Tôi thấy bốc thăm xác minh tài sản, thu nhập cán bộ mang tính "may, rủi" quá!

28/08/2022 06:40
Mạnh Đoàn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Các chuyên gia cho rằng, với hình thức bốc thăm để chọn ra đối tượng được xác minh tài sản, thu nhập là mang tính may, rủi.

Theo quy định, trước ngày 31/12 hàng năm, 16 nhóm đối tượng gồm Giám đốc Sở, thẩm phán, kiểm soát viên, kiểm toán viên.... và Phó trưởng phòng và tương đương trở lên công tác trong 105 ngành lĩnh vực sẽ phải kê khai tài sản, thu nhập và đơn vị quản lý sẽ nộp cho cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập có thẩm quyền.

Tiếp đó, cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập có thẩm quyền sẽ tổ chức xác minh thông tin kê khai của đối tượng thuộc diện kê khai, để xem cán bộ có trung thực hay không. Từ đó, có biện pháp xử lý với những trường hợp khai báo gian dối, góp phần phòng chống tham nhũng, tiêu cực như quy định tại Luật phòng chống tham nhũng 2018 của Quốc hội và Nghị định 130/2020 của Chính phủ.

Mới đây, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội ban hành kế hoạch xác minh tài sản, thu nhập năm 2022. Theo đó Thanh tra Thành phố Hà Nội sẽ tổ chức bốc thăm lựa chọn ngẫu nhiên cá nhân được xác minh tài sản, thu nhập tại 12/131 đơn vị, trong quý III - IX năm nay.

Hình thức bốc thăm ngẫu nhiên trên thu hút sự quan tâm của dư luận với nhiều câu hỏi đặt ra về tính khách quan, công bằng. Bởi lẽ, với hình thức bốc thăm, lãnh đạo đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp nhà nước kê khai gian dối có thể sẽ mừng thầm khi trượt và "thoát" sự kiểm tra, xác minh.

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Lưu Bình Nhưỡng - Phó Trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban thường vụ Quốc hội và ông Nguyễn Túc - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có những chia sẻ xoay quanh vấn đề trên.

Cách làm mang tính "may, rủi"

Tiến sĩ Lưu Bình Nhưỡng nhận định, việc Hà Nội tổ chức bốc thăm để chọn đối tượng xác minh tài sản, thu nhập là cách thực hiện mới, bản thân ông chưa thấy đơn vị nào thực hiện như vậy.

Bởi vậy, quan điểm của Tiến sĩ Lưu Bình Nhưỡng là phải chỉ định rõ đối tượng thuộc diện xác minh tài sản.

“Lãnh đạo đứng đầu đầu đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp nhà nước phải là đối tượng được xác minh thu nhập, tài sản trước tiên, sau đó mới đến cấp dưới. Lãnh đạo các đơn vị phải gương mẫu đầu tiên", ông Nhưỡng cho hay.

Tiến sĩ Lưu Bình Nhưỡng (Ảnh: TD)
Tiến sĩ Lưu Bình Nhưỡng (Ảnh: TD)

Theo Phó Trưởng Ban Dân nguyện, việc lựa chọn bốc thăm sẽ mang tính chất may rủi, bởi có thể cấp trưởng khi bốc thăm sẽ không thuộc diện được xác minh. Từ đây, cấp dưới là cấp phó có thể sẽ "ấm ức" bởi sự không khách quan của hình thức này.

Quan điểm của ông Nhưỡng là cấp ủy, Mặt trận tổ quốc và chính quyền cần họp liên tịch, ra hẳn Nghị quyết quy định rõ ràng, về việc xác minh thu nhập, tài sản với đối tượng nào.

Đồng quan điểm với Tiến sĩ Lưu Bình Nhưỡng, ông Nguyễn Túc cho hay, hình thức bốc thăm để chọn đối tượng xác minh thu nhập, tài sản là biện pháp giám sát chưa "sát sườn" các cán bộ.

Bởi lẽ sẽ có những lãnh đạo đứng đầu đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp nhà nước sẽ không nằm trong diện số lượng 10% cán bộ của đơn vị phải xác minh.

Ông Túc nhận định, theo Nghị định 130/2020 của Chính phủ, số cơ quan, tổ chức, đơn vị được tiến hành xác minh phải tối thiểu bằng 20% số cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc thẩm quyền kiểm soát của cơ quan kiểm soát thu nhập, tài sản có thẩm quyền.

