Trưởng khoa Luật Kinh tế nêu những rào cản của sinh viên khi đi thực tập

03/10/2023 06:38
Thảo Ly
GDVN-  Do thông tin bảo mật, nên một số tài liệu liên quan đến ngành mà sinh viên cần thu thập cũng bị hạn chế.

Hiện nay, nhiều cơ sở giáo dục đại học trên cả nước đào tạo ngành Luật kinh tế. Đây là ngành cung cấp nguồn nhân lực, đội ngũ pháp lý phục vụ cho nhu cầu của cơ quan nhà nước, công ty luật và các doanh nghiệp. Tuy nhiên, nhiều trường vẫn gặp khó trong việc hỗ trợ sinh viên đi thực tập.

Sinh viên ngành Luật kinh tế sẽ được trang bị những kiến thức nào?

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Hữu Phước - Phó Trưởng khoa phụ trách Khoa Luật kinh tế, Trường Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) (gọi tắt là Trường Đại học Kinh tế - Luật Thành phố Hồ Chí Minh- PV) cho biết, sứ mệnh của ngành là đào tạo cử nhân luật kinh tế để cung cấp, bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao làm việc trong lĩnh vực pháp luật nói chung và pháp luật về kinh tế, thương mại nói riêng cho xã hội.

Đội ngũ cử nhân ngành Luật kinh tế góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội thông qua phát triển hoạt động kinh doanh, hoạt động thương mại, thương mại quốc tế và tư vấn đầu tư,… cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong nước, quốc tế để hoạt động bền vững, hiệu quả, đúng pháp luật.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Hữu Phước - Phó Trưởng khoa phụ trách Khoa Luật kinh tế, Trường Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh). Ảnh: NVCC.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Hữu Phước - Phó Trưởng khoa phụ trách Khoa Luật kinh tế, Trường Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh). Ảnh: NVCC.

Hiện nay, ngành Luật kinh tế của Trường Đại học Kinh tế - Luật Thành phố Hồ Chí Minh đào tạo 2 chuyên ngành là Luật kinh doanh và Luật thương mại quốc tế. Sinh viên theo học ngành này tại trường sẽ được trang bị khối kiến thức nền tảng về pháp luật Việt Nam và pháp luật quốc tế.

Song, khối kiến thức chuyên sâu về luật kinh tế, thương mại và thương mại quốc tế luôn được nhà trường chú trọng.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Hữu Phước thông tin, thế mạnh của trường là đào tạo đa ngành ở cả 3 lĩnh vực: kinh tế, kinh doanh và pháp luật. Đồng thời “các chương trình đào tạo ngành Luật nói chung và ngành Luật kinh tế nói riêng được lồng ghép, tích hợp cả 3 khối kiến thức đặc biệt quan trọng này.

Chính vì vậy, sinh viên ngành Luật kinh tế của trường sẽ có kiến thức về kinh tế, kinh doanh, pháp luật và kiến thức chuyên sâu về luật kinh tế, luật kinh doanh, luật thương mại quốc tế, đáp ứng điều kiện tuyển dụng của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp”, thầy Phước nói.

Để đáp ứng được nhu cầu thị trường hiện nay, Khoa và Trường Đại học Kinh tế - Luật Thành phố Hồ Chí Minh thường xuyên cập nhật và thay đổi chương trình đào tạo theo chu kỳ 4 năm/lần thay đổi lớn và 2 năm/lần thay đổi nhỏ. Việc thay đổi này theo nguyên tắc, chương trình đào tạo phải theo kịp, cập nhật được sự thay đổi của pháp luật Việt Nam, khu vực và pháp luật quốc tế về kinh tế và thương mại quốc tế.

Theo thầy Phước, trước xu thế đàm phán, ký kết các hiệp định thương mại tự do hay hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, chương trình đào tạo ngành Luật kinh tế của trường đã đưa các môn như Quyền con người trong thương mại quốc tế; Luật đầu tư quốc tế; Mua bán sáp nhập doanh nghiệp,… để giảng dạy cho sinh viên.

Tuy nhiên, trong quá trình đổi mới, Khoa Luật kinh tế cũng gặp phải không ít những thách thức như: sự cạnh tranh về cơ chế thu hút đội ngũ giảng viên có trình độ cao, giỏi ngoại ngữ, được đào tạo bài bản ở nước ngoài giữa Trường Đại học Kinh tế - Luật Thành phố Hồ Chí Minh với các cơ sở đào tạo khác; chi trả thù lao cho cán bộ tham gia giảng dạy, nghiên cứu; mối quan hệ giữa chất lượng đào tạo với cơ chế thu học phí,…

Cũng là cơ sở đào tạo ngành Luật Kinh tế, Trường Đại học Luật (Đại học Huế) với mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực có kiến thức nền tảng về pháp luật, kiến thức chuyên sâu về pháp luật kinh tế, có tư duy khoa học, khả năng nghiên cứu độc lập và sáng tạo, cung cấp cho khu vực miền Trung và Tây Nguyên.

