Trung Quốc đang xây dựng một hạm đội tàu cá chuẩn bị vơ vét Biển Đông

31/07/2015 07:00
Hồng Thủy
(GDVN) - Ngư dân Trung Quốc chê chính phủ nước này đã trả thù lao quá ít cho việc thực hiện các nhiệm vụ trên Biển Đông đại loại như hộ tống giàn khoan 981 (xâm phạm...
Hạm đội tàu cá Trung Quốc. Ảnh minh họa: Thời báo Hoàn Cầu.
Hạm đội tàu cá Trung Quốc. Ảnh minh họa: Thời báo Hoàn Cầu.

The Diplomat ngày 31/7 đưa tin, Trung Quốc đang xây dựng một hạm đội tàu cá mới cho lực lượng "dân quân biển" hoạt động (bất hợp pháp) trên Biển Đông, một động thái có thể dẫn đến leo thang gây hấn hơn nữa trong khu vực, các chuyên gia cho biết trong cuộc họp tại Trung tâm Phân tích Hải quân hôm Thứ Tư.

Dân quân biển Trung Quốc là lực lượng lợi hại hơn hải quân mà Bắc Kinh thường sử dụng trong việc "đổ bộ đảo" bằng tàu cá (trá hình). Tại Trung Quốc từ lâu đã có những kêu gọi đưa lực lượng này vào hoạt động. Đây sẽ là lần đầu tiên mà các lực lượng dân quân sẽ có hạm đội tàu cá của riêng mình mà không phải thuê tàu cá của dân.

Đầu năm 2013 trong chuyến thăm đến làng chài ở Đàm Môn trên đảo Hải Nam, ông Tập Cận Bình đã nói với lực lượng dân quân biển ở đây rằng, họ nên không chỉ đánh bắt cá mà còn giúp Bắc Kinh thu thập thông tin, hỗ trợ việc xây dựng tại các hòn đảo và rặng san hô, bảo vệ (cái gọi là) lợi ích của Trung Quốc ở Biển Đông.

Bài phát biểu của Tập Cận Bình đã tạo thêm đà cho sự phát triển của lực lượng dân quân biển. Nhiều tỉnh thành ven biển thành lập các đơn vị dân quân biển và hỗ trợ nhiều hơn các nguồn lực cho đào tạo ngư dân, đóng mới tàu cá.

Zhang Hongzhou, nghiên cứu viên tại Trường nghiên cứu quốc tế Rajaratnam, Singapore cho rằng, việc Trung Quốc xây dựng một hạm đồi tàu cá quốc doanh cho dân quân biển ở Biển Đông là một hiện tượng mới. Sự thay đổi này có thể phản ánh thất vọng ngày càng tăng của Bắc Kinh trong việc quản lý ngư dân.

Nhiều ngư dân Trung Quốc chê chính phủ nước này đã trả thù lao quá ít cho việc thực hiện các nhiệm vụ trên Biển Đông đại loại như hộ tống giàn khoan 981 (xâm phạm) hạ đặt (bất hợp pháp) trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam năm ngoái.

Có rất ít nghi ngờ rằng Trung Quốc sẽ sử dụng hạm đội tàu cá này để củng cố yêu sách chủ quyền (vô lý và phi pháp) của họ ở quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam). Khu vực quần đảo Trường Sa cũng là một ngư trường có giá trị với hơn 1,8 triệu tấn tài nguyên thủy sản trong vùn biển này.

Zhang Hongzhou cảnh báo, việc sử dụng lực lượng dân quân biển ngày càng tăng thực sự có thể thúc đẩy leo thang tranh chấp trong khu vực và làm suy yếu lợi ích của chính Trung Quốc. Ngay cả lực lượng dân quân biển này cũng có thể lợi dụng cái gọi là lòng yêu nước của họ để tiến hành các hoạt động bất hợp pháp như bắt trộm rùa biển, san hô và các loài nguy cấp khác.

Hạm đội tàu cá của dân quân biển Trung Quốc thậm chí còn đi xa hơn đường lưỡi bò Trung Quốc, do đó làm tăng thêm căng thẳng với các nước láng giềng. Sẽ mất khoảng 1 năm để Trung Quốc xây dựng hạm đội tàu cá này.

Hồng Thủy