Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã đăng tải bài viết "IDP Việt Nam giữ kết quả thi IELTS với lý do chung chung, thí sinh bức xúc" nêu lên ý kiến của phụ huynh, thí sinh trước việc kết quả bài thi IELTS bị IDP Việt Nam (Công ty TNHH giáo dục IDP Việt Nam) giữ lại.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam liên quan đến vấn đề này, thầy Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc đào tạo Công ty ICOLanguage - Tập đoàn ICO Group cho rằng, việc tạm giữ này hoàn toàn mang tính cục bộ, đơn phương và đẩy thí sinh vào hoàn cảnh bị động. Có thể gây ra hậu quả lớn với thí sinh, đặc biệt với những thí sinh cần chứng chỉ IELTS gấp.
Qua đó, thầy Nguyên nêu quan điểm: "Để tăng tính minh bạch của bài thi và tăng tính chủ động cho thí sinh khi gặp phải các trường hợp bị giữ kết quả như vậy, cần có một hội đồng độc lập bao gồm đại diện của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đại diện phía cơ quan tổ chức thi IELTS như IDP để thí sinh có thể khiếu nại nếu cảm thấy kết quả thi của mình bị giữ lại là không hợp lý".

Ngoài ra, theo nhận định của Giám đốc đào tạo Công ty ICOLanguage, hoạt động tổ chức thi IELTS gần như hoàn toàn độc lập với Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam, vì thế quyền lợi của thí sinh tham gia thi IELTS không có cơ quan có thẩm quyền đảm bảo.
Như trong trường hợp này, nếu có cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm theo dõi và giám sát các hoạt động thi, thí sinh hoàn toàn có thể yêu cầu cơ quan can thiệp để đảm bảo quyền lợi của mình.
"Hiện tại, các kỳ thi IELTS do các đơn vị được uỷ quyền tổ chức trong đó có IDP Việt Nam đều có quyền tạm giữ hoặc rút lại kết quả thi. Tuy nhiên, trong các trường hợp lý do được đưa ra chung chung làm cho thí sinh hoàn toàn bị động. Do chỉ có hai cơ sở được phép tổ chức thi IELTS ở Việt Nam, thí sinh buộc phải chấp nhận theo các yêu cầu cũng như kết luận của họ", thầy Nguyên nhấn mạnh.
Bày tỏ quan điểm về việc này, Tiến sĩ Lê Đông Phương - nguyên cán bộ Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, các điều khoản, điều kiện được phía tổ chức IELTS đưa ra, thí sinh trước khi đăng ký tham dự các bài thi đồng ý với các các điều khoản, chấp nhận "cuộc chơi" do phía IDP Việt Nam đưa ra. Tuy vậy, chưa chắc thí sinh đã đọc và hiểu kỹ, đặc biệt là với thí sinh còn đi học phổ thông và các em cũng chưa đủ hiểu hết.
Theo vị nguyên cán bộ Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, có thể quy định đó là do đơn vị sở hữu bài thi đặt ra với tất cả các thí sinh ở nhiều quốc gia khác nhau. Tuy nhiên, khi nó thực hiện ở Việt Nam thì đơn vị đứng ra tổ chức bài thi này nên có sự điều chỉnh các quy định để phù hợp với số đông để đảm bảo tính minh bạch và không gây ra tranh cãi.

Qua đó vị này cho rằng: "Có thể đơn vị tổ chức kỳ thi thấy có nghi vấn nên tạm giữ kết quả để điều tra để đảm bảo tính công bằng. Nhưng cách tạm giữ kết quả bài thi khi không đưa ra được lý do cụ thể, không khiến thí sinh tâm phục thì về góc độ nào đó nó chưa đảm bảo được yếu tố minh bạch.
Để thực hiện bài thi IELTS, tất cả các quy trình thi đều do phía đơn vị tổ chức bố trí, sắp xếp và thí sinh chỉ là người thực hiện theo các quy trình đó. Điều này không khỏi khiến dư luận đặt ra câu hỏi, việc bài thi phải tạm giữ kết quả để điều tra, liệu có phải chính đơn vị tổ chức đang không tin tưởng hoàn toàn vào quy trình mà họ đang thiết lập?".
Cùng chia sẻ quan điểm liên quan đến sự việc này, Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, sau những sự việc như trên, các cơ quan quản lý trong đó có Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng nên có sự rà soát và xem xét đến các điều khoản quy định mà IDP Việt Nam đang công bố.
Trong đó, cơ quan quản lý cũng cần lên tiếng hoặc đề nghị bãi bỏ đối với những quy định thiếu tính minh bạch. Bởi lẽ, các tổ chức đang hoạt động trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo trên lãnh thổ Việt Nam thì không chỉ cần phải tuân thủ quy định pháp luật mà cần hướng tới việc đảm bảo quyền lợi của người dân Việt Nam.
Liên quan đến hoạt động thi và cấp chứng chỉ IELTS, đại biểu này cũng nhắc lại sự việc từng xảy ra tại IDP Việt Nam được nêu trong kết luận của Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo vào năm 2024. Trong đó việc, công ty này bị Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ ra việc cấp hơn 56.000 chứng chỉ IELTS sai quy định.
"Sự việc lần này IDP Việt Nam có nghi ngờ về bài thi IELTS nên giữ kết quả của thí sinh. Vậy tại sao lần trước có hơn 56.000 chứng chỉ được cấp sai quy định công ty này lại không ra quyết định để thu hồi. Như vậy, rõ ràng tính minh bạch, công bằng đang bị xem nhẹ.
Đó là chưa kể đến việc, hiện tại một số chứng chỉ được cấp sai quy định đó đã sử dụng vào các mục đích khác nhau như xin việc, dùng xét đại học.... Thậm chí có người đã dùng chứng chỉ này để hưởng "lợi thế" khi bổ nhiệm các vị trí trong cơ quan nhà nước.
Cơ quan quản lý cũng nên vào cuộc để rà soát và xem xét các quy định mà IDP Việt Nam đang công bố để điều chỉnh cho phù hợp với pháp luật Việt Nam, trên hết là bảo vệ quyền lợi chính đáng của thí sinh trong nước khi tham gia các bài thi để cấp chứng chỉ nước ngoài", Đại biểu Phạm Văn Hòa nhấn mạnh.

Qua đó, vị Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, một trong hai đơn vị tổ chức kỳ thi IELTS tại Việt Nam đã được Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ ra việc cấp hàng loạt chứng chỉ IELTS sai quy định tuy nhiên đã hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực giáo dục. Với những vi phạm được chỉ rõ nhưng công ty này không bị xử lý, điều này có thể dẫn đến yếu tố "nhờn" luật.
"Như vi phạm nêu trong kết luận thanh tra đã hết thời hiệu xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục. Vậy cứ làm sai nhưng không có hình thức xử lý, không chịu trách nhiệm gì thì khó đảm bảo tính tuân thủ pháp luật nghiêm túc", Đại biểu Phạm Văn Hòa nhấn mạnh.