Trường Quốc tế: Đa dạng học bổng, mỗi sinh viên là một "đại sứ văn hóa"

04/04/2024 06:22
Khánh Hạ
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Được mệnh danh là một “Hub quốc tế” của Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Quốc tế đào tạo 100% chương trình bằng tiếng Anh với đa dạng học bổng học tập.

Theo báo cáo của Cục Hợp tác quốc tế (Bộ Giáo dục và Đào tạo), giai đoạn 2016-2021, Việt Nam có 155 cơ sở giáo dục tiếp nhận, đào tạo hơn 45.000 lưu học sinh nước ngoài đến từ 102 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Các cơ sở giáo dục thu hút được nhiều lưu học sinh (trên 1.000 lưu học sinh) và đa dạng quốc tịch có thể kể đến như: Đại học Quốc gia Hà Nội (lưu học sinh đến từ 74 nước); Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (lưu học sinh đến từ 47 nước), Trường Đại học Hà Nội (lưu học sinh đến từ 44 nước), Đại học Huế (lưu học sinh đến từ 38 nước), Đại học Thái Nguyên (lưu học sinh đến từ 29 nước), Đại học Đà Nẵng (lưu học sinh đến từ 13 nước)…

“Thứ hạng ngày càng tăng lên, bằng cấp của trường ngày càng có giá trị”

Nếu không theo diện học bổng/hiệp định, trao đổi ngắn hạn, lưu học sinh tự túc học tập quyết định đến Việt Nam thường chú trọng đến chất lượng đào tạo và cơ hội việc làm sau tốt nghiệp. Để thu hút sinh viên quốc tế, các cơ sở giáo dục cần chú trọng hai yếu tố: học phí cạnh tranh và xếp hạng đại học.

Ảnh 2.jpg
100% sinh viên quốc tế của trường du học theo diện tự túc.

Theo Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Đình Đức - nguyên Trưởng ban Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội khẳng định: "Thứ hạng ngày càng tăng lên, bằng cấp của trường ngày càng có giá trị".

Ngày 05/02/2024, Phòng thí nghiệm Cybermetrics Labs (thuộc Hội đồng nghiên cứu quốc gia Tây Ban Nha) đã công bố kết quả xếp hạng Webometrics lần thứ nhất năm 2024. Trong kỳ xếp hạng lần này, Đại học Quốc gia Hà Nội gia tăng vị trí trong top 700 thế giới và lần đầu tiên tiêu chí “Mức độ ảnh hưởng” lọt top 500 thế giới (vị trí 495).

Trong kỳ xếp hạng tháng 02/2024, Đại học Quốc gia Hà Nội tiếp tục duy trì vị trí số 1 Việt Nam và gia tăng vị trí trong bảng xếp hạng thế giới (từ vị trí 671 lên vị trí 649) và khu vực (vị trí thứ 11 Đông Nam Á - tăng 1 bậc so với kỳ trước và xếp thứ 140 Châu Á – tăng 27 bậc so với kỳ trước).

Ngoài xếp hạng chung của trường, sinh viên quốc tế cũng quan tâm đến xếp hạng các lĩnh vực, ngành học. Đại học Quốc gia Hà Nội có ba nhóm lĩnh vực được xếp hạng là Kỹ thuật và Công nghệ (Engineering & Technology) xếp thứ 386, Khoa học tự nhiên (Natural Sciences) xếp thứ 401- 450 và Khoa học xã hội và Quản lý (Social Science & Management) xếp thứ 451-500.

Trường Quốc tế là một “Hub quốc tế” của Đại học Quốc gia Hà Nội tiếp nhận, đào tạo lưu học sinh. Đáng chú ý, 100% sinh viên quốc tế của trường không thuộc đối tượng du học theo Hiệp định, tự túc theo học hệ đại học các ngành công nghệ, kỹ thuật, quản lý, quản trị, tài chính, kế toán và các lĩnh vực chuyên sâu khác với ngôn ngữ đào tạo hoàn toàn bằng tiếng Anh.

Giai đoạn từ năm 2015 đến nay, Trường Quốc tế là đơn vị tiên phong, đón đầu trong việc thực hiện các mô hình đào tạo với cách tiếp cận gắn kết tri thức đa lĩnh vực, đa ngành, liên ngành, xuyên ngành trong đào tạo và nghiên cứu, thay vì đơn ngành như mô hình đại học truyền thống. Với trụ cột vững chắc và tầm nhìn chiến lược, ở giai đoạn tiếp theo, Trường Quốc tế định hướng đưa ảnh hưởng của giáo dục Việt Nam ra nước ngoài giai đoạn 2025 - 2030, tầm nhìn 2040.

Ảnh 3.jpg
Trường Quốc tế là một “Hub quốc tế” của Đại học Quốc gia Hà Nội tiếp nhận, đào tạo lưu học sinh.

Đa dạng hình thức học bổng, để mỗi sinh viên là một “đại sứ văn hóa”

Trường Quốc tế xây dựng chương trình đào tạo 100% bằng tiếng Anh, hướng đến việc phát triển năng lực tư duy, khả năng thực hành và tự học của sinh viên, coi năng lực tiếng Anh, kỹ năng mềm, khởi nghiệp là những chuẩn đầu ra bổ trợ rất quan trọng của người học. Đặc biệt, nhà trường chú trọng nâng cao năng lực công dân toàn cầu cho sinh viên (sử dụng thành thạo ngôn ngữ và ngoại ngữ); năng lực số (sử dụng thành thạo các công cụ kỹ thuật số để nâng cao chất lượng làm việc).

