Sáp nhập đơn vị hành chính các cấp, môn học nào bị ảnh hưởng nhiều nhất?

28/04/2025 06:40
Trần Văn Tâm
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Kiến thức trong một số bộ môn có thể phải điều chỉnh như môn Địa lý, Lịch sử, Ngữ văn và một số môn khác có bài tập liên quan nội dung đơn vị hành chính.

Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 hướng đến phát triển toàn diện phẩm chất và năng lực của học sinh, đồng thời giúp học sinh biết vận dụng kiến thức vào trong thực tiễn cuộc sống, thể hiện năng lực giải quyết vấn đề một cách sáng tạo.

Để hoàn thành mục tiêu đó, tất cả các môn học đều có giá trị ngang bằng nhau, trong đó có môn Giáo dục địa phương. Đây là môn học mới, dù không được đánh giá bằng điểm số nhưng vẫn được đánh giá rất quan trọng trong chương trình giáo dục phổ thông.

Theo đánh giá của người viết, việc sáp nhập đơn vị hành chính các cấp được tiến hành, thì môn này chịu nhiều ảnh hưởng nhất, có thể biên soạn tài liệu mới hoặc chỉnh lý cho phù hợp với tỉnh mới sáp nhập.

tay-ninh-6311-3039.jpg
Tài liệu Giáo dục địa phương tỉnh Tây Ninh lớp 10.

Môn học không thể thiếu trong Chương trình Giáo dục tổng thể

Chương trình giáo dục phổ thông 2006 không có môn học Giáo dục địa phương, chỉ có nội dung giáo dục địa phương được tích hợp vào các môn học và hoạt động giáo dục.

Ở cấp tiểu học có thời lượng là 4 tiết/năm học; ở cấp trung học, không có quy định số tiết riêng biệt, chủ yếu lồng ghép vào các môn học có liên quan (Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Âm nhạc, Mỹ thuật...).

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã chính thức đưa môn học Giáo dục địa phương thành môn học bắt buộc ở cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông, với thời lượng quy định cụ thể (35 tiết/năm học) và được quy định cụ thể trong nhiều văn bản.

Trước hết, Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ban hành Chương trình giáo dục phổ thông, khẳng định Giáo dục địa phương là một môn học bắt buộc. Thông tư này quy định rõ mục tiêu, nội dung và yêu cầu cần đạt của môn học, cũng như vị trí của nó trong kế hoạch giáo dục tổng thể:

“Nội dung giáo dục của địa phương là những vấn đề cơ bản hoặc thời sự về văn hoá, lịch sử, địa lí, kinh tế, xã hội, môi trường, hướng nghiệp,... của địa phương bổ sung cho nội dung giáo dục bắt buộc chung thống nhất trong cả nước, nhằm trang bị cho học sinh những hiểu biết về nơi sinh sống, bồi dưỡng cho học sinh tình yêu quê hương, ý thức tìm hiểu và vận dụng những điều đã học để góp phần giải quyết những vấn đề của quê hương.

Ở cấp tiểu học, nội dung giáo dục của địa phương được tích hợp với Hoạt động trải nghiệm. Ở cấp trung học cơ sở và cấp trung học phổ thông, nội dung giáo dục của địa phương có vị trí tương đương các môn học khác.”

Tiếp theo, Thông tư số 33/2020/TT-BGDĐT quy định về việc thẩm định tài liệu giáo dục địa phương. Văn bản này đưa ra các tiêu chí và quy trình cụ thể để đánh giá chất lượng của các tài liệu giáo dục địa phương do các địa phương biên soạn, đảm bảo tính chính xác, khoa học và phù hợp với mục tiêu giáo dục.

Ngoài ra, Công văn 5889/BGDĐT-GDTH cung cấp hướng dẫn chi tiết về công tác biên soạn, tổ chức dạy học, in và phát hành tài liệu giáo dục địa phương, giúp các địa phương triển khai môn học một cách hiệu quả và đồng bộ.