Chia sẻ với phóng viên, Tiến sĩ Đào Mộng Điệp - Trưởng khoa Khoa Luật kinh tế, Trường Đại học Luật (Đại học Huế) cho biết, Khoa xác định định hướng nghiên cứu trọng tâm và chuyên sâu tập trung vào các nội dung: pháp luật lao động và pháp luật an sinh xã hội; pháp luật thương mại và pháp luật cạnh tranh; pháp luật đất đai và pháp luật môi trường; pháp luật tài chính và pháp luật ngân hàng.

Đồng quan điểm với thầy Phước trong việc đổi mới nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường và sự phù hợp với các bên liên quan như nhà tuyển dụng, yêu cầu của người học, Tiến sĩ Đào Mộng Điệp nhấn mạnh: “Khoa đã có những đổi mới, bổ sung kiến thức chuyên sâu, kỹ năng bổ trợ cho sinh viên như tăng học phần liên quan đến kỹ năng, tăng giờ giảng liên quan đến thực hành. Điều này giúp sinh viên có cơ hội áp dụng kiến thức chuyên môn để giải quyết các tình huống thực tế.

Đồng thời, Khoa định hướng, đào tạo cho sinh viên phát triển theo hướng kỹ năng nhằm nâng cao chuyên môn, tính thực tiễn trong chương trình đào tạo”.

Đơn cử, nội dung liên quan đến pháp luật về môi trường có chuyên đề bổ trợ về đầu tư của doanh nghiệp trong lĩnh vực bảo vệ môi trường,.. Hay pháp luật về thị trường lao động, thương mại có chuyên đề về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, pháp luật về quản trị doanh nghiệp, luật đầu tư.

Ngoài kiến thức chuyên môn, sinh viên học ngành Luật kinh tế được Khoa và nhà trường lồng ghép học phần kỹ năng phục vụ cho chương trình học tập của năm thứ 3 khi đi thực tế và năm thứ 4 khi làm khóa luận tốt nghiệp.

Tân sinh viên ngành Luật kinh tế Trường Đại học Kinh tế - Luật Thành phố Hồ Chí Minh tham gia tọa đàm "LUKITE - What should we prepare?. Ảnh: website khoa.

Tân sinh viên ngành Luật kinh tế Trường Đại học Kinh tế - Luật Thành phố Hồ Chí Minh tham gia tọa đàm "LUKITE - What should we prepare?. Ảnh: website khoa.

Nhiều nơi “không mặn mà” với sinh viên thực tập

Đề cập đến vấn đề thực hành của sinh viên, Trưởng khoa Khoa Luật kinh tế, Trường Đại học Luật (Đại học Huế) chia sẻ: “Khoa luôn tạo điều kiện, linh động để sinh viên tự đăng ký địa điểm thực tập. Nếu gặp khó khăn trong quá trình đăng ký, nhà trường sẽ hỗ trợ, sắp xếp đến thực tập tại các địa điểm như cơ quan bảo vệ pháp luật, đơn vị pháp chế, khối doanh nghiệp,…”

Tiến sĩ Đào Mộng Điệp - Trưởng khoa Khoa Luật kinh tế, Trường Đại học Luật, Đại học Huế. Ảnh: website khoa.

Tiến sĩ Đào Mộng Điệp - Trưởng khoa Khoa Luật kinh tế, Trường Đại học Luật, Đại học Huế. Ảnh: website khoa.

Cô Điệp thông tin thêm, đôi khi sinh viên muốn được thực tập tại tòa án tuy nhiên địa điểm, không gian làm việc và hệ thống cơ sở vật chất chưa thể tiếp nhận một lượng lớn sinh viên. Do đó, số sinh viên thực tập tại tòa án có phần bị hạn chế nên Khoa và nhà trường đưa ra giải pháp bằng cách sắp xếp cho sinh viên đến địa điểm thực tập khác.

“Đây có thể được xem là chưa đáp ứng được hết nhu cầu thực tập của sinh viên vì số lượng sinh viên đăng ký cùng một địa điểm quá nhiều, nếu sắp xếp cho sinh viên thực tập ở xa thì cùng một lúc, sinh viên không thể làm khóa luận ở Huế và di chuyển ra Nghệ An hay Quảng Bình để thực tập.

Bên cạnh đó, do thông tin bảo mật, nên một số tài liệu liên quan đến ngành mà sinh viên cần thu thập cũng sẽ bị hạn chế”, Tiến sĩ Đào Mộng Điệp chia sẻ.

