Chống tham nhũng KV ngoài Nhà nước: SSC không thể chối bỏ trách nhiệm

28/04/2022 08:45
Mạnh Đoàn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Các chuyên gia cho rằng, để các cá nhân thao túng thị trường chứng khoán, phát hành trái phiếu sai luật, Ủy ban chứng khoán Nhà nước (SSC) phải chịu trách nhiệm.

Tổng kết Báo cáo thực hiện Kết luận số 10 năm 2016, tháng 4/2022 Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 12-KL/TW về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Điểm nhấn trong Kết luận lần này là về việc phòng, chống tham nhũng trong doanh nghiệp ngoài nhà nước về đấu thầu, đấu giá, sử dụng đất đai ...

"Khẩn trương rà soát, khắc phục những sơ hở, bất cập trong các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đấu thầu, đấu giá, quản lý, sử dụng đất đai, tài sản công, tài chính, chứng khoán,…;

Sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai, Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Luật Thanh tra, Luật Thực hành dân chủ ở xã, phường, thị trấn, Luật Tiếp công dân và các dự án luật khác liên quan trực tiếp đến phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực ...", trích Kết luận số 12.

Ủy ban chứng khoán Nhà nước không thể chối bỏ trách nhiệm

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Túc - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã có chia sẻ xoay quanh vấn đề trên.

Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam Nguyễn Túc. (Ảnh: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Quảng Trị)

Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam Nguyễn Túc. (Ảnh: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Quảng Trị)

Ông Nguyễn Túc cho hay, việc cơ quan điều tra Bộ Công an bắt ông Trịnh Văn Quyết (Chủ tịch Hội đồng quản trị FLC) và ông Đỗ Anh Dũng (Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh), ông Đỗ Thành Nhân (Chủ tịch Louis Holdings), là những minh chứng cụ thể về quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong việc chống tham nhũng khu vực ngoài nhà nước.

"Thời gian vừa qua, chúng ta có thể thấy đã xuất hiện khá nhiều hiện tượng móc ngoặc giữa tư nhân với cán bộ nhà nước, điều này thể hiện rất rõ những người có chức có quyền đều có "sân sau" trước khi về hưu.

Việc chống tham nhũng ngoài cơ quan nhà nước là một vấn đề hết sức cần thiết, nhằm "chặt đứt" sự móc ngoặc giữa những người nhân danh là doanh nhân với người có chức có quyền", Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nói.

Trước câu hỏi dư luận băn khoăn về trách nhiệm của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước khi để xảy ra những sai phạm về chứng khoán, trái phiếu, ông Nguyễn Túc cho rằng, với những sai phạm mà cơ quan chức năng đã xác định, Ủy ban chứng khoán Nhà nước không thể chối bỏ trách nhiệm.

Cụ thể, theo ông Nguyễn Túc: "Việc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước từng xử phạt hành chính đối với các sai phạm của doanh nghiệp chứng khoán, trái phiếu nhưng những hành vi tương tự vẫn lặp lại đồng nghĩa với việc xử phạt là chưa đủ sức răn đe.

Các cán bộ lão thành cách mạng thường nói rằng, một số cán bộ hiện nay đứng trước "cám dỗ" về vật chất đã suy thoái về đạo đức, lối sống. Vì vậy cần phải nâng cao việc giáo dục, quản lý đội ngũ cán bộ là một vấn đề cực kì cấp thiết. Bởi sự thoái hóa biến chất có thể đã len lỏi vào mọi lĩnh vực, mọi ngóc ngách của đời sống", ông Túc chia sẻ.

Ông Túc cũng cho rằng, vì lợi ích không chính đáng, các doanh nghiệp sẵn có "trăm mưu nghìn kế" để trục lợi. Những cá nhân lãnh đạo những doanh nghiệp như thế không thể gọi họ là doanh nhân yêu nước, doanh nhân xã hội chủ nghĩa được.

Ở đây, vấn đề nguy hiểm nhất là đồng tiền đã làm cho con người ta đánh mất phẩm chất, môi trường doanh nghiệp bị bất bình đẳng, môi trường kinh doanh méo mó và nhất là điều này có thể dẫn đến mất niềm tin vào chế độ là rất nguy hiểm.

"Tôi từng phát biểu trước Thường vụ Quốc hội rằng, một trong những yêu cầu cấp thiết là phải thực hiện được việc dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát là phải làm sao giải quyết tận gốc những đơn từ khiếu nại của dân. Có như vậy mới ổn định đời sống nhân dân, môi trường kinh tế được", ông Túc chia sẻ.

Luật chưa chặt chẽ, tạo kẽ hở cho doanh nghiệp lách luật

Cũng chia sẻ quan điểm với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về Kết luận số 12 của Bộ Chính trị, ông Nguyễn Bá Thuyền (Đại biểu Quốc hội khóa XII-XIII, nguyên Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân tỉnh Lâm Đồng) đồng tình với việc phòng chống tham nhũng không chỉ đối với các cơ quan nhà nước, mà còn làm nghiêm việc chống tham nhũng khu vực ngoài nước.

"Từ những sai phạm của các doanh nghiệp ngoài quốc doanh cho thấy, họ cũng sử dụng chung một thủ đoạn là bòn rút tiền thuế của nhà nước để đi mua chuộc cán bộ. Vì vậy, theo tôi cần chống tham nhũng không chỉ cơ quan nhà nước mà còn cả ở khu vực ngoài Nhà nước", ông Nguyễn Bá Thuyền cho biết.

"Ngoài ra phải có cơ chế cho doanh nghiệp nhà nước chịu trách nhiệm về đồng vốn nhà nước cấp. Bên cạnh đó, nếu họ làm được lợi nhuận thì được thưởng phần trăm nhằm khích lệ công nhân viên.

Nếu làm được việc này thì cũng sẽ giảm việc 'rút ruột' các dự án... trong doanh nghiệp nhà nước", ông Thuyền chia sẻ.

Ông Thuyền phân tích thêm, bên cạnh đó cũng cần phải tăng cường quản lý đối với các công dân khi giàu lên một cách nhanh chóng.

Bởi tiền tham nhũng, nhận hối lộ thường được chuyển cho người thân, vì vậy việc chống tham nhũng phải làm trong toàn xã hội. Nếu làm được điều này thì phòng chống tham nhũng mới là toàn diện.

Liên quan đến nội dung vụ việc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước hủy 9 lô trái phiếu với trên 10.000 tỷ đồng của Tân Hoàng Minh khiến nhiều nhà đầu tư "điêu đứng", ông Nguyễn Bá Thuyền nhận định, hành động của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước là không đúng quy định và khi xảy ra sự việc rồi thì lo sợ trách nhiệm.

"Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có quyền hủy phiên giao dịch nhưng là với lí do khác, ví như doanh nghiệp làm sai, chứ không phải khi doanh nghiệp đã có dấu hiệu phạm tội thì mới hủy", ông Thuyền chia sẻ.

Về việc Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội đăng công khai thông tin trái phiếu của Tân Hoàng Minh, trong khi đó Ủy ban Chứng khoán Nhà nước không nắm được, ông Thuyền cho rằng, việc phát hành trái phiếu cần phải xem xét lại có đúng quy định hay không và nhằm mục đích gì.

"Luật chứng khoán, luật về phát hành cổ phiếu chưa được chặt chẽ nên doanh nghiệp đã lách luật. Bên cạnh đó nhà đầu tư cũng không xem xét kĩ việc phát hành trái phiếu nhằm mục đích gì", ông Thuyền chia sẻ.

Mạnh Đoàn