TPHCM: Kỳ thi nghề phổ thông cuối cùng theo chương trình cũ diễn ra thế nào?

26/05/2023 06:38
Cao Nguyên
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Học sinh khối 11 tại Thành phố Hồ Chí Minh đã tham gia kỳ thi nghề phổ thông cuối cùng của bậc trung học phổ thông theo Chương trình 2006.

Khóa thi nghề phổ thông cấp trung học phổ thông năm học 2022-2023 tại Thành phố Hồ Chí Minh diễn ra vào ngày 18/5/2023 (bậc trung học cơ sở ngày 10/5).

Đây là kỳ thi nghề cuối cùng của học sinh lớp 11 bậc trung học phổ thông vì năm học 2023-2024 theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, học sinh khối lớp 11 không còn thi nghề phổ thông nữa.

Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn

Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn

Kì thi nghề phổ thông bậc trung học phổ thông khóa ngày 18/5/2023 tại Thành phố Hồ Chí Minh diễn ra nghiêm túc theo đúng quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Theo đó, sáng ngày 17/5, giám thị coi thi nghề tập trung tại hội đồng thi để nghe chủ tịch hội đồng thi sinh hoạt quy chế. Sau đó, giám thị tiến hành kiểm tra hồ sơ của thí sinh xem có sai sót gì không để kịp thời điều chỉnh.

Đáng chú ý, thí sinh nghỉ học quá 10% tổng số tiết (trên 3 buổi) của khóa học thì không được tham gia kì thi này. Tại một hội đồng thi ở Quận 6, Thành phố Hồ Chí Minh, đa số thí sinh đều đạt điểm trung bình học tập môn nghề phổ thông trên 9,5.

Ngày 18/5, hội đồng thi nghề phổ thông làm việc từ 6 giờ 30 phút. Giám thị nghe chủ tịch hội đồng phổ biến một số nội dung trong quy chế thi, đặc biệt lưu ý, giám thị và thí sinh không được sử dụng điện thoại di động trong phòng thi và khu vực thi.

Sau đó, thư kí hội đồng cho bốc thăm giám thị 1 và 2 cho từng phòng thi. Giám thị lên phòng thi đánh số báo danh, gọi thí sinh vào phòng thi và phổ biến quy chế thi. 7 giờ 30 phút, giám thị 1 trở về phòng hội đồng nhận đề thi. 7 giờ 50, giám thị phát đề thi cho thí sinh và 8 giờ 00 phút bắt đầu tính thời gian làm bài.

Bài thi nghề phổ thông gồm 2 phần: phần lý thuyết với 40 câu hỏi trắc nghiệm, thời gian làm bài 60 phút, thi tập trung trong buổi sáng ngày 18/5 và phần thực hành 90 phút, thi theo ca các buổi còn lại của các ngày 18, 19, 20/5.

Theo ghi nhận tại một hội đồng thi ở Quận 6, phần thi lí thuyết khá nhẹ nhàng nên nhiều thí sinh chỉ làm bài trong khoảng 10 - 15 phút đã hoàn thành bài thi. Đa số thí sinh học nghề Tin học và sau giờ thi một số em cho biết, nội dung kiến thức có liên quan đến đề thi đã được thầy cô ôn tập kĩ càng.

Điểm khác biệt của kỳ thi năm 2023 so với năm 2022 là Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh sẽ không xét đặc cách và không tổ chức thi bổ sung nhiều đợt cho thí sinh vắng thi như năm trước (năm nay không bị ảnh hưởng của dịch Covid-19). Các công đoạn của kỳ thi nghề phổ thông sẽ hoàn tất trước ngày 18/6, học sinh có thể làm đơn xin chấm phúc khảo sau thời gian này.

Dạy nghề bậc phổ thông tồn tại bất cập

Người viết - giáo viên bậc trung học phổ thông, nhận thấy việc dạy nghề ở bậc trung học cơ sở, trung học phổ thông nhiều năm qua ở các địa phương trên cả nước còn nhiều bất cập.

Thứ nhất, trong số 11 nghề mà Bộ Giáo dục và Đào tạo có ban hành tài liệu học tập gồm: Làm vườn, Nuôi cá, Trồng rừng, Gò, Điện dân dụng, Điện tử dân dụng, Sửa chữa xe máy, Cắt may, Nấu ăn, Thêu tay và Tin học văn phòng, thì đa số học sinh chọn học nghề Tin học văn phòng, bởi nhiều trường có đủ giáo viên Tin học và phòng máy vi tính đề dạy nghề này.

Thứ hai, việc thực hiện cơ chế cộng điểm khuyến khích đối với những học sinh có chứng chỉ nghề trong các kỳ thi quan trọng như: tuyển sinh vào lớp 10, tốt nghiệp trung học phổ thông đã dẫn đến tình trạng học sinh tham gia chương trình học nghề chỉ để lấy điểm cộng.

Thứ ba, mặc dù học sinh trung học cơ sở bắt đầu được học nghề từ cuối năm lớp 8 nhưng rất ít em sử dụng những kiến thức thu nhận được từ việc học nghề trong nhà trường để có thể lập nghiệp trong tương lai. Đa số học sinh đều mong muốn học lên trung học phổ thông và sau đó dự thi vào một trường đại học, cao đẳng nào đó.

Thứ tư, chương trình dạy nghề nhìn chung còn mang nặng tính lý thuyết, điều kiện cơ sở vật chất để học sinh thực hành chưa đảm bảo. Do đó, tình trạng dạy “chay”, học “chay” là khá phổ biến, điều này đã tạo cho học sinh tâm lý bị động, không có hứng thú đối với các tiết học nghề.

Chương trình giáo dục phổ thông 2018, học sinh bậc trung học phổ thông học 8 môn và hoạt động giáo dục bắt buộc gồm Ngữ văn; Toán; Ngoại ngữ 1; Lịch sử; Giáo dục thể chất; Giáo dục Quốc phòng và An ninh, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; Nội dung giáo dục địa phương.

Đồng thời, các em được lựa chọn bốn môn trong các môn Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Công nghệ, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật. Vì vậy, khóa thi nghề phổ thông cấp trung học phổ thông năm học 2022-2023 sẽ là khóa thi nghề cuối cùng theo chương trình 2006.

Cao Nguyên