Trường ĐH CNTT và truyền thông chuẩn bị mọi điều kiện để đào tạo Vi mạch bán dẫn

04/03/2024 06:29
Nhật Lệ
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Năm 2024, Trường ĐH Công nghệ Thông tin và Truyền thông dự kiến tuyển 3.000 chỉ tiêu. Đồng thời, nhà trường mở thêm chương trình đào tạo Vi mạch bán dẫn.

Mới đây, Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông - Đại học Thái Nguyên (gọi tắt là Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông Thái Nguyên) đã công bố phương thức tuyển sinh năm 2024. Đáng chú ý, nhà trường mở thêm chương trình đào tạo Vi mạch bán dẫn, đáp ứng nhu cầu về nhân lực của tỉnh Thái Nguyên cũng như trên toàn quốc.

Đào tạo Vi mạch bán dẫn - đón đầu cơ hội trở thành trung tâm sản xuất chip toàn cầu mới của Việt Nam

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Bùi Anh Tú - Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông và Tuyển sinh Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông Thái Nguyên (ICTU) thông tin: Năm 2024, ICTU có kế hoạch mở thêm chương trình đào tạo Vi mạch bán dẫn thuộc ngành Công nghệ kỹ thuật Điện tử và Viễn thông (ngành đào tạo đã được nhà trường đào tạo hàng nghìn kỹ sư với 22 khóa).

Nhà trường mở thêm chương trình đào tạo Vi mạch bán dẫn nhằm đáp ứng nhu cầu nhân sự đang thiếu hụt của ngành này cũng như đón đầu xu thế Việt Nam đang nhận được sự quan tâm đầu tư lớn của các "đại bàng công nghiệp".

ICTU (22).jpg
Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông - Đại học Thái Nguyên tọa lạc tại đường Z115, Quyết Thắng, Thành Phố Thái Nguyên. (Ảnh: NTCC)

"Ngành Vi mạch bán dẫn ở Việt Nam đang mở ra những cơ hội phát triển, thu hút đầu tư. Chuyến thăm chính thức Việt Nam của Tổng thống Mỹ Joe Biden từ 10-11/9/2023 đã “kích hoạt” các “đại bàng” công nghệ Mỹ. Dự báo thời gian tới doanh nghiệp Mỹ sẽ đẩy mạnh đầu tư và Việt Nam đứng trước cơ hội trở thành trung tâm sản xuất chip toàn cầu mới.

Amkor Technology, công ty bán dẫn hàng đầu thế giới có trụ sở tại Mỹ, đến nay đã đầu tư 1,6 tỷ USD cho các hoạt động của mình ở Bắc Ninh. Bên cạnh Amkor, công ty lớn về ngành bán dẫn Intel cũng đang điều hành một cơ sở sản xuất trị giá 1,5 tỷ USD tại Thành phố Hồ Chí Minh. Toạ lạc tại Khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh, nhà máy lắp ráp, đóng gói và thử nghiệm chip này là cơ sở sản xuất lớn nhất của Intel, chiếm khoảng 70% sản lượng toàn cầu.

Tập đoàn Marvell Technology chuyên về các giải pháp vi mạch và bán dẫn phục vụ cơ sở hạ tầng dữ liệu của Mỹ công bố kế hoạch thành lập trung tâm thiết kế vi mạch tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Ngoài các công ty đến từ Mỹ, Samsung cũng tuyên bố kế hoạch sản xuất linh kiện bán dẫn ở Việt Nam. Việc sản xuất đại trà các sản phẩm lưới bóng chíp bán dẫn của Nhà máy Samsung Electro-Mechanics Việt Nam tại Thái Nguyên dự kiến được thực hiện vào cuối năm 2023, sau khi công tác sản xuất thử nghiệm hoàn tất. "Gã khổng lồ" sản xuất chip Hàn Quốc, Hanmi Semiconductor, cuối tháng 5/2023 công bố đưa chi nhánh Hanmi Việt Nam tại Bắc Ninh vào hoạt động. Hanmi Semiconductor là một trong những nhà thiết kế, phát triển và sản xuất hàng đầu trong ngành thiết bị bán dẫn. Cũng cuối tháng 5/2023, công ty Infineon Technologies AG (Đức) về các giải pháp bán dẫn cho hệ thống điện và IoT đã thông báo việc mở rộng quy mô hoạt động tại Việt Nam, đồng thời thành lập một đội ngũ phát triển chip điện tử làm việc tại Hà Nội.

Lực lượng này sẽ tập trung vào việc kiểm thử và tùy chỉnh các mạch kỹ thuật số, mạch tín hiệu analog và tích hợp, hỗ trợ các ứng dụng lái xe tự động, giám sát và cân bằng pin. Ngoài ra, Victory Giant Technology, tập đoàn chuyên sản xuất linh kiện điện tử, chất bán dẫn của Trung Quốc đã quyết định lựa chọn để xây dựng nhà máy với tổng mức đầu tư 400 triệu USD tại Bắc Ninh.

