Trường ĐH có chiến lược khi đào tạo ngành Lịch sử để tăng cơ hội việc làm cho SV

10/06/2024 06:27
Đào Hiền
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Đẩy mạnh thực hành hay ứng dụng liên ngành là những định hướng mới của một số đơn vị đào tạo ngành Lịch sử nhằm mở rộng cơ hội việc làm cho người học.

Trong xu thế phát triển và hội nhập toàn cầu, các ngành khoa học ứng dụng đang ngày càng có nhiều lợi thế để phát triển.

Thực tế hiện nay cho thấy, thị trường lao động cũng có sự ưu ái hơn với nguồn nhân lực trong các lĩnh vực kinh tế, công nghệ, tài chính… mà ít dành sự quan tâm và chú ý đến các ngành khoa học cơ bản, trong đó có ngành Lịch sử.

Lịch sử luôn có vị thế quan trọng

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Hồng Sơn - Phó Trưởng khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội khẳng định: Lịch sử dù không phải là một ngành học “hot" nhưng cũng không vì thế mà đánh mất vị thế của mình trong xã hội.

Bất kỳ một ngành học nào được đào tạo cũng đều có mục tiêu là cung cấp nhân lực cho xã hội.

Thực tế là, khi khoa học và công nghệ ngày càng đang phát triển thì nhu cầu của xã hội trong việc tìm kiếm nguồn nhân lực trong các lĩnh vực khoa học kỹ thuật và công nghệ, người có kiến thức và am hiểu về kinh tế, tài chính, có năng khiếu và kỹ năng làm truyền thông sẽ ngày càng cao. Điều này dễ lí giải bởi theo quy luật tự nhiên, có cầu ắt sẽ có cung.

thầy sơn.jpeg
Lịch sử thì không bao giờ mai một và quá trình phát triển của mỗi quốc gia thì không thể “khuyết" đi một phần lịch sử - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Hồng Sơn. Ảnh: NVCC

Hơn hết, nhìn vào thực tế, ở bất kỳ một xã hội nào cũng vậy, đều sẽ không cần nhiều nhà nghiên cứu lịch sử hay một nhà sử gia.

Thế nhưng, lịch sử thì không bao giờ mai một và quá trình phát triển của mỗi quốc gia thì không thể “khuyết" đi một phần lịch sử.

Nếu xét về sức cạnh tranh trong giáo dục đại học thì ngành Lịch sử sẽ không “đủ sức" so với các ngành học “hot" theo xu thế, nhưng xét ở địa vị và vai trò với xã hội thì vị thế của ngành Lịch sử lại vô cùng vững chắc.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Hồng Sơn bày tỏ, xã hội vẫn đang hiểu và nhắc đến ngành Lịch sử một cách nôm na là ngành học cung cấp những kiến thức về các sự kiện đã xảy ra trong tiến trình phát triển của nhân loại, của mỗi quốc gia, dân tộc và các kiến thức này chỉ phù hợp và dành cho các nhà nghiên cứu chứ không có giá trị phục vụ cho xã hội.

Tuy nhiên, trên thực tế, có rất nhiều ngành nghề lại đang sử dụng và rất cần kiến thức từ ngành Lịch sử.

Do đó, theo học ngành Lịch sử không phải chỉ học những con số và ngày tháng khô khan mà còn được tiếp nhận nhiều kiến thức ở nhiều lĩnh vực khác nhau trong xã hội.

Hướng đi mới trong đào tạo ngành Lịch sử

Nhìn nhận trong bối cảnh xã hội và nhu cầu từ thực tiễn, khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng đã xây dựng chương trình đào tạo ngành Lịch sử khác với một số đơn vị đào tạo khác, đó là đào tạo chuyên sâu với chuyên ngành Quan hệ quốc tế.

Tiến sĩ Trương Trung Phương, Phó Trưởng khoa Khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng cho hay: Xu thế toàn cầu hóa đang diễn ra mạnh mẽ và toàn diện trên mọi mặt của đời sống, kéo theo nhu cầu về nguồn nhân lực phục vụ trong lĩnh vực ngoại giao, đối ngoại tại các cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ, bộ phận đối ngoại của các tập đoàn đa quốc gia, truyền thông, báo chí, quan hệ công chúng….ngày càng gia tăng.

Do đó, đào tạo chuyên ngành Quan hệ quốc tế thuộc khoa Lịch sử sẽ giúp người học được nghiên cứu toàn diện và chuyên sâu về tiến trình lịch sử dân tộc, lịch sử nhân loại; kiến thức về các mối quan hệ quốc tế song phương và đa phương, chính sách đối ngoại của các nước lớn, các tổ chức quốc tế, công pháp quốc tế…

Bên cạnh đó, theo Tiến sĩ Trương Trung Phương, người học sẽ được đào tạo các kỹ năng giao tiếp, đàm phán quốc tế, lễ tân ngoại giao, các nghiệp vụ văn phòng đối ngoại, bồi dưỡng trình độ tiếng Anh chuyên ngành để có thể làm việc trong môi trường quốc tế, đa văn hoá.

