Chức danh “trợ lý, thư ký” lãnh đạo – quyền và hành

20/04/2023 06:42
Xuân Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Theo Bác, pháp luật phải thẳng tay trừng trị những kẻ bất liêm, bất kỳ kẻ ấy ở địa vị nào, làm nghề nghiệp gì... tham lam là có tội với nước, với dân”

Hội nghị Trung ương 5 khóa XI (tháng 5/2012) đã quyết định chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị do Tổng Bí thư làm Trưởng Ban để chỉ đạo toàn diện công tác phòng, chống tham nhũng trên phạm vi cả nước.

Thực hiện chủ trương này, ngày 01/02/2013, Ban Chỉ đạo đã chính thức được thành lập và bắt đầu triển khai các hoạt động, với thành phần gồm những cán bộ lãnh đạo chủ chốt ở các cơ quan có liên quan của Đảng và Nhà nước. Ngày 10/9/2021, Bộ Chính trị thống nhất tên gọi “Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực” thay cho tên cũ là “Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng”).

Tính đến giữa năm 2022, 170 cán bộ cấp cao diện Trung ương quản lý, trong đó có 33 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, hơn 50 sỹ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang bị kỷ luật Đảng. [1]

Ảnh minh họa: N.Diệp

Ảnh minh họa: N.Diệp

Không ít người trong số cán bộ lãnh đạo sau khi bị kỷ luật Đảng đã bị xử lý hình sự về mặt chính quyền - tức là trở thành người phạm tội trong các vụ án.

Trong số tội phạm bị bắt giam, có hai người được truyền thông nhắc đến nhiều là Nguyễn Quang Linh, nguyên trợ lý Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ (bị bắt ngày 27/09/2022) và Nguyễn Văn Trịnh - trợ lý của Phó Thủ tướng khác - bị bắt ngày 30/11/2022 với tội danh “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Tội danh “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” đã nói rõ người phạm tội đồng thời phải có cả “chức vụ” và “quyền hạn”.

Vậy “trợ lý” Phó Thủ tướng là chức danh gì, quyền lực thế nào mà lại có thể “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”?

Gần 20 năm trước, Quốc hội khóa 11 đã ban hành Nghị quyết số 730/2004/NQ-UBTVQH11 (Nghị quyết 730) về “Bảng lương chức vụ, bảng phụ cấp chức vụ đối với cán bộ lãnh đạo Nhà nước; bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ ngành Toà án, ngành Kiểm sát”. Đối tượng thụ hưởng các quy định trong Nghị quyết này chỉ bao gồm các nhân sự trong cơ quan công quyền, chưa bao gồm các tổ chức chính trị, chính trị xã hội và một số cơ quan, tổ chức được cấp ngân sách nhà nước.

Đầu năm 2023, Bộ Chính trị yêu cầu xây dựng, ban hành bảng lương chức vụ bảo đảm đồng bộ, thống nhất với danh mục chức danh, chức vụ lãnh đạo và tương đương của hệ thống chính trị từ trung ương đến cơ sở, sửa đổi mức phụ cấp kiêm nhiệm chức danh. [2]

Trước đó, do yêu cầu thực tiễn, khi chưa có một văn bản quy phạm pháp luật đồng bộ về chế độ đối với cán bộ, công chức trong toàn bộ hệ thống, ngày 19/08/2021 Trung ương đã ban hành Quy định số 30-QĐ/TW về: “Tiêu chuẩn, điều kiện, nhiệm vụ, quyền hạn, quy trình bổ nhiệm, chính sách, chế độ đối với chức danh trợ lý, thư ký”.

Theo quy định này, chức danh lãnh đạo có trợ lý bao gồm:

a) Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội, Thường trực Ban Bí thư.

b) Ủy viên Bộ Chính trị.

c) Ủy viên Ban Bí thư, Phó Chủ tịch nước, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Quốc hội.