Không chỉ vậy, nhà máy đầu tiên của công ty Hana Micron - công ty của Hàn Quốc gia nhập thị trường bán dẫn từ năm 2001 được đặt tại Bắc Giang đã chính thức đi vào hoạt động giai đoạn 1 trong năm 2020, đánh dấu bước đầu cho ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam. Dự kiến trong năm 2023, nhà máy này sẽ mang lại tới 300 triệu USD doanh thu cho tập đoàn. Dự án nhà máy Hana Micron Vina 2 của công ty sẽ tiếp tục được đặt tại khu công nghiệp Vân Trung, tỉnh Bắc Giang và là dự án sản xuất chất bán dẫn đầu tiên tại khu vực miền Bắc.

Trong kế hoạch tới năm 2025, doanh nghiệp dự kiến sẽ đầu tư vào Việt Nam tổng số tiền lên tới 1 tỷ USD, tạo ra việc làm cho khoảng 4.000 nhân lực (tương đương với 70% số lượng nhân sự mà công ty cần để triển khai nhà máy), đem lại cho doanh nghiệp mức doanh thu dự kiến lên đến 400 triệu USD", ông Tú nhận định.

Cũng theo ông Tú, với chiến lược tập trung thu hút các ngành công nghiệp công nghệ cao, trên cơ sở môi trường đầu tư thông thoáng và cởi mở, tỉnh Thái Nguyên đã chủ động kết nối, kêu gọi nhà đầu tư nước ngoài có tiềm lực, nhất là nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn.

"Trong chuyến công tác tại Hoa Kỳ vào cuối năm 2023, đồng chí Trịnh Việt Hùng, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đã có cuộc làm việc, trao đổi quan trọng nhằm kết nối hợp tác đầu tư với Chủ tịch và Giám đốc điều hành Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Hoa Kỳ. Chủ tịch và Giám đốc điều hành Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Hoa Kỳ, ông John Neuffer khẳng định: Hiệp hội đặc biệt quan tâm đến môi trường đầu tư của Việt Nam, trong đó có Thái Nguyên. Đồng thời cam kết sẽ là cầu nối để các doanh nghiệp sản xuất bán dẫn tìm hiểu và quyết định triển khai các dự án tại Việt Nam nói chung và tỉnh Thái Nguyên nói riêng, nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế, mang lại những giá trị, lợi ích cho các bên.

Với đà tăng trưởng cao, ngành Vi mạch bán dẫn của Việt Nam cần 10.000 kỹ sư mỗi năm, nhưng nguồn nhân lực hiện nay chỉ đáp ứng chưa tới 20%. Đây cũng được xem là một thách thức đối với ngành Vi mạch tại Việt Nam. Trong Nghị quyết số 124/NQ-CP, Chính phủ đã chỉ đạo bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ: Khoa học và Công nghệ, Thông tin và Truyền thông, Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu, xây dựng Đề án phát triển nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, trong đó dự kiến đào tạo khoảng 30-50 nghìn nhân lực, chuyên gia cho ngành công nghiệp bán dẫn.

Vì vậy, với lợi thế hơn 20 năm đào tạo về công nghệ thông tin và truyền thông, nhà trường đào tạo ngành học này không chỉ đón đầu xu thế của thế giới mà sẽ góp phần phát huy thế mạnh ICTU trong đào tạo góp phần cung cấp nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu rất lớn tại địa phương và trên cả nước", ông Tú thông tin.

IMG_9393.jpeg
Nhà trường có nhiều năm kinh nghiệm trong đào tạo sinh viên về lĩnh vực công nghệ. (Ảnh: NTCC)

Chương trình đào tạo, cơ hội việc làm ngành Vi mạch bán dẫn

Bên cạnh đó, Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông và Tuyển sinh ICTU cũng cho biết thêm với chương trình đào tạo Vi mạch bán dẫn tại trường, sinh viên sẽ được trang bị đầy đủ các kiến thức và kỹ năng để thực hiện các công việc bao gồm: Thiết kế, chế tạo vi mạch bán dẫn; Kiểm tra, kiểm thử thiết kế và lĩnh vực liên quan đến thiết kế vi mạch bán dẫn; Quản lý sản xuất và các công việc liên quan đến sản xuất vi mạch bán dẫn.

Đồng thời, ông Tú cũng cho biết nhà trường đã chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, trong đó có hệ thống phòng học, giảng đường và các điều kiện nền tảng phục vụ đào tạo ngành học này.

Cụ thể, trường có tổng diện tích quy hoạch là 87.413,4 m2, trong đó diện tích đất sử dụng là 87.413,4 m2. Tổng diện tích sàn xây dựng là 26.705 m2, bao gồm diện tích giảng đường (phòng học, phòng thực hành, thư viện), diện tích nhà làm việc, ký túc xá, nhà tập đa năng, hội trường, hệ thống sân thể thao, quảng trường sinh viên.

