Nhiều thí sinh chưa hiểu ngành Nhân học có vai trò ra sao, ra trường sẽ làm gì?

12/04/2024 06:23
Đào Hiền
0:00 / 0:00
0:00

GDVN -Không chỉ đơn thuần nghiên cứu học thuật, ngành Nhân học còn áp dụng nghiên cứu vào thực tế để kiến giải các vấn đề nóng của xã hội hiện đại.

Nhân học là một ngành khoa học cơ bản thuộc lĩnh vực Khoa học xã hội và nhân văn, nghiên cứu về lịch sử, văn hóa và nguồn gốc của con người. Dù là ngành học có lịch sử lâu đời nhưng ở nước ta, Nhân học vẫn là một khái niệm khá mới mẻ với nhiều người.

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Vũ Hoàng - Phó Trưởng khoa Nhân học của Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết hạn chế đầu tiên của ngành chính là nội hàm của tên gọi. Cho đến hiện tại, nhiều người vẫn chưa thực sự hiểu rõ Nhân học có vai trò gì, học gì và sẽ làm gì?

Nhân học không chỉ đơn thuần là nghiên cứu con người

Không chỉ là một ngành nghiên cứu học thuật, theo Tiến sĩ Nguyễn Vũ Hoàng, ngành Nhân học còn được áp dụng nghiên cứu trong thực tế với mục đích tôn vinh các di sản, các nền văn hoá tộc người, kiến giải các vấn đề nóng của xã hội hiện đại như đói nghèo, di cư nông thôn - đô thị, bất bình đẳng giới, LGBT… thông qua việc nhìn nhận tác động biến đổi của xã hội chứ không chỉ nghiên cứu hàn lâm những vấn đề lịch sử.

Nhân học có khả năng bổ trợ cho nhiều lĩnh vực khác như nghiên cứu về sinh kế tộc người bao gồm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, sinh kế tộc người…Qua việc nghiên cứu, các nhà Nhân học sẽ tìm ra những mặt ưu việt và hạn chế trong việc áp dụng các chính sách, chiến lược, các chương trình dự án áp dụng tại địa phương, với văn hóa từng dân tộc.

z5323864410518_d4e457e7dc46c3224b88e27c9cb5db1d.jpg
Tiến sĩ Nguyễn Vũ Hoàng (thứ 2 từ trái sang phải) tại Hội nghị Công tác học sinh sinh viên năm học 2023 - 2024. Ảnh: NVCC

Trong chương trình đào tạo ngành Nhân học, sinh viên không chỉ được trang bị khối kiến thức đại cương mà còn được thực hành, áp dụng thực tiễn.

Điền dã dân tộc học được coi là phương pháp nghiên cứu đặc trưng của ngành học, với học phần này sinh viên không chỉ nghiên cứu trên sách vở có sẵn mà được tiến hành nghiên cứu thực tiễn trong việc quan sát trực tiếp, tham gia chính đời sống sinh hoạt của tộc người để tìm hiểu từ góc nhìn từ bên trong cộng đồng.

Phương pháp này cho nguồn tài liệu cơ bản, quan trọng từ chính các nền văn hóa sống động đang được lưu giữ trong đời sống hàng ngày của cư dân.

Theo thầy Hoàng, sinh viên ngành Nhân học sẽ có cơ hội đi trải nghiệm thực tế nhiều hơn sinh viên các chuyên ngành khác. Không phải là một chuyến đi dã ngoại, các sinh viên ngành Nhân học còn được trải nghiệm thực tế cuộc sống ở từng khu vực, địa phương qua việc ăn ở, sinh sống cùng người dân với khoảng thời gian được tính theo tháng, theo năm.

Ngoài ra, sinh viên Nhân học sẽ được đào tạo các kỹ năng phỏng vấn, thâm nhập, nghiên cứu định tính, khảo sát định lượng, thống kê…phục vụ cho quá trình nghiên cứu, khảo sát thực địa.

