Chuyên gia: Nên sửa đổi lại Luật đất đai để chặn đứng cán bộ thoái hóa

01/04/2022 06:30
Mạnh Đoàn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Theo chuyên gia, trước nhiều sai phạm của cán bộ trong quản lý đất đai, và để phù hợp với thực tế hiện nay thì cần sửa đổi Luật đất đai.

Liên quan đến những sai phạm trong quản lý đất đai của một số cán bộ đã bị kỉ luật, đưa ra xét xử, dư luận cho rằng vẫn có chồng chéo trong quản lý đất, nên cần phải sửa đổi luật để phù hợp với thực tiễn.

Bình luận vấn đề trên, giáo sư Đặng Hùng Võ (nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường) và Đại biểu quốc hội tỉnh Đồng Tháp Phạm Văn Hòa đã có những chia sẻ xoay quanh vấn đề trên.

Sửa đổi luật để phù hợp với thực tiễn

Chia sẻ về vấn đề trên, Đại biểu quốc hội tỉnh Đồng Tháp Phạm Văn Hòa cho hay, trong năm 2021, nhiều cán bộ, lãnh đạo bị đưa ra xét xử do liên quan đến sai phạm đất đai.

Ví như các nguyên lãnh đạo tại tỉnh Bình Dương gây thất thoát cả nghìn tỉ đồng, khi vào năm 2012, ông Trần Văn Nam (cựu Bí thư tỉnh ủy Bình Dương) khi còn giữ chức Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương đã kí công văn chấp thuận giá đất dịch vụ tại khu liên hợp với giá được tỉnh này ban hành từ năm 2006 là 51 nghìn đồng/m2, để Cục thuế tính tiền sử dụng đất đối với 2 khu đất có tổng diện tích 188 ha cho Tổng công ty 3-2.

Đại biểu quốc hội tỉnh Đồng Tháp Phạm Văn Hòa. (Ảnh: TN)

Đại biểu quốc hội tỉnh Đồng Tháp Phạm Văn Hòa. (Ảnh: TN)

Hay như vụ án sai phạm tại Ủy ban nhân dân quận Bình Thủy (Cần Thơ) giai đoạn 2015-2017, khi các cán bộ biết rõ khu đất được quy hoạch nhưng vẫn cho chuyển mục đích sử dụng đất từ đất trồng cây lâu năm, đất trồng lúa chuyển sang đất ở đô thị đối với người sử dụng đất là các hộ gia đình, cá nhân.

Trong vụ án này, các cán bộ cho rằng cơ quan Cơ quan điều tra đã không căn cứ vào Luật quy hoạch, mà chỉ căn cứ vào Luật đất đai để xử lý.

Về việc này, Đại biểu quốc hội tỉnh Đồng Tháp nhận định, không thể nói các cán bộ quận Bình Thủy "vô tội", khi họ thực hiện theo Luật quy hoạch. Bởi là cán bộ quản lý thì họ phải am hiểu về luật pháp hơn ai hết và phải chịu trách nhiệm về hành vi mà họ đã làm. Bên cạnh đó, nếu họ không sai thì cơ quan điều tra tại sao lại xử lý họ dựa trên Luật đất đai.

Tuy nhiên dựa trên thực tế hiện nay, ông Phạm Văn Hòa cho rằng, nhìn về mặt chủ quan và khách quan, hiện Luật đất đai còn nhiều vấn đề rất bất cập như chồng chéo với Luật xây dựng, Luật nhà ở...Từ đây, theo ông thì chúng ta cần sửa đổi lại Luật đất đai để phù hợp với thực tiễn hiện nay của xã hội.

"Theo tôi cần sửa đổi Luật đất đai để phù hợp với tình hình thực tiễn của đất nước ta hiện nay, đặc biệt là trong việc giải phóng mặt bằng, đền bù giải tỏa cho người dân...", ông Hòa nói.

Bên cạnh đó, ông Hòa cũng cho rằng sai phạm chủ yếu đến từ sai phạm mang yếu tố chủ quan của những cán bộ quản lý.

"Sai phạm của cán bộ là do chủ quan và không tu dưỡng được phẩm chất, đạo đức. Họ chủ động phối hợp hay do tác động của những doanh nghiệp làm ăn bất chính nhằm trục lợi từ ngân sách nhà nước.

Vì vậy nhiều cán bộ đã thiếu tinh thần trách nhiệm, gây hậu quả nghiêm trọng, làm trái quy định của nhà nước", ông Phạm Văn Hòa cho hay.