Bên cạnh đó, ICTU là thành viên của Đại học Thái Nguyên nên được sử dụng các công trình chung của Đại học Thái Nguyên như: Trung tâm học liệu, nhà thi đấu đa năng... với hệ thống cơ sở vật chất hiện đại, đáp ứng đầy đủ cho công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học và các công tác chuyên môn khác.

Các phòng thực hành, phòng nghiên cứu phục vụ đào tạo về Vi mạch bán dẫn bao gồm: Các phòng máy tính đa năng; phòng thực hành điện tử tương tự và số; phòng thực hành vi điều khiển và vi xử lý; phòng thực hành về các hệ thống nhúng, IoT và AI; phòng thực hành FPGA; phòng thực hành thiết kế vi mạch bán dẫn...

Phòng thực hành c4.jpeg
ICTU đã chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất để đào tạo sinh viên ngành Vi mạch bán dẫn. (Ảnh: NTCC)

Cũng theo Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông và Tuyển sinh ICTU, cơ hội việc làm của ngành này rất đa dạng. Hiện có trên 50 doanh nghiệp FDI đã đầu tư vào Việt Nam về công nghiệp vi điện tử và bán dẫn. Trong đó, lĩnh vực thiết kế vi mạch đòi hỏi nhiều nhất nguồn nhân lực chất lượng cao. Hiện có những tập đoàn lớn về Vi mạch bán dẫn như Amkor Technology, Hana Micron Vina đã đầu tư nhà máy sản xuất tại Bắc Ninh, Bắc Giang.

"Tổng nhu cầu nhân lực trong lĩnh vực này theo dự báo của một số chuyên gia kinh tế, trong 5 năm tới khoảng 20.000 nhân lực và 10 năm tới khoảng 50.000 nhân lực từ trình độ đại học trở lên.

Ngành Vi mạch bán dẫn đang có cơ hội việc làm và thu nhập lớn cho sinh viên tốt nghiệp. Theo dự báo, sinh viên mới ra trường có thu nhập sau thuế gần 220 triệu đồng/năm", ông Tú cho hay.

IMG_9370.jpeg
Một buổi học thực hành của sinh viên nhà trường. (Ảnh: NTCC)

Chỉ tiêu và các phương thức tuyển sinh năm 2024

Chia sẻ về kế hoạch tuyển sinh năm 2024, Phó giám đốc Trung tâm Truyền thông và Tuyển sinh Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông Thái Nguyên cho hay: Năm 2024, nhà trường dự kiến tuyển sinh 3.000 chỉ tiêu theo 3 phương thức xét tuyển bao gồm: Xét tuyển theo kết quả học bạ trung học phổ thông, xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển thẳng thí sinh theo quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Danh sách các ngành xét tuyển của nhà trường cụ thể như sau:

bang3.png
Chương trình đào tạo chất lượng cao/ quốc tế
bang2-1.png
Các chương trình đào tạo đại trà Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông Thái Nguyên tuyển sinh năm 2024.

Các phương thức xét tuyển cụ thể của Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông Thái Nguyên:

Phương thức 1: Xét tuyển theo kết quả học bạ trung học phổ thông

Trường hợp 1:

Điều kiện xét tuyển: Tổng điểm tổng kết cuối năm của 3 môn học năm lớp 12 theo tổ hợp đăng ký xét tuyển cộng điểm ưu tiên (nếu có) đạt từ 18.0 trở lên.

Điểm xét tuyển = [Tổng điểm tổng kết cuối năm của 3 môn học năm lớp 12 theo tổ hợp đăng ký xét tuyển] + Điểm ưu tiên

Trường hợp 2

Điều kiện xét tuyển: Tổng điểm tổng kết trung bình của 3 học kỳ (học kỳ I lớp 11 + học kỳ II lớp 11 + học kỳ I lớp 12) cộng điểm ưu tiên (nếu có) đạt từ 18.0 trở lên.

Điểm xét tuyển = [Tổng điểm điểm trung bình của 3 học kỳ (học kỳ I lớp 11 + học kỳ II lớp 11 + học kỳ I lớp 12)] + Điểm ưu tiên.

Trường hợp 3

Điều kiện xét tuyển: Điểm trung bình các môn học cả năm lớp 12 đã quy đổi cộng điểm ưu tiên (nếu có) đạt từ 18.0 trở lên.

Điểm xét tuyển = [Điểm trung bình cả năm lớp 12 x 3] + Điểm ưu tiên.

Phương thức 2: Xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông

Thí sinh có kết quả thi 3 môn + Điểm ưu tiên đạt ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đại học do nhà trường công bố.

Điểm xét tuyển = Tổng điểm 3 môn theo tổ hợp + Điểm ưu tiên.

Phương thức 3: Xét tuyển thẳng

Theo quy chế tuyển sinh đại học của Bộ Giáo dục và Đào tạo hiện hành

Nhật Lệ