Ngày 6/4/2022, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 12-KL/TW khẳng định rõ việc tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Theo đó, song song với quá trình hoàn thiện thể chế phòng ngừa tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, nhất là cơ chế kiểm soát quyền lực trong các lĩnh vực, hoạt động dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, việc tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, kiên quyết, kiên trì xây dựng văn hóa tiết kiệm, không tham nhũng, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân là rất quan trọng.
Từ 'đại án' Việt Á
Vụ án vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; đưa hối lộ, nhận hối lộ; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ xảy ra tại Công ty Cổ phần công nghệ Việt Á (Công ty Việt Á), Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hải Dương (CDC Hải Dương), các đơn vị, địa phương liên quan bị phanh phui gần đây đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận xã hội.
Tại Kỳ họp thứ 13 được tổ chức từ ngày 28 đến ngày 31/3, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xem xét kết quả kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với một số cơ quan ban ngành liên quan đến vụ việc tại Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á.
Rất nhiều cán bộ của Bộ, ngành có liên quan đã vướng vòng lao lý vì liên quan đến công ty Việt Á. Ảnh minh họa: VTC |
Theo đó: Ban cán sự đảng, Lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, thiếu kiểm tra, để một số đồng chí lãnh đạo Bộ và đơn vị vi phạm quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước trong việc phê duyệt, giao tổ chức thực hiện, ký hợp đồng, đánh giá, nghiệm thu, chuyển giao, quản lý, kiểm tra, giám sát, thanh quyết toán kinh phí thực hiện Đề tài khoa học nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm xét nghiệm Covid-19 của Học viện Quân y; trong truyền thông, xác nhận và đề nghị khen thưởng đối với Học viện Quân y, Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á và một số cá nhân.
Ban cán sự đảng, Lãnh đạo Bộ Y tế đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, thiếu kiểm tra, để một số lãnh đạo Bộ và đơn vị vi phạm quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước trong việc đánh giá chuyên môn, kiểm tra, giám sát; cấp phép, cấp số đăng ký lưu hành; hiệp thương giá và mua sắm bộ sinh phẩm xét nghiệm Covid-19 của Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á.
Một số lãnh đạo, cán bộ Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Y tế cùng chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm nêu trên; chịu trách nhiệm cá nhân về những vi phạm, khuyết điểm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.
Những vi phạm được cơ quan chức năng xác định là đã gây hậu quả nghiêm trọng, thiệt hại tiền và tài sản của Nhà nước, gây bức xúc trong xã hội, ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức đảng, của Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Y tế, đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật.
Liên quan đến những vi phạm nêu trên còn có trách nhiệm của một số tổ chức, cá nhân thuộc Bộ Tài chính, sẽ tiếp tục được kiểm tra, làm rõ.
Đối với Học viện Quân y Ủy ban Kiểm tra Trung ương quyết định khai trừ ra khỏi Đảng đối với Thượng tá Hồ Anh Sơn, Bí thư Chi bộ, Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu Y Dược học Quân sự; Đại tá Nguyễn Văn Hiệu, Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng Phòng Trang bị, Vật tư, Học viện Quân y.
Tháng 12/2021, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố bị can, lệnh khám xét và áp dụng biện pháp ngăn chặn đối với ông Nguyễn Minh Tuấn, nguyên Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị - Công trình y tế, Bộ Y tế; ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ Y tế; ông Trịnh Thanh Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành kinh tế kỹ thuật, Bộ Khoa học và Công nghệ.Các bị can trên bị khởi tố về tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ".[1]
Cùng với các nhân sự đã được cơ quan chức năng xác định có sai phạm và chịu trách nhiệm, 5 Giám đốc CDC cũng đã xác định tội danh và xử lý nghiêm.
Những người này bị khởi tố tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" gồm: Phạm Duy Tuyến, Giám đốc CDC Hải Dương; Nguyễn Văn Định, Giám đốc CDC Nghệ An; Nguyễn Thành Danh, Giám đốc CDC Bình Dương; Lâm Văn Tuấn, Giám đốc CDC Bắc Giang và Hoàng Văn Đức, Giám đốc CDC Thừa Thiên - Huế.
Trong đó, ông Phạm Duy Tuyến còn bị khởi tố tội "Nhận hối lộ". [2]
Đến hàng loạt những 'đại gia' vướng vòng lao lý
Trong khi vụ án Công ty Việt Á đang được các cơ quan chức năng khẩn trương điều tra làm rõ, vào cuối tháng 3/2022, vụ án xảy ra tại Tập đoàn FLC, cùng nhiều nhân sự cấp cao của Tập đoàn FLC, Công ty Cổ phần Chứng khoán BOS và các công ty liên quan tiếp tục được đưa ra ánh sáng.
Việc cái tên đình đám trong giới đầu tư chứng khoán là ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC bị rơi vào vòng lao lý đã khiến dư luận quan tâm.
Trước khi vướng vòng lao lý, ông Trịnh Văn Quyết cũng đã từng bị phạt vì hành vi bán chui cổ phiếu.
Hành vi "thao túng thị trường chứng khoán;" "che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán" xảy ra trong tháng 1/2022, gây thiệt hại cho nhà đầu tư, ảnh hưởng đến hoạt động của thị trường chứng khoán Việt Nam của Trịnh Văn Quyết đang được Bộ Công an khẩn trương điều tra làm rõ.
