Lập BCĐ phòng chống tham nhũng tiêu cực cấp tỉnh là 1 bước tiến quan trọng

24/06/2022 06:36
Ngân Chi
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Theo PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, phải đòi hỏi đề cao trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức Đảng địa phương, không thể “khoán” cho Ban Chỉ đạo phát hiện, xử lý hết sai phạm

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Phúc (Nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) đã có những chia sẻ thẳng thắn về một số hạn chế trong công tác cán bộ; đồng thời, chỉ ra những yếu tố “then chốt” giúp Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh thành đạt hiệu quả thực chất.

Phóng viên: Thưa Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Phúc, thầy có đánh giá thế nào về công tác cán bộ trong thời kỳ đổi mới, đặc biệt trong những năm gần đây, thưa thầy?

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Phúc: Trước hết, theo tôi, công tác cán bộ là một vấn đề lớn trong xây dựng Đảng. Bởi vì theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cán bộ là “cái gốc” của mọi việc, thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém. Vì thế, chúng ta rất quan tâm đến vấn đề đào tạo, bồi dưỡng, phát huy năng lực của cán bộ. Thậm chí, Chủ tịch Hồ Chí Minh coi xây dựng, chăm chút cho đội ngũ cán bộ giống như “người làm vườn chăm sóc cho cây quý”.

Với quan điểm như thế, trong công cuộc đổi mới, Đảng cũng rất chú trọng đào tạo bồi dưỡng, bố trí cán bộ, kể cả phát huy tối đa năng lực, trình độ, cống hiến của cán bộ đối với sự phát triển của đất nước. Đặc biệt, là trong điều kiện đổi mới, hội nhập quốc tế, đòi hỏi những yêu cầu mới của cán bộ cao hơn nhiều so với trước đây, cả về trình độ, năng lực quản lý.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Phúc (Nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh). (Ảnh: NVCC).

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Phúc (Nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh). (Ảnh: NVCC).

Vừa qua, đánh giá khái quát lại, công tác cán bộ của chúng ta cũng đã có những bước tiến rất quan trọng. Đội ngũ cán bộ đã có những bước trưởng thành và đóng góp tích cực vào sự nghiệp đổi mới.

Mặc dù vậy, vẫn còn một bộ phận cán bộ mắc vào suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, có những biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa. Đó chính là những người gây nên tình trạng tham nhũng, tiêu cực trong bộ máy của Đảng và Nhà nước, ở tất cả các cấp, Tổ chức Đảng

Từ những đánh giá như vậy, có thể thấy được rằng, yêu cầu chống tham nhũng, tiêu cực là vấn đề lớn đặt ra để ngăn chặn sự suy thoái của một bộ phận cán bộ, Đảng viên. Và bộ phận ấy, nếu như không ngăn chặn được, sẽ làm suy yếu Đảng, làm ảnh hưởng đến năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu và năng lực cầm quyền của Đảng trong điều kiện mới.

Phóng viên: Với những tồn tại như vậy, thành lập Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sẽ có vai trò và tác động cụ thể ra sao, thưa thầy?

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Phúc: Trong đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, chúng ta đã có Ban Chỉ đạo Trung ương do Tổng Bí thư đứng đầu, đã làm hết sức quyết liệt, tích cực để xử lý các cán bộ, Đảng viên sai phạm. Gần đây nhất, có thể kể đến là vụ sai phạm của công ty Việt Á, có liên quan đến ông Chu Ngọc Anh (nguyên Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ), ông Phạm Công Tạc (nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ), và ông Nguyễn Thanh Long (nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế)... Như vậy, các cán bộ lãnh đạo cấp cao cũng đã bị xử lý.

Tuy nhiên, có một vấn đề nữa đặt ra, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã nói, đấu tranh chống tham nhũng tiêu cực phải tiến hành đồng bộ, phải tạo được sự thống nhất cao trong toàn Đảng, từ trên xuống dưới, dọc ngang phải thuận, chứ đây không phải chỉ là việc của Trung ương.

