Đề xuất có kỳ thi tốt nghiệp riêng cho học sinh học văn hóa trong trường nghề

04/02/2023 06:48
Ngọc Mai
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Thực hiện Thông tư 15, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được chủ động trong việc tổ chức giảng dạy các môn văn hóa, nhưng cũng có những vướng mắc cần tháo gỡ. 

Trong thực tiễn, đào tạo nghề nói chung đang gặp phải những khó khăn về phân cấp, phân quyền quản lý và tổ chức thực hiện. Chính vì vậy, Thông tư 15/2022/TT-BGDĐT quy định việc giảng dạy khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp ra đời, có hiệu lực từ 24/12/2022 nhiều người cho rằng đây sẽ là cú hích để giải quyết bài toán đào tạo văn hóa trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Thực hiện Thông tư 15, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo ưu tú Trần Đình Tuấn - Hiệu trưởng Trường Trung cấp Công nghệ Việt Nhật đã có những chia sẻ về vấn đề này, đồng thời chỉ ra những khó khăn bất cập và đề xuất một số kiến nghị.

Các trường chủ động hơn về đào tạo văn hóa

Theo thầy Tuấn, ưu điểm nổi bật của Thông tư 15 là cho phép học sinh vừa học nghề, vừa học văn hoá trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Trường được xây dựng khoa văn hóa, chủ động tuyển dụng giáo viên. Học sinh học tại trường nên tận dụng được triệt để cơ sở vật chất. Đặc biệt, cơ sở giáo dục nghề nghiệp chủ động hơn trong quản lý, xây dựng kế hoạch đào tạo, thời khoá biểu giảng dạy, nhờ đó, chương trình dạy kiến thức văn hoá sẽ gắn với định hướng nghề nghiệp, dạy nghề rõ ràng, hiệu quả hơn.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo ưu tú Trần Đình Tuấn, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Công nghệ Việt Nhật. (Ảnh: NVCC).

Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo ưu tú Trần Đình Tuấn, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Công nghệ Việt Nhật. (Ảnh: NVCC).

“Khi Thông tư 15 có hiệu lực, các trường nghề được phép chủ động tổ chức dạy văn hóa cho học sinh phù hợp đặc điểm riêng của trường. Điều đó tạo điều kiện để các trường nghề quản lý chặt chẽ đội ngũ giáo viên văn hóa và quản lý nội dung, chương trình giảng dạy văn hóa theo định hướng nghề nghiệp. Giáo viên và đội ngũ quản lý trường nghề có thể theo dõi quá trình phát triển năng lực cá nhân của người học (cả về năng lực học văn hóa và học nghề). Từ đó, có cơ sở định hướng đào tạo một cách rõ ràng cho học sinh”, thầy Tuấn chia sẻ.

Những khó khăn bất cập

Song, liên quan đến chuyện đào tạo kiến thức văn hoá trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp, thầy Tuấn cũng chỉ ra một số khó khăn cần được tháo gỡ hiện nay.

Thứ nhất, học sinh trường nghề, có tham gia học văn hóa, khi các em có nguyện vọng thi tốt nghiệp trung học phổ thông thì sẽ phát sinh các tình huống sau:

Học sinh đã hoàn thành chương trình văn hóa 4 môn tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần học thêm những gì, học bao lâu… thì đạt yêu cầu để thi lấy bằng tốt nghiệp trung học phổ thông?

Còn với học sinh trường nghề học chương trình văn hóa trung học phổ thông 7 môn - chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông, sau khi được người đứng đầu trung tâm giáo dục thường xuyên cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông thì các em có thể đăng ký thi tốt nghiệp trung học phổ thông nếu có nhu cầu.

Nghĩa là các học sinh này phải tham gia thi tốt nghiệp chung với học sinh các trường trung học phổ thông khác thì rất thiệt thòi. Hay nói cách khác, đầu vào khác nhau (đa số học sinh không đỗ tuyển sinh đầu vào lớp 10 mới lựa chọn đi học nghề), quá trình đào tạo khác nhau nhưng đầu ra thi như nhau là một khó khăn đối với học sinh trường nghề”, thầy Tuấn chia sẻ.