Tuy nhiên, Hà Nội chỉ tổ chức xác minh tài sản, thu nhập tại 12/131 đơn vị, tức chỉ chiếm khoảng gần 10%, bằng một nửa so với quy định, ông Túc cho rằng, có thể việc thực hiện xác minh bằng hình thức bốc thăm đang được thí điểm.

"Chúng ta nên đợi kết quả việc thực hiện xác minh trên xem sao, từ đó sẽ có giải pháp cho những lần sau", ông Túc nhận định.

Công bố kết quả kê khai tài sản cán bộ minh bạch sẽ giúp giám sát hiệu quả

Theo quy định, tại Luật phòng chống tham nhũng 2018 của Quốc hội và Nghị Nghị định 130/2020 của Chính phủ, thông tin kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ tại các đơn vị, cơ sở, doanh nghiệp phải được công khai.

Cụ thể, tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị, bản kê khai tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai thuộc sở, ngành cấp tỉnh, phòng, ban cấp huyện được niêm yết tại trụ sở cơ quan hoặc công khai tại cuộc họp bao gồm toàn thể cán bộ, công chức, viên chức...

Đối với người dự kiến được bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý tại cơ quan, tổ chức, đơn vị và doanh nghiệp nhà nước, bản kê khai thu nhập, cá nhân của những đối tượng này được công khai bằng hình thức công bố tại cuộc họp lấy phiếu tín nhiệm.

Luật quy định như vậy, tuy nhiên, ông Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, việc thực hiện công khai bản kê khai chưa được các cơ quan, tổ chức, đơn vị và doanh nghiệp thực hiện nghiêm.

"Việc niêm yết bản kê khai tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai, tại trụ sở cơ quan, đơn vị, các tổ chức và doanh nghiệp có nhiều ý kiến cho rằng đang làm rất hình thức. Họ có thể dán niêm yết bản kê khai ở trong phòng nào đó, nơi không ai biết đến để xem", ông Nhưỡng cho hay.

Theo ông Nhưỡng, nguyên nhân khiến các đơn vị ngại công khai bản kê khai tài sản, thu nhập cán bộ vì đây là vấn đề "tế nhị".

"Tôi chưa thấy trường hợp nào kê khai tài sản, thu nhập gian dối bị cảnh cáo, giáng chức, cho thôi việc... Nếu có, các đơn vị cũng giấu vì người ta luôn cho là nhạy cảm. Thực tế, tôi cho rằng việc này nên công khai, bởi không có gì để giấu", Phó Trưởng Ban Dân nguyện cho hay.

Trước ý kiến cho rằng, nên công khai thông tin kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ tại chính địa phương mà cán bộ sinh sống, từ đây đơn vị sẽ nhận được những phản ánh khách quan nhất về việc kê khai của cán bộ có đúng hay không?

Về quan điểm trên, Tiến sĩ Lưu Bình Nhưỡng hoàn toàn đồng tình, ông cũng cho rằng phải thông báo kết quả kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ ở bên ngoài trụ sở, thậm chí phải để cho chi bộ của đơn vị công khai và mặt trận giám sát xem việc kê khai có trung thực hay không.

"Theo tôi, để thực hiện nghiêm việc kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, cần phải thành lập tổ công tác đặc biệt để đi kiểm tra việc thực hiện của các đơn vị", Tiến sĩ Nhưỡng đề xuất.

Ông Nguyễn Túc - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (Ảnh: MTTQVN)

Ông Nguyễn Túc - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (Ảnh: MTTQVN)

Bình luận về vấn đề trên, ông Nguyễn Túc cho rằng, nếu thông tin kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ được công khai tại địa phương là biện pháp giám sát rất thiết thực "sát sườn", từ đây cũng tạo thuận lợi cho việc xác minh của cơ quan chức năng.

"Địa phương có thể mời đại diện các tổ dân phổ đến tuyên truyền về thông tin bản kê khai tài sản, thu nhập của các cán bộ, từ đó để mọi người bỏ phiếu kín xem cán bộ có khai báo trung thực hay không.

Việc này có thể sẽ có người ngại đụng chạm nhưng với những cán bộ đã về hưu thì họ không hề ngại. Ví như ở trong chi bộ tôi có 105 cán bộ nghỉ hưu và ở phường có 3 cán bộ tham gia cùng. Bởi vậy, cán bộ có tài sản, kinh tế, quan hệ thế nào mọi người nắm bắt được ngay", ông Túc chia sẻ.

Mạnh Đoàn