Theo ý kiến của Tiến sĩ Trương Thị Thu Hằng - Trưởng khoa Nhân học, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, ngành Nhân học đang ngày càng khẳng định vai trò của lĩnh vực Khoa học xã hội trong việc góp phần tham vấn, hoạch định các chương trình phát triển kinh tế - xã hội - văn hóa dành cho nhiều đối tượng thụ hưởng khác nhau như tộc người thiểu số, người yếu thế, người cao tuổi, phụ nữ, thanh thiếu niên và nhiều đối tượng khác, thông qua các công trình nghiên cứu cơ bản và ứng dụng trong nước và hợp tác với các đơn vị quốc tế.

Là một ngành học cơ bản mang tính chất liên ngành, do đó việc ứng dụng kiến thức ngành Nhân học vào các lĩnh vực nghề nghiệp khác nhau khá đa dạng.

Sinh viên theo học ngành Nhân học được trang bị đầy đủ 3 khối kiến thức bao gồm Kiến thức đại cương; Kiến thức cơ sở ngành; Kiến thức chuyên ngành.

Khối kiến thức đại cương là những nội dung học tập tối thiểu cần thiết nhằm giúp người học có tầm nhìn rộng, thế giới quan khoa học và nhân sinh quan đúng đắn; hiểu biết về tự nhiên, xã hội và con người; nắm vững phương pháp tư duy khoa học; có đạo đức tốt, nhận thức trách nhiệm công dân, hình thành thói quen học suốt đời.

Kiến thức cơ sở ngành là những môn học cung cấp những kiến thức cơ bản liên quan đến nhiều chủ đề như văn hóa, cấu trúc xã hội, y tế, ngôn ngữ, tôn giáo … của các tộc người/dân tộc trong nước và khu vực Châu Á. Đồng thời, người học còn được trang bị một số phương pháp luận và kỹ thuật nghiên cứu như điền dã, thâm nhập cộng đồng, thiết kế các nghiên cứu, chụp ảnh…

IMG_1029.JPG
Tiến sĩ Trương Thị Thu Hằng (ở giữa) trao chứng nhận cho sinh viên tại tiểu ban Nhân học. Ảnh: NVCC

Với khối kiến thức chuyên ngành, sinh viên sẽ được học những nội dung liên quan đến nghề nghiệp mà người học được đào tạo. Những môn học của từng chuyên ngành hỗ trợ người học về kiến thức, phương pháp luận và thái độ để làm việc với cộng đồng đa văn hóa, đa ngôn ngữ.

Ngoài ra, một số môn học trang bị cho người học những kỹ năng làm việc với các dự án nghiên cứu, dự án phát triển cộng đồng, truyền thông và tổ chức sự kiện dưới góc nhìn toàn diện và đa văn hóa.

Đa dạng vị trí việc làm

Theo Tiến sĩ Trương Thị Thu Hằng, sinh viên tốt nghiệp ngành Nhân học có thể tham gia vào các công việc như nghiên cứu, giảng dạy, tư vấn, tham mưu, hoặc các vị trí hành chính văn phòng, các vị trí khác như truyền thông, tổ chức sự kiện….

Với lĩnh vực nghiên cứu, khối kiến thức sâu rộng từ chương trình đào tạo ngành Nhân học có thể bổ trợ cho sinh viên làm công tác nghiên cứu viên tại các Viện, Trung tâm nghiên cứu, Cơ sở giáo dục đại học hoặc các cơ quan, tổ chức khác.

Cùng với đó là các vị trí như thư ký các đề tài, dự án; cán bộ dự án; điều phối viên các dự án nghiên cứu, phát triển cộng đồng trong các tổ chức phi lợi nhuận, tổ chức chính trị xã hội trong khu vực công.

Với lĩnh vực giảng dạy, người tốt nghiệp ngành Nhân học có thể đảm nhận công tác giảng dạy tại các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp hay các cơ sở giáo dục đặc biệt.

