Tôn vinh nhà khoa học: Khen thưởng cần đi kèm với cơ chế hỗ trợ sau vinh danh

03/05/2025 06:42
Thu Trang
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Cơ chế tôn vinh nhà khoa học tuy đã bước đầu đáp ứng yêu cầu nhưng vẫn cần tiếp tục hoàn thiện theo hướng nhanh chóng, công bằng, thực chất và rộng mở hơn.

Một trong những nhiệm vụ, giải pháp được Bộ Chính trị đặt ra trong Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia nhấn mạnh: "Mở rộng đa dạng các hình thức tôn vinh, biểu dương, khen thưởng kịp thời, xứng đáng với các nhà khoa học, nhà sáng chế, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có thành tích trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; trân trọng từng phát minh, sáng chế, cải tiến kỹ thuật, sáng kiến nâng cao hiệu quả công tác, hiệu suất công việc, dù là nhỏ nhất".

Điều này không chỉ định vị đúng vai trò và vị trí của các nhà khoa học, các doanh nghiệp, tổ chức có thành tích trong phát triển khoa học, công nghệ mà còn khơi dậy khát vọng cống hiến và sự dấn thân của đội ngũ trí thức trong và ngoài nước, tạo động lực để họ nỗ lực thực hiện trách nhiệm và sứ mệnh trong giai đoạn phát triển mới của đất nước.

Một số hình thức tôn vinh, khen thưởng vẫn còn hạn chế

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ Trần Linh Huân, giảng viên Khoa Luật thương mại, Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, hiện nay, các hình thức tôn vinh, khen thưởng dành cho nhà khoa học, nhà sáng chế, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo ở nước ta đã có nhiều chuyển biến tích cực với việc ban hành các giải thưởng, danh hiệu và chính sách nhằm ghi nhận đóng góp trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ và chuyển đổi số.

Tuy nhiên, nhìn tổng thể, cơ chế tôn vinh và khen thưởng vẫn còn những hạn chế nhất định. Trước hết, một số hoạt động tôn vinh chưa thực sự kịp thời, thiếu sự linh hoạt trong ghi nhận các thành tựu mang tính đột phá, đặc biệt là những sáng kiến, sáng chế có giá trị thực tiễn cao nhưng quy mô nhỏ hoặc mang tính ứng dụng địa phương. Bên cạnh đó, tiêu chí xét chọn đôi khi còn thiên về hình thức, chưa phản ánh đầy đủ giá trị đổi mới, sáng tạo và hiệu quả kinh tế - xã hội do các công trình mang lại.

Thứ hai, quy trình xét duyệt khen thưởng còn tốn nhiều thời gian, qua nhiều khâu trung gian, khiến việc tôn vinh chưa kịp thời, làm giảm động lực sáng tạo và cống hiến của các cá nhân, tổ chức.

Thứ ba, việc truyền thông và xã hội hóa các thành tựu khoa học, công nghệ chưa được thực hiện đồng bộ, dẫn đến tình trạng nhiều công trình có giá trị thực tiễn nhưng ít được biết đến, ít được vinh danh.

Nguyên nhân chính dẫn đến những hạn chế này là do hệ thống quy định pháp lý về khen thưởng còn nặng hình thức, chưa theo kịp tốc độ đổi mới nhanh chóng của khoa học công nghệ hiện đại. Đồng thời, nhận thức xã hội về vai trò then chốt của đổi mới sáng tạo đối với phát triển kinh tế - xã hội chưa thực sự sâu rộng, dẫn đến sự chưa quan tâm đúng mức trong việc tôn vinh các thành tựu.

Có thể thấy rằng các cơ chế hiện tại tuy đã bước đầu đáp ứng yêu cầu nhưng vẫn cần tiếp tục hoàn thiện theo hướng nhanh chóng, công bằng, thực chất và rộng mở hơn, đúng như tinh thần mà Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị đã nhấn mạnh để thực sự trân trọng và khuyến khích từng thành tựu, dù là nhỏ nhất trong hành trình phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo quốc gia.

Chính vì vậy, cần có sự đổi mới căn bản cả về tư duy, cơ chế và cách thức tổ chức khen thưởng để thực sự phát huy giá trị động viên, tạo động lực cho các nhà khoa học, nhà sáng chế và doanh nghiệp đổi mới sáng tạo.

Cùng bàn về vấn đề này, theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Thanh Long, Phó Trưởng phòng Công tác sinh viên, Trường Đại học Bách khoa, Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, hiện nay, Đảng và Nhà nước ngày càng thể hiện rõ sự quan tâm đối với hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, thể hiện qua việc các hình thức tôn vinh, khen thưởng dành cho nhà khoa học, nhà sáng chế và doanh nghiệp đổi mới sáng tạo đã có những chuyển biến tích cực, không ngừng gia tăng cả về số lượng lẫn uy tín.