Một điểm quan trọng được quy định trong Thông tư 32 là vai trò của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương: “Căn cứ chương trình giáo dục phổ thông, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quy định tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, thẩm định, chỉnh sửa tài liệu về nội dung giáo dục của địa phương; chỉ đạo việc tổ chức biên soạn, thẩm định tài liệu về nội dung giáo dục của địa phương theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo và báo cáo để Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt.”

Như vậy, môn học này có vai trò quan trọng trong chương trình giáo dục hiện hành, thúc đẩy sự phát triển toàn diện về phẩm chất và năng lực học sinh.

Những khó khăn khi triển khai môn học Giáo dục địa phương

Trong 3 năm học qua, ở mỗi khối lớp trung học phổ thông, môn học này được triển khai lần đầu tiên nên gặp không ít khó khăn và thách thức, đòi hỏi sự quan tâm và giải quyết đồng bộ từ các cấp quản lý giáo dục, nhà trường và giáo viên.

Thứ nhất, một trong những khó khăn lớn nhất là thiếu tài liệu tham khảo khi bắt đầu triển khai môn này ở năm đầu của mỗi lớp. Vì là lần đầu tiên thực hiện môn học này nên khâu biên soạn, thẩm định và phát hành tài liệu thường bị chậm trễ. Bên cạnh đó, ban biên soạn tài liệu cũng chưa kịp biên soạn tài liệu tham khảo, hướng dẫn giáo viên dạy học. Điều đó khiến cho cả giáo viên và học sinh gặp nhiều lúng túng trong quá trình triển khai dạy và học, ít nhiều ảnh hưởng đến chất lượng mong muốn của bộ môn.

Thứ hai, đội ngũ giáo viên chưa đáp ứng yêu cầu môn học. Nội dung của bộ môn thường bao gồm nhiều lĩnh vực kiến thức khác nhau như Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Âm nhạc, Mĩ thuật, Giáo dục công dân. Việc bố trí, phân công giảng dạy của nhiều trường, nhiều địa phương cũng khác nhau.

Có trường phân công một giáo viên đảm nhận tất cả các chủ đề nên họ cảm thấy thiếu tự tin khi giảng dạy chủ đề khác chuyên môn chính của mình.

Có trường phân công nhiều giáo viên từ các bộ môn khác nhau để đảm nhận các chủ đề đúng chuyên môn, dẫn đến nhiều khó khăn trong việc phối hợp.

Một vấn đề khó nhất hiện nay của các trường trung học phổ thông là không có giáo viên dạy môn Âm nhạc, Mĩ thuật, chủ yếu giáo viên thỉnh giảng từ cấp trung học cơ sở nên ảnh hưởng nhiều đến thời khóa biểu và khó quản lý được chất lượng.

Thứ ba, đây là môn học duy nhất có nội dung khác biệt giữa các địa phương. Chính sự khác biệt giữa các vùng miền nên nội dung giáo dục địa phương mang nét đặc trưng của vùng miền đó.

Chẳng hạn, trong Tài liệu Giáo dục địa phương tỉnh Tây Ninh lớp 10, chủ đề “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa ở tỉnh Tây Ninh” giới thiệu di sản văn hóa như Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Trung ương Cục miền Nam, Khu di tích lịch sử văn hóa - danh thắng và du lịch núi Bà Đen,... hay Múa trống Chăm-pay, Nghề làm bánh tráng phơi sương Trảng Bàng,…

Trong Tài liệu Giáo dục địa phương tỉnh Long An lớp 10, chủ đề “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa ở tỉnh Long An” giới thiệu di sản văn hóa như Di tích khảo cổ học An Sơn, Di tích lăng mộ và đền thờ Quận công Nguyễn Huỳnh Đức,… hay Lễ hội Làm Chay, Nghề dệt chiếu lác,…

LONG AN.jpg
Tài liệu Giáo dục địa phương tỉnh Long An lớp 10

Mỗi địa phương phải tự xây dựng tài liệu riêng và giảng dạy cho học sinh đang sinh sống và học tập ở địa phương mình. Đội ngũ giáo viên dạy môn này cũng chỉ có kiến thức phù hợp về văn hóa, lịch sử, địa lý, kinh tế,... của chính địa phương mình. Vì thế, giáo viên không thể chia sẻ kinh nghiệm và kho học liệu giữa các vùng miền.

