Ngày 15/4/2025, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh ban hành Kế hoạch số 1879/KH-SGDĐT về việc tổ chức khảo sát trình độ, năng lực tiếng Anh của công chức, viên chức ngành Giáo dục và Đào tạo thành phố.
Cụ thể: giáo viên sẽ tham gia thực hiện một bài trắc nghiệm khách quan với thời gian làm bài là 90 phút, bao gồm các kỹ năng là Nghe, Đọc, Viết để nhằm đánh giá năng lực tiếng Anh theo khung tham chiếu chuẩn Châu Âu CEFR (từ A1 đến C2).
Bài khảo sát này được Sở nêu thiết kế, chuẩn hóa bởi Cambridge Assessment English, đảm bảo tính khách quan, khoa học và có độ tin cậy cao trong đánh giá trình độ tiếng Anh của giáo viên. Đơn vị hỗ trợ Sở về mặt hệ thống, phần mềm là Công ty Cổ phần Giáo dục ISMART (thuộc Tập đoàn EQuest).

Việc thực hiện các bài khảo sát này giáo viên có thể làm trên máy tính hay các thiết bị di động tại địa chỉ https://englishsurvey.hcm.edu.vn.
Đợt khảo sát này chỉ mới bắt đầu được hai ngày, nhưng theo nhiều giáo viên đang công tác trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh thì việc khảo sát đã xuất hiện nhiều bất cập.
Mới ngày đầu mạng đã bị sập, nhiều thầy cô nhờ người làm bài hộ
Đợt khảo sát này bắt đầu từ 8h ngày 23/4/2025 với giáo viên đang công tác tại các trường trung học phổ thông, trường phổ thông có nhiều cấp học nhưng cấp cao nhất là trung học phổ thông sẽ bắt đầu thực hiện bài khảo sát.
Trong ngày này đã có nhiều giáo viên thực hiện được bài khảo sát, nhưng đến trưa cùng ngày, nhiều giáo viên đã phản ánh về phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về việc họ không thể truy cập địa chỉ này để làm bài.
Vào đầu giờ chiều cùng ngày, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh đã có thông báo cho biết, việc khảo sát phải tạm ngưng đến 16h chiều ngày 23/4. Lý do được Sở này đưa ra là do tình hình thắt chặt an ninh mạng, do lượng đăng nhập nhiều người cùng một lúc, và nội dung ẩn thông tin đăng nhập của giáo viên, nên việc đăng nhập ở cùng một thời điểm đang bị thắt chặt trên trục dữ liệu ngành.
Cũng theo đại diện Sở này cho hay, giáo viên nào chưa kịp thực hiện bài khảo sát ngày đầu, thì có thể thực hiện khảo sát vào những ngày sau đó cho đến khi nào lịch khảo sát kết thúc.
Một vấn đề nữa theo nhiều giáo viên cho hay là tính trung thực của bài khảo sát này. Theo công bố của Sở, trong khoảng thời gian đã được công bố, giáo viên chỉ cần vào địa chỉ như đã nêu ở trên thì sẽ làm được bài khảo sát, có thể thực hiện bằng máy tính hay thiết bị di động.
Một hiệu trưởng trường tiểu học ở Thành phố Hồ Chí Minh cho phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam biết, vì lo sợ kết quả bài khảo sát thấp trong khi vị này đã lớn tuổi, học tiếng Anh không tốt nên đã nhờ người thân làm bài hộ.
Đại diện của một đơn vị dạy tiếng Anh với người nước ngoài trong trường học ở Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, chính nhiều thầy cô giáo người nước ngoài của đơn vị do người này làm lãnh đạo đã làm giúp bài khảo sát cho rất nhiều thầy cô ở trường học.
Theo một giáo viên cấp trung học phổ thông ở Quận Bình Tân băn khoăn, việc Sở cho rằng kết quả khảo sát nhằm để đánh giá một cách tổng thể về bức tranh chung về năng lực tiếng Anh của đội ngũ giáo viên toàn thành phố thì liệu có chính xác, khách quan hay không, khi mà rất nhiều bài làm khảo sát này đã được thầy cô nhờ người làm hộ?
Tổ chức khảo sát quá vội vàng, gấp gáp và thiếu sự chuẩn bị kỹ lưỡng
Hiệu trưởng một trường trung học cơ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh nêu quan điểm, là một thành phố nhiều năm liền là đơn vị đứng đầu cả nước ở môn tiếng Anh, nên việc khảo sát năng lực môn này đối với giáo viên, lãnh đạo các trường học tại thành phố là cần thiết.
Thế nhưng, qua theo dõi tình hình thực tế tại đơn vị mình cũng như các thông tin mà Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh công bố thì thầy cho rằng, cách tổ chức đợt khảo sát này quá vội vàng, gấp gáp và thiếu sự chuẩn bị kỹ lưỡng.
Vị hiệu trưởng này dẫn chứng, cụ thể nhất là mới bắt đầu thực hiện việc khảo sát được vài tiếng thì đã xảy ra sự cố về hệ thống mạng không truy cập vào được. Sau đó, Sở lại bất ngờ bổ sung thêm đối tượng tham gia khảo sát là cán bộ quản lý của các trường học, cho thấy rằng kế hoạch việc thực hiện khảo sát không chỉn chu.
Cũng theo vị hiệu trưởng này, chính cách thực hiện vội vàng, thiếu lộ trình cần thiết, đề thi, cách thực hiện khảo sát không phù hợp, không phân loại đối tượng thực hiện khảo sát có thể đưa đến một kết quả không như mong muốn, dù rằng mục tiêu và ý nghĩa của đợt khảo sát này rất quan trọng.
Có nhiều ý kiến băn khoăn đặt câu hỏi, điều gì khiến cho Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh phải tổ chức khảo sát năng lực tiếng Anh của giáo viên vội vàng đến vậy? Và liệu sau khi khảo sát, thầy cô tại Thành phố Hồ Chí Minh nếu kết quả khảo sát thấp có phải đi bồi dưỡng?