Trường Quốc tế: Tập trung đào tạo, phát triển NCKH và thu hút nhân tài

09/04/2024 14:12
Khánh Hạ
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Với mục tiêu đưa nền giáo dục Việt Nam vươn tầm thế giới, Trường Quốc tế tập trung đào tạo con người, phát triển nghiên cứu khoa học và thu hút nhân tài.

Trường Quốc tế (VNU-IS) tiền thân là Khoa Quốc tế trực thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội được thành lập theo Quyết định số 3868/QĐ-ĐHQGHN ngày 01/12/2021 của Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội. Trải qua hơn 20 năm xây dựng và phát triển, Trường Quốc tế đã từng bước khẳng định được vị thế của mình, nhất là trong lĩnh vực hợp tác và đào tạo quốc tế.

Các chương trình đào tạo gắn kết tri thức đa lĩnh vực

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Trung Thành - Hiệu trưởng Trường Quốc tế, các chương trình đào tạo của trường được xây dựng bài bản, gắn kết tri thức dựa trên nền tảng khoa học cơ bản, khoa học ứng dụng và khoa học liên ngành. Từ đó, khẳng định giá trị cốt lõi và sứ mệnh của “Hub quốc tế” trong Đại học Quốc gia Hà Nội, phát triển bền vững qua hệ thống chương trình đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực từ cử nhân đến tiến sĩ.

Hiện, nhà trường đang triển khai đào tạo 15 chương trình đại học (gồm 04 mô hình đào tạo: chương trình đại học do Đại học Quốc gia Hà Nội cấp bằng, chương trình đào tạo do Đại học Quốc gia Hà Nội và trường đại học đối tác cùng cấp bằng, chương trình đại học liên kết quốc tế, chương trình đại học tích hợp thạc sĩ) và 07 chương trình thạc sĩ (trong đó có 4 chương trình do Đại học Quốc gia Hà Nội cấp bằng và 03 chương trình do trường đại học đối tác cấp bằng) và 02 chương trình tiến sĩ.

Ảnh 5.jpg
Sinh viên Trường Quốc tế có nhiều cơ hội tham gia vào các chương trình giao lưu, trao đổi sinh viên quốc tế.

Từ năm 2022, VNU-IS bắt đầu triển khai đào tạo 03 chương trình cử nhân tích hợp thạc sĩ gồm: Công nghệ tài chính và kinh doanh số, Công nghệ thông tin ứng dụng và Kỹ thuật hệ thống công nghiệp và Logistics.

Hiện nay hầu hết các chương trình đào tạo của Trường Quốc tế đều được xây dựng định hướng liên ngành và xuyên ngành. Điều đó cho thấy vai trò tiên phong, đón đầu trong việc thực hiện các mô hình đào tạo với cách tiếp cận gắn kết tri thức đa lĩnh vực, đa ngành, liên ngành, xuyên ngành trong đào tạo và nghiên cứu, thay vì mở các chương trình đào tạo theo chuyên ngành hẹp như các mô hình đại học truyền thống.

Các ngành đào tạo được thiết kế dựa trên triết lý “cây cầu”- cung cấp cho người học những hiểu biết và kỹ năng toàn diện về công nghệ, kỹ thuật, quản trị, marketing… Qua đó sinh viên được tiếp cận toàn diện quá trình vận hành của doanh nghiệp chứ không đơn thuần chỉ có một lĩnh vực đơn lẻ.

Đồng thời, các chương trình đào tạo của VNU-IS đều được kiểm định đạt chuẩn Việt Nam và quốc tế. Mục tiêu của chương trình đào tạo là cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động tại Việt Nam và trên thế giới trong thời điểm hiện tại và tương lai ở nhiều lĩnh vực như: phát triển phần mềm, phân tích dữ liệu kinh doanh, quản trị tài chính và kinh doanh số, kế toán và các lĩnh vực chuyên sâu khác.

Ảnh 7.jpg
Sinh viên ngành Quản lý tổ chức trao mũ bảo hiểm cho học sinh tiểu học - một dự án trong môn học Trải nghiệm trong chương trình.

Chương trình 100% bằng Tiếng Anh, chú trọng thực hành

VNU-IS là đơn vị duy nhất của Đại học Quốc gia Hà Nội đào tạo 100% chương trình bằng tiếng Anh. Nhờ đó mà sinh viên của trường ngoài những kiến thức chuyên môn của ngành học còn có năng lực tiếng Anh tốt, có thể hòa nhập với môi trường làm việc toàn cầu.

Trong quá trình xây dựng khung chương trình đào tạo, nhà trường chú trọng việc phát triển năng lực tư duy, khả năng thực hành và tự học của sinh viên, coi trọng năng lực tiếng Anh, kỹ năng mềm, khởi nghiệp là những chuẩn đầu ra bổ trợ rất quan trọng của người học. Các chương trình đào tạo triển khai theo hình thức tín chỉ, đào tạo bằng tiếng Anh, áp dụng nhiều biện pháp theo hướng cá thể hóa nhằm tạo sự linh hoạt tối đa cho người học muốn rút ngắn thời gian đào tạo, hỗ trợ đồng thời các nhóm sinh viên xuất sắc và gặp khó khăn trong học tập.

