Ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục, nhiệm vụ không dễ với nơi vùng khó

23/06/2023 06:37
Trà My
GDVN-Nhằm thực hiện mục tiêu của CT GDPT 2018 để định hướng phát triển năng lực người học, nhiều địa phương đã tích cực ứng dụng CNTT trong dạy và học.

Có công nghệ thông tin giúp học sinh tiếp cận được nguồn kiến thức rộng mở

Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ trong bối cảnh hiện nay, các ứng dụng công nghệ thông tin đang ngày càng được sử dụng rộng rãi trong mọi lĩnh vực của đời sống, tham gia trực tiếp vào các hoạt động của con người.

Thay vì sử dụng cách giảng dạy, học tập truyền thống như trước kia, hiện nay, các địa phương đã ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy và học để giúp những tiết học thêm sinh động, cuốn hút hơn. Qua đó, giúp phát huy được khả năng tư duy, sáng tạo, phát triển toàn diện các kỹ năng của người học, góp phần hiện thực hóa mục tiêu của Chương trình giáo dục phổ thông mới.

Tuy nhiên, đối với một số địa phương, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học tại các trường phổ thông còn gặp khó khăn do kinh phí chưa đáp ứng, chưa đủ cơ sở vật chất, khả năng tiếp cận của một số giáo viên còn hạn chế,...

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Phan Văn Chương, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm (tỉnh Quảng Nam) cho hay, Chương trình giáo dục phổ thông mới với mục tiêu nhằm phát huy tối đa những phẩm chất, năng lực của người học.

Thầy Phan Văn Chương, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm (Quảng Nam) (Ảnh: Website nhà trường).

Thầy Phan Văn Chương, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm (Quảng Nam) (Ảnh: Website nhà trường).

Do vậy, cần phải có ứng dụng công nghệ thông tin vào trong dạy và học mới có thể phát huy được những yếu tố quan trọng cho các em, đặc biệt là khi học các môn lựa chọn, việc ứng dụng công nghệ thông tin sẽ giúp các em tiếp cận được nguồn kiến thức rộng mở hơn, thể hiện được năng lực của bản thân.

Theo thầy Chương, nhận được sự chỉ đạo sâu sát và hỗ trợ tận tình của các cấp lãnh đạo, Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Nam, hiện nay trường có nhiều thuận lợi để từng bước hoàn thiện, nâng cấp, phát triển về ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, giảng dạy như trang bị cơ sở hạ tầng, máy móc thiết bị hiện đại, đội ngũ giáo viên dần được nâng cao trình độ về công nghệ,... để theo kịp được với xu thế số hóa hiện nay.

Không những vậy, công tác bồi dưỡng, đào tạo khi vận dụng công nghệ thông tin vào cũng thuận lợi hơn rất nhiều qua việc tận dụng được những kho dữ liệu, tài nguyên cộng thêm trong không gian mở, môi trường số hóa sẽ giúp các em dễ dàng thay đổi được không khí học tập.

Ngoài ra, để phát triển kỹ năng sử dụng ứng dụng công nghệ thông tin cho các cán bộ, giáo viên, Trường Trung học phổ thông chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm (Quảng Nam) đã thường xuyên tổ chức các buổi tập huấn để các thầy cô sử dụng được thành thạo và tốt hơn.

“Tỉnh Quảng Nam là địa phương rất quyết liệt trong việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học nên đã hỗ trợ rất tận tình các nhà trường trong lộ trình số hóa hiện nay, góp phần phát huy mục tiêu của Chương trình giáo dục phổ thông mới.

Do đó, để nâng cao chất lượng giáo dục hàng năm, nhà trường đã tận dụng tối đa trong điều kiện, kinh phí của mình để ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy của giáo viên, học tập, thảo luận của học sinh và trong các khâu quản lý tài chính, hành chính, tuyển sinh và chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo nhà trường”, thầy Chương cho biết.