Qua đó, giúp người học có thêm sự hiểu biết về những vấn đề toàn cầu, về quan hệ quốc tế trung, cận đại và đương đại trong các lĩnh vực như chính trị - ngoại giao, thương mại - đầu tư, an ninh - quốc phòng, văn hoá, luật pháp quốc tế.

thầy phương Lịch sử.jpg
Tiến sĩ Trương Trung Phương, Phó Trưởng khoa Khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng Ảnh: NVCC

Theo thầy Phương chia sẻ, chương trình đào tạo ngành Lịch sử, chuyên ngành Quan hệ quốc tế được thiết kế với tính mở, tạo nhiều điều kiện cho sinh viên trong quá trình học tập.

Cụ thể, bên cạnh việc học theo chương trình đào tạo ngành Lịch sử, chuyên ngành Quan hệ quốc tế, sinh viên có thể học song song 2 chương trình qua việc đăng ký thêm một số khoá học ở các cơ sở đào tạo ngoài nước có hợp tác với trường hoặc ngoài trường nhằm tích lũy điều kiện đạt chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo.

Các học phần với nội dung thực hành được bố trí theo tỉ lệ 50/50 hoặc 30/70 nhằm nâng cao kỹ năng thực hành nghề nghiệp cho sinh viên.

Mặt khác, khoa đã tiến hành kết nối với các đơn vị như Sở Ngoại vụ, Trung tâm Phát triển Hợp tác quốc tế, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị, một số tổ chức phi chính phủ cùng nhiều đơn vị có các mảng công tác phù hợp với chuyên môn và nghiệp vụ của người học để tổ chức các học phần kiến tập, thực tập.

Trong khi đó, trước lo ngại về tính đặc thù của ngành Lịch sử sẽ gặp nhiều nhiều hạn chế trong việc tìm kiếm việc làm của người học, khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội lại đẩy mạnh hoạt động chuyển giao kết quả nghiên cứu, ứng dụng phục vụ cộng đồng trong các lĩnh vực của khoa học lịch sử, văn hoá học và quản lý văn hoá.

Hiện nay, ngành học được xây dựng với 2 khối kiến thức chính, bao gồm kiến thức của các lĩnh vực khác nhau trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn; khối kiến thức của khoa học lịch sử như Lịch sử Việt Nam, Lịch sử Thế giới, Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, Lịch sử Văn hoá, Lịch sử Đô thị, các kiến thức về lý luận Sử học và Khảo cổ học.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Hồng Sơn nhấn mạnh, chương trình đào tạo ngành Lịch sử đặc biệt chú trọng đến các kỹ năng và ứng dụng thực hành trong thực tiễn, thực hiện theo phương châm “học đi đôi với hành" nhằm đạt được hiệu quả cao nhất trong quá trình đào tạo.

Nếu như những ngành học khoa học cơ bản khác, sinh viên được trải nghiệm thực tập, thực tế từ năm hai, năm ba thì với sinh viên ngành Lịch sử, ngay từ năm học thứ nhất các bạn đã được đi thực tập khai quật khảo cổ học trong vòng 15 ngày.

Đây chính là một trong những điểm đặc biệt nhất và duy nhất của ngành Lịch sử tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội đã và đang thực hiện hoạt động này.

Lịch sử USSh.jpeg
Sinh viên ngành Lịch sử, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội thực tập khai quật khảo cổ học tại khu di tích Thành Quèn, xã Tuyết Nghĩa, Thanh Oai, Hà Nội. Ảnh: website trường

Bạn Trần Tâm Như, sinh viên khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, xuyên suốt quá trình học tập, sinh viên ngành Lịch sử được các thầy cô tạo điều kiện để tiếp cận và tiệm cận với lịch sử qua quá trình tận mắt thấy, tận tai nghe.

Thực tập Khảo cổ học tại các di chỉ, di tích có thể coi là một “đặc sản" của khoa Lịch sử, là đặc quyền của riêng sinh viên ngành Lịch sử khi được hoá thân thành “nhà Khảo cổ tập sự".

“Chúng em được tự tay cầm cuốc, cầm nạo, tự tay tiến hành đào từng lớp đất. Mỗi hành động tại hiện trường đều là những bài học quý giá, qua đó chúng em biết cách xử lý khi tìm thấy hiện vật, biết cách quan sát diễn biến địa tầng theo từng góc nhìn.

Đặc biệt qua mỗi chuyến đi, sinh viên sẽ có thêm kỹ năng giao tiếp, ứng xử và làm việc tại các cơ quan địa phương và cơ quan chuyên trách đã hỗ trợ trong suốt quá trình thực tập.