Sinh viên tốt nghiệp ngành Nhân học có thể làm tư vấn viên tại các trung tâm tư vấn, các tổ chức kinh tế - xã hội, cơ quan truyền thông và các cơ quan, tổ chức xã hội khác.

Với khối hành chính văn phòng, cử nhân ngành Nhân học có thể đảm nhận các công việc như bộ phận nhân sự, hành chính, truyền thông, tiếp thị, tổ chức sự kiện nội bộ, sáng tạo nội dung hoặc các vị trí khác như phóng viên, biên tập viên cho các tòa soạn báo, tạp chí…

Đánh giá cao vai trò của Nhân học đối với sự phát triển của xã hội, Tiến sĩ Nguyễn Vũ Hoàng cho rằng với chương trình đào tạo chính quy đại học, sinh viên tốt nghiệp ngành Nhân học đủ kiến thức và kỹ năng để đảm nhiệm nhiều vị trí tại các cơ quan Trung ương hoạt động về chính trị, văn hoá - xã hội, tôn giáo như Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam; Bảo tàng Lịch sử Quốc gia…; cơ quan địa phương như Ban dân tộc, Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch các tỉnh/thành phố, Phòng Văn hoá, trung tâm văn hoá các huyện….;các tổ chức phi chính phủ, các hiệp hội như Hội Dân tộc học và Nhân học Việt Nam, Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam; các đoàn thể hoặc giảng dạy tại các trường đại học, cao đẳng, trung học; công tác nghiên cứu tại các viện, trung tâm nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn; làm việc tại các cơ quan truyền thông, du lịch…

Theo số liệu bảng thống kê tỉ lệ việc làm dựa trên 847/1290 sinh viên đã tốt nghiệp năm 2021 của Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội cho thấy 100% sinh viên ngành Nhân học đều có việc làm sau khi tốt nghiệp.

Thách thức tuyển sinh khi khó cạnh tranh với các ngành “hot” theo xu thế

Theo Tiến sĩ Nguyễn Vũ Hoàng, hiện nay, nhiều thí sinh đều “chạy đua” vào các ngành công nghệ, kinh tế, tài chính,... và ngay cả truyền thông hiện cũng tập trung chú ý đến các ngành này mà chưa dành nhiều sự quan tâm đến các ngành khoa học xã hội, trong đó có ngành Nhân học.

Bên cạnh đó, tình trạng thí sinh, phụ huynh chưa thực sự hiểu rõ về ngành nghề dẫn đến vị trí ngành Nhân học chưa được đề cao và chưa được nhiều người biết đến.

z5323867878769_0bb663bf289c6333b6afb36dcf7e9572.jpg
Sinh viên Khoa Nhân học (Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội) và Viện Nhân học Văn hóa và Xã hội (Đại học Gottingen, Đức) tham gia tập huấn thực hành Điền dã dân tộc học. (Ảnh tham khảo website Trường)

Hiện nay, các đơn vị đào tạo chính quy ngành Nhân học đang phải cố gắng chủ động tạo dấu ấn ngành học để xã hội nhận diện về vai trò của ngành trong xã hội.

Các dự án nghiên cứu, các hoạt động xúc tiến, quảng bá văn hoá với mục đích thúc đẩy, phát huy các giá trị di sản văn hoá được cập nhật thường xuyên trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng đang được triển khai thường xuyên hơn.

Trong công tác tuyển sinh, việc đánh giá chưa đúng vai trò của các ngành trong lĩnh vực Khoa học xã hội và nhân văn hay ưu tiên các ngành công nghệ đã gây ra sự chênh lệch cho khối ngành Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội.

Theo Tiến sĩ Trương Thị Thu Hằng, đó vừa là thách thức, vừa là cơ hội đối với các đơn vị đào tạo chính quy khối Khoa học xã hội nói chung và ngành Nhân học nói riêng.