Tuy nhiên, nhìn chung, các cơ chế khen thưởng vẫn còn chưa thật sự kịp thời và xứng đáng so với công sức, tâm huyết và đóng góp của các cá nhân, tổ chức trong lĩnh vực này.

Một trong những thách thức lớn nhất là việc thiếu cơ chế đánh giá toàn diện, minh bạch và cập nhật trong xét duyệt khen thưởng. Nhiều sáng chế, sáng kiến mang lại giá trị kinh tế - xã hội rõ rệt nhưng lại không nằm trong hệ thống đánh giá tiêu chuẩn sẵn có, dẫn đến việc bỏ sót hoặc chậm trễ trong tôn vinh.

Ngoài ra, tâm lý ngại thay đổi, sự chồng chéo giữa các cơ quan tổ chức khen thưởng và thiếu sự phối hợp giữa các bên liên quan cũng là nguyên nhân dẫn đến hiệu quả thấp. Đặc biệt, hệ thống khen thưởng còn mang nặng tính hành chính, chưa thực sự khuyến khích và thúc đẩy động lực sáng tạo trong giới trẻ, các nhóm nghiên cứu độc lập hay các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.

Bên cạnh đó, các hình thức tôn vinh hiện nay phần lớn tập trung vào các dịp tổng kết cuối năm, thiếu tính chủ động, chưa gắn với tiến độ hay tính thời sự của thành tựu khoa học.

Ảnh minh họa. VNU
Ảnh minh họa. VNU

Còn theo một giảng viên của Đại học Bách Khoa Hà Nội, có thể thấy các giải thưởng hiện nay đã có sự đánh giá khách quan, công bằng, tuy nhiên vẫn tồn tại, hạn chế trong việc tôn vinh, biểu dương, khen thưởng các nhà khoa học, nhà sáng chế, các doanh nghiệp. Việc ghi nhận vẫn còn nặng về hình thức hành chính, thủ tục xét duyệt còn phức tạp và kéo dài, một số giải thưởng, danh hiệu thiếu độ sâu của chuyên môn và chưa phản ánh đúng giá trị thực tiễn cũng như sức ảnh hưởng bền vững, lâu dài của các sản phẩm được tạo ra, đặc biệt là những sáng tạo mang tính đột phá.

Bên cạnh đó, mức đãi ngộ hiện nay vẫn còn thấp, chưa đủ tạo động lực để các nhà khoa học dành trọn thời gian và trí tuệ cho việc cống hiến, phát triển khoa học và đổi mới sáng tạo. Đồng thời, môi trường làm việc và cống hiến của đội ngũ trí thức cũng cần được cải thiện. Một môi trường và điều kiện thuận lợi sẽ là “bệ đỡ” và “chất xúc tác” quan trọng, giúp đội ngũ trí thức phát huy tối đa năng lực sáng tạo và nâng cao hiệu quả hoạt động.

Các nhà khoa học rất cần một môi trường nghiên cứu thuận lợi, nơi họ được tự do phát triển năng lực, khả năng sáng tạo, đồng thời được tôn vinh, tôn trọng và ghi nhận đúng mức. Bên cạnh đó, các chế độ đãi ngộ, chính sách bảo đảm xã hội và điều kiện nghiên cứu cũng cần được cải thiện nhằm tăng tính cạnh tranh với các trung tâm công nghệ quốc tế.

Trên thực tế, nhiều nhà khoa học không đặt nặng yếu tố vật chất, mà điều họ trân trọng hơn cả là sự ghi nhận về mặt tinh thần. Nếu được Nhà nước tôn vinh, xã hội ghi nhận theo hướng linh hoạt, cởi mở hơn, đó sẽ trở thành nguồn động lực to lớn, thúc đẩy họ tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp nghiên cứu và đổi mới sáng tạo.

Nên phát triển mạnh các quỹ tư nhân và giải thưởng từ doanh nghiệp

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Thanh Long, để đa dạng hóa và nâng cao hiệu quả khen thưởng, cần thiết lập các giải thưởng chuyên biệt theo lĩnh vực, theo quy mô (cá nhân, nhóm, tổ chức) và đặc biệt là theo độ tuổi, nhằm khuyến khích sự tham gia của cả những nhà khoa học trẻ và các tổ chức khởi nghiệp.

Bên cạnh các giải thưởng cấp nhà nước, nên phát triển mạnh các quỹ tư nhân và giải thưởng từ doanh nghiệp, hiệp hội chuyên môn để mở rộng tính tiếp cận và giảm áp lực ngân sách công.