Bên cạnh đó, nhà trường chú trọng thu hút đội ngũ nhân lực chất lượng cao. Trong đó, giảng viên các chương trình của trường đều tốt nghiệp từ các trường đại học uy tín trên thế giới, chủ yếu là giảng viên nước ngoài có trình độ cao hoặc giảng viên Việt Nam có bằng cấp nước ngoài, không chỉ giỏi kiến thức chuyên môn mà còn hiểu biết rất rộng về các lĩnh vực xã hội.

Một điểm đặc biệt khác ở Trường Quốc tế chính là chế độ “bình đẳng mọi quốc tịch”, không phân biệt giữa sinh viên Việt Nam và sinh viên nước ngoài. Điều đó được thể hiện qua ngôn ngữ giao tiếp, chính sách học bổng, các hoạt động phong trào thanh niên… Từ đó, để mỗi sinh viên Việt Nam hay sinh viên nước ngoài đều trở thành một đại sứ văn hóa, là cầu nối tình hữu nghị, làm gia tăng các trải nghiệm đa quốc gia, giao thoa văn hóa ở môi trường giáo dục.

Đối với du học sinh, 100% trường hợp nhập học thành công đều được nhận học bổng miễn phí kỳ học đầu tiên cho năm nhất tại trường. Bên cạnh đó, Phòng Công tác sinh viên và Đoàn Thanh niên là hai đơn vị hỗ trợ sinh viên quốc tế hòa nhập với môi trường và văn hóa Việt Nam.

Không chỉ vậy, các bạn cũng có cơ hội nhận học bổng toàn phần cho cả khóa học nếu như đáp ứng được các tiêu chuẩn theo quy định. Đây cũng là chính sách học bổng từ nguồn kinh phí tự chủ của nhà trường nhằm khích lệ tất cả sinh viên tài năng không phân biệt quốc tịch.

Ảnh 4.jpg
Sinh viên quốc tế đóng góp tích cực cho các hoạt động chung của nhà trường.
Ảnh 6.jpg
Sinh viên quốc tế tích cực tham gia các hoạt động do Nhà trường tổ chức.

Nhiều cơ hội học tập, nghiên cứu nâng cao và cơ hội việc làm hấp dẫn

Trường Quốc tế (VNU-IS) là đơn vị duy nhất của Đại học Quốc gia Hà Nội đào tạo 100% chương trình bằng tiếng Anh, nhà trường thu hút được gần 100 sinh viên và học viên quốc tế từ 20 quốc gia, 4 châu lục đến học tập chuyên ngành toàn thời gian tại Việt Nam sau đó trở về nước cống hiến và làm việc.

Không chỉ vậy, nhiều sinh viên quốc tế tại VNU-IS cũng bày tỏ mong muốn được ở lại Việt Nam sinh sống, làm việc cũng như học tập sau đại học vì tin tưởng cơ hội mà nhà trường mang lại.

Ảnh 8.jpg
Ban Giám hiệu gặp mặt, tìm hiểu tâm tư các sinh viên quốc tế.

Barragan Sanchez Daniel, quốc tịch Tây Ban Nha, sinh viên ngành Quản lý bày tỏ: “Em nghĩ sau khi tốt nghiệp, làm việc tại Việt Nam cũng là một lựa chọn khá hay vì em sẽ có thể vừa làm vừa học tiếp. Em tin tưởng chắc chắn rằng Trường Quốc tế có thể cho mình nhiều cơ hội việc làm tốt trong tương lai. Đặc biệt, chương trình Quản lý, liên kết giữa Trường Quốc tế và Trường Đại học Keuka, cũng sẽ cho sinh viên nhiều cơ hội làm việc ở Việt Nam và nước ngoài”.

Daniel.jpg
Barragan Sanchez Daniel, quốc tịch Tây Ban Nha, sinh viên ngành Quản lý.

Trong khi đó, Marius Kach Andre, quốc tịch Thuỵ Sỹ, sinh viên ngành Ngôn ngữ Anh cho biết: “Em đang cân nhắc việc theo học chương trình đào tạo sau đại học tại VNU-IS hoặc các cơ sở uy tín khác sau khi tốt nghiệp. Việc tiếp tục học ở chương trình sau đại học sẽ cho phép em đào sâu chuyên môn và nâng cao triển vọng nghề nghiệp của mình.

Hơn nữa, em đam mê học tập suốt đời và tin rằng giáo dục thường xuyên là điều cần thiết để luôn cập nhật những phát triển mới nhất trong lĩnh vực của mình và đóng góp một cách có ý nghĩa cho xã hội. Vì vậy, việc theo đuổi các nghiên cứu sau đại học phù hợp với mục tiêu dài hạn của em là thăng tiến nghề nghiệp và hoàn thiện bản thân”.

Maurice.JPG
Marius Kach Andre, quốc tịch Thuỵ Sỹ, sinh viên ngành Ngôn ngữ Anh.

Ngoài ra, hiện Trường Quốc tế - Đại học Quốc gia Hà Nội đã phát triển quan hệ hợp tác với gần 40 trường đại học, tổ chức giáo dục, khoa học và công nghệ trên thế giới. Từ đó có thể đem đến nhiều cơ hội học tập và việc làm hấp dẫn cho các bạn sinh viên sau khi ra trường. Trong đó có thể kể đến các trường đang hợp tác đào tạo và nghiên cứu khoa học với VNU-IS như: Trường Đại học Keuka, Trường Đại học Troy (Hoa Kỳ); Trường Đại học East London (Vương quốc Anh), Trường Đại học Nantes (Cộng hòa Pháp); Trường Đại học Kỹ thuật Năng lượng Moscow (Liên bang Nga), Trường Đại học HELP (Malaysia), Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Lunghwa (Đài Loan)…

Khánh Hạ