Với những khó khăn đang tồn tại, đội ngũ đào tạo cần phải xác định các vấn đề ngành Khoa học xã hội đang gặp phải, từ đó xây dựng các chiến lược và không ngừng đổi mới nội dung, phương thức đối với công tác tuyển sinh và đào tạo của ngành theo từng giai đoạn.

Trong bối cảnh hiện tại, công tác truyền thông quảng bá ngành Nhân học cần có sự thay đổi, hướng đến nhiều đối tượng hơn, trong phạm vi rộng hơn.

Theo cô Hằng, không chỉ truyền thông nội bộ trong đơn vị mà cần đẩy mạnh công tác truyền thông đến các bên liên quan như khác như học sinh, phụ huynh qua các chương trình tư vấn tuyển sinh và các bài viết của các cơ quan báo chí.

Trong chương trình đào tạo cần thường xuyên tổ chức hội thảo, tọa đàm, các đề tài nghiên cứu để kết nối mạng lưới các học giả, các nhà nghiên cứu, các chuyên gia nước ngoài….

Tuy nhiên, để làm tốt công tác truyền thông quảng bá ngành, cần có sự phối hợp của các bên liên quan cũng như cần có sự đầu tư về nguồn lực phù hợp với mục tiêu quảng bá, bởi đây là công tác quan trọng và mang tính chiến lược lâu dài.

Cô Hằng cho hay, trong 02 năm gần đây ngành Nhân học của Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã nhận được nhiều sự hỗ trợ của trường trong công tác truyền thông quảng bá ngành học, kinh phí thực hiện các hoạt động giảng dạy, nghiên cứu, định hướng nghề nghiệp và hoạt động rèn luyện, phục vụ cộng đồng để hỗ trợ cho người học.

Ngoài ra, đơn vị Khoa cũng chủ động tổ chức các hoạt động ngoại khoá hỗ trợ người học như tham gia các đề tài nghiên cứu với vai trò cộng tác viên, tham dự các tọa đàm; hội thảo khoa học trong nước và quốc tế, giới thiệu thông tin về cơ hội việc làm trên fanpage của Ban liên lạc Cựu sinh viên, tổ chức các buổi kiến tập tại địa phương, tổ chức các buổi tư vấn nghề nghiệp, tham quan doanh nghiệp và các hoạt động văn thể mỹ, các chương trình học bổng Bảo trợ đồng môn (hỗ trợ chi phí học hoặc thi ngoại ngữ) nhằm tạo ra môi trường học tập và rèn luyện toàn diện cho sinh viên.

Nguyễn Hà Thanh, sinh viên khoa Nhân học Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, tại khoa Nhân học, mỗi tháng sẽ có ít nhất một hội thảo, talkshow, tọa đàm hoặc các chương trình hướng nghiệp. Đó chính là cơ hội để Thanh và sinh viên trong Khoa được trải nghiệm và thực hành những công việc “độc quyền” mà chỉ sinh viên Nhân học mới có.

“Các hội thảo, tọa đàm, chương trình hướng nghiệp không chỉ giúp sinh viên khoa Nhân học hiểu rõ hơn về ngành nghề mà còn là cơ hội để chúng em học hỏi và trao dồi những kỹ năng trở thành một nhà Nhân học", Hà Thanh chia sẻ.

Đối với một số môn học trong chương trình dạy bằng tiếng Anh, sinh viên khoa Nhân học có nhiều cơ hội để trao đổi và học tập, nghiên cứu cùng các chuyên gia nước ngoài.

Nhà trường thường xuyên phổ biến đến sinh viên các chương trình trao đổi ngắn hạn, dài hạn, khuyến khích và tạo điều kiện để sinh viên có cơ hội đi học ở nước ngoài như Úc, Hà Lan, Đức….

Các cuộc thi nghiên cứu quốc tế có sự tham dự của sinh viên Khoa, các thầy cô luôn nhiệt tình, tận tâm hỗ trợ và những phần thưởng, học bổng đáng giá cho sinh viên đạt thành tích xuất sắc.

Đào Hiền