Bên cạnh những thuận lợi, trường vẫn còn gặp một số khó khăn, vướng mắc trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy và học như việc tiếp cận với các ứng dụng công nghệ của một số giáo viên lớn tuổi còn hạn chế; cơ sở hạ tầng cũng chưa hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu do kinh phí đôi lúc còn khó khăn,...

Thầy Chương mong rằng, để việc ứng dụng công nghệ thông tin vào giáo dục ngày càng được phát triển, các cấp có thẩm quyền cần quan tâm, hỗ trợ kinh phí nhiều hơn để các trường được nâng cấp cơ sở vật chất và trang thiết bị hiện đại đồng thời cũng cần phải tăng cường tập huấn để tận dụng được tối đa khả năng của các ứng dụng công nghệ số.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học vẫn còn mang tính chất “làm mẫu”

Là một giáo viên trẻ không ngừng đổi mới, sáng tạo, thầy giáo Nguyễn Sỹ Lợi, giáo viên Trường Tiểu học Vân Canh, huyện Hoài Đức, Hà Nội (Nhà giáo trẻ tiêu biểu Thủ đô năm 2022) đã áp dụng phương pháp đưa công nghệ thông tin vào trong quá trình giảng dạy để giúp các em học sinh có thêm nhiều hào hứng và nạp được lượng kiến thức nhiều hơn.

Thầy giáo Nguyễn Sỹ Lợi, giáo viên Trường Tiểu học Vân Canh, huyện Hoài Đức, Hà Nội trong buổi hướng dẫn, hỗ trợ các giáo viên trong trường về việc ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy và học (Ảnh: NVCC).

Thầy giáo Nguyễn Sỹ Lợi, giáo viên Trường Tiểu học Vân Canh, huyện Hoài Đức, Hà Nội trong buổi hướng dẫn, hỗ trợ các giáo viên trong trường về việc ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy và học (Ảnh: NVCC).

Trong quá trình làm việc và giảng dạy của mình, thầy Lợi đã thường xuyên đi tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ các giáo viên tại các trường tiểu học khác trên địa bàn về việc ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy và học được hiệu quả hơn.

Trong cuộc trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Lợi nhận định, quản lý công nghệ thông tin và ứng dụng công nghệ thông tin trong thời đại công nghệ 4.0 hiện nay là rất cần thiết trong giáo dục.

“Dựa vào những tính năng ưu việt, những sự đổi mới mà công nghệ thông tin mạng lại, chúng ta nên áp dụng vào công tác giảng dạy, học tập để nâng cao kết quả, thành tích học tập của học sinh trong các cơ sở giáo dục”, thầy Lợi bày tỏ quan điểm.

Theo thầy Lợi, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động dạy học là một nhiệm vụ hàng đầu và rất quan trọng trong việc đổi mới hình thức, phương pháp dạy học nhưng đến nay, công tác vẫn chỉ đang ở bước đầu, còn nhiều bỡ ngỡ, bị động và vẫn còn mang tính chất trình diễn.

Nhìn nhận từ thực tế, việc ứng dụng công nghệ thông tin mới chỉ dạy mô hình điểm, dạy mô hình mẫu và chủ yếu tập trung ứng dụng công nghệ thông tin vào các tiết hội giảng, chuyên đề, thao giảng, thi giáo viên dạy giỏi hoặc những tiết dạy được báo trước.

Cũng theo thầy Lợi, trong quá trình đi tuyên truyền, hướng dẫn các giáo viên trên địa bàn áp dụng ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy và học, thầy đã nhận ra có một số mặt thuận lợi và khó khăn trong công tác ứng dụng này.

Trước hết, về mặt thuận lợi, giáo viên cũng như học sinh ở các trường tiểu học trên địa bàn huyện Hoài Đức đã có sự cố gắng, phấn đấu và phát huy của tập thể giáo viên, học sinh các nhà trường, cũng như sự đồng hành của phụ huynh học sinh và chính quyền địa phương.