Điều 3, Quy định số 30-QĐ/TW: “Trợ lý, thư ký của đồng chí lãnh đạo nào thì do đồng chí lãnh đạo đó giới thiệu hoặc cơ quan nơi đồng chí lãnh đạo làm việc đề xuất theo yêu cầu của đồng chí lãnh đạo, đáp ứng đủ tiêu chuẩn, điều kiện tại Điều 4 Quy định này”.

Có thể thấy “trợ lý” là những người do lãnh đạo chọn, đội ngũ này được tiếp xúc, làm việc trực tiếp với các vị lãnh đạo cao nhất trong hệ thống chính trị.

Chức danh Phó Thủ tướng được sử dụng một trợ lý, “trong trường hợp cần thiết, nếu có nhu cầu sử dụng số lượng trợ lý nhiều hơn quy định thì báo cáo Bộ Chính trị xem xét, quyết định”.

Trong số 04 nhiệm vụ và 03 quyền hạn của trợ lý, có hai điều rất đáng chú ý:

Nhiệm vụ thứ 2 và 3:

- Chủ động nắm tình hình, nghiên cứu, cập nhật thông tin, phân tích, tham mưu, đề xuất những nội dung liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn của đồng chí lãnh đạo.

- Trực tiếp hoặc phối hợp với cơ quan, cá nhân có liên quan tham mưu, chuẩn bị văn bản, bài viết, bài phát biểu… theo yêu cầu của đồng chí lãnh đạo.

Quyền hạn của trợ lý:

- Được phối hợp với cơ quan, cá nhân có liên quan để thực hiện nhiệm vụ; theo dõi tiến độ thực hiện các công việc được giao.

- Được yêu cầu cung cấp thông tin, tài liệu phục vụ công việc.

- Được mời tham dự các cuộc họp theo sự phân công của đồng chí lãnh đạo và phát biểu khi cần thiết

Theo phân công nhiệm vụ của Phó Thủ tướng trong Quyết định số 19/QĐ-TTg, một vị Phó Thủ tướng có thể chịu trách nhiệm theo dõi tới 10 bộ và cơ quan ngang bộ.

Chẳng hạn Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà được phân công “theo dõi và chỉ đạo: Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Y tế; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; Đại học Quốc gia Hà Nội; Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh”.

Điều này cho thấy, trợ lý của một Phó Thủ tướng có quyền phối hợp làm việc rất nhiều đơn vị thuộc hệ thống chính trị, thậm chí còn có quyền “tham dự và phát biểu” trong các cuộc họp của hàng chục bộ, ngành nếu có sự phân công của Phó Thủ tướng.

Từ 03 quy định về quyền hạn của trợ lý, có thể thấy chức danh trợ lý đã được trao nhiều quyền lực nhưng việc quản lý đội ngũ này lại khá “mềm mại”.

Tìm trong Quy định 30-QĐ/TW, không thấy nói về trách nhiệm của trợ lý hoặc chế tài xử lý khi trợ lý mắc khuyết điểm. Toàn bộ điều 12: Quản lý, sử dụng (trợ lý – NV) chỉ gồm 02 điều:

1. Nhận xét, đánh giá hằng năm

Đồng chí lãnh đạo nhận xét, đánh giá trợ lý, thư ký về kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; chi bộ nơi trợ lý, thư ký sinh hoạt nhận xét, đánh giá, phân loại chất lượng đảng viên.

Kết quả nhận xét, đánh giá được làm căn cứ xếp loại công chức, bình xét thi đua, khen thưởng, kỷ luật và thực hiện các khâu trong công tác cán bộ.

2. Về chế độ làm việc

Trợ lý, thư ký có thể được bố trí làm việc tại các đơn vị trong cơ quan hoặc làm việc độc lập theo yêu cầu của đồng chí lãnh đạo.

Từ những tìm hiểu nêu trên, có thể thấy phạm vi "ảnh hưởng” của một vị trợ lý Phó Thủ tướng rộng hơn nhiều so với lãnh đạo bộ và cơ quan ngang bộ.