15 ngày thực tập đủ để người học có thể cảm nhận sự tâm huyết của các thầy cô cũng như sự vất vả của nghề. Hơn tất cả, sinh viên đã có thêm nhiều trải nghiệm trân quý, có thêm kiến thức và kỹ năng quý giá để bổ trợ cho công việc mình phụ trách trong tương lai”, Tâm Như bày tỏ.

Học Sử không chỉ làm “sử gia"

Giữa bối cảnh các ngành nghề đào tạo ngày càng phong phú và đa dạng, để giúp ngành Lịch sử có thể thích nghi và phát triển hơn, các đơn vị đào tạo đã tích cực thay đổi góc nhìn, đa dạng hóa phương thức đào tạo để mở rộng đầu ra cho sinh viên ngành Lịch sử, xoá bỏ quan niệm học sử chỉ có thể làm “sử gia".

Tiến sĩ Trương Trung Phương cho biết, việc đào tạo ngành Lịch sử chuyên ngành Quan hệ quốc tế tại Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng sẽ giúp sinh viên có nhiều cơ hội việc làm trong bối cảnh toàn cầu hoá.

Theo đó, người học có cơ hội làm việc tại các cơ quan, đơn vị đối ngoại của Đảng và Nhà nước từ Trung ương đến địa phương.

Cử nhân ngành Lịch sử cũng có thể làm việc ở các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ, đại sứ quán, lãnh sự quán, văn phòng đối ngoại hay đảm nhận vị trí chuyên viên đối ngoại, phiên dịch, biên dịch, chuyên viên điều phối dự án, trợ lý tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, công ty liên doanh và doanh nghiệp nhà nước, các tập đoàn đa quốc gia.

Ngoài ra, sinh viên tốt nghiệp có thể là làm việc ở vị trí giảng viên giảng dạy hoặc cán bộ nghiên cứu viên tại các trường đại học, cao đẳng, các viện nghiên cứu trong nước và quốc tế.

Trong khi đó, khoa Lịch sử của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội lại có sự đa dạng trong định hướng đào tạo ở những năm học gần đây.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Hồng Sơn, bên cạnh môi trường công tác truyền thống, trường đã dần chuyển hướng sang các cơ quan ngoài công lập qua việc tăng cường các kỹ năng nghề nghiệp tổng hợp về lịch sử, văn hoá và chú trọng các hướng chuyên môn gần.

Trên cơ sở đó, khung chương trình ngành học từ năm 2019 đến nay đã được mở rộng các môn học thuộc lĩnh vực gần với ngành Lịch sử như Du lịch học, Báo chí truyền thông, Chính trị học, Nhân học, Việt Nam học, Văn hoá học…..Cơ hội việc làm của cử nhân ngành Lịch sử cũng vì thế được mở rộng hơn.

Cụ thể, sinh viên tốt nghiệp ngành Lịch sử có thể làm nghiên cứu viên tại các viện nghiên cứu về sử học và văn hoá hay làm quản lý nhà nước về tư liệu lịch sử, di sản văn hoá và bảo tàng.

Tại các trường đại học, học viện, cao đẳng và các trường phổ thông, cử nhân Lịch sử có đủ kiến thức và khả năng giảng dạy các học phần, bộ môn liên quan đến lịch sử, những công việc liên quan đến tri thức tổng hợp về khoa học xã hội và nhân văn.

Cử nhân ngành Lịch sử cũng có thể đảm nhận các vị trí tư vấn lịch sử - văn hoá, phát triển tổ chức, xây dựng văn hoá tổ chức ở các công ty trong và ngoài nước. Làm việc tại các tổ chức báo chí, truyền thông và xuất bản, thậm chí là trong lĩnh vực du lịch và lữ hành.

tủ sách .jpg
Tủ sách Nishimura Masanari - Địa điểm nghiên cứu, trao đổi của giảng viên và sinh viên ngành Lịch sử tại Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: NTCC

Hiện nay, trường đang tích cực đẩy mạnh chính sách mở rộng đào tạo liên quan đến thực hành, ứng dụng công nghệ trong nghiên cứu và phục dựng lịch sử, chú trọng việc tăng cường công tác “cầm tay chỉ việc", hình thành các nhóm làm việc giữa giáo viên và sinh viên nhằm thúc đẩy tiến trình người dạy và người học tương tác, hỗ trợ nhau để cùng trưởng thành.

Trong các môn học, ban lãnh đạo Khoa cũng đề cao việc mở rộng không gian học đường ra ngoài khu vực nhà trường.

Theo đó, quá trình học tập và giảng dạy không chỉ diễn ra tại giảng đường trường học mà còn được thực hiện và diễn ra tại các hệ thống bảo tàng, di tích, làng cổ xung quanh khu vực Hà Nội và miền Bắc.

Đào Hiền