Chính vì thế, Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã quyết định thành lập Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực ở cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, để nâng cao hơn trách nhiệm của các tổ chức Đảng địa phương trong cuộc đấu tranh này, đồng thời cũng khắc phục những yếu kém, tiêu cực của từng Đảng bộ, vì hơn ai hết, các tổ chức Đảng, cấp ủy nắm vững được thực chất của đội ngũ cán bộ như thế nào. Đồng thời, cũng sẽ đánh giá, phát hiện kịp thời những sai phạm của cán bộ, Đảng viên hơn, nhất là những cán bộ, Đảng viên giữ các cương vị trong bộ máy của Đảng bộ, chính quyền địa phương.

Như vậy, đây là một bước tiến quan trọng trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, đồng thời xử lý tốt nhất mối quan hệ giữa Trung ương và địa phương.

Trước đây, một số địa phương có thể có những nhận thức theo kiểu, cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực này chủ yếu nằm ở cấp Trung ương, còn cấp địa phương thì cũng không nặng nề; hoặc cũng có thể có địa phương không nhận thức được đầy đủ được về tình hình thực tiễn, đôi khi nghĩ rằng, tham nhũng, tiêu cực chỉ xuất hiện ở đâu đó, còn trong Đảng bộ địa phương mình không có chuyện đó.

Chưa kể, cũng có những chuyện, có tham nhũng, tiêu cực ở địa phương, có nhận thức được, nhưng không dám đương đầu, không dám đấu tranh. Tức là, thấy sai không dám đấu tranh, thấy đúng cũng không dám bảo vệ, dẫn đến dĩ hòa vi quý, thậm chí bao che cho những sai trái. Từ đó, dẫn đến kết quả chống tham nhũng, tiêu cực trong Đảng đó hình thức và ít hiệu quả.

Từ những đánh giá như vậy, tôi cho rằng, quyết định thành lập Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực ở cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sẽ tạo sự liền mạch, đồng bộ, chặt chẽ từ Trung ương đến địa phương.

Phóng viên: Vậy, theo thầy, để Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực các địa phương có thể hoạt động hiệu quả và thực chất nhất, đâu là yếu tố “then chốt” nhất?

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Phúc: Thành lập Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh thành là một bước tiến, để mang lại kết quả tích cực, Ban Bí thư cũng đã ban hành những quy chế cụ thể. Các địa phương cứ căn cứ vào đó mà thực thi một cách nghiêm túc, nhất định sẽ đạt được hiệu quả.

Tuy nhiên, theo tôi, hoạt động hiệu quả của Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh thành cũng có hai khía cạnh:

Thứ nhất, Ban Chỉ đạo đi vào hoạt động, sẽ phải ra sức tuyên truyền, cảnh báo, cảnh tỉnh, đồng thời, bằng hoạt động thực tiễn của mình, phải nhắc nhở đối với cán bộ, Đảng viên có chức có quyền.

Thứ hai, Ban Chỉ đạo phải thực sự tiến hành vào công việc, phối hợp Ủy ban Kiểm tra của tỉnh ủy/Thành ủy, phối hợp với Thanh tra của chính quyền, Thanh tra nhân dân, hoạt động của các đoàn thể, của chính nhân dân phát hiện. Ban Chỉ đạo phải thực sự lắng nghe, từng thành viên phải thấy rõ trách nhiệm của mình, để kịp thời phát hiện, kịp thời ngăn chặn và xử lý những cán bộ sai phạm, chứ không phải chỉ mấy tháng họp một lần, rồi kiểm điểm hình thức...

Tôi xin nói thêm, vừa rồi, một số địa phương cũng có nhiều cán bộ sai phạm, nhưng không phải do chính địa phương đó phát hiện, mà từ Ủy ban Kiểm tra Trung ương xem xét phát hiện. Tôi lấy ví dụ, như những sai phạm của Bình Thuận, Đà Nẵng, Khánh Hòa... trong thời gian gần đây cũng như trong mấy năm qua chẳng hạn. Những ví dụ trên đều cho thấy, địa phương chưa thật sự vào cuộc trong việc phát hiện những sai phạm.

Tôi mong rằng, sau khi thành lập Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh thành, dưới sự lãnh đạo của cấp ủy, của Thường vụ cấp ủy, do đồng chí Bí thư đứng đầu, phối hợp với Ủy ban Kiểm tra,... phải thật sự vào cuộc với tất cả tinh thần, trách nhiệm của mình, phải thực sự vào cuộc để phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm minh. Phải xác định đó là trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân, vì tham nhũng, tiêu cực, lãng phí này ảnh hưởng trực tiếp đến vận mệnh của dân tộc, nhân dân, đất nước.

