Trường ĐH kiến nghị giải pháp tránh tình trạng bị xử phạt vượt chỉ tiêu “oan”

19/07/2023 06:41
Ngọc Mai
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Theo một số lãnh đạo nhà trường, nên chăng, chỉ tiêu tuyển sinh của các trường đại học nên được tính theo quy mô đào tạo 4-5 năm.

Liên quan đến Nghị định 04/2021/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục ngày 22/1/2021 và Nghị định 127/2021/NĐ-CP Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 04/2021/NĐ-CP Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục, lãnh đạo một số trường đại học cho rằng khi áp dụng quy định vào thực tế còn gặp một số bất cập nên cần có sự điều chỉnh.

Ảnh minh hoạ: Ngọc Ánh

Ảnh minh hoạ: Ngọc Ánh

Về vấn đề này, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, phó hiệu trưởng một trường đại học ở phía Nam chia sẻ rằng, áp dụng quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục cho thấy còn những mâu thuẫn.

Cụ thể, thứ nhất, sau 1 năm áp dụng quy định xử phạt, cả nước có gần 100 trường đại học vi phạm. Như vậy, rõ ràng cần phải xem xét lại quy định của nghị định.

Thứ hai, Nghị định quy định rằng nếu trường đại học tuyển vượt từ 3% sẽ bị phạt. Tuy nhiên, việc xử phạt này không có sự suy xét các yếu tố, ví như: thời điểm thanh, kiểm tra trường vượt 3% thì bị phạt nhưng sau vài tháng, sinh viên nghỉ học nên tỉ lệ vượt lại giảm xuống còn trên dưới 1%.

Thứ ba, ngoài bị phạt nếu tuyển vượt chỉ tiêu, sinh viên của trường này sẽ phải chuyển sang trường khác. Nhưng chuyển sinh viên sang trường khác có điểm chuẩn cao hơn sẽ vi phạm quy chế tuyển sinh. Còn chuyển sinh viên đến trường có điểm chuẩn bằng hoặc thấp hơn thì có sinh viên sẽ khó chấp nhận. Điều này rất dễ vi phạm điểm b, Khoản 1, Điều 28 Nghị định 04 quy định: “Xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể người học nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự”.

Liên quan đến việc tự chủ tuyển sinh của các trường đại học, vị này lấy ví dụ từ chính trường mình, trước đó, tại thời điểm báo cáo, trường của vị này vượt chỉ tiêu 3,4% nhưng đến khi làm việc với thanh tra của Bộ Giáo dục và Đào tạo, chỉ tiêu tuyển vượt chỉ còn 1,9%.

“Nên chăng, chỉ tiêu tuyển sinh của các trường đại học nên được tính theo quy mô đào tạo 4-5 năm. Năm nay, trường có thể vô ý tuyển vượt chỉ tiêu, năm sau trường sẽ điều chỉnh giảm chỉ tiêu xuống. Việc điều chỉnh quy mô đào tạo trong 4-5 năm sẽ tránh được việc các trường rơi vào tình trạng bị xử phạt vượt chỉ tiêu “oan”.

Do đó, theo tôi nên quy định chỉ tiêu tuyển sinh bình quân. Ví dụ, chỉ tiêu 5.000, năm nay tuyển thiếu thì năm sau tăng một chút, hoặc ngược lại, miễn sao 3 năm đạt 15.000, 5 năm đạt 25.000”, vị này chia sẻ.

Cùng bàn về chủ đề này, Tiến sĩ Vũ Anh Đức – Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Tôn Đức Thắng chia sẻ, quá trình thanh tra, kiểm tra các vi phạm hành chính trong giáo dục đào tạo phải được xem xét kỹ càng, linh động.

Nếu trường vi phạm vượt chỉ tiêu tuyển sinh với số lượng lớn thì việc xử phạt là điều nên làm. Ngược lại, nếu trường vi phạm vượt chỉ tiêu tuyển sinh với số lượng nhỏ trong khi không phải là trường cố ý vi phạm thì chỉ nên dừng lại ở việc nhắc nhở, không nhất thiết xử phạt.

