Hòa trong không khí hướng về kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025) và hưởng ứng tháng đọc sách, sáng ngày 26/4, Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Nguyễn Siêu tổ chức sự kiện "Ngày hội Sách và Văn hóa đọc 2025" với nhiều hoạt động trải nghiệm ý nghĩa.
Tham dự ngày hội có Đại tá, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Trọng Vĩnh, người sáng lập, nguyên Hiệu trưởng Trường Trung học cơ và Trung học phổ thông Nguyễn Siêu; Thạc sĩ Nguyễn Thị Minh Thúy, hiệu trưởng nhà trường và toàn thể giáo viên, học sinh, phụ huynh Trường trung học cơ sở và trung học phổ thônh Nguyễn Siêu.

Phát biểu khai mạc chương trình, Thạc sĩ Nguyễn Thị Minh Thúy chia sẻ: “Cách đây 60 năm, trong thư gửi đồng bào miền Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết “Miền Nam là máu của máu Việt Nam, là thịt của thịt Việt Nam. Dù sông cạn, đá mòn, chân lý ấy không bao giờ thay đổi”.
Chân lý của thời đại Hồ Chí Minh đã được chứng minh bằng cuộc tổng tiến công và đại thắng mùa xuân 1975 thống nhất đất nước, non sông liền một dải. Các em học sinh là thế hệ được sinh ra và lớn lên khi đất nước không còn tiếng súng, sạch bóng quân thù.
Điều gì khiến các em thấu hiểu những trang lịch sử hào hùng của dân tộc, những chặng đường vất vả và gian lao của đất nước? Tất cả là nhờ có sách.
Những tác phẩm nổi tiếng như “Lịch sử Việt Nam”, “Lịch sử kháng chiến chống Mĩ cứu nước” hay những tiểu thuyết như “Dấu chân người lính”, “Nỗi buồn chiến tranh”, “Suối Cọp”,…. đã cho chúng ta thấy những khoảnh khắc bi tráng nhất của dân tộc, chân dung những con người Việt Nam đẹp nhất, cũng như sức mạnh của tình yêu và cái thiện. Sách giúp học sinh kết nối lịch sử và bồi đắp tình yêu đất nước, niềm tự tôn, lòng tự hào dân tộc.
Ngày hội mừng thống nhất non sông ngập tràn sắc thắm của cờ đỏ, sao vàng, biểu tượng của tinh thần tự hào Việt Nam bất diệt. Thế hệ học sinh hôm nay là thế hệ tiếp bước cha anh trong lịch sử, là “thế hệ vàng” kiến tạo tương lai bằng ánh sáng của tri thức, niềm tin và sự tự tôn dân tộc. Sách là kho báu giúp các em nuôi dưỡng hiện tại và xây đắp tương lai để đất nước được vẻ vang sánh vai cùng các cường quốc năm châu”.

Ngày hội Sách và Văn hóa đọc 2025 của Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Nguyễn Siêu gồm 3 phần: Lễ kỷ niệm 50 năm ngày thống nhất đất nước; Hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc; Talkshow AI và Văn hóa đọc.
Chương trình kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, non sông liền một dải của trường đã tái hiện lại khoảng thời gian lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam qua nhiều tiết mục văn nghệ đặc sắc, được dàn dựng, sắp xếp theo các mốc thời gian lịch sử của dân tộc.
Từ những ngày gian khổ, mất mát đến thời khắc giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước đã được toàn thể cán bộ, giáo viên và học sinh nhà trường thể hiện một cách hào hùng qua chuỗi tiết mục: “Tự nguyện”, “Tiến về Sài Gòn”, “Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân”, “Tiếng chày trên sóc Bom Bo”, “Đất nước trọn niềm vui”, “Như có Bác trong ngày đại thắng”.
Một số hình ảnh về các tiết mục được biểu diễn trong chương trình:





Với hoạt động hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc, nhà trường tổ chức chung kết cuộc thi "Nhân vật trong sách bước ra cuộc đời", góp phần khơi dậy tình yêu văn học và niềm đam mê đọc sách trong học sinh. Đồng thời, tạo sân chơi sáng tạo, phát huy năng khiếu diễn xuất, hóa trang và làm việc nhóm với hình thức trực quan, sinh động. Ở vòng chung kết này, học sinh mỗi khối lớp sẽ có 2 phút thể hiện 2 nhân vật mà mình lựa chọn.
Học sinh trường Nguyễn Siêu đã biến hóa đa dạng thành nhiều nhân vật nổi tiếng trong văn học và lịch sử như: chú bé liên lạc Lượm nhanh nhẹn, hồn nhiên, vui tươi trong thơ Tố Hữu; ông chủ tịch xã Toàn Nha trong vở kịch “Bệnh sĩ” của tác giả Lưu Quang Vũ; Vua Quang Trung với đoạn trích “Quang Trung đại phá quân Thanh”; cặp đôi Thị Nở và Chí Phèo; nữ anh hùng Võ Thị Sáu; nhân vật Xuân tóc đỏ trong tiểu thuyết “Số đỏ” của nhà văn Vũ Trọng Phụng; hoàng tử Đan Mạch Hamlet trong vở bi kịch nổi tiếng của đại văn hào William Shakespeare;.....
Một số hình ảnh về nhân vật do học sinh trường Nguyễn Siêu hóa thân tại ngày hội:







