép xuất bản, in và phát hành. Trên sách bài tập có ghi tên Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam và tên các tác giả.

Giáo viên có thể tham khảo sách bài tập sau khi đã xem xét sự phù hợp của nội dung bài tập với nội dung bài dạy; học sinh có thể tham khảo sách bài tập để củng cố, mở rộng kiến thức, kỹ năng đã được học trên lớp.

Giáo viên, học sinh khi sử dụng sách bài tập nếu gặp tình huống có cách hiểu khác nhau về một nội dung nào đó giữa sách bài tập và sách giáo khoa thì lấy sách giáo khoa làm căn cứ để giảng dạy, học tập”.

Đối với sách tham khảo hướng dẫn như sau:

“Các nguồn tài liệu (cả kênh chữ, kênh hình, kênh tiếng) có nội dung liên quan đến một số môn học, hoạt động giáo dục trong các cơ sở giáo dục phổ thông do giáo viên và học sinh tự lựa chọn để tham khảo trong giảng dạy, học tập được gọi chung là sách tham khảo khác; sách tham khảo do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam hoặc các nhà xuất bản khác phát hành.

Giáo viên có thể sử dụng sách tham khảo để hỗ trợ thiết kế bài dạy, thực hiện đánh giá kết quả học tập của học sinh; đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá; tự bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; nghiên cứu khoa học;…

Học sinh có thể sử dụng sách tham khảo để củng cố, mở rộng và nâng cao kiến thức, kỹ năng trong chuẩn chương trình giáo dục phổ thông; hỗ trợ việc tự học, tự đánh giá bản thân; nghiên cứu khoa học;…”.

Mỗi năm, cả nước có tới gần 20 triệu học sinh và cấp phổ thông có 12 lớp, mỗi lớp có trên dưới 10 môn học, chúng ta sẽ hình dung ra số tiền mà phụ huynh đã phải bỏ ra mua những sách bài tập, tham khảo lớn đến chừng nào.

Suốt nhiều năm trời, dư luận đã lên tiếng về tình trạng đầu năm học, các nhà trường kết hợp với các công ty phát hành sách bán sách cho học sinh. Trong mỗi bộ sách, bao giờ cũng có sách giáo khoa, sách bài tập, sách tham khảo được đóng gói sẵn mà dư luận xã hội gọi nôm na là bán theo kiểu “bia kèm lạc”.

Mỗi bộ sách giáo khoa (chương trình 2006) chỉ dao động trên dưới 100 ngàn đồng nhưng giá thành cho mỗi bộ sách mà phụ huynh đã mua cho con em mình mỗi năm đã cao gấp nhiều lần. Có trường, lên đến gần 1 triệu đồng/ 1 bộ sách/ 1 năm học.

Có điều, có nhiều cuốn sách mua xong rồi bỏ xó, không hề được sử dụng, cuối năm chỉ có thể bán phế liệu mà thôi. Sự lãng phí này, ai phải chịu trách nhiệm?

Tài liệu tham khảo:

-Thông báo số 2303/TB-TTCP

-https://hethongphapluat.com/cong-van-2372-bgddt-gdtrh-nam-2013-su-dung-sach-tai-lieu-tham-khao-trong-truong-pho-thong-do-bo-giao-duc-va-dao-tao-ban-hanh.html

HƯƠNG MAI