Đặc biệt, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, phụ huynh học sinh và học sinh cũng đã có sự nâng cao nhận thức sự cần thiết của việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động dạy học; có sự kết hợp giữa gia đình và nhà trường để chung tay đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong nhà trường.

Tuy nhiên, vẫn còn một số khó khăn cần khắc phục khó khăn như: thiếu sự đầu tư đồng bộ cơ sở vật chất, phải nâng cao trình độ công nghệ thông tin của đội ngũ giáo viên, nhân viên,... nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động dạy học.

Thầy giáo Nguyễn Sỹ Lợi luôn ứng dụng công nghệ thông tin vào các tiết học để giúp học sinh có thêm hứng thú học tập, tăng khả năng tiếp thu bài tốt hơn (Ảnh: NVCC).

Thầy giáo Nguyễn Sỹ Lợi luôn ứng dụng công nghệ thông tin vào các tiết học để giúp học sinh có thêm hứng thú học tập, tăng khả năng tiếp thu bài tốt hơn (Ảnh: NVCC).

Công tác xây dựng đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, đặc biệt là cơ sở vật chất phục vụ cho việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động dạy học dù đã được quan tâm, chú trọng hơn nhưng vẫn chưa được đồng bộ hóa, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn trong xã hội hiện nay.

Một số giáo viên và học sinh chưa chủ động khai thác Internet vào mục đích học tập và rèn thao tác kỹ năng công nghệ thông tin của bản thân; còn hạn chế khai thác thông tin tài nguyên trên mạng nên các bài giảng ứng dụng công nghệ thông tin chưa được sinh động, chất lượng và đầu tư.

Mặt khác, trình độ công nghệ thông tin của một số cán bộ quản lý và trình độ bài giảng ứng dụng công nghệ thông tin của nhiều giáo viên trong thực tế còn hạn chế. Việc này đã gây ra ảnh hưởng không nhỏ tới việc đổi mới phương pháp, hình thức học tập và làm chậm bước tiến của yêu cầu đổi mới giáo dục trong xã hội hiện nay.

Trong thời đại nền kinh tế tri thức và công nghệ 4.0 đã có rất nhiều các phần mềm được ra đời nhằm phục vụ cho hoạt động học tập và nâng cao hứng thú học tập của học sinh như là: quizzi; plickers; kahoot…… thế nhưng, phần lớn giáo viên vẫn sử dụng phần mềm dạy học phổ biến là Microsoft office Powerpoint.

Không những vậy, các phần mềm dạy học nâng cao hứng thú học tập của học sinh rất ít được quan tâm, ít được sử dụng. Đây cũng là một trong những hạn chế của giáo viên tại một số trường tiểu học ở huyện Hoài Đức trong công tác đổi mới hình thức và phương pháp giáo dục.

Ngoài ra, tuy các cán bộ quản lý nhà trường đã sử dụng một số biện pháp quản lý ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động giảng dạy của giáo viên nhưng đâu đó vẫn chỉ là đối phó, báo cáo hình thức. Giáo viên cũng thường chỉ sử dụng công nghệ thông tin vào các đợt thi giảng, hội giảng, chuyên đề… chứ chưa trở thành phong trào, lan tỏa tinh thần ứng dụng công nghệ thông tin sang cho các đồng nghiệp khác.

Chia sẻ về lý do xảy ra những bất cập trên, thầy Lợi chỉ ra 02 nguyên nhân chính ảnh hưởng tới việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động dạy học của giáo viên trong các nhà trường.

Về nguyên nhân chủ quan, trình độ công nghệ thông tin của các cán bộ quản lý và giáo viên tại các trường tiểu học trên địa bàn huyện Hoài Đức còn nhiều hạn chế, chưa có nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của việc ứng dụng công nghệ thông tin vào đổi mới phương pháp và hình thức dạy học của giáo viên và học sinh.