Kết thúc cuộc thi "Nhân vật trong sách bước ra cuộc đời", học sinh được trải nghiệm không gian văn hóa đặc sắc với “phiên chợ tri thức” gồm nhiều hoạt động hấp dẫn như: triển lãm sách, thi kể chuyện bằng tranh, vẽ bìa sách, sáng tác kết truyện, săn tìm trích dẫn ẩn giấu trong khuôn viên trường… Tất cả được thiết kế để biến không gian đọc trở thành không gian sống, nơi tri thức được tiếp cận bằng nhiều giác quan và cảm xúc.
Đồng thời, hoạt động book sharing do giáo viên nước ngoài dẫn dắt tại thư viện giúp học sinh mở rộng góc nhìn và thực hành tư duy phản biện qua các cuộc thảo luận sâu sắc về nội dung sách.
Một số hình ảnh về “phiên chợ tri thức”:







Cũng trong khuôn khổ buổi lễ, nhà trường còn tổ chức talkshow AI và Văn hóa đọc do ông Kenny Nguyễn, Giám đốc kỹ thuật Công ty Trách nhiệm hữu hạn công nghệ Cốc Cốc làm diễn giả.
Talkshow đã mở ra nhiều góc nhìn mới về vai trò của trí tuệ nhân tạo trong việc đọc sách hiện đại, từ những tiện ích vượt trội đến những mặt trái cần được nhìn nhận đúng đắn. Học sinh được khuyến khích đặt câu hỏi, phản biện và cùng nhau thảo luận về cách sử dụng AI một cách thông minh để phục vụ quá trình học tập và phát triển bản thân.

Không dừng lại ở trải nghiệm cá nhân, sự kiện còn lan tỏa giá trị cộng đồng thông qua gian hàng quyên góp sách cho dự án thiện nguyện “Tủ sách nuôi em” tại Thụy An – Ba Vì, khơi dậy tinh thần sẻ chia, phụng sự và ý thức trách nhiệm xã hội trong học sinh.
Thông qua những hoạt động phong phú, sáng tạo và ý nghĩa, sự kiện đã khẳng định rằng, sách không chỉ là nơi lưu giữ tri thức mà còn là cánh cửa mở ra những chân trời mới, nơi mỗi học sinh có thể bắt đầu hành trình trưởng thành với niềm đam mê khám phá và khát vọng cống hiến cho quê hương, đất nước.

Ngày hội Sách và Văn hóa đọc 2025 của Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông còn gây ấn tượng khi lựa chọn biểu tượng hoa sen gắn liền với kỹ năng Meta-thinking (siêu tư duy) trong khung triết lý học tập siêu hiệu quả (High Performance Learning – HPL).

Thạc sĩ Nguyễn Thị Minh Thúy bày tỏ: “Văn hóa đọc trong “thế giới phẳng” được hỗ trợ rất nhiều bởi công nghệ, AI, vì thế chúng ta không chỉ nuôi dưỡng niềm đam mê đọc mà còn phải trở thành một người đọc thông minh, phải rèn cho mình một trí tuệ cảm xúc mà hệ tư duy HPL - học tập siêu hiệu quả của giáo sư Deborah Eyre đã và đang hướng tới.
Trong triết lý HPL, Meta-thinking được xem là chiếc la bàn định hướng cho hành trình trưởng thành về mặt trí tuệ của người học. Đây là khả năng tư duy về chính quá trình tư duy, khi học sinh không chỉ tiếp nhận kiến thức một cách thụ động mà còn biết đặt câu hỏi sâu sắc, phản chiếu, điều chỉnh và phát triển cách suy nghĩ của bản thân.
Tôi hy vọng ngày hội hôm nay sẽ là mốc khởi đầu để lan tỏa văn hóa đọc đã có của trường Nguyễn Siêu đến cộng đồng. Tôi mong rằng mỗi học sinh sẽ là một đại sứ văn hóa đọc truyền cảm hứng cho bạn bè, bố mẹ, người thân.
Sau ngày hội sách hôm nay, học sinh sẽ tiếp tục các chuỗi hoạt động của văn hóa đọc cho một mùa hè bổ ích. Và trong kỷ nguyên số, học sinh có thể tự tin suy nghĩ, hành động tích cực và sẽ là những người đọc thông minh, bản lĩnh”.