Ngày 6/12, tại Hải Phòng, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam phối hợp với Trường Đại học Hải Phòng tổ chức Hội thảo “Tuyên truyền giáo dục về chủ quyền lãnh thổ, quyền lợi hợp pháp của Việt Nam trên Biển Đông”.
Tham gia buổi hội thảo đặc biệt này có Tiến sĩ Đoàn Quang Mạnh, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Hải Phòng và hơn 100 cán bộ, giảng viên, sinh các khoa: Du lịch, Ngoại ngữ, Kinh tế và quản trị doanh nghiệp.
Diễn giả trong buổi hội thảo Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới chính phủ, chuyên gia hàng đầu về biên giới lãnh thổ và Công ước Luật Biển Liên Hợp Quốc 1982.
Lãnh đạo Trường Đại học Hải Phòng tặng quà cảm ơn diễn giả Trần Công Trục (Ảnh: Lã Tiến) |
Phát biểu khai mạc hội thảo, Tiến sĩ Đoàn Quang Mạnh cho rằng, chủ quyền lãnh thổ, quyền và lợi ích hợp pháp của quốc gia trên Biển Đông luôn là đề tài nhận được sự quan tâm đặc biệt của các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ.
Tuy nhiên, có nhiều khái niệm pháp lý chuyên ngành chưa được hiểu đúng dẫn đến nhiều trở ngại cho những ai quan tâm khi tiếp cận các thông tin và đánh giá các vấn đề liên quan đến chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia, các quyền tài phán của quốc gia ven biển.
Tiến sĩ Trần Công Trục chia sẻ về chủ quyền lãnh thổ, quyền lợi hợp pháp của Việt Nam trên Biển Đông (Ảnh: Lã Tiến) |
“Trường Đại học Hải Phòng đang thực hiện nhiệm vụ nâng cao chất lượng đào tạo, thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng thông qua hướng đi tự chủ, hội nhập, hợp tác để phát triển.
Do đó, các cán bộ, giảng viên và các em sinh viên cần nhận thức đúng, sâu sắc của về quyền, lợi ích hợp pháp của Việt Nam trên Biển Đông theo luật pháp quốc tế, cũng như tầm quan trọng của biển, đảo trong sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước.
Từ đó tạo ra sự đồng thuận, kiên định, nhất quán, phát huy được trách nhiệm, nghĩa vụ của mỗi cá nhân đối với việc bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Qua đó giúp mỗi thành viên của Trường Đại học Hải Phòng tự tin, chủ động, tích cực trong khối đoàn kết hợp tác và cùng phát triển, hội nhập với khu vực và thế giới”, Tiến sĩ Đoàn Quang Mạnh nhấn mạnh.
Cẩn thận yêu sách chủ quyền lịch sử- bẫy pháp lý Trung Quốc ở Biển Đông (phần 2) |
Tại hội thảo, Tiến sĩ Trần Công Trục chia sẻ những tài liệu, khái niệm pháp lý chuyên ngành, Công ước Luật Biển Liên Hợp Quốc 1982 cũng như những căn cứ pháp lý của Việt Nam trên Biển Đông.
Diễn giả Trần Công Trục nhấn mạnh, có nhiều khái niệm pháp lý chuyên ngành chưa được hiểu đúng, dẫn đến những trở ngại cho những ai quan tâm khi tiếp cận các thông tin và đánh giá các vấn đề liên quan đến chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia, các quyền tài phán của quốc gia ven biển...
Các cán bộ, giảng viên và sinh viên Đại học Hải Phòng được chuyên gia Trần Công Trục thông tin về các đảo ven bờ của quốc gia, có vị trí quan trọng được sử dụng làm các điểm mốc quốc gia trên biển để thiết lập đường cơ sở ven bờ lục địa Việt Nam.
Từ đó xác định vùng nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, làm cơ sở pháp lý để bảo vệ chủ quyền quốc gia trên các vùng biển.
Theo quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, Luật Biển Việt Nam năm 2012, vùng biển nước ta được quy định thành 5 vùng: Nội thủy nằm bên trong đường cơ sở; lãnh hải có chiều rộng 12 hải lý; vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa có chiều rộng 200 hải lý tính từ đường cơ sở; riêng thềm lục địa có thể kéo dài ra tới 350 hải lý.
Hàng trăm cán bộ, giảng viên và sinh viên Trường Đại học Hải Phòng lắng nghe những thông tin rất bổ ích của Tiến sĩ Trần Công Trục. (Ảnh: Lã Tiến) |
Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tuyên bố chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia đối với các vùng biển nói trên.
Đi từ những sự kiện nóng diễn ra trên Biển Đông, cũng như cách ứng xử, đấu tranh mềm mỏng, khôn khéo, nhưng rất kiên quyết của Việt Nam trước sự ngang ngược của Trung Quốc, Tiến sĩ Trần Công Trục đã phần nào giúp cán bộ, giảng viên, sinh viên Trường Đại học Hải Phòng hiểu về chủ quyền lãnh thổ, quyền và lợi ích hợp pháp của quốc gia trên Biển Đông.
Tiến sĩ Trần Công Trục khẳng định, Việt Nam có đầy đủ căn cứ và bằng chứng pháp lý và lịch sử có giá trị pháp lý khẳng định chủ quyền của mình với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế.
Tiến sĩ Trần Công Trục đưa ra những khái niệm pháp lý chuyên ngành giúp các sinh viên Đại học Hải Phòng hiểu đúng các vấn đề liên quan đến chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia, các quyền tài phán của quốc gia ven biển. (Ảnh: Lã Tiến) |
Về vụ việc nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc đã có hành vi vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía nam Biển Đông, Tiến sĩ Trần Công Trục cho biết:
Đây là vùng biển hoàn toàn thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, được xác định theo đúng các quy định của Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982 mà Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên.
Phản đối lại các hành động ngang ngược và bất chấp luật pháp quốc tế của Trung Quốc, Việt Nam đã gửi Công hàm, nêu vấn đề trong các cuộc gặp gỡ lãnh đạo cấp cao, tiến hành các hội thảo quốc tế, nêu lên các bằng chứng pháp lý bác bỏ các yêu sác phi lý và hành động vi phạm của Trung Quốc.
Một số cán bộ, giáo viên, sinh viên có những thắc mắc về Biển Đông đều được Tiến sĩ Trần Công Trục giải đáp (Ảnh: Lã Tiến) |
Sau khoảng 2 giờ trao đổi, phân tích nhiều khái niệm pháp lý, Tiến sĩ Trần Công Trục cũng dành thời gian để các giảng viên, các bạn sinh viên giao lưu, đặt câu hỏi với diễn giả.
Một số câu hỏi hết sức ý nghĩa của các giảng viên, sinh viên được Tiến sĩ Trần Công Trục giải đáp thấu tình, đạt lý.
Hội thảo lần này giúp cho cán bộ, giảng viên, các em sinh viên Trường Đại học Hải Phòng hiểu một cách hệ thống, khoa học về chủ quyền lãnh thổ, quyền và lợi ích hợp pháp của quốc gia trên Biển Đông.
Đặc biệt, các giảng viên hiểu rõ sẽ giúp việc truyền tải đến học sinh của mình một cách chính xác hơn.