Về nguyên nhân khách quan, cơ sở vật chất, trang thiết bị, hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ cho việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động dạy học còn nhiều thiếu thốn, mới chỉ tạm thời đáp ứng được một phần nhất định chứ chưa được đồng bộ hóa toàn các cơ sở giáo dục.

Ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy và học là nhiệm vụ trọng tâm để thực hiện Chương trình GDPT mới

Trao đổi về tình hình triển khai, thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học tại các trường phổ thông trên địa bàn, ông Phan Thanh Hải, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Nông cho biết:

“Ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, trong dạy và học là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để thực hiện đổi mới giáo dục phổ thông cũng như thực hiện lộ trình Chuyển đổi số của ngành Giáo dục tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2022-2025 và định hướng đến năm 2030 (theo Kế hoạch số 261/KH-UBND ngày 20/5/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh). Qua đó, giúp phát huy tối đa những ưu việt của công nghệ số để thúc đẩy đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác quản lý và chất lượng giáo dục, đào tạo”.

Ông Phan Thanh Hải, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Nông (Ảnh: NVCC).

Ông Phan Thanh Hải, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Nông (Ảnh: NVCC).

Để triển khai hiệu quả việc ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học, Sở Giáo dục và Đào tạo Đắk Nông đã chủ động, tích cực tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành các văn bản tạo hành lang pháp lý và điều kiện thuận lợi để ngành kịp thời triển khai các nhiệm vụ về công nghệ thông tin và chuyển đổi số gắn với từng nhiệm vụ, thời điểm cụ thể. Đồng thời, chỉ đạo các trường phổ thông thực hiện nghiêm túc, linh hoạt việc ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức dạy và học cũng như công tác quản trị của nhà trường.

Bên cạnh đó, Sở cũng tập trung triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp, cung cấp nguồn học liệu điện tử nhằm kịp thời hỗ trợ địa phương, cơ sở giáo dục, giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh được tiếp cận nguồn học liệu chính thống, chất lượng, phong phú, phục vụ hiệu quả quá trình dạy và học trực tuyến;

Triển khai áp dụng mô hình giáo dục STEAM, đào tạo tiếng Anh và kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin, bảo đảm an toàn thông tin cho giáo viên, học sinh ở các cơ sở giáo dục phổ thông;

Thực hiện đào tạo, tập huấn hướng nghiệp để giáo viên, học sinh có các kỹ năng sẵn sàng tham gia vào môi trường số. Đến nay, đa phần các giáo viên tại các trường phổ thông trên địa bàn đã thành thạo việc ứng dụng công nghệ thông tin trong khai thác dữ liệu bài dạy và ứng dụng hiệu quả các phần mềm dạy học trực tiếp tại lớp cũng như dạy học online.

Không những vậy, hiện 100% cán bộ, giáo viên đã ứng dụng tốt công nghệ thông tin, biết khai thác tốt các công cụ trình chiếu, soạn và trình bày bài giảng điện tử E-Learning... để tổ chức dạy học. Ngoài ra, giáo viên cũng đã có sự chia sẻ và học tập lẫn nhau trong khai thác kho học liệu số hiện có để khai thác, tăng hiệu quả trong dạy và học. Nhiều giáo viên đã tích cực hướng dẫn, khuyến khích học sinh tiếp cận và ứng dụng công nghệ thông tin trong học tập, nghiên cứu của mình;

Hơn nữa, ngành giáo dục tỉnh cũng luôn coi trọng công tác tuyên truyền đến đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và nhân sự trong toàn ngành để góp phần nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí của công nghệ thông tin trong dạy và học, gắn liền với việc duy trì thường xuyên công tác bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về công nghệ thông tin;

Chỉ đạo việc rà soát, đầu tư kịp thời cơ sở vật chất và trang thiết bị cần thiết cho việc ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học, đặc biệt đảm bảo điều kiện dạy học môn Tin học bắt buộc theo Chương trình giáo dục phổ thông mới;

Tăng cường công tác xã hội hóa trong đầu tư phát triển công nghệ thông tin, phối hợp cùng các đơn vị viễn thông triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm hỗ trợ các trường phổ thông trên địa bàn trong việc ứng dụng công nghệ thông tin, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học.

Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học trên địa bàn tỉnh Đắk Nông trong thời gian qua vẫn còn gặp một số vướng mắc cần khắc phục như:

Thứ nhất, Đắk Nông là một địa phương với nền kinh tế, các điều kiện sống chưa được cao, do vậy, ngay từ khi bắt đầu thực hiện, ngành giáo dục tỉnh đã xác định đây là nhiệm vụ không hề dễ dàng do đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, nhất là vùng có điều kiện kinh tế còn thấp, vùng đồng bào dân tộc thiểu số - những khu vực mà khả năng tiếp cận với công nghệ thông tin của người dân, học sinh và ngay cả cán bộ, giáo viên trong ngành còn hạn chế.

Ngoài ra, cơ sở vật chất, trang thiết bị công nghệ thông tin tại các trường học trên địa bàn còn thiếu, nhiều nơi chưa có điện, tốc độ mạng internet nói chung còn chậm nên chưa đáp ứng được yêu cầu, nhất là ở các điểm trường vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn,…

Thứ hai, một số giáo viên tại địa phương do đã lớn tuổi nên khả năng ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học còn hạn chế. Và ở độ tuổi của những đối tượng giáo viên này cũng ngại tiếp cận và bồi dưỡng về việc ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học.

Thứ ba, sự phát triển như “vũ bão” của công nghệ thông minh, trí tuệ nhân tạo AI đã đặt ra cho ngành giáo dục tỉnh một thách thức lớn trong việc đảm bảo an toàn thông tin cho giáo viên, học sinh khi tham gia vào môi trường số.

Ứng dụng công nghệ thông tin tạo ra nhiều thay đổi trong giáo dục phổ thông

Theo Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Nông, thời gian qua, việc ứng dụng công nghệ thông tin đã giúp ngành giáo dục tỉnh nâng cao hiệu quả quản lý và chất lượng trong dạy và học. Nhờ có ứng dụng công nghệ thông tin, diện mạo ngành giáo dục của địa phương cũng đã thay đổi từng ngày, từng giờ.

“Trong bối cảnh thực hiện đổi mới Chương trình giáo dục phổ thông 2018, vai trò của ứng dụng công nghệ thông tin đã được toàn ngành xác định là rất quan trọng trong công cuộc đổi mới lần này.

Sự ra đời của công nghệ thông tin là tích hợp đồng thời của các tiến bộ về công nghệ và tổ chức thông tin, đem đến nhiều ảnh hưởng tích cực cho sự phát triển của giáo dục, qua đó, giúp hoạt động giáo dục đạt hiệu quả cao hơn”, ông Hải nói.

Cũng theo ông Hải, công nghệ thông tin đã thúc đẩy một nền giáo dục mở, giúp học sinh tiếp cận thông tin đa chiều, rút ngắn khoảng cách, thu hẹp mọi không gian, tiết kiệm tối ưu về thời gian. Từ đó, học sinh phát triển nhanh hơn về kiến thức, nhận thức và tư duy.

Ảnh minh họa: Nguyên Phương.

Ảnh minh họa: Nguyên Phương.

Các công nghệ thông tin cũng đã mang đến kiến thức đa dạng và được cập nhật thường xuyên, cung cấp trực tuyến qua kết nối internet. Điều này đã đóng góp một vai trò to lớn trong quá trình đổi mới giáo dục, phù hợp với mục tiêu đổi mới nội dung, chương trình giáo dục phổ thông mới hiện nay là chuyển từ nền giáo dục chủ yếu là truyền thụ kiến thức sang định hướng phát triển năng lực người học, giúp học sinh chủ động tìm kiếm kiến thức mới, cách giải quyết vấn đề, ứng dụng kiến thức đã học vào thực tiễn.