Đặc biệt, sinh viên còn được trang bị đầy đủ kiến thức hàn lâm, song song với gia tăng thời lượng thực hành, thực tập thông qua các hoạt động trải nghiệm tại hệ thống các phòng lab nghiên cứu, công ty, tập đoàn hoạt động đa lĩnh vực của Việt Nam và thế giới. Hệ thống bài thí nghiệm và thực hành theo tiêu chuẩn quốc tế nhằm đào tạo ra các chuyên gia có trình độ cao, đáp ứng nhu cầu nhân lực của cách mạng công nghiệp 4.0 và Chiến lược chuyển đổi số Quốc gia.

Bên cạnh đó, nhà trường đã phát triển quan hệ hợp tác với gần 40 trường đại học, tổ chức giáo dục, khoa học và công nghệ trên thế giới. Từ đó, sinh viên có cơ hội học tập, thực hành, giao lưu văn hóa với nhiều quốc gia trên thế giới. Trong đó có thể kể đến các trường đang hợp tác đào tạo và nghiên cứu khoa học với VNU-IS như: Trường Đại học Keuka, Trường Đại học Troy (Hoa Kỳ); Trường Đại học East London (Vương quốc Anh), Trường Đại học Nantes (Cộng hòa Pháp); Trường Đại học Kỹ thuật Năng lượng Moscow (Liên bang Nga), Trường Đại học HELP (Malaysia), Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Lunghwa (Đài Loan)…

Ảnh 9.jpg
Sinh viên tham gia học tập với học giả quốc tế.

Tập trung đào tạo con người, phát triển nghiên cứu khoa học cơ bản và thu hút nhân tài

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Trung Thành “hội nhập quốc tế thôi chưa đủ, sản phẩm đào tạo của VNU-IS phải có đủ năng lực, đạo đức, trí tuệ, phẩm chất của con người Việt Nam tiên tiến, phụng sự đất nước, cống hiến cho xã hội và có năng lực công dân toàn cầu, thích ứng và phát triển ở mọi nền kinh tế, sáng tạo và chuyển giao tri thức”.

Chính vì thế, Trường Quốc tế xác định sứ mệnh và giá trị cốt lõi để làm nền tảng cho mọi hoạt động là: quốc tế trong quốc gia, tài năng hội tụ, phát triển con người toàn diện, trách nhiệm xã hội, đông tây kết hợp. Không chỉ chú trọng đào tạo kiến thức chuyên môn, triết lý của nhà trường thể hiện qua chương trình học được thiết kế để sinh viên phát triển toàn diện ở ba phương diện thân - tâm - tuệ, vững chuyên môn, giỏi nghiệp vụ, giáo dục từ tâm để nâng tầm trí tuệ.

Ảnh 10.jpg
Diễn giả doanh nghiệp đến chia sẻ, trao đổi với sinh viên nhà trường.
Ảnh 12.jpg
Diễn giả doanh nghiệp đến chia sẻ, trao đổi với sinh viên nhà trường.

Mô hình đào tạo của Trường Quốc tế giống như hình phễu, chất lượng đầu vào ngày một nâng cao song song với việc thắt chặt chuẩn đầu ra không chỉ về “điểm số” mà còn đánh giá cụ thể, chi tiết đến từng hoạt động rèn luyện đạo đức, chú trọng vun đắp nghị lực sống, chia sẻ cho sinh viên, tạo ra các sản phẩm đào tạo chất lượng cao, đáp ứng đòi hỏi ngày một khắt khe của thị trường lao động.

Theo Hiệu trưởng Trường Quốc tế, thách thức phát triển hiện nay ngày một lớn hơn, rất khó để tạo ra sự khác biệt vì các yếu tố tiền vốn, tài nguyên có hạn, trong khi môi trường cách mạng công nghiệp 4.0 yêu cầu kỹ năng, đổi mới sáng tạo ở trình độ cao. Do đó, sẽ không thể có đổi mới sáng tạo hiệu quả và đột phá, nếu không tập trung vào đào tạo con người, phát triển nghiên cứu khoa học cơ bản và thu hút nhân tài.

Ảnh 13.JPG
Việc học tập với các chuyên gia, diễn giả doanh nghiệp là hoạt động không thể thiếu của sinh viên Trường Quốc tế.
Ảnh 11.jpg
Các chuyến thăm quan thực tế doanh nghiệp giúp sinh viên Nhà trường thu nhận được nhiều kiến thức bổ ích.

Bên cạnh chương trình đào tạo, nội dung thực hành, các hoạt động ngoại khóa cũng được nhà trường chú trọng phát triển từ các hoạt động tình nguyện tại chỗ, tình nguyện xa, và ngay cả trong khuôn khổ lớp học nhỏ với khát vọng sẻ chia từ những điều nhỏ nhất để lan tỏa kiến thức, tinh thần, thái độ đúng đắn đối với mọi mặt của cuộc sống cho cộng đồng.

Khánh Hạ