Thứ tư, tổ chức các hoạt động thực tế cũng gặp nhiều khó khăn. Mặc dù các hoạt động như tham quan di tích lịch sử, bảo tàng, làng nghề,... đóng vai trò quan trọng trong việc giúp học sinh hiểu sâu sắc hơn về địa phương, nhưng nhiều trường học gặp hạn chế về kinh phí để tổ chức các hoạt động này. Bên cạnh đó, việc sắp xếp thời gian cũng khó trong bối cảnh chương trình học khá dày đặc.

Sáp nhập tỉnh và bài toán nâng cao hiệu quả môn Giáo dục địa phương

Khoảng bốn tháng nữa, năm học mới được khai giảng trong một bối cảnh đất nước có sự thay đổi về đơn vị hành chính các cấp. Sẽ có nhiều tác động đến hệ thống giáo dục phổ thông, kiến thức trong một số bộ môn có thể phải điều chỉnh như môn Địa lý, Lịch sử, Ngữ văn và một số môn khác có bài tập liên quan nội dung đơn vị hành chính.

Môn Giáo dục địa phương đóng vai trò quan trọng trong bối cảnh mục tiêu của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 là phát triển những công dân toàn diện và gắn bó với cộng đồng địa phương. Mặc dù bộ môn này mang lại nhiều ý nghĩa thiết thực, nhưng khi triển khai đã gặp không ít khó khăn. Để bộ môn Giáo dục địa phương thực sự phát huy được tiềm năng, cần có một số giải pháp đồng bộ.

Thứ nhất, chỉnh lý tài liệu sẵn có của những địa phương sáp nhập một cách khoa học chứ không phải “2 cộng 2 bằng 4”. Bên cạnh tài liệu dạy học, các tài liệu bổ trợ cũng rất cần thiết với giáo viên. Hiện nay, tài liệu tham khảo bộ môn này không có, khiến giáo viên thật sự khó khăn trong thiết kế bài dạy.

Thứ hai, đội ngũ giáo viên cần được bồi dưỡng để nâng cao hiệu quả giảng dạy. Giáo viên cần được cung cấp kiến thức nền về lịch sử, địa lý, văn hóa, kinh tế, xã hội của vùng đất mới và được trang bị phương pháp tiếp cận và truyền đạt kiến thức một cách hiệu quả. Từ đó, giáo viên sẽ tự tin trong việc truyền tải những giá trị đặc sắc của quê hương đến học sinh.

Thứ ba, cần có hướng dẫn về đánh giá và phân công giáo viên. Giáo viên cần được hướng dẫn rõ ràng hơn về cách đánh giá hiệu quả học tập của học sinh, đặc biệt khi có sự tham gia của nhiều giáo viên cùng dạy. Tốt nhất nên phân công giáo viên dựa trên chuyên môn và sở thích của họ để học sinh được tiếp nhận những giá trị tích cực của môn học.

Tóm lại, môn Giáo dục địa phương của tỉnh/thành mới phải đảm bảo đặc điểm kinh tế - xã hội, văn hóa, lịch sử của những tỉnh trước khi sáp nhập và định hướng phát triển của tỉnh/thành mới. Tuy nhiên, mục tiêu chung vẫn là đảm bảo học sinh được trang bị những kiến thức mới mẻ, cần thiết về địa phương mới, góp phần bồi đắp tình yêu quê hương, đất nước và ý thức trách nhiệm công dân.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Trần Văn Tâm