Bên cạnh đó, việc dạy học trực tuyến cũng là môi trường thuận lợi để giáo viên có thể ứng dụng những công cụ công nghệ thông tin mới nhằm sinh động hóa tiết dạy. Ví dụ như những phần mềm "thực tế ảo" đã và đang phát huy hiệu quả trong dạy học trực tuyến; công cụ mới trong kiểm tra đánh giá cũng đã phát huy tính tích cực trong hoạt động dạy và học.

Mặt khác, công nghệ thông tin đã mở ra không gian và thời gian học linh động, tạo điều kiện cho học sinh có thể học tập và tiếp thu kiến thức một cách linh động và thuận tiện. Nhờ đó, người học có thể tự học ở mọi lúc, mọi nơi, có thể tham gia thảo luận một vấn đề mà mỗi học sinh đang ở cách xa nhau, góp phần tạo ra xã hội học tập mà ở đó, học sinh có thể học tập suốt đời.

Không những vậy, nhờ sự thuận tiện này của mình, công nghệ thông tin sẽ tạo cơ hội cho học sinh có thể lựa chọn những vấn đề mà mình ưa thích, phù hợp với năng khiếu của bản thân, từ đó phát triển theo thế mạnh của mỗi cá nhân để thúc đẩy sự phát triển tài năng của các em.

Tầm quan trọng, sự hiệu quả và ảnh hưởng của việc ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học đã được khẳng định bằng thực tiễn ở nước ta và trở thành xu thế tất yếu của giáo dục.

Trong những năm qua, ngành giáo dục Đắk Nông đã triển khai nhiều biện pháp quản lý, chỉ đạo nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học tại các nhà trường. Đến nay, cơ sở vật chất và thiết bị dạy học cần thiết cho việc ứng dụng công nghệ thông tin được đầu tư, việc kết nối Internet được thực hiện; kho bài giảng điện tử, kho tài liệu được xây dựng online trên website của ngành, nhiều phần mềm hỗ trợ công tác quản lý, dạy học được áp dụng rộng rãi,...

Ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực, một trong số đó chính là nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập.

Việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục đã giúp chất lượng học tập của học sinh ngày càng được tăng lên rõ rệt, nhờ vậy, các tiết học được sinh động hơn, phát huy được tính tích cực chủ động của học sinh trong việc tìm tòi kiến thức mới. Học sinh có thể lên mạng tra cứu thêm các thông tin bổ ích phục vụ cho việc học hay tham gia các diễn đàn học tập; giải các đề thi, học tiếng Anh trên các ứng dụng này,...

Ứng dụng công nghệ thông tin cũng đem lại những hiệu quả nhất định trong công tác quản lý cũng như giảng dạy tại các trường học. Hiện nay, hầu như các cơ sở giáo dục đã trang bị hệ thống số hóa trong quản lý hồ sơ, kế hoạch của nhà trường, tổ chuyên môn và kế hoạch dạy học của giáo viên; tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học; đồng thời, ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin trong đổi mới phương pháp dạy học, công tác kiểm tra, đánh giá học sinh.

Theo Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Nông, mặc dù việc ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học tại các trường phổ thông hiện nay là rất cần thiết và phù hợp với xu thế phát triển của xã hội, tuy nhiên, để việc ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy và học được diễn ra thuận lợi, đạt được kết quả tốt, cần thực hiện những giải pháp như:

Ngành giáo dục cần tích cực tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức cho cán bộ quản lý, giáo viên về tầm quan trọng của việc ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục, áp dụng hiệu quả trong việc dạy và học, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo;

Xây dựng các văn bản chỉ đạo, triển khai các hoạt động chuyển đổi số trong các cơ sở giáo dục nhằm xây dựng chính quyền điện tử;

Nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc triển khai xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số và đảm bảo an toàn thông tin tại các cơ sở giáo dục;

Tăng cường việc thanh, kiểm tra, đánh giá công tác bảo quản, sử dụng, ứng dụng công nghệ thông tin trong các nhà trường. Rà soát, tham mưu ban hành các quy chế, quy định về đảm bảo an toàn, bảo mật thông tin mạng, phòng chống mã độc trong quá trình ứng dụng công nghệ thông tin tại các cơ sở giáo dục;

Đầu tư, nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin, tiếp tục phối hợp với các nhà mạng cung cấp đường truyền, thiết bị công nghệ thông tin phục vụ cho quản lý và dạy học, nhất là dạy học trực tuyến. Quản lý hạ tầng cơ sở vật chất, thiết bị dạy học hiện đại, xây dựng phòng học đa phương tiện;

Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ quản lý, giáo viên nhằm nâng cao trình độ, kiến thức trong việc sử dụng công nghệ thông tin, hướng dẫn khai thác và sử dụng các hệ thống nền tảng của chính quyền điện tử;

Chỉ đạo tăng cường việc ứng dụng các phần mềm giáo dục trong quản lý dạy học theo hướng tích hợp, khai thác và sử dụng có hiệu quả các ứng dụng trên Internet. Tiến hành nghiên cứu, lựa chọn các phần mềm có chức năng phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh nhà trường. Xây dựng kho bài giảng dùng chung trong toàn tỉnh.

Báo chí đóng vai trò quan trọng khi đồng hành cùng đổi mới giáo dục

Trong bối cảnh internet có sức ảnh hưởng sâu rộng, hỗ trợ người dùng kết nối với nhiều nguồn tin, ông Phan Thanh Hải, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Nông cho rằng, cơ quan báo chí có vai trò rất quan trọng trong việc cung cấp thông tin nhanh nhạy, trung thực, chính xác và đảm bảo về tính pháp lý, độ tin cậy cao.

Ảnh minh họa: Nguyên Phương.

Ảnh minh họa: Nguyên Phương.

Hơn nữa, báo chí có trách nhiệm quan trọng trong việc truyền thông, đưa tin về các hoạt động dạy và học, quan điểm của Đảng, Nhà nước về đổi mới về Chương trình giáo dục phổ thông 2018 nhằm tạo sự đồng thuận và thống nhất cao trong thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Báo chí chính là phương tiện thông tin, tuyên truyền hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số đến đội ngũ cán bộ, nhà giáo, học sinh và nhân dân và cũng chính là phương tiện, công cụ hữu hiệu để đẩy mạnh, tăng cường hơn nữa hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động dạy học.

Do vậy, cần phát huy vai trò tích cực của các cơ quan báo chí, truyền thông trong việc phát hiện, phản ánh chính xác, kịp thời những mặt tích cực và cả những mặt yếu kém, thiếu sót, hạn chế của tổ chức, cá nhân trong thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin. Đây được xem là một trong những nội dung quan trọng trong hoạt động tuyên truyền ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số để các cơ sở giáo dục, đội ngũ nhà giáo nhận thức một cách đầy đủ về việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác dạy và học.

“Thời gian qua, các cơ quan báo chí đã tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt sâu rộng việc ứng dụng công nghệ thông tin đến cán bộ, công chức, viên chức, các nhà đầu tư, doanh nghiệp và người dân nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết về quan điểm, mục tiêu, nội dung, sự cần thiết phải thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin vào trong hoạt động dạy học và phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin.

Việc này đã tạo sự đồng thuận, nhất trí cao để huy động và phát huy tối đa mọi nguồn lực nhằm thực hiện có hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học trong giai đoạn hiện nay. Các cơ quan báo chí đã mang chủ trương, định hướng của Nhà nước, các chương trình, kế hoạch của địa phương, của ngành đến đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh và nhân dân”, ông Phan Thanh Hải nhận định.

Trà My