Sáng 10/12/2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức triển khai tập huấn trực tuyến trên toàn quốc về dạy học tích hợp và hoạt động trải nghiệm.
Tại hội nghị tập huấn, một số lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo cũng đề nghị Bộ có hướng dẫn, chỉ đạo về việc thi học sinh giỏi lớp 9, thi vào lớp 10 trung học phổ thông chuyên với các môn tích hợp.
Ông Nguyễn Xuân Thành - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học đã có những chia sẻ: “Do đặc thù của một số môn tích hợp nên Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ nghiên cứu và có hướng dẫn để các địa phương áp dụng thực hiện từ năm 2025.
Tuy nhiên, tinh thần chung là sẽ không thi đơn môn ở cả 2 kỳ thi này vì theo nguyên tắc chương trình học môn gì thì sẽ thi môn đó.
Chương trình giáo dục phổ thông 2018 học môn Khoa học tự nhiên chứ không phải học môn Vật lý, Hóa học, Sinh học; Lịch sử và Địa lý cũng vậy, do đó các kỳ thi sẽ thi môn tích hợp chứ không thi đơn môn trong môn tích hợp”.
Trước vấn đề thi tuyển sinh vào lớp 10 trung học phổ thông chuyên, sẽ thi theo môn tích hợp: (Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý) để tuyển sinh các môn chuyên: Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, người viết đã trao đổi với một số giáo viên đang dạy các môn chuyên: Vật lý, Hóa học, Sinh học tại trường Trung học phổ thông Chuyên Lê Qúy Đôn, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
Thầy Nguyễn Hồng Thoan dạy môn Sinh học chia sẻ: “Theo quan điểm cá nhân của tôi, thi môn Khoa học tự nhiên, là để thi vào môn chuyên nào, Lý hay Hóa hay Sinh?
Khi thi môn Khoa học tự nhiên, học sinh phải học và ôn luyện tổng cộng là 6 môn: Toán, Văn, Anh, Lý, Hóa, Sinh; như vậy là quá áp lực với học sinh.
Hơn nữa, để thi vào một môn chuyên nào đó học sinh phải học một lượng kiến thức rất lớn. Nếu 3 môn thì đồng nghĩa với lượng kiến thức tăng gấp 3.
Mặt khác, học sinh thi vào chuyên gì thì có nhu cầu hiểu biết sâu hơn về môn đó, còn những môn khác sẽ bổ sung kiến thức ở mức độ vừa phải trong 3 năm học cấp trung học phổ thông.
Trong khi theo chủ trương phân luồng học sinh, tỷ lệ tuyển sinh vào lớp 10 ở trường thường chỉ khoảng 70% số học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở, nếu theo phương án thi kết hợp 3 môn Lý – Hóa - Sinh để thi vào chuyên Lý hoặc Hóa hoặc Sinh, theo tôi để an toàn, học sinh muốn thi vào trường chuyên có thể sẽ giảm số lượng.
Phụ huynh và học sinh sẽ đầu tư vào 3 môn để chắc chắn đỗ vào trường trung học phổ thông thay vì mạo hiểm để con ôn luyện 6 môn để thi vào trường chuyên với độ rủi ro cao.
Thực tế, môn Khoa học tự nhiên chỉ mang tính chất ghép cơ học, kiến thức của 3 môn vẫn tách biệt nhau – nó không thể hiện được sự tích hợp giữa 3 môn. Vì thế việc có em học được Lý nhưng không học được Hóa, Sinh là việc bình thường,…
Nếu là phụ huynh thì tôi sẽ chọn theo hướng cho con tập trung ôn để thi vào trường cấp trung học phổ thông bình thường thay vì ôn 6 môn để thi vào một trong 3 chuyên Lý, Hóa, Sinh”.
Thầy Nguyễn Hồng Thoan. Ảnh NVCC |
Cô Nguyễn Thị Thu Hương, giáo viên dạy môn Hóa học, chia sẻ: “Khi mình dạy môn Khoa học tự nhiên, tức là tích hợp liên môn, muốn học sinh có kiến thức phổ thông.