Còn về phía Trường Đại học Kinh tế - Luật Thành phố Hồ Chí Minh, mặc dù trong quá trình liên hệ để sinh viên kiến tập, thực tập, đa số các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đều tích cực, hỗ trợ, hợp tác. Tuy nhiên, vẫn còn một số cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp “không mặn mà”, “không nhiệt tình” hợp tác, hỗ trợ bố trí thời gian, địa điểm kiến tập, thực tập cho sinh viên. Thậm chí, do nguồn kinh phí eo hẹp nên rất khó khăn để tổ chức hoạt động kiến tập ở các địa bàn ngoài thành phố Hồ Chí Minh và nước ngoài.

Bên cạnh việc triển khai cho sinh viên đi kiến tập, thực tập tại các cơ quan nhà nước, Khoa Luật kinh tế (Trường Đại học Kinh tế - Luật Thành phố Hồ Chí Minh) trang bị các kỹ năng mềm cho sinh viên như: kỹ năng giao tiếp, đàm phán, ký kết hợp đồng; kỹ năng giao tiếp trong kinh doanh; kỹ năng phân tích đánh giá thị trường; nghiệp vụ xuất nhập khẩu, thanh toán quốc tế,… thông qua các môn học kỹ năng, sinh hoạt ngoại khóa,…

Đồng thời, cả Khoa và nhà trường đều thường xuyên tổ chức buổi giao lưu với nhà quản lý, doanh nghiệp, luật sư, chuyên gia pháp luật xuất sắc để làm quen với thực tiễn nghề Luật. Hoặc tạo điều kiện cho sinh viên tham gia sân chơi học thuật giúp rèn luyện, thực hành kỹ năng nghề nghiệp, chuẩn bị cho tương lai.

Khi tốt nghiệp ngành Luật Kinh tế, sinh viên có thể làm nghề gì?

Đối với công tác tuyển sinh, năm học 2023-2024, Khoa Luật kinh tế (Trường Đại học Kinh tế - Luật Thành phố Hồ Chí Minh) tuyển đủ 100% chỉ tiêu với 340 sinh viên. Thầy Phước cho biết: “Với chất lượng và uy tín đào tạo đã được xã hội thừa nhận, công tác tuyển sinh ngành Luật kinh tế của Khoa trong 10 năm qua rất thuận lợi, điểm tuyển sinh vào ngành Luật kinh tế luôn ở top đầu của các cơ sở có đào tạo ngành Luật kinh tế của Việt Nam”.

Mặt khác, cơ hội việc làm của sinh viên ngành Luật kinh tế có kiến thức chuyên môn, trình độ ngoại ngữ và kỹ năng mềm là rất lớn.

“Sau khi tốt nghiệp ngành Luật kinh tế tại Trường Đại học Kinh tế - Luật Thành phố Hồ Chí Minh, sinh viên có thể làm công chứng viên, cố vấn pháp lý, kiểm sát viên, điều tra viên,… ở trong nước, khu vực và quốc tế”, thầy Phước nhấn mạnh.

Chia sẻ về định hướng, mục tiêu công tác đào tạo của Khoa đặc biệt là ngành Luật Kinh tế trong năm học 2023-2024, thầy Phước đề cập đến một số nội dung.

Thứ nhất, Khoa sẽ tiếp tục thực hiện đổi mới hoạt động giảng dạy - học tập theo hướng: nội dung chương trình đào tạo bám sát sự vận động và phát triển của pháp luật trong nước, khu vực và quốc tế cùng với sự vận động phát triển của thực tiễn xã hội.

Thứ hai, xây dựng cơ chế tuyển dụng và chính sách đãi ngộ để phát triển đội ngũ giảng viên có trình độ cao được đào tạo bài bản ở nước ngoài: giỏi chuyên môn và ngoại ngữ để giảng dạy chương trình đào tạo chuyên ngành Luật thương mại quốc tế thuộc ngành Luật kinh tế 100% bằng tiếng Anh.

Thứ ba, Khoa hướng đến tăng cường hợp tác quốc tế, đặc biệt là với các cơ sở đào tạo luật của các nước Mỹ, châu Âu, Nhật Bản và các quốc gia có nền kinh tế, xã hội và pháp luật phát triển.

Thứ tư, tăng cường thu hút sinh viên quốc tế theo học dài hạn và ngắn hạn chương trình đào tạo ngành Luật kinh tế đồng thời nâng cao số lượng và chất lượng công bố quốc tế.

Thứ năm, tạo nhiều diễn đàn, sân chơi học thuật cho sinh viên ngành Luật kinh tế, nhằm giúp sinh viên vận dụng kiến thức đã học vào thực tiễn, phát triển kỹ năng mềm như kỹ năng nghiên cứu, soạn thảo pháp lý, nghiên cứu khoa học, tranh luận, tranh tụng, đàm phán, ký kết hợp đồng thương mại quốc tế.

Thảo Ly