Có sự chồng chéo trong quản lý đất đai

Theo nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, thực tế hiện nay, có rất nhiều sai phạm về đất đai tại các địa phương, không thể nói hết được.

Ví dụ như nơi thì chia lô bán nền, nơi thì đấu giá, nơi thì thực hiện thẩm quyền không đúng, nơi thì tạo lợi ích riêng cho mình làm thất thoát ngân sách nhà nước....

Giáo sư Đặng Hùng Võ (nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường". (Ảnh: Tuổi trẻ Thủ đô)

Giáo sư Đặng Hùng Võ (nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường". (Ảnh: Tuổi trẻ Thủ đô)

Giáo sư Đặng Hùng Võ nhận định, hiện nay có sự chồng chéo rất lớn trong cơ chế đấu giá đất và đấu thầu dự án sử dụng đất.

Theo đó, trong Luật đất đai 2013 có quy định, các tỉnh sẽ thành lập quỹ phát triển đất và lấy tiền đó để giải phóng mặt bằng, sau đó khi mặt bằng đã sạch thì đem ra đấu giá đất. Đồng thời cũng có quy định một số trường hợp không phải đấu giá đất, ví dụ như mang tính xã hội nhiều hơn, hoặc mang tính cụ thể nào đó.

Tuy nhiên, tại Luật đấu thầu lại đưa ra Nghị định để hướng dẫn cơ chế đấu thầu, lựa chọn chủ đầu tư, như khi có đất sạch thì đấu giá, không có đất sạch thì đấu thầu.

Quy định như trên cũng có tính hợp lý nhất định nhưng Luật đất đai 2013 lại khác.

"Luật đất đai 2013 quy định, không có trường hợp nào là đất chưa giải phóng mặt bằng, đất là do nhà nước lấy từ quỹ phát triển đất ra để giải phóng mặt bằng. Quy định rất cụ thể và rõ ràng, khi thực hiện thì nhà nước phải giải phóng mặt bằng để đưa đất ra đấu giá. Như vậy có sự chồng chéo rất lớn trong việc phê duyệt đất, cách thức đưa đất ra thị trường thế nào đều phải thông qua đấu giá, trừ một số trường hợp đặc biệt.

Tuy nhiên hiện nay các tỉnh không đưa ra đấu giá mà lại áp dụng chủ yếu nghị định về đấu thấu để lựa chọn chủ đầu tư", ông Đặng Hùng Võ chia sẻ.

Phòng, chống sai phạm về đất đai ra sao?

Theo giáo sư Đặng Hùng Võ, luật đã có quy định, cấp trên chịu trách nhiệm giám sát việc thi hành của cấp dưới, cấp cao nhất là bộ tài nguyên và môi trường. Để xử lý sai phạm, chúng ta cần xem cụ thể sai ở cấp nào sẽ biết sai từ đâu.

"Biện pháp ở đây là thực thi cho nó đúng, chứ đừng có kiểu cấp nọ bật đèn xanh cho cấp kia, hay như việc tư lợi để điều hành trái pháp luật.

Pháp luật quy định rõ ràng nhưng chỉ là người thi hành pháp luật không đúng, có những vụ việc được phát hiện hoặc có những vụ bị "ỉm đi" nhưng nó liên quan đến lợi ích nhóm là chính", ông Võ cho hay.

Ông Đặng Hùng Võ cũng cho rằng, trong thực tế, có cán bộ sai phạm về luật này nhưng nếu xét luật khác thì không sai, bởi lẽ mỗi một luật thì do một Bộ, một Tổng cục thay mặt cho Bộ trình lên, nên thành ra luật này thì thắt chặt, còn luật kia thì nới lỏng.

Thực tế, có những cán bộ muốn trục lợi đất đai thì tìm mọi cách để luồn lách nhưng cũng đôi khi là bị "vạ".

"Vạ" ở đây là có những trường hợp muốn cho địa phương phát triển nên phê duyệt dự án nhưng phê duyệt có thể đúng luật này lại chặt luật khác.

"Chúng ta nên khắc phục tình trạng chồng chéo pháp luật, khi xây dựng luật pháp thì đừng giao cho từng bộ, mà phải đưa ra cách thức xây dựng nó thống nhất, đừng vì lợi ích riêng của cái Bộ này hay đơn vị khác, làm cho luật pháp không ăn nhập đâu cả", ông Võ nói

Mạnh Đoàn