Thứ hai, muốn thực hiện theo Thông tư 15, cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải thành lập thêm khoa các môn văn hoá, khi đó phải bố trí giáo viên, chương trình học ra sao?

Thứ ba, một cơ sở giáo dục nghề nghiệp có 2 chủ thể quản lý, khi xảy ra vi phạm, cơ quan nào sẽ chịu trách nhiệm xử lý?

Đối với một trường trung cấp nghề, Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý về đào tạo văn hoá, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội quản lý về đào tạo nghề. Điều này có sự giao thoa nhưng cũng xuất hiện nội dung chồng chéo, nhất là “khi có vấn đề xảy ra, cơ quan quản lý nào sẽ chịu trách nhiệm” - thầy Tuấn nói.

“Lấy ví dụ, học sinh của trường nghề nhưng vi phạm quy chế thi các môn văn hóa thì Sở Giáo dục và Đào tạo hay Sở Lao động Thương binh và Xã hội chịu trách nhiệm xử lý?”, thầy Tuấn chia sẻ.

Thứ tư, học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở vào các trường trung cấp, sau 2 năm học nghề, khi đi thực tập nghề vẫn chưa đủ tuổi lao động, dẫn đến một số công ty không tiếp nhận.

"Khoản 1, Điều 147, Bộ luật Lao động năm 2019 quy định cấm sử dụng người lao động từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi làm các công việc như mang, vác, nâng các vật nặng vượt quá thể trạng của người chưa thành niên. Bảo trì, bảo dưỡng thiết bị, máy móc. Nấu, thổi, đúc, cán, dập, hàn kim loại…

Như vậy, ví dụ, trong quá trình học thực hành, thực tập, học sinh được đào tạo nghề hàn mà không được tiếp xúc với máy hàn kim loại; học sửa chữa ô tô nhưng không được tiếp xúc với dầu mỡ bảo dưỡng thì học thế nào?", thầy Tuấn nói.

Cũng theo thầy Tuấn, Bộ luật Lao động năm 2019 có hiệu lực vào ngày 1/1/ 2021 quy định “độ tuổi lao động tối thiểu của người lao động tại Việt Nam là đủ 15 tuổi”, tuy nhiên, Luật cũng có những điều khoản quy định riêng rất khắt khe về sử dụng người lao động ở độ tuổi vị thành niên, từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi. Trong đó giới hạn về thời gian lao động, cấm không được sử dụng người lao động chưa thành niên vào một số công việc và chỉ được làm việc ở những khu vực theo quy định. Việc sử dụng người lao động vị thành niên chỉ được giới hạn trong những thời gian, không gian hạn hẹp và được các cơ quan chức năng kiểm soát rất nghiêm khắc.

"Những quy định đó sẽ dẫn đến tình trạng mặc dù luật cho phép nhưng các doanh nghiệp không muốn nhận hoặc từ chối nhận người lao động chưa đủ 18 tuổi. Một số doanh nghiệp nước ngoài có quy định không nhận người lao động dưới 18 tuổi. Đó là những khó khăn, bất cập đối với các cơ sở đào tạo nghề khi tổ chức cho học viên trong độ tuổi vị thành niên đi thực tập. Và cũng là khó khăn đối với các học viên sau khi tốt nghiệp trường trung cấp nghề nhưng mới 17 tuổi, vẫn còn trong độ tuổi vị thành niên", thầy Tuấn chia sẻ.

Không phải đơn thuần ghép chương trình đào tạo văn hoá với chương trình đào tạo nghề

Theo chia sẻ của Phó Giáo sư Trần Đình Tuấn, Thông tư 15 ra đời là cơ hội cho phép cơ sở giáo dục nghề nghiệp nghiên cứu các mô hình vừa dạy văn hoá, vừa dạy nghề.

"Cần nhấn mạnh, không phải chỉ đơn thuần ghép chương trình đào tạo văn hoá với chương trình đào tạo nghề với nhau là sẽ trở thành cơ sở giáo dục nghề nghiệp tốt mà phải cải tiến, sáng tạo và xây dựng một mô hình mới phù hợp với đặc điểm trong nước và xu thế thời đại.