Bên cạnh đó, cân có thêm các hình thức ghi nhận như vinh danh trong cộng đồng chuyên môn, mời tham gia các hội đồng tư vấn, tạo cơ hội công bố quốc tế hoặc hỗ trợ ươm tạo, thương mại hóa sản phẩm. Đây cũng là các hình thức thiết thực, có tác dụng lâu dài hơn nhiều so với việc chỉ trao bằng khen hay tiền thưởng.

“Một tiêu chí rất quan trọng cần bổ sung là khả năng ứng dụng thực tiễn và tác động xã hội của công trình khoa học hoặc sản phẩm đổi mới sáng tạo.

Đồng thời, cần đánh giá cao tính đột phá, sự bền vững, khả năng nhân rộng và mức độ ảnh hưởng đến cộng đồng hoặc nền kinh tế. Với nhà khoa học trẻ và doanh nghiệp khởi nghiệp, việc ghi nhận quá trình phấn đấu, tinh thần vượt khó, khả năng tự học hỏi và tinh thần cống hiến nên được đưa vào hệ thống các tiêu chí xét chọn.

Ngoài ra, khen thưởng cần đi kèm với các cơ chế hỗ trợ sau vinh danh như kết nối đầu tư, tiếp cận phòng thí nghiệm, hỗ trợ pháp lý và sở hữu trí tuệ… để tạo thành một hệ sinh thái nuôi dưỡng đổi mới sáng tạo lâu dài”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Thanh Long chia sẻ.

Ảnh minh họa. VNU
Ảnh minh họa. VNU

Cùng bàn về vấn đề này, theo Thạc sĩ Trần Linh Huân, cần triển khai đồng bộ một số giải pháp để tạo động lực mạnh mẽ hơn cho cá nhân, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Trước hết, cần xây dựng hệ thống giải thưởng đa cấp độ, phù hợp với từng nhóm đối tượng và từng loại hình thành tựu, từ cấp cơ sở, ngành, địa phương đến cấp quốc gia, qua đó ghi nhận cả những sáng kiến, cải tiến nhỏ lẻ nhưng có giá trị thực tiễn.

Thứ hai, cần đổi mới phương thức khen thưởng bằng việc gắn kết chặt chẽ với các lợi ích thiết thực như ưu tiên tiếp cận các nguồn lực nghiên cứu, hỗ trợ thương mại hóa sản phẩm, cấp chứng nhận uy tín để mở rộng cơ hội hợp tác và đầu tư.

Thứ ba, đẩy mạnh công tác truyền thông để kịp thời lan tỏa những câu chuyện sáng tạo, thành công, tạo hiệu ứng xã hội tích cực nhằm nâng cao hình ảnh và vị thế của nhà khoa học, nhà sáng chế, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo.

Cuối cùng, cần phát triển các cơ chế tôn vinh thường xuyên, linh hoạt như bảng vàng sáng tạo, lễ vinh danh trực tuyến, giải thưởng cộng đồng nhằm đảm bảo việc ghi nhận thành tích được kịp thời, rộng rãi và gắn với giá trị xã hội thực chất.

Bên cạnh những giải pháp, cần bổ sung một số tiêu chí trọng tâm để việc khen thưởng không chỉ dừng lại ở giải thưởng mà còn tạo động lực cho các nhà khoa học, nhà sáng tạo đặc biệt là nhà khoa học trẻ, doanh nghiệp khởi nghiệp như cần nhấn mạnh tiêu chí về tính đột phá và khả năng tạo tác động xã hội, không chỉ đánh giá dựa trên quy mô thành tựu mà còn dựa trên tính mới, tính sáng tạo và tiềm năng ứng dụng thực tiễn của công trình, sản phẩm.

Bên cạnh đó, cần ưu tiên ghi nhận những sáng kiến giải quyết các vấn đề thực tiễn cấp bách của quốc gia, địa phương, doanh nghiệp, qua đó khuyến khích định hướng nghiên cứu gắn với nhu cầu thực tế.

Đồng thời, cần đưa tiêu chí về tính bền vững và khả năng nhân rộng vào hệ thống xét thưởng, đặc biệt đối với các sáng kiến có tiềm năng thúc đẩy phát triển xanh, đổi mới sáng tạo bao trùm và chuyển đổi số.

Ngoài ra, nên bổ sung tiêu chí khuyến khích nỗ lực vượt khó, tinh thần khởi nghiệp sáng tạo, đặc biệt đối với các nhà khoa học trẻ, doanh nghiệp khởi nghiệp còn hạn chế về nguồn lực nhưng có ý chí vươn lên mạnh mẽ. Việc mở rộng và làm phong phú hệ thống tiêu chí theo hướng thực chất, đa chiều như vậy sẽ giúp hoạt động khen thưởng không chỉ vinh danh những thành tựu đã đạt được mà còn truyền cảm hứng, tiếp sức mạnh cho hành trình sáng tạo trong tương lai.

Thu Trang