Khi chọn trợ lý cho mình thì cũng có nghĩa là lãnh đạo tin tưởng người được chọn, vấn đề là lãnh đạo có nên kiểm tra độ trung thực của trợ lý?

Trên thực tế chỉ có hai khả năng xảy ra, hoặc là trợ lý qua mặt cấp trên trực tiếp của mình để nhận hối lộ hoặc là có sự “thông cảm” từ lãnh đạo.

Nhìn vào uy tín, tư cách của hai nguyên Phó Thủ tướng có trợ lý phạm tội, người viết chọn khả năng thứ nhất, họ bị trợ lý qua mặt. Nói thế không có nghĩa là họ không phải chịu trách nhiệm bởi người phạm tội do chính họ lựa chọn, đề bạt nên chuyện họ thôi chức là có thể hiểu.

Phải chăng đây cũng là lời cảnh tỉnh cho những người có trách nhiệm khi nhân sự mà họ lựa chọn, giới thiệu hoặc phê duyệt vi phạm pháp luật?

Số tiền doanh nghiệp hối lộ cựu trợ lý Nguyễn Quang Linh (khoảng hơn 4,2 tỷ đồng) chỉ bằng 1/10 so với số tiền Phạm Trung Kiên, cựu thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhận (gần 43 tỷ đồng), điều này cho thấy “nghệ thuật kiếm tiền” của bộ phận quan chức trong vụ “chuyến bay giải cứu” không chỉ phụ thuộc vào chức vụ của người nhận mà còn phụ thuộc vào vị trí công tác của họ.

Khoản tiền những người tham nhũng (là cán bộ, công chức) nhận từ doanh nghiệp chỉ là một phần nhỏ trong lợi nhuận mà những người thực hiện hành vi hối lộ thu được. Trong vụ Việt Á các đối tượng kiếm lãi 4.000 tỷ đồng và chỉ sử dụng 800 tỷ đồng để "bôi trơn", nếu không bị phanh phui, các đối tượng này bỏ túi 3.200 tỷ đồng.

Đó là mồ hôi nước mắt của dân mà những đối tượng có hành vị phạm tội đã chộp giật qua sự tiếp tay của một bộ phận cán bộ lãnh đạo không đặt chữ "liêm" lên trên trong công việc. Nhận hối lộ từ 1 tỷ đồng trở lên có khung hình phạt từ 20 năm tù đến chung thân hoặc tử hình theo quy định trong Bộ Luật Hình sự

Rồi nhiều phiên tòa sẽ được mở. Đối tượng phạm tội không chỉ bất liêm mà còn bất lương bởi đã đánh cắp niềm tin của những người Việt xa xứ, bôi nhọ chủ trương nhân văn của Nhà nước đối với công dân của mình trong hoàn cảnh dịch bệnh hoành hành khắp thế giới.

Ngay từ năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã yêu cầu: “Pháp luật phải thẳng tay trừng trị những kẻ bất liêm, bất kỳ kẻ ấy ở địa vị nào, làm nghề nghiệp gì. Mỗi người phải nhận rằng, tham lam là một điều rất xấu hổ, kẻ tham lam là có tội với nước, với dân”. [3]

Mong muốn của dân chúng là các cơ quan bảo vệ pháp luật thực hiện đúng theo lời dạy của Hồ Chủ tịch “thẳng tay trừng trị những kẻ bất liêm”, những người phạm pháp ở vị trí, vai trò, chức danh càng cao càng phải phạt nặng.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://vtv.vn/chinh-tri/ky-luat-hon-170-can-bo-cap-cao-trong-10-nam-2022062821005665.htm

[2] https://tuoitre.vn/bo-chinh-tri-yeu-cau-ban-hanh-bang-luong-chuc-vu-sua-phu-cap-kiem-nhiem-20230307143626411.htm

[3] https://nhandan.vn/xay-dung-van-hoa-liem-chinh-post744002.html

Xuân Dương