Cùng với sự ra đời của Thông tư 15, mô hình, chương trình đào tạo của cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải mở ra theo hướng phát triển nhu cầu xã hội. Trước kia, xã hội cần người lao động thành thạo kỹ năng. Song, kỹ năng có thể thay đổi thường xuyên và rất nhanh, nhất là trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Những kỹ năng học từ nhà trường ra đến thực tế đã có sự thay đổi. Do đó, trường nghề không chỉ đào tạo kiến thức nền, kỹ năng nền mà còn phải đào tạo cho người học biết phương pháp thích ứng với sự vận động của thực tiễn.

Chu kỳ công nghệ biến động nhanh, đòi hỏi người lao động phải thường xuyên thay đổi về kỹ năng lao động, song hiện nay đào tạo ở các nhà trường chỉ mang tính ổn định tương đối, không theo kịp yêu cầu biến động của thị trường lao động.

Ví dụ, giữa đào tạo chính quy dài hạn trong nhà trường với sự vận động phát triển nhanh của công nghệ đã là một mâu thuẫn. Ngay từ khâu xây dựng chương trình, trường phải dự đoán, đón trước sự vận động phát triển để đáp ứng thị trường nhân lực khi người học tốt nghiệp ra trường", thầy Tuấn chia sẻ.

Bên cạnh đó, hiện nay, các nguồn lực đảm bảo cho đào tạo nghề còn thiếu đồng bộ, phương thức đào tạo chậm đổi mới, chất lượng chưa cao. Cơ sở vật chất, trang thiết bị của trường lạc hậu, không theo kịp sự phát triển của doanh nghiệp, nguồn kinh phí cho đào tạo còn hạn hẹp, chất lượng tuyển sinh đầu vào thấp, chưa chọn được những học sinh học giỏi vào học nghề.

Nên có kỳ thi tốt nghiệp riêng cho học sinh học văn hóa trong trường nghề

Để khơi thông thực hiện Thông tư 15, theo Phó Giáo sư Trần Đình Tuấn, trước hết, phải nghiên cứu, phát hiện ra những bất cập, cùng với một số đề xuất:

Thứ nhất, về quản lý nhà nước.

“Hiện, có một số nội dung hai cơ quan quản lý chưa thống nhất với nhau, nhất là khi có thêm việc tổ chức dạy học văn hóa trong trường nghề như: đánh giá chuẩn giáo viên; kiểm định, đánh giá chất lượng cơ sở giáo dục nghề nghiệp... Do vậy, cần phải thống nhất, tạo điểm chung từ nội dung chương trình, phương thức quản lý, tiêu chí đánh giá cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp”, thầy Tuấn chia sẻ.

Thứ hai, về phía học sinh.

Cũng theo thầy Tuấn, khi các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được phép đào tạo văn hoá, thì nên chăng phải có kỳ thi tốt nghiệp riêng, chuẩn tiêu chí đánh giá riêng. Bởi, nếu để trường nghề đào tạo văn hoá và học sinh có nguyện vọng tham gia thi tốt nghiệp trung học phổ thông phải thi chung với học sinh các trường trung học phổ thông khác thì sẽ rất khó cho các em, đầu vào khác nhau, chương trình đào tạo cũng khác nhau.

Thứ ba, về phía cán bộ quản lý, giáo viên.

Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thực hiện theo Thông tư 15 có thể thành lập ra khoa các môn văn hoá, có những giáo viên chỉ thuần tuý dạy văn hoá, không chuyên môn về giáo dục nghề. Vì vậy, nhất thiết phải có hướng dẫn cụ thể về công tác cán bộ khoa văn hóa.

Thứ tư, có học sinh tham gia thực tập, tốt nghiệp trung cấp nghề vẫn chưa đủ tuổi lao động. Do vậy, phải có những điều chỉnh về luật để sao cho người học, tốt nghiệp trung cấp nghề ở tuổi vị thành niên có thể đi thực tập, đi làm được. Nhờ đó, người học ở một số ngành nghề mới có điều kiện đi làm sớm, cơ sở giáo dục nghề nghiệp mới dễ dàng chiêu sinh.

“Vấn đề khó khăn đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp không phải chỉ ở chương trình đào tạo mà ở cả khâu chiêu sinh", thầy Tuấn chia sẻ.

Ngọc Mai