Tuy nhiên, khi thi tuyển sinh trường chuyên, là chọn học sinh năng khiếu cho từng đơn môn. Như vậy, mục đích dạy và thi tuyển sinh không giống nhau.
Nhìn rộng ra thế giới, như ở Mỹ sẽ có kỳ thi SAT để kiểm tra kiến thức Toán, Đọc hiểu, Khoa học xã hội, Khoa học tự nhiên, nhưng muốn chuyên sâu phải thi AP cho từng môn.
Học sinh khi học môn Khoa học tự nhiên, không thể có năng khiếu ở cả 3 môn Lý, Hóa, Sinh; kiến thức, 3 môn Lý, Hóa, Sinh lại rạch ròi trong sách giáo khoa, trong phân công giáo viên dạy, nên thi tuyển sinh chuyên theo môn Khoa học tự nhiên không phù hợp”.
Cô Nguyễn Thị Thu Hương. Ảnh NVCC |
Thầy Nguyễn Thanh Tuấn, giáo viên dạy môn Vật lý chia sẻ: “Theo tôi việc tổ chức thi tuyển sinh vào lớp 10 chuyên vẫn nên thi riêng môn chuyên như trước đây thay vì thi môn tích hợp, có 3 lý do khiến tôi nghĩ nên làm như vậy.
Thứ nhất, giảm áp lực ôn thi cho học sinh, giảm gánh nặng tài chính cho phụ huynh, tránh làm giảm sức hút của trường chuyên.
Một thực tế phải thừa nhận là hầu hết các em học sinh lớp 9 không thể tự lực ôn tập để có đủ khả năng vượt qua bài thi vào chuyên. Đa số các em muốn thi vào chuyên thì phải đi học thêm, luyện thi, do đó nếu thi môn tích hợp thì thời lượng ôn tập sẽ nhiều và học phí tất nhiên sẽ cao hơn đáng kể và đó là một gánh nặng cho phụ huynh.
Nếu việc thi vào chuyên có quá nhiều áp lực cả học sinh và phụ huynh, chắc chắn sẽ có nhiều em từ bỏ việc thi vào chuyên, như vậy sẽ làm giảm đáng kể sức hút của trường chuyên.
Thứ hai, giúp trường chuyên có thể chọn đúng đối tượng. Một học sinh đỗ vào chuyên Lý nhờ điểm các phân môn Hóa, Sinh trong bài thi Khoa học tự nhiên cao hơn, như vậy trường chuyên đã chọn sai đối tượng rồi, trong khi vào học chuyên Lý, thực tế học sinh không cần quá giỏi về Hóa và Sinh.
Thứ ba, làm sao để tránh rắc rối ở khâu ra đề và chấm thi. Tôi cũng chưa biết là nếu thi môn Khoa học tự nhiên, bài thi môn này cho thí sinh thi vào chuyên Lý, Hóa, Sinh có khác nhau không?
Nếu không khác gì nhau thì sao mà chọn đúng học sinh có năng khiếu? Còn nếu khác nhau thì việc ra đề và chấm thi thật sự là rất cồng kềnh, phức tạp, hao tốn quá nhiều sức người, sức của so với cách thi truyền thống hiện nay".
Thầy Nguyễn Thanh Tuấn. Ảnh NVCC |
Cô Lữ Thị Trà Giang, Hiệu trưởng Trưởng Trung học phổ thông Lê Quý Đôn cho rằng: “Vấn đề thi học sinh giỏi lớp 9, thi tuyển sinh trường chuyên theo môn tích hợp sẽ tác động không nhỏ đến học sinh, phụ huynh và việc chọn được học sinh có năng khiếu với từng môn chuyên.
Vì vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên tổ chức lấy ý kiến giáo viên, học sinh các trường chuyên, từ đó đưa ra giải pháp phù hợp thực tế với dạy và học môn tích hợp ở trung học cơ sở.
Giải pháp phù hợp thực tế, sát sao với với công tác dạy, học ở trung học cơ sở hiện nay là giải pháp tối ưu nhất”.
Cô Lữ Thị Trà Giang. Ảnh NVCC |