Liên tiếp sau đó, hai em gái của Trịnh Văn Quyết là Trịnh Thị Minh Huế và Trịnh Thị Thúy Nga và hai cộng sự Hương Trần Kiều Dung và Nguyễn Quỳnh Anh với vai trò đồng phạm giúp sức Trịnh Văn Quyết thực hiện hành vi phạm tội “Thao túng thị trường chứng khoán" đã bị khởi tố để điều tra làm rõ các sai phạm.[3]
Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hoàng Minh Đỗ Anh Dũng (bìa trái) và Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC đều vướng vòng lao lý vì những hành vi sai phạm. Ảnh: Vietnamnet |
Ngay sau hàng loạt nhân sự của FLC bị vướng vòng lao lý, nhân sự cấp cao của cái tên nổi tiếng trong giới bất động sản là Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hoàng Minh Đỗ Anh Dũng cũng đã bị cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam để điều tra, xác minh một số hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật liên quan việc phát hành trái phiếu, huy động tiền của nhà đầu tư của các công ty thành viên thuộc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại Dịch vụ Khách sạn Tân Hoàng Minh (Tập đoàn Tân Hoàng Minh).
Cùng với Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hoàng Minh, 6 bị can khác cũng bị khởi tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.”[4]
Liên tục các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực được phanh phui trong thời gian vừa qua đều liên quan hoặc xảy ra trong lĩnh vực kinh tế.
Chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về tính chất nghiêm trọng của vụ việc các vụ việc trên ông Ngô Văn Sửu nguyên Vụ trưởng Vụ 1, Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho rằng:
"Việc quyết liệt xử lý những vụ án vừa qua cho thấy quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong nhiệm vụ phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
Việc xử lý như vậy cho thấy, việc Đảng và Nhà nước đề ra chủ trương "không có vùng cấm", "không có ngoại lệ" đã được hiện thực hóa.
Việc xử lý quyết liệt như vậy tôi cho rằng đã củng cố niềm tin của nhân dân đồng thời tái khẳng định,
Các vụ việc được đưa ra ánh sáng một lần nữa tái khẳng định quyết tâm mạnh mẽ, “không ngừng,” “không nghỉ,” không vì chống dịch mà “chùng xuống, không xử lý” của Đảng, Nhà nước trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Tất cả mọi sai phạm, bất kể người đó là ai nếu lạm quyền, làm trái để thu lợi bất chính chắc chắn đều phải trả giá. Những động thái quyết liệt của Đảng và Nhà nước trong việc xử lý, những vụ án tiêu cực đã thể hiện rằng không có vùng cấm, không có ngoại lệ cho những sai phạm, kể cả các Bộ trưởng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đương chức hay các cán bộ lãnh đạo, cán bộ địa phương hay cả những doanh nhân làm ăn phi pháp, lũng đoạn kinh tế cũng đã bị nêu tên.
Cũng theo ông Ngô Văn Sửu, những sự việc vừa qua cho thấy tội phạm kinh tế đã có những chuyển biến vô cùng phức tạp, nó không chỉ là "sân sau" của quan chức hay lợi ích của một nhóm nào đó mà nó còn cho thấy sự lũng đoạn trong nền kinh tế.
Nguyên Vụ trưởng Vụ 1, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã chỉ ra minh chứng cụ thể về chỉ một sự việc Việt Á đã liên quan đến 2 Bộ, 1 đơn vị của Bộ Quốc phòng và rất nhiều cán bộ ở các địa phương.
"Việc xử lý quyết liệt và đưa ra nhiều cán bộ liên quan đến sai phạm vừa cho thấy sự nguy hiểm của các loại tội phạm tham nhũng đồng thời cũng khẳng định công cuộc phòng chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước rất cam go, phức tạp.
Tuy nhiên, mỗi thời kỳ lại có những nhiệm vụ mới, và thành tựu đạt được càng củng cố niềm tin của nhân dân vào nhiệm vụ phòng chống tham nhũng tiêu cực của Đảng và Nhà nước ta.
Việc xem xét, xử lý nghiêm minh, thẳng tay loại bỏ những ung nhọt để kinh tế-xã hội phát triển lành mạnh là điều rất quan trọng, tạo thêm niềm tin cho doanh nghiệp, nhà đầu tư, người dân cùng chung tay để phát triển đất nước", Nguyên Vụ trưởng vụ 1, Ủy ban kiểm tra Trung ương khẳng định.
Tài liệu tham khảo:
[1] https://ubkttw.vn/danh-muc/tin-tuc-thoi-su/thong-cao-bao-chi-ky-hop-thu-13-cua-uy-ban-kiem-tra-trung-uo.html
[2] https://vtc.vn/hang-loat-can-bo-sai-pham-bi-ky-luat-lien-quan-vu-kit-xet-nghiem-cua-viet-a-ar669168.html
[3] https://giaoduc.net.vn/tieu-diem/khoi-to-bat-tam-giam-doi-voi-trinh-van-quyet-chu-tich-hdqt-flc-post225416.gd
[3]
https://giaoduc.net.vn/tieu-diem/bat-them-2-dong-pham-giup-suc-trinh-van-quyet-thao-tung-thi-truong-chung-khoan-post225659.gd
[4] https://giaoduc.net.vn/tieu-diem/bat-tam-giam-tong-giam-doc-tap-doan-tan-hoang-minh-post225576.gd