TPHCM: Khảo sát năng lực tiếng Anh của giáo viên nên dành cho đối tượng nào?

29/04/2025 09:51
Nguyễn Minh Anh
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Việc khảo sát trình độ, năng lực tiếng Anh chỉ nên dành cho giáo viên dạy môn Tiếng Anh và những người dạy môn khác nếu họ tự nguyện, có nhu cầu.

Ngày 15/4/2025, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh ban hành Kế hoạch số 1879/KH-SGDĐT về việc tổ chức khảo sát trình độ, năng lực tiếng Anh của công chức, viên chức ngành giáo dục và Đào tạo Thành phố.

Việc khảo sát này khiến nhiều giáo viên băn khoăn vì một số lí do như: giáo dạy các môn học khác cũng phải tham gia làm bài khảo sát; nội dung khảo sát quá khó; việc làm bài trực tuyến thiếu nghiêm túc;...

Người viết là giáo viên đồng thời cũng có con đang học bậc phổ thông thấy rằng, việc khảo sát trình độ, năng lực tiếng Anh dành cho giáo viên là cần thiết nhưng chỉ nên dành cho thầy cô giáo dạy môn Tiếng Anh và những người dạy môn khác nếu họ tự nguyện, có nhu cầu.

gdvn_ksat.jpg
Một giáo viên đã hoàn thành bài khảo sát. Ảnh: Nguyễn Minh Anh

Thứ nhất, với vai trò là giáo viên chủ nhiệm, người viết thường nhận được nhiều sự than phiền của học sinh về một số đồng nghiệp dạy môn Tiếng Anh rất khó hiểu.

Theo tìm hiểu của người viết, trong một trường học, số giáo viên dạy tốt môn Tiếng Anh không nhiều vì họ tốt nghiệp từ nhiều trường đại học khác nhau.

Ví dụ, có trường đại học xét điểm thi ngành Tiếng Anh ở ngưỡng 24 điểm (8 điểm/môn) thì sẽ đào tạo được nhiều giáo viên giỏi. Ngược lại, có trường chỉ xét ngày này ở mức 15 điểm nên chất lượng đầu ra giáo viên thường chỉ ở mức trung bình mà thôi.

Cùng với đó, giáo viên tiếng Anh tốt nghiệp trường đại học sư phạm thường giỏi chuyên môn, nghiệp vụ. Còn giáo viên tốt nghiệp chuyên ngành tiếng Anh ngoài sư phạm (có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm) ít nhiều có hạn chế.

Ngoài ra, nhiều giáo viên trước đây có trình độ cao đẳng, theo Luật Giáo dục buộc phải nâng chuẩn lên đại học. Nói thật, nhiều giáo viên có bằng đại học nhưng năng lực chuyên môn vẫn còn hạn chế, kéo theo chất lượng dạy học chưa đảm bảo.

Với vai trò là phụ huynh, người viết đã từng nghe con kể chuyện có giáo viên dạy môn Tiếng Anh phát âm chưa chuẩn. Việc giáo viên phát âm chưa chuẩn lặp đi lặp lại hết năm này đến năm khác mà không được cải thiện khiến học sinh không nghe được thầy cô nói gì.

Tuy vậy, đến cuối năm học khi đánh giá viên chức, theo ghi nhận của người viết, trước năm học 2023-2024 đa số giáo viên đều được đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Đó cũng là lí do người viết rất đồng tình với việc khảo sát giáo viên dạy môn Tiếng Anh. Nếu việc khảo sát được thực hiện như một kì thi gồm: nói, nghe, đọc, viết theo chuẩn châu Âu thì sẽ phân loại được năng lực giáo viên rất chính xác.

Đối với giáo viên có kết quả khảo sát quá thấp, ngành giáo dục cần đưa vào diện tinh giản biên chế ngay. Nếu giáo viên nào chưa đạt một trong các kĩ năng thì ngành giáo dục địa phương cần tạo điều kiện cho thầy cô tự học, tự bồi dưỡng sau một thời gian, sau đó cho khảo sát lại.

Nếu kết quả khảo sát của giáo viên vẫn chưa đạt thì ngành giáo dục tiếp tục đưa vào diện tinh giản biên chế theo lộ trình. Việc làm này sẽ tạo điều kiện cho những sinh viên tốt nghiệp khá, giỏi, tâm huyết với với ngành giáo dục được vào "biên chế" (viên chức giáo viên).

Thứ hai, chia sẻ với truyền thông vào thời điểm trước năm học 2024-2025, đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, từ năm học 2025 – 2026, Thành phố có thể thí điểm đưa tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai sử dụng trong trường học. [1]

Như vậy, bên cạnh giáo viên dạy môn Tiếng Anh thì thầy cô giáo dạy các môn học khác cũng sẽ có cơ hội được sử dụng tiếng Anh trong giảng dạy khi tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai được sử dụng trong trường học.

Theo lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, giáo viên đạt trình độ từ B1 trở lên theo khung tham chiếu chuẩn châu Âu CEFR sẽ được tham gia bồi dưỡng để dạy tiểu học. Giáo viên đạt trình độ từ B2 trở lên theo khung tham chiếu chuẩn châu Âu CEFR sẽ được tham gia bồi dưỡng để dạy trung học.

Hơn nữa, việc đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học có rất nhiều hình thức. Ngoài việc giảng dạy các môn học bằng tiếng Anh còn là việc tổ chức các câu lạc bộ, hoạt động... để tạo môi trường giao tiếp bằng tiếng Anh cho học sinh. [2]

Đó cũng là lí do giáo viên dạy các bộ môn khác, nếu có năng lực, trình độ tiếng Anh thì cũng cần được khảo sát, bồi dưỡng để có thể dạy song ngữ trong thời gian tới. Những giáo viên vừa giỏi chuyên môn vừa giỏi tiếng Anh sẽ được nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.

Đáng nói, hiện nay không ít giáo viên không dạy môn Tiếng Anh nhưng họ vẫn có bằng Cử nhân Ngôn ngữ Anh, đào tạo từ xa. Nếu việc khảo sát được thực hiện nghiêm túc thì giáo viên sẽ chứng minh được năng lực của mình một cách thuyết phục, tránh "lời ong tiếng ve" về chất lượng.

Có thể khẳng định, nếu việc khảo sát tiếng Anh được thực hiện chặt chẽ, có giám sát, giáo viên được công bố kết quả thì đây cũng là cơ hội để thầy cô tự nhìn nhận, đánh giá được mức độ năng lực tiếng Anh hiện tại của bản thân một cách khách quan.

Từ đó, giáo viên có thể chủ động xây dựng lộ trình học tập, trau dồi cho bản thân, chuẩn bị tốt hơn cho xu thế hội nhập quốc tế trong giáo dục, mở ra những cơ hội mới trong công tác chuyên môn và giảng dạy - như Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh kì vọng.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://giaoduc.net.vn/nam-hoc-2025-2026-tphcm-thi-diem-su-dung-tieng-anh-la-ngon-ngu-thu-2-o-truong-post245161.gd

[2] https://tuoitre.vn/vi-sao-tat-ca-73-000-giao-vien-tp-hcm-phai-khao-sat-tieng-anh-20250424084106083.htm

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Nguyễn Minh Anh