“Việc xử phạt trường đại học tuyển vượt chỉ tiêu có ưu điểm là đảm bảo tính răn đe và tạo ra công bằng giữa các trường.

Song, mức tiền xử phạt đối với 1 trường đại học không phải là vấn đề mà điều quan trọng là các hình thức xử phạt kèm theo. Ví dụ, nếu trường để xảy ra vi phạm nhiều lần trong vượt chỉ tiêu tuyển sinh thì ngoài yêu cầu dừng quyền tự chủ xác định chỉ tiêu tuyển sinh có thể áp dụng các biện pháp xử phạt bổ sung như cấm đảm nhiệm chức vụ đối với hiệu trưởng,…”, thầy Anh Đức chia sẻ.

Cũng theo thầy Anh Đức, quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục đã có những mức phạt cụ thể để các trường tự xác định. Do đó, khi trường đại học xây dựng kế hoạch tuyển sinh đảm bảo đúng các quy định thì sẽ không vi phạm, không bị xử phạt hành chính.

Song, trong 1 khóa đào tạo, không phải lúc nào sinh viên cũng ra trường đồng thời 100%, bởi vì nhiều trường áp dụng thêm các điều kiện chuẩn đầu ra về tiếng Anh. Khi đó, sẽ có những sinh viên dù đã hoàn thành chương trình học, chỉ chờ chứng chỉ tiếng Anh là có thể tốt nghiệp nhưng vẫn có tên ở trong sổ sách là sinh viên của trường.

Ví dụ, 1 khoá, trường phải có 6.000 sinh viên tốt nghiệp nhưng thực tế chỉ có 4.500 sinh viên tốt nghiệp, còn 1.500 sinh viên chậm tiến độ do chờ chứng chỉ tiếng Anh (nhà trường không đào tạo và cấp chứng chỉ tiếng Anh nên sinh viên phải chủ động học ở ngoài trường). Theo quy định, 1.500 em này vẫn được tính là sinh viên của trường nên sẽ khó khăn trong việc trường xác định chỉ tiêu tuyển sinh.

Bởi, như vậy, tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp chỉ đạt 75%. Theo Thông tư 03/2022/TT-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 04/3/2022 quy định Chỉ tiêu tuyển sinh của lĩnh vực không được tăng so với năm tuyển sinh trước liền kề với năm xác định chỉ tiêu và tổ chức tuyển sinh của lĩnh vực đó nếu: “Tỷ lệ số sinh viên tốt nghiệp trình độ đại học có việc làm trong khoảng thời gian 12 tháng kể từ khi được công nhận tốt nghiệp của lĩnh vực đó đạt dưới 80%;” nên năm học sau trường sẽ không được tăng chỉ tiêu tuyển sinh.

Do đó, thầy Anh Đức kiến nghị số sinh viên hoàn thành chương trình học nhưng chưa ra trường vì còn chờ chứng chỉ tiếng Anh không nên được tính vào số sinh viên đang học tại trường để làm căn cứ xác định chỉ tiêu tuyển sinh.

Cũng theo thầy Anh Đức, việc xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục phải đảm bảo tính nghiêm minh, chặt chẽ. Tuy nhiên, các điều kiện để xem xét xử phạt cần phải tiếp tục cân nhắc để tạo tính công bằng giữa các trường đại học công lập và trường đại học tư thục.

Đơn cử, trường đại học công lập đang gặp khó khăn trong thực hiện quy định về Luật Viên chức, cán bộ giảng viên công tác tại trường phải đảm bảo độ tuổi theo quy định pháp luật. Điều này khiến trường đại học công lập khó tuyển dụng giảng viên, cũng như chuẩn bị đội ngũ để mở ngành, duy trì ngành đào tạo.

Ngọc Mai