Tôi tin rằng, với cách hành động quyết liệt như thế và thực hiện theo đúng quy định của Ban Bí thư, công cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực tại các địa phương nhất định sẽ thành công, tiêu cực sẽ giảm bớt đi rất nhiều...

Tôi cứ hình dung, Ban Chỉ đạo này cũng giống như những người “cầm cân nảy mực” để xem xét, phát hiện, xử lý những sai phạm, tiêu cực kịp thời. Nếu làm được một cách nghiêm túc, bài bản như thế, thì sẽ đạt được hiệu quả thực chất.

Phóng viên: Vừa qua, có một số ý kiến lo ngại, nếu các thành viên Ban Chỉ đạo coi đây là nhiệm vụ kiêm nhiệm, liệu có thể đạt hiệu quả cao nhất?

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Phúc: Tôi xin nhấn mạnh, bản thân các đồng chí được lựa chọn vào Ban Chỉ đạo, phải là những cán bộ, Đảng viên gương mẫu, trong sạch và có uy tín, có năng lực, có trách nhiệm và bản lĩnh. Trước hết phải có những phẩm chất như vậy, thì mới có thể hoàn thành được nhiệm vụ. Và đương nhiên, đó đều là những người “gánh” trách nhiệm trong tổ chức Đảng và chính quyền địa phương.

Đồng thời, tôi cho rằng, không nên coi đây là một việc kiêm nhiệm mà phải thấy rõ đây là một trách nhiệm lớn lao mà Đảng bộ đã giao cho mình, phải xác định làm hết tinh thần, trách nhiệm.

Trên thực tế, cũng có hiện tượng cục bộ, địa phương che chắn, bao che cho những sai phạm. Hiện tượng ấy từ trước đến nay cũng vẫn có, hoặc xảy ra ở một Đảng bộ, một tổ chức chính quyền nào đó, nhưng lại bị chi phối bởi những mối quan hệ thân quen, gia đình, dòng họ... hay quan hệ thân thiết với nhau từ trước, nên không có sự xử lý kịp thời, nghiêm minh. Ban Chỉ đạo cũng phải biết những chuyện như vậy để phòng ngừa.

Tuy nhiên, theo tôi, khi chúng ta làm việc một cách công khai, dân chủ, minh bạch, có nguyên tắc, thì những tiêu cực ấy sẽ bị giảm bớt và đều có thể khắc phục.

Chính vì vậy, ở đây, đòi hỏi đề cao trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức Đảng tại địa phương, tức là địa phương cũng phải vào cuộc chứ không phải “khoán” cho Ban Chỉ đạo.

Cũng giống như với Ban Chỉ đạo cấp Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương phải thực sự vào cuộc, lãnh đạo kịp thời, chặt chẽ, mới có thể hoạt động hiệu quả nhất.

Vậy, với Ban Chỉ đạo cấp tỉnh thành cũng thế, cũng cần nêu cao trách nhiệm của cấp ủy, Thường vụ cấp ủy, người đứng đầu... Nếu làm tốt được với tinh thần công khai, dân chủ, minh bạch, có trách nhiệm, có bản lĩnh, nhất định cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực ở từng tỉnh, từng thành phố sẽ đạt hiệu quả tốt. Từ đó, sẽ lan tỏa xuống các cấp huyện, cấp quận, cấp cơ sở... một cách tốt hơn, góp phần làm cho Đảng trong sạch vững mạnh và hoàn thành trách nhiệm lãnh đạo, cầm quyền trong thời kỳ mới.

Về vấn đề này, tôi cho rằng, để đạt được hiệu quả, cũng phải từ từ từng bước, chứ không nên nghĩ là nay thành lập Ban Chỉ đạo thì ngày mai sẽ tốt lên toàn bộ ngay. Phải qua hành động, qua thực tiễn làm việc, đề cao tinh thần trách nhiệm, thì công tác cán bộ tại địa phương nhất định sẽ đi vào quy củ, hoạt động của Ban Chỉ đạo sẽ đẩy lùi những tiêu cực, những khuyết điểm đã nêu.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn những chia sẻ của thầy!

Ngân Chi